.

Trăn trở nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số

.
07:01, Chủ Nhật, 16/09/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Hiện nay, hàng trăm nhà ở của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Minh Hóa được xây dựng từ nguồn vốn của các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ đang xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sinh hoạt của người dân.

Nhà ở xuống cấp nghiêm trọng

Trong giai đoạn 2003-2012, trên địa bàn xã Thượng Hóa có 166 nhà ở bằng bê tông được xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình 134 với trị giá mỗi căn là 25 triệu đồng và 54 căn nhà gỗ được làm mới theo Quyết định 176 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số, trị giá mỗi căn là 8 triệu đồng.

Trải qua thời gian dài sử dụng và không được đầu tư nâng cấp, hầu hết những căn nhà này đã bị hư hỏng, xuống cấp, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của đồng bào nơi đây. Đặc biệt, tại các bản Ón, Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ, nhiều căn nhà đã không thể sử dụng được, phải bỏ hoang.

Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Cà Ai, xã Dân Hóa (Minh Hóa) vẫn phải sống trong những căn nhà tạm bợ.
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Cà Ai, xã Dân Hóa (Minh Hóa) vẫn phải sống trong những căn nhà tạm bợ.

Mùa mưa lũ đang đến gần khiến gia đình chị Cao Thị Diên (người Rục) ở bản Ón, xã Thượng Hóa càng thêm lo lắng. Chị Diên cho biết, căn nhà của chị được Nhà nước hỗ trợ xây dựng từ năm 2004, diện tích sử dụng 25m2.

Đến nay, sau hơn 10 năm sử dụng, ngôi nhà của chị Diên đã bị xuống cấp nghiêm trọng, tường và nền nhà bị bong tróc, còn mái ngói thì hư hỏng, bị dột nhiều chỗ. “Những lúc trời mưa, miềng ngồi trong nhà mà như ngoài trời rứa, mưa dột ướt hết. Mỗi lúc trời mưa, bão là cả nhà lại phải đến nhà chắc chắn trong bản mà trú ẩn, hết mưa bão mới về, ở đây nguy hiểm lắm, không an toàn…”, chị Diên nói.

Ông Trần Xuân Tư, Trưởng bản Ón cho biết, hầu hết các căn nhà của bà con ở đây được làm đã lâu nên xuống cấp nghiêm trọng; nhiều hộ gia đình về mùa mưa bão không còn có chỗ để ở vì mưa ướt hết, phải đi ở nhờ những ngôi nhà kiên cố hơn. Thậm chí, trong bản Ón hiện có hơn 10 nhà bị bà con bỏ hoang vì quá nguy hiểm.

Tương tự, tại 2 xã biên giới Trọng Hóa và Dân Hóa, nơi sinh sống của đồng bào người Khùa và Mày, gần 600 trăm ngôi nhà của bà con được xây dựng theo Chương trình 134 và Quyết định 176 của Chính phủ cũng đang xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Phạm Xuân Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết, trên địa bàn xã hiện có 374 hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhà ở tạm bợ; trong đó có hàng trăm hộ có số khẩu từ 7 người trở lên, nên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của bà con.

Khó khăn trong sửa chữa, xây mới

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Xuân Tiến, Trưởng phòng Dân tộc huyện Minh Hóa cho biết, những năm qua, huyện Minh Hóa đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.

Ngoài hỗ trợ sản xuất, việc hỗ trợ nhà ở cho bà con luôn được huyện chú trọng. Từ năm 2005 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, đã có hàng nghìn ngôi nhà đã được huyện Minh Hóa đầu tư xây dựng cho bà con dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, do được đầu tư xây dựng đã lâu, hiện có hàng trăm ngôi nhà của bà con được xây dựng từ Chương trình 134 và Quyết định 176 đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Theo khảo sát của các xã biên giới, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, như: Thượng Hóa, Hóa Sơn, Trọng Hóa và Dân Hóa, hiện có trên 700 hộ đang phải sống trong những căn nhà tạm bợ, rất cần được đầu tư xây mới hoặc sửa chữa.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các xã nêu trên cũng đã tích cực kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm chung tay giúp đồng bào giải quyết phần nào khó khăn về nhà ở. Tuy vậy, việc hàng trăm ngôi nhà bị xuống cấp cần sửa chữa và xây mới cùng một lúc đòi hỏi phải có một số tiền rất lớn, điều này vượt quá khả năng của nhiều địa phương.

Hiện các địa phương ở huyện Minh Hóa đang áp dụng Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg (Quyết định số 33) về “Chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay tu sửa, làm nhà ở đối với hộ nghèo” để thực hiện việc xóa nhà tạm cho hộ nghèo nói chung và hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Theo Quyết định này, hộ nghèo được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở. Lãi suất vay 3%/năm, thời hạn vay là 15 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm, thời gian trả nợ tối đa là 10 năm, bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay.

Quyết định số 33 được xem là cơ hội để nhiều hộ nghèo làm được cho mình một căn nhà kiên cố để ở. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các xã ở huyện Minh Hóa, đa số đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đều là hộ nghèo, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, phần lớn đang sống dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nguồn vốn tự có của các hộ gia đình hầu như không có.

Nhiều căn nhà của đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Tà Vowng...
Nhiều căn nhà của đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Tà Vờng.

Vốn vay ưu đãi theo Quyết định số 33 tối đa chỉ được 25 triệu đồng, trong khi đó để làm được ngôi nhà kiên cố cũng cần chi phí từ 50 triệu đồng trở lên, do đó, nhiều hộ không vay vì có vay cũng không đủ tiền sửa chữa, làm nhà mới.

Để có thêm nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Minh Hóa tiếp cận nguồn vốn ưu đãi xóa nhà tạm, theo ý kiến của những hộ cần vay vốn và lãnh đạo ở các xã, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn về mức đầu tư, hỗ trợ đối với các địa phương miền núi, đặc biệt là vùng biên giới có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Trong đó, cần xem xét nâng mức cho vay vì mức vay tối đa hiện tại 25 triệu đồng/hộ là rất thấp. Trên thực tế, ở những vùng đặc biệt khó khăn như trên, đồng bào đa số là hộ nghèo, khả năng tích lũy vốn và cải thiện thu nhập rất khó khăn, trong khi đó giá vật liệu xây dựng luôn biến động, tăng theo từng năm.

Xóa nhà tạm cho hộ nghèo nói chung và hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng luôn được Đảng bộ, chính quyền huyện Minh Hóa hết sức quan tâm, coi đây là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng hàng năm trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, là một huyện nghèo đang thụ hưởng Chương trình 30a của Chính phủ, nguồn lực hạn chế, vì vậy, huyện Minh Hóa rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân để cùng chung tay thực hiện xóa nhà tạm cho hộ nghèo nói chung và hộ đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng, giúp họ an cư lạc nghiệp, phát triển sản xuất, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Phan Phương

 

,