Giáo dục thẩm mỹ thông qua di tích lịch sử, văn hóa
(QBĐT) - Giáo dục thẩm mỹ là một trong những nội dung quan trọng của chương trình giáo dục phổ thông. Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Mỹ thuật có nhiều điều chỉnh nhằm bổ sung các vấn đề giáo dục thẩm mỹ chưa hợp lý các chương trình trước đây, phù hợp với điều kiện thực tế và đời sống hiện nay. Một trong những nội dung quan trọng là giúp học sinh tiếp cận, hiểu và quý trọng các giá trị văn hóa, mỹ thuật tại nơi mình sinh sống thông qua chương trình giáo dục địa phương, phần dành cho mỹ thuật.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu biên soạn nội dung đáp ứng yêu cầu này từ một số giáo viên cấp tiểu học và THCS, chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Đó là việc giáo viên phụ trách chuyên môn ở các trường chủ yếu tìm các nguồn tư liệu về mỹ thuật địa phương thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và một số tài liệu đã công bố của các tác giả. Không nhiều giáo viên đi thực tế tìm hiểu, ghi chép, chụp ảnh, quay phim một cách trực quan… để đưa các công trình văn hóa, di tích lịch sử có yếu tố mỹ thuật tại địa phương, giúp học sinh học tập hiệu quả.
Có thể do nhiều điều kiện khách quan, chủ quan mà chưa có nhiều đề xuất trong việc tổ chức cho học sinh học tập thông qua tham quan thực tế. Điều này dẫn đến việc học sinh vẫn theo tiếp cận thụ động, giáo viên truyền thụ cung cấp thông tin một chiều, chưa kích hoạt được sự chủ động cận các giá trị thẩm mỹ theo cảm nhận riêng của mỗi học sinh.
Đối với mỹ thuật, việc đi đến ngắm nhìn trực tiếp tác phẩm, công trình mỹ thuật (hoặc hình ảnh, video chân thực) luôn mang lại hiệu quả tích cực bởi có thể cảm nhận được không gian, biểu cảm chất liệu thể hiện. Điều này giúp học sinh chủ động suy nghĩ và tìm hướng tiếp cận phù hợp với năng lực của mình. Thực tế, một số trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP. Đồng Hới tổ chức cho học sinh đi tham quan các điểm di tích, kiến trúc và Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình. Tuy nhiên, hoạt động này chủ yếu là chương trình tham quan, dã ngoại, trải nghiệm, chưa cụ thể hóa gắn với từng môn học, trong đó có môn Mỹ thuật.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay, có nhiều công trình văn hóa, mỹ thuật cổ (hoặc được phục dựng lại) phù hợp cho học sinh tham quan, tìm hiểu và học tập về mỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của chương trình. Gần gũi và thực tế nhất là các công trình có yếu tố mỹ thuật truyền thống, đó là các ngôi chùa, đình làng (tại địa phương hoặc gần trường học). Kiến trúc các công trình này thường đậm đặc các giá trị mỹ thuật từ tranh vẽ, tượng và kiến trúc... cung cấp cho học sinh những giá trị của hệ thống hoa văn, chạm khắc và không gian kiến trúc cũng như tích hợp các giá trị về văn hóa, lịch sử.
Xa hơn là các công trình tiêu biểu, như: Hoành Sơn quan (đèo Ngang), Quảng Bình quan, cửa Đông, hệ thống Thành cổ Đồng Hới (TP. Đồng Hới), Võ Thắng quan (Quảng Ninh)… Hay những làng nghề truyền thống mỹ thuật thủ công, dân gian ở các địa phương cũng có thể khai thác để học sinh hiểu thêm về tính thẩm mỹ trong tạo dáng, trang trí, chất liệu cũng như quá trình thực hiện.
Đặc biệt, một địa chỉ quan trọng và cần khai thác trong quá trình giáo dục thẩm mỹ cho học sinh là Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình. Tại đây, 3 tầng được trưng bày khoa học, logic thông qua hệ thống nghe, nhìn hiện đại và số lượng hiện vật phong phú. Bảo tàng cũng thường xuyên tổ chức các triển lãm, trưng bày các chuyên đề về văn hóa nói chung, mỹ thuật nói riêng nên việc kết hợp để đưa chương trình thực tế phục vụ học tập là vô cùng bổ ích.
Để tìm hiểu về mỹ thuật hiện đại, bên bờ sông Nhật Lệ có tác phẩm tượng đài Mẹ Suốt được hoàn thành năm 2023 của nhà điêu khắc Phan Đình Tiến. Tại trung tâm TP. Đồng Hới có tượng đài "Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình” được xây dựng tại Quảng trường Hồ Chí Minh.
Môn Mỹ thuật ở phổ thông với mục tiêu giáo dục thẩm mỹ góp phần hoàn thiện nhân cách đức-trí-thể-mỹ, giúp học sinh yêu mến cái đẹp, trân trọng các giá trị văn hóa, thẩm mỹ. Vì vậy, việc hiểu biết về các giá trị văn hóa, lịch sử, thẩm mỹ trên quê hương là điều cần thiết đối với mỗi học sinh. Bởi, từ đó các em tự hào và biết phát huy các giá trị truyền thống cha ông ta đã để lại.
Nguyên Sa