.

Sửa đổi, bổ sung 37 luật có quy định liên quan đến quy hoạch

.
09:37, Thứ Bảy, 03/11/2018 (GMT+7)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 2-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Đỗ Văn Sinh phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Đỗ Văn Sinh phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Nghiên cứu sửa tên Luật

Các đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch và đáp ứng yêu cầu có hiệu lực thi hành cùng với Luật Quy hoạch từ ngày 1-1-2019.

Việc sửa đổi, bổ sung các luật cần thực hiện theo nguyên tắc: Lấy Luật Quy hoạch làm gốc, các luật khác có liên quan phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật Quy hoạch.

Các luật khác không quy định lại, quy định trái nội dung đã được quy định tại Luật Quy hoạch; bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ.

Bên cạnh đó, bảo đảm thứ bậc của các loại quy hoạch, không quy định cùng một cấp có hai quy hoạch với nội dung và giá trị pháp lý như nhau.

Về tên gọi, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu, cân nhắc tên gọi của dự án Luật là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch” để thống nhất với tên gọi của Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

Cho ý kiến về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực xây dựng (Điều 29 dự thảo Luật), đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm một số khu chức năng để tránh việc điều chỉnh, bổ sung sau này như khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia…

Từng khu chức năng cần gắn với thứ bậc và mức độ quan trọng để tiện cho việc phân cấp, phân quyền quản lý quy hoạch. Ví dụ, khu di tích quốc gia, khu thể thao quốc gia khác với khu di tích cấp tỉnh, khu thể thao cấp tỉnh.

Có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ pháp luật chuyên ngành nào sẽ được áp dụng đối với quy hoạch cho các khu vực vừa có chức năng du lịch, vừa có chức năng di sản, cần được bảo tồn, vừa là danh lam, thắng cảnh là những khu vực dựa trên lợi thế đặc thù về tài nguyên du lịch để lựa chọn hướng phát triển phù hợp.

Nhiều ý kiến khác nhau về tích hợp quy hoạch xây dựng tỉnh với quy hoạch tỉnh

Tại phiên thảo luận, vấn đề có nên tích hợp quy hoạch xây dựng tỉnh với quy hoạch tỉnh hay không được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến.

Dự thảo Luật đề xuất các địa phương sẽ thực hiện song song hai hệ thống quy hoạch. Một là quy hoạch tỉnh, nằm trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung cả nước. Hai là quy hoạch xây dựng tỉnh, tức là hệ thống quy hoạch mang tính kỹ thuật và chuyên ngành hơn. Điều này giúp cụ thể hóa các định hướng về không gian và vật thể trên địa bàn. Bên cạnh đề xuất thực hiện song song hai hệ thống, cũng có những ý kiến cho rằng nên tích hợp thành một.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) ủng hộ phương án tách biệt hai loại quy hoạch và cho rằng nên để quy hoạch xây dựng tỉnh như một quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành riêng để chi tiết hóa những nội dung phát triển không gian của quy hoạch tỉnh.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) lại cho rằng, nếu dự thảo vẫn có thêm quy hoạch xây dựng tỉnh, các tỉnh sẽ phải lập hai bộ quy hoạch cấp tỉnh.

Một là, lập quy hoạch tỉnh theo phương pháp tích hợp, gửi Hội đồng thẩm định gồm các thành viên là đại diện các bộ ngành, địa phương, các chuyên gia để thẩm định. Nếu đạt yêu cầu, Hội đồng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hai là, lập quy hoạch xây dựng tỉnh bằng cách sau khi quy hoạch tỉnh được Thủ tướng phê duyệt, Ủy ban Nhân dân các tỉnh chỉ cần ”copy” quy hoạch tỉnh và lược bỏ một số nội dung, đổi tên rồi tự thẩm định lại, phê duyệt sau khi có thống nhất của Bộ Xây dựng.

“Như vậy, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng tỉnh được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt sau khi có phương án thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng là một loại “giấy phép con cực to,” làm cản trở dòng chảy quá trình hoạt động quy hoạch ở địa phương, gây lãng phí hàng ngàn tỷ đồng và kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội đất nước,” đại biểu Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh.

