.

Ký ức tháng mười

.
14:06, Thứ Ba, 24/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có rất nhiều câu chuyện kể về ông. Đó là những ký ức đẹp, sống động, là niềm tự hào, tình yêu thương vô bờ bến đối với Đại tướng, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với riêng tôi và nhiều bạn đồng nghiệp, bên cạnh những lần gặp gỡ, ký ức đậm sâu về Đại tướng là nỗi tiếc nhớ khôn nguôi xen lẫn niềm tự hào trong những ngày đưa tiễn ông vào tháng 10-2013. 
 
Ngày 4-10-2013, khi những đợt mưa hoàn lưu dữ dội của cơn bão số 10 vẫn tiếp tục nhấn chìm nhiều ngôi nhà, làng mạc của Quảng Bình thì tin dữ ập đến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. Đang hối hả thu dọn hậu quả mưa lũ, mọi người chợt lặng đi, những giọt nước mắt cứ thế rơi!
 
Nhiều năm đã qua, tôi vẫn rất nhớ những câu chữ giản dị của một bạn văn ngày ấy. Bạn viết về sự ra đi của một ông tướng, chẳng họ hàng ruột thịt mà sao tiếc nhớ khôn nguôi. Bạn bảo: “Ông tặng cái chết của mình cho người dân như một cơn mưa phúc lành” (*) bởi sự ra đi của ông đã khiến cả đất nước đều rơi nước mắt.
Mọi hối hả, lo toan, cả những bon chen, tính toán… của cuộc sống bất chợt dừng lại vào cái ngày mà ông tướng nổi tiếng khắp năm châu nhưng bình dị như ông nội, ông ngoại ở quê, từ giã cõi đời. Phút ấy, bao trái tim chợt mềm đi, chợt bâng khuâng bởi ý nghĩ mình và đồng nghiệp, hàng xóm, người thân, người xa… tự nhiên quên hết, bỏ qua hết những khoảng cách, những xa lạ, để cùng rơi nước mắt khóc một người dưng!
 
Với tôi và nhiều đồng nghiệp, ký ức về những ngày tháng 10 mưa bão nhọc nhằn và tiếc thương chất ngất trong tim năm ấy vẫn luôn sống động. Chúng tôi hối hả tác nghiệp trong mưa bão, kịp thời sẻ chia thông tin về cơn bão của đất trời và cơn bão lòng của bao người trước sự ra đi của Đại tướng.
 
Tôi nhớ như in trong bóng chiều chạng vạng, hai người cựu binh già ngồi bên hiên nhà kể cho nhau nghe những kỷ niệm về người Anh Cả, ánh mắt rưng rưng nhưng không giấu được niềm tự hào. Tôi cũng nhớ bạn đồng nghiệp gọi điện từ Lệ Thủy, khi dòng người rất dài chầm chậm đổ về ngôi nhà ấu thơ của Đại tướng để thắp nén tâm hương đưa tiễn. Bên kia, giọng bạn nghẹn ngào trong tiếng mưa rơi; bên này, tôi gõ những dòng chữ đầu tiên của bài viết cho số báo đặc biệt trong ngày quê hương đón Đại tướng trở về!
 
Giống hệt như bài viết của bạn văn ngày ấy, chúng tôi đã sống những ngày tháng 10 đầy kỳ diệu, giữa “cơn mưa phúc lành” mà Đại tướng để lại cho đời. Để khi chúng tôi đi trao quà cho những người dân bị mưa lũ cuốn trôi hết tài sản, trong những ngôi nhà chơ vơ nơi chân sóng hay thung lũng ngập sâu, mọi người cùng ôn chuyện về Đại tướng, hỏi nhau ngày nào, giờ nào quê hương đón bác Giáp về để đi tiễn đưa bác một đoạn đường…
 
