Tác phẩm văn học cho thiếu nhi-một lối vắng

  • 07:51 | Thứ Tư, 12/06/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Văn học dành cho thiếu nhi ở Quảng Bình từng có một thời rộn ràng, đó là những năm sau ngày tỉnh Quảng Bình trở về địa giới cũ. Năm 1995, Hội Văn học-nghệ thuật (VHNT) Quảng Bình phối hợp Nhà xuất bản Kim Đồng và Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em tỉnh xuất bản một tập thơ khá dày dặn với nhan đề “Hè ơi sao mà vội”. Tập thơ gồm hơn 50 tác phẩm của các tác giả là các nhà thơ Quảng Bình, như: Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Mai Văn Hoan, Văn Lợi, Diệp Minh Luyện, Lý Hoài Xuân, Việt Trác, Hoàng Vũ Thuật, Văn Tăng…
 
Sau gần 30 năm, những bài thơ in trong tập “Hè ơi sao mà vội” không cũ, bởi các tác phẩm đã soi chiếu muôn vật qua đôi mắt trẻ thơ, đọc đi đọc lại vẫn cảm nhận được vẹn nguyên sự hồn nhiên, trong trẻo và tính giáo dục trong đó: “Cái sân vừa mát đó/Nắng đã ngập tràn rồi/Trên đường chú cún nhỏ/Nắng đuổi sắp đến nơi/Chạy nhanh lên cún ơi…” (Nắng-Lâm Thị Mỹ Dạ).
 
Đầu làng Xuân Dục/Xanh biếc hàng cây/Vườn cây ơn Bác/Gọi gió về đây/Yêu bàn tay em/Ngày ngày chăm tưới/Nước từ lòng suối/Nước từ giếng khơi/Cây ngày mỗi lớn/Cành lá vui reo/Ngọn cây vẫy vẫy/Lòng em vui theo…” (Vườn cây ơn Bác-Nguyễn Văn Dinh).
 
Mênh mang là nắng sân trường/Mùa thu xanh với con đường lung linh/Lao xao ngọn gió vô hình/Lâng lâng cái nắng đi tìm hương cây…” (Gọi nắng-Trương Văn Quê).
 
Với số lượng tác giả, tác phẩm như vậy được xem là khá yên tâm cho một mảng đề tài văn học quan trọng. Những năm sau đó, có một số tập văn, thơ cho thiếu nhi in riêng nhưng không được thường xuyên, vài năm may ra mới có một tập và càng ngày càng thưa vắng.
 
Rải rác trong 35 năm kể từ ngày tái lập tỉnh (1989-2024) có chưa đến 15 cuốn được xuất bản. Có thể kể đến một số truyện thiếu nhi của nhà thơ Văn Lợi, các tập thơ “Tuổi thơ cánh phượng” của Đặng Thị Kim Liên, “Nắng mặn” của Ngô Minh, “Cây bàng bé con” của Tế Như, “Như là dấu cộng” của Văn Lạc, “Nhà của bé” của Thái Hải, “Trời trong mắt em” của Trịnh Xuân Bái, “Mặt trời đến lớp” của Trần Thị Huê.
 
Con số đó chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong hàng trăm tác phẩm văn học ra đời thời gian qua. Hầu như năm nào khi đánh giá hoạt động của Phân hội Văn học, Hội VHNT tỉnh cũng nhắc đến điều này và kêu gọi hội viên quan tâm hơn mảng đề tài thiếu nhi nhưng xem ra tình hình khó cải thiện. 
 
Nguyên nhân đầu tiên là lực lượng sáng tác mai một dần. Các tác giả tâm huyết với mảng đề tài này tuổi đã cao hoặc đã qua đời, trong khi tác giả mới không xuất hiện. Ở Quảng Bình, nhà thơ Văn Lợi là người dành khá nhiều thời gian và tâm huyết sáng tác cho thiếu nhi. 
Một số tác phầm văn học dành cho thiếu nhi.
Một số tác phầm văn học dành cho thiếu nhi.
Ông làm thơ, viết truyện ngắn, truyện ngụ ngôn và đã xuất bản nhiều tác phẩm, như: Tập truyện Chú bé kỵ sĩ và mỏm núi Yên Ngựa (1984), Phần thưởng muôn đời (1986), Dòng sông thơm (1995), Hoàng tử chọn hiền tài (1999), các tập truyện ngụ ngôn (2002, 2010), Ngộ nghĩnh trẻ thơ (2011)… Nhiều tác phẩm của ông được thiếu nhi yêu thích nhưng đến thời điểm này, ông cũng đã vượt qua tuổi 80.
 
Đa số tác giả văn học ở Quảng Bình không mặn mà với việc sáng tác cho thiếu nhi, một số người coi đây là chuyện của trẻ con. Có một thực tế khách quan dẫn đến thực trạng này là do sáng tác cho lứa tuổi thiếu nhi không dễ. Các tác phẩm đã xuất bản vừa qua cơ bản là những bài thơ đơn giản, thể hiện sự ngây thơ, hồn nhiên của con trẻ. Hầu như không có thể loại truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết đi sâu khai thác đời sống tâm lý, tình cảm của các con trong đời sống xã hội đương thời.
 
Hiện nay, tác giả viết văn, làm thơ ở Quảng Bình không thiếu. Riêng Phân hội Văn học của Hội VHNT tỉnh có đến hơn 100 hội viên, nhưng không mấy ai sáng tác tác phẩm cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Có chăng chỉ là những tác phẩm sáng tác rải rác, cảm hứng bất chợt theo mùa, thời, như: Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu… gửi đăng trên Báo Quảng Bình hay Tạp chí Nhật Lệ mà không ai có ý định theo đuổi đề tài này.
 
