Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

  • 07:42 | Thứ Sáu, 14/06/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, huyện Quảng Ninh đã làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) truyền thống trên địa bàn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
 
Văn hóa độc đáo
 
Quảng Ninh là mảnh đất có truyền thống văn hóa đa dạng và phong phú. Nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc quê hương được hình thành từ xa xưa đến nay vẫn được duy trì, như: Lễ thần nông cầu mùa, hội xuống đồng, lễ, Tết hội làng vào dịp đầu xuân, lễ hội chùa Kim Phong-núi Thần Đinh, lễ hội cầu ngư, hát sắc bùa, hội hò khoan, lễ hội đua thuyền truyền thống...
Các nghệ nhân CLB văn hóa dân gian dân tộc Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn (Quảng Ninh) trình diễn tại ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”.
Các nghệ nhân CLB văn hóa dân gian dân tộc Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn (Quảng Ninh) trình diễn tại ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”.
Hàng năm, cứ đến dịp Quốc khánh 2/9, người dân Quảng Ninh lại nô nức chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền truyền thống. Đua thuyền, bơi trải nơi đây có nguồn gốc gắn với tín ngưỡng cầu mưa, cầu đảo, cầu ngư... và mong muốn một vụ mùa thắng lợi của người dân qua bao thế hệ.
 
Kế thừa truyền thống, hoạt động lễ hội đua thuyền ngày càng phát huy được những giá trị tốt đẹp, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân. Từ ngày tái lập huyện đến nay, Quảng Ninh đều duy trì lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ tại bến phà Quán Hàu vào dịp 2/9.
 
Đây là một trong những lễ hội lớn ở Quảng Ninh nhằm bảo tồn giá trị, bản sắc văn hóa, thể thao truyền thống, nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng, tạo khí thế vui tươi, sôi nổi trong ngày Tết Độc lập. Đầu năm 2022, lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ đã được Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch (VH-TT-DL) công nhận là DSVH phi vật thể quốc gia.
 
Một trong những nét văn hóa độc đáo và tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Quảng Ninh được giữ gìn và bảo tồn cho đến ngày nay là lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn. Lễ hội được tổ chức vào tháng 7 âm lịch hàng năm, với ý nghĩa trước khi đem hạt giống cất giữ trong gùi kín đáo trỉa xuống đất thì tổ chức lễ hội để cầu mong thần lúa, thần trời, thần nước, thần rừng, thần núi giữ gìn, bảo hộ cho sự sinh sôi nảy nở chắc hạt, nặng bông có ngày thu hoạch. Đây là lễ hội truyền thống đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là DSVH phi vật thể quốc gia năm 2021.
Nghi thức trong lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn.
Nghi thức trong lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn.
Theo Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Quảng Ninh Đỗ Ngọc Sơn, địa phương có hệ thống di tích mang đậm dấu ấn truyền thống lịch sử hào hùng và sự đa dạng, phong phú về văn hóa. Nhiều di tích đã trở thành “điểm đến” tham quan, du lịch, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Hiện, trên địa bàn huyện có 21 di tích lịch sử, văn hóa (LSVH), danh thắng đã được các cấp có thẩm quyền công nhận và trên 30 địa điểm được xác định có dấu hiệu di tích.
 
Các di tích nổi tiếng có thể kể đến, như: Bến phà Quán Hàu, nhà thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, khu lăng mộ và nhà thờ danh tướng Hoàng Kế Viêm, danh thắng chùa Kim Phong-núi Thần Đinh, bến phà Long Đại, khu vực Sở chỉ huy cơ bản của Bộ Tư lệnh 559…
 
Thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn được huyện Quảng Ninh quan tâm thực hiện. Các di tích LSVH, danh thắng không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương mà còn trở thành những “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ sau.
 
Bảo tồn và phát huy
 
Xác định văn hóa là nền tảng, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, trong những năm qua, huyện Quảng Ninh đã chú trọng xây dựng và phát triển các câu lạc bộ (CLB) văn hóa dân gian truyền thống nhằm đóng góp vào công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn.
 
Hiện nay, các CLB sinh hoạt văn hóa dân gian trên địa bàn huyện duy trì hoạt động hiệu quả và thu hút được đông đảo người dân tham gia. Tiêu biểu, như: CLB đàn và hát dân ca xã Vĩnh Ninh, CLB văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Bru-Vân Kiều xã Trường Xuân, CLB ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên thôn Quảng Xá, CLB dân ca cổ truyền xã Vạn Ninh, CLB bài chòi thị trấn Quán Hàu… Với những giá trị văn hóa độc đáo, các CLB đã góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của quê hương.
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ.
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ.
CLB văn hóa dân gian dân tộc Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn được thành lập cuối năm 2022. CLB hiện có 35 thành viên thường xuyên tham gia sinh hoạt và tích cực tổ chức hoạt động tập luyện, truyền dạy các nghi lễ dân gian, sử dụng nhạc cụ truyền thống cho thế hệ trẻ là con em người dân tộc Bru-Vân Kiều. Ngoài ra, CLB còn xây dựng nhiều chương trình biểu diễn để tham gia các chương trình nghệ thuật, hội diễn do huyện, tỉnh, Trung ương tổ chức.
 
Chủ nhiệm CLB văn hóa dân gian dân tộc Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn Hồ Thị Con chia sẻ: “Bên cạnh việc duy trì sinh hoạt, các thành viên CLB còn được tham gia nhiều lớp tập huấn, truyền dạy các làn điệu, nghi lễ truyền thống do huyện, tỉnh tổ chức. Tháng 2/2024, CLB vinh dự được tham dự ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” do Bộ VH-TT-DL tổ chức tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội)”.
 
Huyện Quảng Ninh hiện có 8 di tích cấp quốc gia, 12 di tích cấp tỉnh, 1 di tích danh thắng và 9 CLB văn hóa dân gian truyền thống.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Lê Ngọc Huân, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm đối với hoạt động văn hóa nói chung, nhất là hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân địa phương về vai trò, tầm quan trọng của công tác quản lý di sản, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích LSVH.

Địa phương còn quan tâm bố trí nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di tích và phát huy giá trị di tích để phát triển du lịch. Đối với DSVH phi vật thể, huyện chỉ đạo các địa phương tổ chức tốt các lễ hội, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia, đồng thời bố trí kinh phí hỗ trợ các CLB văn hóa dân gian mua sắm trang thiết bị và duy trì hoạt động...
Lễ hội rước nước tại chùa Kim Phong - núi Thần Đinh.
Lễ hội rước nước tại chùa Kim Phong-núi Thần Đinh.
Đặc biệt, huyện cũng đã triển khai thực hiện đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích LSVH gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đưa hệ thống di tích, danh thắng, DSVH vào khai thác phát triển du lịch, phấn đấu đưa Quảng Ninh trở thành một trong những vùng du lịch quan trọng, góp phần hình thành “trung tâm du lịch phía Nam” của Quảng Bình.
Lan Chi

tin liên quan