Tôi cũng nhớ hình ảnh ông Mai Văn Giá (sinh năm 1916), một trong những người lính đầu tiên có mặt tại Cự Nẫm (Bố Trạch) để rào làng chiến đấu, đã không rời chiếc radio cũ kỹ để nghe tin về “anh Giáp”. Ông nghẹn ngào khi tin tức về sự ra đi của Đại tướng được xác thực. “Tôi không có may mắn được chiến đấu trực tiếp dưới sự chỉ huy của anh Giáp, nhưng năm 1964, trong vai trò là Chủ nhiệm HTX Cự Nẫm, lá cờ đầu toàn miền Bắc, tôi đã may mắn được gặp anh tại Thủ đô Hà Nội, những lời căn dặn của anh tới giờ tôi vẫn nhớ!”. 
 
Nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt nhăn nheo của người lính già giữa ngày mưa bão, lắng nghe nỗi khát khao của ông, rằng “giá như còn đủ sức khỏe, tôi sẽ đi tiễn anh một đoạn đường”, tôi thầm nói lời cảm ơn Đại tướng. Bởi vị tướng lừng danh nhưng hiền lành như ông nội, ông ngoại ở quê, đã sống một cuộc đời hết mình tựa chiếc lá xanh, lúc xa cành chiếc lá vẫn mang lại vẻ đẹp khiến triệu người rung cảm, tiếc nhớ, khóc thương nhưng lòng vẫn ấm áp vô cùng!
 
Có thể, nhiều năm sau nữa, tôi sẽ vẫn không quên những giọt mồ hôi mặn mòi trên gương mặt cô bạn đồng nghiệp trẻ khi giữa dòng người dài tưởng chừng như vô tận trong ngày đưa tiễn Đại tướng, không thể sử dụng ô tô, xe máy, em đã chạy bộ gần 4km để mang USB chứa bài viết, hình ảnh về tòa soạn bởi mạng internet thời điểm đó không thể kết nối được.
 
Nhớ hành trình rất dài trong ngày đưa tiễn Đại tướng, chúng tôi “cắm chốt” dọc tuyến đường từ sân bay đến biển Vũng Chùa, vừa tác nghiệp vừa nghe tim mình ngập tràn thương nhớ! Nhớ hành trang rất đơn sơ của ngày hôm đó, ngoài các loại máy móc thì có thêm chai nước suối và ít bánh ngọt bởi biết rằng dòng người đưa tiễn Đại tướng sẽ dài như vô tận…
 
Cũng ngày hôm đó, khi xe ô tô chở phóng viên tác nghiệp không thể di chuyển đúng thời gian dự định bởi biển người mênh mông, tôi đã rụt rè gõ cửa chiếc xe Quân đội. Và trong hành trình tiễn Đại tướng về biển Vũng Chùa, chúng tôi đã cùng ôn những kỷ niệm về ông, về những câu chuyện đời thường bình dị và những chiến công khiến đất nước, nhân dân rất đỗi tự hào…
 
Khi sóng biển Vũng Chùa đã dịu dàng ru giấc ngủ Đại tướng, chúng tôi tạm biệt ông. Dòng người đưa tiễn vẫn tưởng chừng như vô tận. Ngồi bên vệ đường đợi xe, nhiều bạn phóng viên vẫn miệt mài bên máy tính, thi thoảng đưa tay lau nước mắt. Và dù chỉ mới lần đầu gặp gỡ, chưa từng quen biết, nhưng chúng tôi vẫn sẵn lòng chia sẻ cho nhau những hình ảnh rất đẹp về Đại tướng trong ngày quê hương đón ông về!
 
Dưới ánh trăng non đầu tháng, giữa loang loáng ánh đèn xe và rì rầm tiếng trò chuyện, bạn đồng nghiệp của tôi thì thầm: "Chị à, em nghĩ có lẽ đây là những ngày đáng nhớ nhất với nhiều người, trong đó có chị em mình và đồng nghiệp. Em chưa từng tác nghiệp trong cảm giác như bây giờ, vừa thương tiếc nhưng cũng ấm áp và tự hào vô cùng!"
 