Quy định chi tiết hình thức công bố quy hoạch

Liên quan đến việc công bố công khai thông tin quy hoạch, Điều 38 Luật Quy hoạch quy định, chậm nhất 15 ngày kể từ ngày quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, toàn bộ nội dung quy hoạch phải được công bố công khai, trừ những nội dung liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) nêu thực tế, người dân, đặc biệt là nhà đầu tư, vì nhiều lý do khác nhau thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận quy hoạch.

Nhiều quy hoạch dù được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của luật chuyên ngành, nhưng chưa được công bố công khai, hoặc thậm chí không được công bố công khai.

Để khắc phục tình trạng này, đại biểu đề nghị dự án Luật cần quy định chi tiết hơn về các hình thức công bố quy hoạch, đặc biệt là các quy hoạch cấp dưới như quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Đối với quy định việc lấy ý kiến về quy hoạch, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho biết: Trong quy định về lập quy hoạch tại các luật chuyên ngành, như Luật Đất đai 2013, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Quản lý Đô thị năm 2009 đều có quy định việc lấy ý kiến trong quá trình lập quy hoạch.

Tại khoản 2, Điều 43 Luật Đất đai 2013 đưa ra các quy định về hình thức, nội dung và thời gian lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Chính phủ cũng ban hành Nghị định hướng dẫn thêm về nội dung này.

Tuy nhiên, các nội dung trong luật mới chú ý đến hình thức, biểu mẫu lấy ý kiến; chưa chú ý đến chủ thể được lấy ý kiến, cụ thể là người dân. Vì thế, dự án Luật cần quy định rõ tiêu chí để xác định đối tượng lấy ý kiến.

"Sự không rõ ràng và minh bạch trong việc lựa chọn người lấy ý kiến là nguyên nhân dẫn tới những mâu thuẫn phát sinh, đặc biệt thời gian gần đây, người có quyền lợi liên quan không được góp ý, thậm chí không được biết về quy hoạch, không nắm rõ vấn đề được đưa ra. Do đó, dự án Luật cần xây dựng một tiêu chí chung để các luật chuyên ngành thống nhất áp dụng trong việc lựa chọn đối tượng, góp ý trong quá trình lập quy hoạch," đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh.

Theo Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)

,
  • Một số nội dung trả lời chất vấn của 25 lãnh đạo trước Quốc hội

    Trong ba ngày từ 30-10 đến 1-11-2018, tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn, các thành viên Chính phủ, trưởng ngành cơ bản đã trả lời rõ, thẳng thắn về kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục.

    02/11/2018
    .
  • [Infographics] Thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp

    Trong những năm qua, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, hợp tác phát triển.

    02/11/2018
    .
  • Quốc hội nghe các tờ trình đề nghị phê chuẩn Hiệp định CPTPP

    Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 2-11, các đại biểu Quốc hội đã nghe các Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

    02/11/2018
    .
  • Đảng bộ thị xã Ba Đồn: Xây dựng tác phong làm việc theo phong cách Hồ Chí Minh

    (QBĐT) - Để thực hiện có hiệu quả chuyên đề năm 2018 "Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"...

    02/11/2018
    .
  • Thủ tướng: Không để tái diễn vụ việc Con cưng, phạt đổi 100 USD

    Thực hiện Chương trình làm việc, chiều 1-11, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường về chất vấn và trả lời chất vấn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất vấn của đại biểu Quốc hội.

    02/11/2018
    .
  • Sáng nay, 2-11, Quốc hội nghe trình xem xét phê chuẩn hiệp định CPTPP

    Theo Thông cáo số 10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, ngày 2-11, buổi sáng, Quốc hội nghe tờ trình, các báo cáo về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan và tiến hành thảo luận tổ về nội dung này.

    02/11/2018
    .
  • Họp quốc hội: Đẩy nhanh xử lý các ngân hàng yếu kém và nợ xấu

    Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 1-11, các đại biểu đã nêu nhiều câu hỏi đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng về việc thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt; việc duy trì trần lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng; tiến trình xử lý nợ xấu; xử lý các ngân hàng yếu kém, sử dụng ngoại tệ khu vực biên giới…

    01/11/2018
    .
  • Làm thế nào để quy định từ chức áp dụng được với các đảng viên?

    Chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình sáng 1-11, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt câu hỏi: Hội nghị Trung ương 8 có quy định trách nhiệm nêu gương là "chủ động từ chức khi thấy mình không đủ điều kiện, năng lực và uy tín." Theo Phó Thủ tướng, làm thế nào để quy định này áp dụng được với các đảng viên?

    01/11/2018
    .