.

Đọc "Đi qua năm tháng"* của Phạm Ngọc Tú

.
15:44, Thứ Năm, 09/08/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Tôi đang ngồi xem trực tuyến bóng đá Ngoại hạng Anh, bỗng nghe chuông điện thoại reo: "Xin chào chú Hoan! Tôi là Phạm Ngọc Tú quê ở Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình, năm nay đã 75 tuổi. Tôi rất thích thơ và có làm thơ. Vừa rồi tôi có chọn 65 bài, lấy tiêu đề là Đi cùng năm tháng nhờ chú đọc và thẩm định giúp. Có được không chú?"
 
Tôi trả lời: "Gì chứ thơ thì em không từ chối." Một tuần sau tôi nhận được bản thảo tập thơ  Đi cùng năm tháng. Thú thực, trước khi đọc tập thơ, tôi cứ nghĩ thơ  của ông Tú cũng như thơ các cụ hưu trí mà tôi từng tiếp xúc, nhưng lần giở từng trang Đi cùng năm tháng, tôi thực sự bất ngờ, hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
 
Chưa từng được hân hạnh tiếp kiến ông Tú, song đọc tập thơ Đi cùng năm tháng của ông, tôi nhận biết ông là người can trường, từng vào sinh ra tử. Năm 1961, lúc mới nhập ngũ, ông đã  được rèn luyện để chuẩn bị đương đầu với  gian nan, thử thách:
 
Đâm lê bắn súng mồ hôi toát
Lăn bò chạy nhảy áo tụt khuy
Dãi dầu mưa nắng thân nào quản
Quét nhà rửa bát có hề chi
                        (Binh nhì)
 
Suốt 40 năm khoác áo chiến binh, kinh qua hai binh chủng: ”Mâm pháo canh trời giăng lưới đạn” và “Cưỡi tăng thần tốc dặm đường xa”, “Ra bắc vào nam chân chẳng mỏi/ Ai Lao, Căm Pốt cững từng qua/ Lạng Sơn buốt lạnh chiều biên giới/ Nhớ nắng Khe Sanh, lửa Đông Hà”… bây giờ ông ngồi phóng bút tự họa chân dung của mình:
 
Trận mạc một thời quên tuổi trẻ
Để lúc về hưu đếm tuổi già
Tóc bạc da mồi thêm má hóp
Chiến hào chằng chịt dưới làn da
                                    (Chân dung tự họa)
 
Qua khẩu khí Chân dung tự họa ta có thể phần nào đoán được tính cách tác giả. Ông Tú có một chút ngông của Trần Tế Xương khi nói đến cấp bậc của mình: “Thiếu tướng” là ta đại tá “thừa”, một chút hóm hỉnh, thâm trầm của Nguyễn Khuyến: “Tóc bạc da mồi thêm má hóp/Chiến hào chằng chịt dưới làn da”. Câu “Chiến hào chằng chịt dưới làn da” đúng là sự liên tưởng của người từng lăn lộn qua nhiều chiến trường. Bốn câu thơ trên không chỉ có tiếng cười mà còn có dư vị của nước mắt. Tôi đặc biệt ấn tượng với cách nói đối nghịch trong hai câu: Trận mạc một thời quên tuổi trẻ/ Để lúc về hưu đếm tuổi già.
 
ÔngTú là một con người giàu tình cảm. Ông bồi hồi xúc động khi gọi tên những bạn bè, đồng chí vắng mặt trong ngày hội ngộ:
 
Ôm nhau chợt khóc chợt cười
Thời gian thoảng cơn gió thổi
Tóc giờ mây trắng Hải Vân
Da đã nhuốm màu Thành Nội
 
TÍCH ơi sao mày đi vội
Để MAI đau nhói buồng tim
Anh TIÊN đã về thiên cổ
Mà sao bạn vẫn kiếm tìm
                        (Hội ngộ)
 
Cách liên tưởng trong hai câu: “Tóc giờ mây trắng Hải Vân/ Da đã nhuốm màu Thành Nội” là cách liên tưởng khá bất ngờ và độc đáo. Bởi Thành Nội và Hải Vân là những địa danh  đã từng gắn bó với bạn bè, đồng chí một thời lửa đạn.              
 