Nhiều năm đã qua, biển Vũng Chùa từ ngày đón Đại tướng về như xanh hơn, sóng biển cũng dịu dàng hơn mỗi ngày vỗ bờ ru giấc ngủ ngàn thu của Đại tướng. 103 gốc mai vàng và bao loài cây từ mọi miền quê cũng lên xanh, như tình yêu, lòng kính trọng Đại tướng vẫn luôn trường tồn trong trái tim mọi người.
 
Từ ngày mưa tháng mười năm ấy, tôi và nhiều đồng nghiệp đã nhiều lần trở lại Vũng Chùa thăm Đại tướng. Mỗi lần ngắm nụ cười hồn hậu của ông, tôi lại nhớ những lời chuyện trò trong bài viết của cô bạn văn, rằng: “Khi tại thế, ông sống như mình có, không cố ý sống sao cho dân phải khóc khi lìa cõi tục. Tự nhiên từ khí chất, không hề có cảm giác xa xôi, vĩ đại”… Và “cơn mưa phúc lành” như bạn nói, từ độ ấy vẫn tưới tắm cho tâm hồn bao người Việt Nam đến bây giờ và mãi về sau…
 
Diệp Đồng
 
(*) Trích tản văn "Nước mắt rơi chung" (Nguyễn Ngọc Tư).
 
 
,
  • Chuyện về một bài "huyện ca"

    (QBĐT) - "Anh đưa em về thăm quê anh xứ Lệ/ Nơi giọng hò ru anh thời thơ trẻ/ Sông nước chan hòa ôm ấp tình quê/ Bởi Kiến Giang xanh ôm mái tóc thề/ Ngày xa quê anh không hẹn lại về...", những ca từ giản dị mà da diết như mời gọi, níu kéo trong ca khúc "Đưa em về Kiến Giang" của nhạc sỹ Xuân Đồng, vốn đã quen thuộc với bao người con xứ Lệ. Nhưng không phải ai nghe, ai thuộc cũng biết nguyên cớ ra đời của ca khúc này.

    24/08/2021
    .
  • Trưng bày triển lãm kỷ niệm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Công an nhân dân, Thư viện Quân đội và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức khai mạc Triển lãm chuyên đề "Vị tướng huyền thoại."

    21/08/2021
    .
  • TP. Đồng Hới: Hỗ trợ xây dựng, mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa thôn, tổ dân phố

    (QBĐT) - Hiện nay, trên địa bàn TP. Đồng Hới có 139/140 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa (NVH); trong đó, 54 NVH đạt chuẩn, bảo đảm phục vụ các nhu cầu hoạt động của khu dân cư, 85 NVH cần xây dựng mới (gồm: 60 NVH không đạt tiêu chí từ 100 chỗ ngồi trở lên, 25 NVH do xây dựng đã lâu nên cơ sở vật chất xuống cấp).
    20/08/2021
    .
  • VTV sản xuất chương trình 'Ý niệm yêu thương' nhân mùa Vu lan đặc biệt

    Các chuyên gia lịch sử, nhà nghiên cứu văn hóa sẽ hé lộ truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong mùa Vu lan, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

    19/08/2021
    .
  • Đến với "Tình ca mùa đông" của Trần Đình

    (QBĐT) - "Tình ca mùa đông" là tập thơ đầu tiên của Trần Đình (NXB Thuận Hóa). Thú thực, vừa mới nghe tên tập thơ tôi chưa thật ưng ý cho lắm.

    18/08/2021
    .
  • Triển lãm trực tuyến về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    Theo thông tin từ Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, từ ngày 22-8, Trung tâm tổ chức trưng bày triển lãm trực tuyến về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mang tên "Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Vị tướng huyền thoại".

    17/08/2021
    .
  • Ngôi nhà của mẹ

    (QBĐT) -  Che suốt đời người vẫn một mái nhà tranh
    Mái tranh bạc che mái đầu tóc bạc
    16/08/2021
    .
  • Ráng chiều

    (QBĐT) - Góc ảnh đẹp

    15/08/2021
    .