.
Tượng đài "Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình":

Công trình mang ý nghĩa chính trị, văn hóa và xã hội vô cùng to lớn

.
08:31, Thứ Ba, 23/10/2018 (GMT+7)

1. Sự cần thiết xây dựng Tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình” tại thành phố Đồng Hới

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước ta tuy giành được độc lập nhưng lại đứng trước những thử thách nặng nề. Thực dân Pháp và các thế lực thù địch tiến hành các hoạt động thâm độc, xảo quyệt, âm mưu cướp nước ta một lần nữa. Để giữ vững nền độc lập tự do cho dân tộc, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Người, nhân dân ta với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” đã đồng sức, đồng lòng tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ và giành thắng lợi vẻ vang, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, rút quân về nước.

Ngay sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ vừa ký kết, Mỹ nhảy vào miền Nam dựng lên chính quyền tay sai, bù nhìn Ngô Đình Diệm, ra sức phá hoại việc thực thi Hiệp định, điên cuồng chống phá, lê máy chém đi khắp miền Nam tàn sát những người cách mạng, những người tham gia và ủng hộ cuộc kháng chiến, hòng thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới: miền Bắc tiến hành hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo và phát triển kinh tế-xã hội. miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong điều kiện đất nước bị chia cắt, Quảng Bình-Vĩnh Linh trở thành nơi tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam. Để động viên nhân dân Quảng Bình-Vĩnh Linh vượt qua khó khăn, hàn gắn vết thương chiến tranh, xứng đáng là “tiền đồn” của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, với tình cảm sâu nặng của mình, ngày 16-6-1957, Bác Hồ đã vào thăm Quảng Bình. Bác dành thời gian quý báu để gặp mặt cán bộ cốt cán tại Hội trường Tỉnh ủy; nói chuyện với ba vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quảng Bình và Đoàn Dân chính Đảng Đặc khu Vĩnh Linh tại sân vận động Đồng Hới; đi thăm cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325 đóng quân tại Hải Thành, Đồng Hới…

Dẫu thời gian vào thăm chưa nhiều, chưa đáp ứng được lòng mong mỏi, khát vọng của quân và dân Quảng Bình nhưng với khoảnh khắc lịch sử ấy, với các cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh hay nói chuyện với nhân dân, thăm các chiến sĩ lực lượng vũ trang…, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Quảng Bình những tình cảm thiêng liêng, sâu nặng với tấm lòng yêu thương vô bờ bến và cao hơn hết là những chỉ dẫn ân cần, thể hiện rõ những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo mang tính chiến lược, lâu dài, sâu sắc cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Bình.

Kể từ khi Bác Hồ về thăm Quảng Bình đến nay đã hơn 60 năm, cùng với thời gian, hình ảnh thân thương, tình cảm sâu sắc cùng những lời căn dặn ân cần của Người mãi mãi khắc ghi, ngày càng sâu đậm trong trái tim, khối óc quân và dân Quảng Bình. Xây dựng Tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình” là ước nguyện thiêng liêng của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân Quảng Bình, để ghi dấu một sự kiện lịch sử trọng đại-Bác Hồ về thăm Quảng Bình vào ngày 16-6-1957.

Thực hiện Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 7-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020, theo tiêu chí đô thị loại II, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình còn thiếu một số thiết chế văn hóa, như: Quảng trường trung tâm thành phố, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và nhiều công trình hạ tầng đô thị…

Do đó, việc xây dựng Tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình” không chỉ giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng cho các thế hệ, thể hiện tình cảm sâu nặng, lòng thành kính, sự biết ơn sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Quảng Bình đối với Bác Hồ mà còn góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng xã hội của một đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc trong xu thế hội nhập, phát triển.