Tác phẩm văn học cho thiếu nhi ở Quảng Bình thiếu vắng, trong lúc đó nhu cầu đọc của các em không hề nhỏ. Khi dạo quanh các nhà sách trên địa bàn TP. Đồng Hới, tôi đã gặp nhiều cậu bé, cô bé đến lót dép ngồi đọc sách. Hỏi: “Các con thường đọc sách gì?”. Trả lời: “Dạ, truyện tranh Nhật Bản ạ!”. “Sao không đọc sách Việt Nam?”. “Dạ, mấy sách cũ thì con đọc rồi, sách mới ít với không hấp dẫn!”.
 
Đó là một thực tế nhãn tiền, đặt ra câu hỏi cũng là trách nhiệm cho các tác giả sáng tác văn học. Làm thế nào để đáp ứng nhu cầu đọc của các em? Làm thế nào để lấp khoảng trống trên thị trường sách cho thiếu nhi? Khi đem vấn đề này ra trao đổi với một tác giả đã từng viết thơ thiếu nhi thì tôi nhận được sự giải bày khá thẳng thắn, rằng: Ở bất cứ thời kỳ nào, người sáng tác văn học cho thiếu nhi luôn đứng trước những tình huống hết sức khó khăn.
 
Nếu viết theo kiểu dạy dỗ, lên lớp cứng nhắc sẽ gây căng thẳng, nhàm chán không thu hút được các em. Nếu ngây thơ hóa không phải cách, không đúng tâm lý, tình cảm các em thì dẫn đến sự lố bịch trước các độc giả nhỏ. Nếu áp đặt tư duy người lớn, phức tạp hóa vấn đề sẽ trở thành khiên cưỡng, giáo điều không phù hợp... Sắm vai một cách khó khăn khi sáng tác như vậy khiến các tác giả “chùn chân” trước lãnh địa văn học thiếu nhi, dù biết “đường đi” là một lối vắng, ít người lại qua.
 
Sáng tác văn học cho thiếu nhi, đáp ứng nhu cầu đọc lành mạnh của các em cũng là một kênh “trồng người” vô cùng quan trọng. Thông qua tác phẩm văn học sẽ góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, giúp các em phát triển tri thức. Thế nhưng, càng ngày càng ít tác giả, tác phẩm trên dòng văn học này. Đây là một thiếu khuyết mà các đơn vị, tổ chức, hội, ngành liên quan nói chung và cá nhân mỗi tác giả viết văn, làm thơ cần thấy rõ trách nhiệm của mình.
 
Để kéo các em ra khỏi màn hình máy tính, điện thoại thông minh hay chỉ say mê với truyện tranh nước ngoài, để các em đắm mình vào những trang sách thuần Việt như các thế hệ trước từng khóc cười với các nhân vật trong “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi… thời gian tới, cần có sự quan tâm hơn nữa của đội ngũ những người sáng tác.
 
Tác phẩm văn học cho thiếu nhi cần phản ánh sinh động trạng thái tâm lý của từng lứa tuổi và những “phản ứng” phù hợp của các em trước biến động xã hội đương thời. Các tác phẩm đó vừa chứa đựng giá trị đạo đức truyền thống lại vừa mang hơi thở thời đại, không xa rời đời sống và gắn bó với hình bóng quê hương, xứ sở. Qua mỗi trang sách, các độc giả nhỏ sẽ hình dung ra ngay đó là quê hương của mình để thêm tự hào, yêu quý.
 
Qua mỗi tác phẩm, các em sẽ nhìn thấy bóng dáng của mình trong đó, câu chuyện của mình trong đó để rèn luyện, tu dưỡng; thấy thú vị, hấp dẫn, sâu sắc sẽ tạo nên sức hút; giải trí mà không hời hợt, nhạt nhẽo; giáo dục mà không cứng nhắc, áp đặt. Mỗi tác giả trở thành người đồng hành đáng tin cậy và đầy trách nhiệm với đời sống tinh thần của các độc giả nhỏ. Các yếu tố góp phần kích hoạt năng lượng sáng tạo tác phẩm văn học cho thiếu nhi còn đến từ phía các cơ quan chức năng về chuyên môn và quản lý nhà nước.  
 
Chẳng hạn, Hội VHNT phối hợp Sở Giáo dục-Đào tạo, Tỉnh đoàn tham mưu UBND tỉnh tạo điều kiện tổ chức cuộc thi viết cho thiếu nhi; Hội VHNT tiếp tục tìm kiếm, phát hiện, nuôi dưỡng, ươm mầm các tài năng văn chương trẻ, đồng thời tổ chức các chuyến thực tế sáng tác, mở các trại sáng tác VHNT đề tài thiếu nhi; Tạp chí Nhật Lệ mở chuyên trang hàng tháng “Tác phẩm cho thiếu nhi-Tác phẩm của thiếu nhi” để thu hút tác giả, tác phẩm; đề xuất UBND tỉnh có chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với các tác giả sáng tác về đề tài này, như: Hỗ trợ kinh phí xuất bản tác phẩm, trực tiếp đặt hàng tác phẩm…
 
Văn học thiếu nhi Quảng Bình rất vắng tác giả và tác phẩm. Các độc giả nhỏ đang bị tác phẩm dịch lôi cuốn bởi sự thiếu hụt những tác phẩm văn học thuần Việt mang hơi thở đời sống đương đại lại có đầy đủ các giá trị nhân văn sâu sắc và gần gũi. Nếu hợp lưu được tài năng, tâm huyết của những người sáng tác với sự đồng hành đầy trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chắc chắn văn học cho thiếu nhi Quảng Bình sẽ được trở lại những ngày tháng rộn ràng.
 Trương Thu Hiền

tin liên quan