.

Đến với "Tình ca mùa đông" của Trần Đình

.
07:54, Thứ Tư, 18/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - "Tình ca mùa đông" là tập thơ đầu tiên của Trần Đình (NXB Thuận Hóa). Thú thực, vừa mới nghe tên tập thơ tôi chưa thật ưng ý cho lắm. Đọc lướt, tôi thấy có một số tiêu đề gợi hơn, ấn tượng hơn "Tình ca mùa đông", chẳng hạn như: Níu mùa thu cũ, Kiếp nhân sinh, Uống trà một mình, Dẫu khi bụi phấn thôi bay… Nhưng sau khi đọc đi, đọc lại toàn bộ tập thơ, tôi thấy tác giả chọn tiêu đề "Tình ca mùa đông" là rất phù hợp, đúng với ý nghĩa kỷ niệm 35 năm ngày cưới của vợ chồng ông.
 
Dẫu không phải nội dung chính của "Tình ca mùa đông", nhưng tình cảm quê hương là thứ tình cảm không thể thiếu trong tâm thức của nhiều nhà thơ. Trần Đình (tên thật là Trần Đình Bót, quê Quảng Long, TX. Ba Đồn) không phải ngoại lệ. Mỗi người có cách bộc lộ tình cảm quê hương riêng. Với Trần Đình, nói về quê hương không thể không nhắc đến "Sông quê", ở đó: "Mỗi hòn cuội, gốc cây, bãi cỏ/Còn vương bao dấu chân người."
Trang bìa tập thơ
Trang bìa tập thơ "Tình ca mùa đông" của Trần Đình.

Ông thiết tha kêu gọi:

Bạn bè ơi!

mỗi đứa một phương trời

có lắng nghe
tiếng xạc xào của lá
có lắng nghe
tiếng gió từ biển cả
Trái bần xanh chát lịm đến bây giờ!"
 
Trần Đình ví mình như kẻ lữ hành “đi nhặt những thương yêu của năm tháng xa xưa gói vào bến cũ”. “Những thương yêu” mà Trần Đình đi gom nhặt ấy chính là những ký ức về cha mẹ, anh em, bạn bè.
 
Hình ảnh cảm động nhất trong thơ Trần Đình là hình ảnh người mẹ tảo tần:
 
"Chợ chiều vắt vẻo trăng non
Đôi vai mẹ trĩu chén cơm cuối ngày
Đắng cay mặn ngọt đủ đầy
Đằm trưa nắng hạ, sớm ngày giá đông"
                                                                (Lời ru)
 
“Chén cơm” thì nhẹ tênh, sao lại “trĩu” vai mẹ? Đọc tiếp, ta mới biết, thì ra, trong chén cơm có đủ đắng, cay, mặn, ngọt, ngày đông giá, trưa nắng hạ... nên nặng đến như thế! Cũng như "Hạt gạo làng ta" của Trần Đăng Khoa “có bão tháng bảy, có mưa tháng ba, giọt mồ hôi sa những trưa tháng sáu...”.
 
Bên cạnh hình ảnh mẹ là hình ảnh người chị ruột:
 
"Nắng mưa
giữa chốn bụi trần
bôn ba xuôi ngược
trầm luân xứ người
bệnh tình
đeo bám chị tôi…"
                        (Miền an lạc)
 
Đang kể về cuộc đời đầy bất hạnh của chị, đột nhiên tác giả hạ hai câu thấm đẫm nước mắt: "hoàng hôn tắt nắng…/đất trời ngả nghiêng" . Cách nói ẩn dụ và cường điệu này đã phần nào diễn tả được nỗi đau đớn tột cùng của tác giả.
 
Lắng đọng trong ký ức Trần Đình là những kỷ niệm với bạn bè thời niên thiếu. Người đời thì đi nhặt những cái có thể cầm nắm, còn thi sỹ thì lại đi nhặt những thứ không thể cầm nắm: "Mùa thu nhuộm lá vàng rơi/Ta về nhặt những nụ cười năm nao" (Chiều thu).
 
Đọc thơ ông, tôi như đang sống lại thời niên thiếu của mình:
 
"Ngạt ngào hương lúa đòng đòng
Chơi trò đuổi bắt tồng ngồng gái trai
Chẳng giữ kẽ, chẳng hổ ngai
Lăn lê thảm cỏ sóng soài triền đê"
                                      (Chiều thu)
 
Dân gian nói “khóc hổ ngươi, cười ra nước mắt”. Trần Đình chuyển “hổ ngươi” thành “hổ ngai” mang đậm sắc thái địa phương vùng đất “gió Lào, cát trắng”.
 
Vì mang ý nghĩa kỷ niệm 35 năm ngày cưới nên nội dung chủ yếu của tập thơ xoay quanh tình yêu lứa đôi, tình cảm vợ chồng. Điều đặc biệt là hai thứ tình cảm này hòa quyện vào nhau như một thực thể, khó lòng tách bạch. Bài thơ "Tình ca mùa đông" Trần Đình viết tặng người bạn đời của anh. Thơ đôi khi phải tả hoặc kể, nhưng đôi khi chỉ cần gợi. Trong "Tình ca mùa đông", tác giả chỉ gợi: Ngọn gió, cái rét cuối đông, con đường, dòng sông một thuở, nước mắt, nụ cười… mà bao nhiêu kỷ niệm bỗng ùa về. Bởi giữa họ có chung trường liên tưởng ngoài ngôn ngữ. Với cách gợi như thế, độc giả tha hồ thả trí tượng tượng.
 
