Nhà thơ Trần Đăng Khoa: "Nếu không có sách sẽ không có tôi"
(QBĐT) - Nhà thơ của “Hạt gạo làng ta”, “thần đồng thơ” Việt Nam, những danh xưng đó từ lâu đã gắn liền với tên tuổi của nhà thơ Trần Đăng Khoa trong lòng người yêu thơ cả nước. Thế nhưng, ít ai biết được, để có một sự nghiệp văn chương như hiện nay, ông không chỉ có tài năng thiên phú, mà còn là hành trình khổ luyện của sự học và sự đọc. Nhà thơ nhiều lần chia sẻ rằng: “Nếu không có sách sẽ không có tôi”. Phóng viên (P.V) Báo Quảng Bình đã có dịp trò chuyện cùng ông về những câu chuyện thú vị khi ông làm quen với sách và việc đọc sách hiện nay, nhất là đối với trẻ em.
- P.V: Thưa nhà thơ, ngày trước, sách “đến” với “thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa hay cậu bé ấy đến với sách?
- Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Có lẽ, từ cả hai phía. Tôi được thành người như ngày hôm nay cũng là nhờ đọc sách. Nếu không có sách thì chắc chắn không có tôi. Người đầu tiên “chỉ đường” cho tôi đến với sách và hứng thú với sách là mẹ. Mẹ tôi không biết chữ, nhưng bà là một “kho sách sống”. Bà thuộc lòng Truyện Kiều của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du và cả kho tàng truyện kể, ca dao, tục ngữ dân gian.
Tôi còn nhớ, ngày xưa, mẹ tôi có cách tạo hứng thú đọc sách cho con rất lạ. Mặc dù bà không muốn con trở thành nhà thơ hay nhà văn, vì cái nghề nếu không có tài thì rất lêu têu mà nghèo. Bà chỉ mong tôi thành người tử tế, biết thương yêu con vật, cây cỏ và con người. Vì thế, bà hướng các con đến với sách. Vì bà tin, ai đọc sách cũng sẽ tử tế. Ban đầu, bà kể một câu chuyện cổ tích, hoặc có khi cũng chẳng phải cổ tích mà là chuyện bà nghĩ ra, đến đoạn gay cấn nhất thì bà dừng và bảo: “U quên mất rồi. Nó ở trong sách ấy. Con tìm sách mà đọc”. Rồi cứ thế, theo sự dẫn dắt của bà, tôi đến với sách lúc nào không hay.
Điều may mắn nữa, tôi có anh trai là nhà thơ Trần Nhuận Minh rất say mê sách. Ông có thể nhịn ăn để dành tiền mua sách. Nhờ thế, tôi thừa hưởng được “gia tài” sách quý với hàng nghìn cuốn, mặc dù nhà tôi rất nghèo. Vì vậy, từ lúc còn bé, tôi đã đọc hàng trăm cuốn sách và cho đến giờ, tôi vẫn duy trì thói quen đọc sách. Ngày nào, tôi cũng đọc sách, đọc bất cứ nơi đâu và rảnh rỗi lúc nào tôi mở sách ra đọc lúc đó. Trong việc đọc sách, tôi luôn xem mình như một “học sinh” chưa tốt nghiệp.
- P.V: Lúc đó, cậu bé Khoa thấy và thích thú điều gì ở trong những cuốn sách?
- Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Đó là cả một thế giới rộng lớn. Trí khôn của loài người nằm hết trong sách.
- Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Thế giới này đầy sách. Trên trời dưới sách. Quan trọng là chúng ta có chịu tìm đến với nó hay không. Ở một góc nhìn nào đó, lịch sử của tri thức cũng chính là lịch sử của những cuốn sách.
- P.V: Trở lại câu chuyện đọc sách và văn hóa đọc, theo nhà thơ, ham mê đọc sách có phải là một sở thích, đam mê mang tính cá nhân?
- Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng Chính phủ chọn ngày 21/4 hàng năm là “Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam”. Tất nhiên, không phải chúng ta chỉ đọc sách vào ngày này, mà đây là dịp để chúng ta rà soát lại việc đọc sách của chúng ta như thế nào. Xưa nay, đọc sách là việc vô hạn quan trọng. Hiện nay, ở Việt Nam công tác in ấn, xuất bản sách rất tốt. Minh chứng là hầu hết tác phẩm nổi tiếng và đặc sắc nhất trên thế giới đều xuất hiện ở Việt Nam với nhiều bản dịch và nhiều nhà xuất bản khác nhau. Vì vậy, một người bình thường không biết ngoại ngữ cũng không hề lạc hậu, nếu đọc sách.