2. Cơ sở pháp lý và thực tiễn để thực hiện Dự án

Chủ trương xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Đồng Hới đã được Ban Bí thư đồng ý và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 185/2004/QĐ-TTg ngày 28-10-2004 về việc phê duyệt Quy hoạch Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2010. Theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Quảng Bình được quy hoạch xây dựng tượng đài Nhóm A2 (cùng với các tỉnh Hà Giang, Cần Thơ và Hải Phòng).

Từ đó đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết, thông báo để xây dựng Tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình”. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Bình; thành lập Ban Tổ chức Cuộc thi sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình”; ban hành thể lệ Cuộc thi sáng tác mẫu; thành lập Hội đồng Nghệ thuật xây dựng Tượng đài; lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân tham gia và cho ý kiến với mẫu phác thảo mà Ban Tổ chức cuộc thi đã chấm chọn. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan, chủ quan khác nhau, Dự án chưa thể thực hiện.

Ngày 26-5-2016, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 101/TB-VPCP, thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Quy hoạch Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030. Trên cơ sở xem xét, cân nhắc kỹ các điều kiện, khả năng hiện có, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 tiếp tục thống nhất chủ trương đề nghị xây dựng Tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình” tại trung tâm thành phố Đồng Hới theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đây, đã thông qua Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh và đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 25-8-2017, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về chủ trương thực hiện Dự án xây dựng Tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình”, theo hình thức sử dụng vốn ngân sách Nhà nước (Thông báo số 448/TB-VPCP ngày 22-9-2017 của Văn phòng Chính phủ).

Để đảm bảo quy định hiện hành, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư thực hiện Dự án. Ngày 8-2-2018, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 467/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết Quần thể Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, thành phố Đồng Hới, tỷ lệ 1/500. Ngày 13-4-2018, tại Quảng Bình, Hội đồng nghệ thuật tiến hành góp ý về đồ án Quy hoạch Quần thể Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tỷ lệ 1/500, trong đó đã xác định vị trí đặt Tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình”.

Ngày 21-6-2018, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định số 2059/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Quần thể Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, tỷ lệ 1/500. Ngày 13-8-2018, sau khi triển khai thực hiện các bước quy trình xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Đồng Hới, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có văn bản số 24-TTr/TU báo cáo xin chủ trương của Ban Bí thư về mẫu phác thảo Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Tại phiên họp ngày 29-8-2018, sau khi nghe Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình báo cáo, xin ý kiến về mẫu phác thảo Tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình” tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình và ý kiến của các cơ quan liên quan, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thảo luận và thống nhất cao mẫu phác thảo Tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình”; hoan nghênh Tỉnh ủy Quảng Bình đã chỉ đạo tiến hành nghiêm túc, kỹ lưỡng, thận trọng, chu đáo công tác chuẩn bị mẫu phác thảo Tượng đài; đồng thời đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức thi công đảm bảo chất lượng nghệ thuật tốt nhất cho công trình. (Công văn số 7563-CV/VPTW ngày 31-8-2018 của Văn phòng Trung ương Đảng về ý kiến của Ban Bí thư về mẫu phác thảo Tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình”).

3. Những nội dung chính trong Dự án Tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình” tại thành phố Đồng Hới

- Vị trí, phạm vi ranh giới Quy hoạch chi tiết Quần thể Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình

Khu vực lập, điều chỉnh quy hoạch Quần thể Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc phường Hải Đình, thành phố Đồng Hới, có ranh giới được xác định: Phía Bắc giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai; phía Đông giáp đường Hùng Vương; phía Nam và phía Tây giáp tường thành cổ Đồng Hới, diện tích 7,3 ha.

- Quy mô, chất liệu Tượng đài

Quy mô nhóm đối tượng 7 nhân vật, chất liệu nhóm tượng bằng hợp kim đồng có chiều dày 2,5 cm, bệ tượng cao 3 mét; Bác Hồ là nhân vật trung tâm, chiều cao tượng Bác Hồ 5,4 mét; các nhân vật còn lại cao từ 3,2 mét đến 5,31 mét, gồm: Nhân vật thiếu nhi đại diện cho thế hệ trẻ; nhân vật nữ đại diện cho nông nghiệp; nhân vật nam đại diện cho ngư nghiệp; nhân vật nam (bộ đội) đại diện cho lực lượng vũ trang; nhân vật nam (công nhân) đại diện cho công nhân, trí thức; nhân vật nữ người dân tộc Bru Vân Kiều đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình.