Sau 35 năm chung sống, ông hồi tưởng:
 
"Bây giờ nhớ về ngày ấy
Thẹn thùng với gió heo may
Mẹ cha đã chọn ngày cưới
Đôi người chưa dám cầm tay."
                                      (Chưa dám cầm tay)
 
“Đôi người” cũng như hai người thôi, nhưng “đôi người” thì có thêm tôi và một vài người nữa. Khổ thơ ghi dấu ấn một thời. Cái thời ấy thật lạ, nam nữ yêu nhau mà không dám cầm tay, chứ đừng nói đến chuyện ôm hôn, mặc dù “mẹ cha đã chọn ngày cưới”.
Trần Đình vốn là một nhà giáo nên ông thấu hiểu hoàn cảnh của các đồng nghiệp. Những cô giáo, ngoài công việc bếp núc, cơm nước, giặt giũ, chợ búa... thì giữa đêm khuya rét buốt, khi chồng con đã yên giấc, mẹ già đã ấm chăn, các chị vẫn thức với căn phòng, cặm cụi trên từng trang giáo án:
 
"Em
ngọn nến
đốt cháy mình
thắp lên bình minh ánh sáng"
                                              (Ngọn nến)
 
Hình ảnh so sánh tuy không thật mới nhưng kết tinh sự tận tụy, đức hy sinh của bao thầy, cô giáo vì sự nghiệp “trồng người”. Từng trải qua 40 năm trong nghề dạy học, nên tôi rất đồng cảm với những câu thơ sau đây của Trần Đình:
 
"Lang thang gom mớ thực hư
Gói vào nỗi nhớ cho dư tháng ngày
Dẫu khi bụi phấn thôi bay
Vẫn không buông nỗi nghiệp này, người ơi!"
                                        (Dẫu khi bụi phấn thôi bay…)
 
Phần lớn thơ trong tập "Tình ca mùa đông" được Trần Đình viết sau khi nghỉ hưu. Tuổi ngoài sáu mươi, người ta không chỉ hoài niệm quá khứ mà còn hay nghĩ ngợi, suy ngẫm chuyện đời, chuyện người, chuyện xưa, chuyện nay... Nhờ nghỉ hưu mà ông mới có thời gian rảnh rỗi ngồi "Uống trà một mình" để thấy “đơn côi ngấm vào đặc quánh”. Trước khi về hưu, anh đã tìm "Viếng mộ Nguyễn Hàm Ninh" để chia sẻ: "Đau đáu nỗi niềm thế thái/Ngậm ngùi thương kẻ dân quê" của bậc hiền sĩ. Nhờ nghỉ hưu mà ông có dịp ra Nghi Xuân (Hà Tĩnh) "Viếng mộ Nguyễn Du" để bày tỏ niềm cảm phục đối với Đại thi hào:
 
"Con xin dâng nén hương này
Thắp lên mộ cụ tỏ bày lòng con
Trăm năm nước chảy đá mòn
Thơ Kiều Người viết vẫn còn mãi xanh"
 
Cũng nhờ nghỉ hưu mà ông có thời gian thường xuyên giao lưu với các bạn yêu thơ trên facebook. Mỗi bài thơ ông đưa lên trang cá nhân của mình được nhiều người quan tâm. Đối với thi sỹ thì chỉ cần có được vài ba tri âm cũng là hạnh phúc lắm rồi. Tôi biết Trần Đình đang trăn trở, tìm tòi với mong muốn thơ mình mới hơn, hiện đại hơn.
 
Chúc ông thành công trên con đường sáng tạo thi ca đầy chông gai, thử thách! 
       
                             Mai Văn Hoan
,
  • Triển lãm trực tuyến về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    Theo thông tin từ Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, từ ngày 22-8, Trung tâm tổ chức trưng bày triển lãm trực tuyến về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mang tên "Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Vị tướng huyền thoại".

    17/08/2021
    .
  • Ngôi nhà của mẹ

    (QBĐT) -  Che suốt đời người vẫn một mái nhà tranh
    Mái tranh bạc che mái đầu tóc bạc
    16/08/2021
    .
  • Ráng chiều

    (QBĐT) - Góc ảnh đẹp

    15/08/2021
    .
  • "Hương âm bất cải"

    (QBĐT) - Cuối năm 1991, tròn 80 tuổi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính thức nghỉ việc trên chính trường. Mùa xuân năm sau, năm 1992, ông về thăm quê 21 ngày, làm việc với cấp ủy, chính quyền tỉnh và các huyện, thị, nói chuyện với cán bộ, nhân dân các địa phương. 

    15/08/2021
    .
  • Dừng Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang

    (QBĐT) - Để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngày 13-8, UBND huyện Lệ Thủy đã có thông báo về việc dừng tổ chức lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang và các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội 2-9-2021.

    14/08/2021
    .
  • Chấn chỉnh tình trạng thông tin không chính xác về phòng, chống dịch

    Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các cơ quan báo chí cần xây dựng chuyên trang, chuyên mục, dành vị trí dễ tiếp cận và thể hiện nội dung thông tin sinh động về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

    14/08/2021
    .
  • Trưng bày sách giới thiệu thân thế, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    (QBĐT) - Thông tin từ Thư viện tỉnh Quảng Bình ngày 12-8 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911 – 25-8-2021),  đơn vị sẽ tổ chức trưng bày sách giới thiệu về thân thế và sự nghiệp của Đại tướng.
     
    12/08/2021
    .
  • Chương trình nghệ thuật trực tuyến "Ở nhà cùng vui"

    20 giờ 30 phút ngày 14-8, chương trình nghệ thuật trực tuyến "Ở nhà cùng vui" sẽ được livestream trực tiếp từ sáu điểm cầu: Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng), nhà riêng của nghệ sĩ Xuân Bắc (Hà Nội), nhà riêng của nghệ sĩ Trương Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh).

    12/08/2021
    .