Cho nên nói rằng, người Việt Nam không đọc là không đúng. Bởi, nếu không đọc thì người ta in sách ra làm gì? Bây giờ, sách được xuất bản theo cơ chế thị trường. Sách in ra có người mua thì người ta mới in. Lênin từng nói: “Học, học nữa, học mãi”. “Học” ở đây chính là sự đọc sách vì có ai đi học mãi được đâu. 12 năm hết phổ thông, 4-5 năm học xong đại học. Thêm chừng đó thời gian nữa là hoàn thành chương trình tiến sĩ. Trong đời người, khoảng trên, dưới 20 năm là hoàn thành việc học rồi. Sách chính là người thầy muôn đời của chúng ta. Thế nhưng rất tiếc, nhiều người hiện nay đã mất đi thói quen đọc sách.
Một vấn đề đáng lưu ý, hiện nay, ở ta, các phương tiện thông tin và truyền thông phát triển và hiện đại. Chỉ cần sở hữu chiếc điện thoại thông minh, chúng ta có cảm giác nắm bắt hết chuyện trong thiên hạ, nhưng đấy đâu phải kiến thức, mà chỉ là thông tin nghe ngóng, hóng hớt. Đó là điều đáng sợ, bởi chính chúng ta đang bị “tái mù” tri thức mà không hay biết. Vì vậy, muốn có tri thức cơ bản và hiểu biết sâu rộng, không có cách nào khác là phải đọc sách, cập nhật kiến thức liên tục từ sách.
- P.V: Như vậy, đọc sách cũng là sự học. Nhưng với người trẻ, nhất là trẻ em bây giờ dường như khó có thời gian để đọc sách vì phải theo chương trình học ở trường (chưa kể phải đi học thêm)?
- Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Đó là điều rất đáng báo động và cực kỳ nguy hiểm. Rõ ràng, nếu các em không được rèn luyện và duy trì thói quen đọc sách ngay từ nhỏ, lớn lên, các em sẽ dần mất đi thói quen “học tập tự giác”. Quả thực, chương trình học của trẻ em bây giờ quá “nặng”. Nhiều lần tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền giảm bớt chương trình học để trẻ có thời gian đọc sách. Phải coi đọc sách cũng là việc học và là môn học chính. Những cái gì các em thiếu, sau này, các em sẽ tự đào tạo, tự tìm tòi, học hỏi.
Tôi nghiệm thấy, đa phần những tài năng nổi tiếng ở trong nước và trên thế giới đều do quá trình tự đào tạo mà nên. Ai không có khả năng tự đào tạo, không thể thành người, thành tài được. Tại sao cho đến nay, vẫn có nhiều người tài và thành công lớn lại không qua một trường lớp đào tạo nào? Vì họ đọc sách. Tôi đã đến nhà của họ và biết được trong nhà có rất nhiều sách và họ cũng đọc rất nhiều. Quảng Bình có một thiên tài như thế, đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông là người tự học và đọc sách nhiều lắm.
Ở nhiều nước, ngành Giáo dục của họ rất coi trọng việc đọc sách. Mỗi học sinh phổ thông ở đấy bắt buộc phải đọc 2 cuốn sách/tháng.
- P.V: Vậy, theo nhà thơ, trẻ em bắt đầu đọc sách từ khi nào là phù hợp và ai là người dẫn dắt, rèn luyện các em thói quen đọc sách?
- Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Cha mẹ chính là “người thầy đầu tiên” của trẻ. Cha mẹ phải là người trực tiếp dẫn dắt con đến với sách và rèn luyện thói quen đọc sách cho con. Một thực tế hiện nay là gia đình gần như phó thác chuyện học hành, trong đó có việc đọc sách cho thầy, cô giáo. Đó là suy nghĩ, quan niệm sai lầm, bởi gia đình chính là “trường học đầu tiên”, môi trường sống đầu tiên của trẻ.
Rèn luyện thói quen đọc sách cũng nên bắt đầu từ đó. Sau đó, mới đến những “cha mẹ thứ 2” là thầy, cô giáo ở trường và xã hội. Đây là hai môi trường sẽ duy trì và phát triển thói quen đọc sách cho trẻ trở thành văn hóa đọc sách.
- P.V: Nên bắt đầu tạo thói quen đọc sách cho trẻ như thế nào, thưa nhà thơ?
- Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Cần tạo được hứng thú đọc sách cho trẻ. Ban đầu có thể là những trò chơi với sách để khơi gợi sự tò mò, muốn tìm hiểu, khám phá, đam mê sách trong trẻ. Từ đó, việc đọc sách với trẻ sẽ dần trở thành thói quen và là nhu cầu tự thân. Trẻ sẽ nhận thức được rằng, sách chính là công cụ để trả lời, lý giải những câu hỏi, thắc mắc trong cuộc sống. Có đam mê rồi thì trẻ sẽ có tất cả.
Tôi không tin một đứa trẻ chăm chỉ đọc sách, mà sau này lại làm điều xấu và dễ dàng hư hỏng. Và đứa trẻ đó, sau này lớn lên cũng sẽ sống vững vàng, bản lĩnh giữa cuộc đời đầy bão táp và cạm bẫy này.
- P.V: Xin cảm ơn nhà thơ đã chia sẻ những kinh nghiệm quý và những câu chuyện thú vị của việc đọc sách!
Dương Công Hợp (thực hiện)