- Nội dung mỹ thuật

Thể hiện được thần thái, trang phục của Bác Hồ vào thời điểm lịch sử Bác Hồ về thăm Quảng Bình năm 1957, gặp mặt và nói chuyện thân ái với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tỉnh Quảng Bình. Nhóm nhân vật đại diện các tầng lớp nhân dân tỉnh Quảng Bình được thể hiện tập trung hướng nhìn về Bác Hồ với tấm lòng thành kính.

Sau lưng cụm tượng là biểu trưng cánh buồm, đây là hình ảnh tiêu biểu thể hiện Quảng Bình đang căng buồm vượt sóng ra khơi, vươn ra biển lớn, thi đua học tập và làm theo lời Bác dạy. Cánh buồm làm bằng chất liệu đá xanh cao 20 mét, lõi kết cấu bê tông cốt thép.

- Vị trí đặt Tượng đài

Tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình” đặt tại Quảng trường trung tâm thành phố Đồng Hới, quay về hướng Đông, phía trước là đường diễu hành, sân Quảng trường lát đá và thảm cỏ; phía sau là đồi cảnh quan trồng cây xanh, thảm cỏ và đường dạo.

Công trình có vị trí ở trung tâm của thành phố, gần các trục giao thông chính nhằm phát huy tối đa hiệu quả của Dự án, đồng thời đảm bảo tính trang trọng, gần gũi giữa hình tượng Bác Hồ với nhân dân Quảng Bình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các sự kiện chính trị, văn hoá, xã hội của tỉnh, của thành phố.

4. Về phương án đảm bảo nguồn vốn và hình thức đầu tư

- Dự án xây dựng Tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình” tại thành phố Đồng Hới là dự án quan trọng đã được Ban Bí thư đồng ý và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 185/2004/QĐ-TTg ngày 28-10-2004 về việc phê duyệt quy hoạch Tượng đài Hồ Chí Minh đến năm 2010, nhưng do tình hình còn khó khăn nên Dự án tạm dừng, chưa triển khai thực hiện.

Đến nay, sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 101/TB-VPCP ngày 26-5-2016 của Văn phòng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Quy hoạch Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030 và Thông báo số 448/TB-VPCP ngày 22-9-2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Bình, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cân đối được nguồn ngân sách của tỉnh, báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đồng ý tại văn bản số 41/HĐND-VP ngày 24-5-2018 về việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công ngân sách tỉnh giai đoạn 2018-2020 đối với Dự án Tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình”. Tổng kinh phí bố trí xây dựng cho tất cả các hạng mục thuộc Dự án là 78,8 tỷ đồng. Trong đó, cụm tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhân vật bằng hợp kim đồng là 41,8 tỷ đồng.

- Hình thức đầu tư được thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về đầu tư-xây dựng.

5. Tiến độ thực hiện: Dự kiến công trình hoàn thành vào tháng 1 năm 2020.

Tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình” nằm trong Quần thể Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình thể hiện tấm lòng biết ơn sâu nặng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Bình đối với tình cảm lớn lao mà Bác Hồ đã dành cho Quảng Bình.

Công trình mang ý nghĩa chính trị, văn hóa và xã hội vô cùng to lớn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết dân tộc, truyền thống yêu nước của các thế hệ hôm nay và mai sau, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và quyết tâm mãi mãi đi theo con đường mà Đảng và Bác đã lựa chọn, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Công trình Tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình” còn là địa chỉ đỏ về du lịch cho khách tham quan trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, tưởng nhớ Bác Hồ vĩ đại, góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
                                                                                 

                                              (Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy )
 

,