Ông nghẹn ngào tiễn biệt đại tá Cao Văn Sen:
 
Gặp nhau vừa mới hai ba
Mà giờ anh đã đi xa mãi rồi
Ngày vui nửa khóc nửa cười
Nén hương xin gửi theo lời tiếc thương
                                                 (Viếng bạn)
 
Bác thương người vợ hiền sống trong những năm tháng cả đất nước đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn:
 
Đêm nằm vợ bảo: Anh ơi
Ngày mai gạo đã cạn rồi còn đâu
Tiền lương cũng hết từ lâu
Con vừa ốm dậy tính sao bây giờ?
                                          (Tiếng thở dài)
 
Với cả một con chó không may bị xe cán chết, ông cũng không sao cầm được nước mắt (qua những vần thơ ông viết thay cháu):
 
Đi thật mày đi rồi hỡi chó?
Sao không ở lại chơi cùng tao
Thương mày thút thít tao ngồi khóc
Lần sau xe chạy nhớ đi vào.
               (Khóc chó)
 
Nhưng có lẽ sâu lắng nhất là tình của ông đối với mẹ:            
 
Con về mẹ đã đi xa
Đầy sân lá rụng căn nhà vắng teo
Nhện giăng cuối cột đầu kèo
Chiếu giường bụi phủ, màn treo gió luồn
Trăm ngàn vạn nỗi nhớ thương
Tro tàn bếp lạnh khói hương xa mờ
Một mình con đứng ngẩn ngơ
Ngàn trùng xa cách, mẹ giờ nơi đâu?
                                                   (Nhớ mẹ)
 
Chỉ 8 câu lục bát mà diễn tả được tâm trạng ngậm ngùi, hụt hững, đau xót, thương tiếc của tác giả khi “con về mẹ đã đi xa”. Hình ảnh “chiếc giường bụi phủ” cho ta biết mẹ ra đi đã khá lâu. Lớp bụi thời gian như cố tình xóa nhòa bóng hình của mẹ. Nhìn “chiếc giường bụi phủ”, lòng tác giả đau nhói. Những câu thơ gan ruột như thế, chỉ cần nghe qua một lần là không thể nào quên.
 
Ai đó từng nói: Thơ với người cao tuổi còn là một liều thuốc chống lão hóa. Đọc những bài thơ viết về đề tài tình yêu của ông Phạm Ngọc Tú, tôi  cảm thấy mình như đang trẻ lại. Tôi không ngờ một sĩ quan từng chuyên trách công tác chính trị như ông lại có tâm hồn hết sức lãng mạn.
 
Ta hãy nghe ông triết lý về tình yêu:
 
Tình yêu không tuổi tác
Tình yêu không sắc màu
Trái tim còn nhịp đập
Ánh mắt còn trao nhau
                                 (Tình yêu)
 
Bởi thế mà ngay thời chiến tranh, ông vẫn dành những khoảnh khắc yên tĩnh quý giá  hướng  về phương em:
 
Mỗi đứa một đầu Tổ quốc chia đôi
Mà nhớ thương chồng chất không nguôi
Cứ cháy bỏng như mùa hè rực lửa
Khao khát mãi một chiều mưa đôi lứa
Ngày giặc tan chiến thắng anh về
                                          (Mưa đầu mùa)
 
Trong những bài thơ viết về đề tài tình yêu của ông, tôi thích nhất Gửi người cho ớt. Xuất phát từ câu ca dao: Ớt nào mà ớt không cay/Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng, tác giả kể lại một câu chuyện có thật:
 
Ớt nào lại ớt không cay
Lời ai như gió mát bay qua đồng
Tiếng cười tan giữa mênh mông
Má em chắc cũng ửng hồng trong đêm?
Sốt rừng thèm ớt anh xin
Nhờ người chỉ lối mà tìm tới đây
 
Ớt nào lại ớt không cay
Nghe lời em nói đã say em rồi
Đêm không nhìn rõ mặt người
Ra về vẫn cứ bồi hồi nhớ mong
 
Gái nào gái chẳng thương chồng
Có bao người lính phải lòng như tôi
Ngày mai ra trận xa rồi
Ớt không còn nữa biết người nơi đâu?
 
Câu chuyện không có gì thật đặc biệt nhưng cách kể của tác giả lại khá đặc biệt. Người ta thường mở đầu bằng câu thứ 5 và 6: “Sốt rừng thèm ớt anh xin/Nhờ người chỉ lối mà tìm đến đây”, nhưng tác giả đã cố ý đảo vị trí để gây sự bất ngờ. Trong đêm tối, chỉ nghe giọng nói và tiếng cười của cô gái thanh niên xung phong, chàng lính trẻ đi xin ớt hình dung: “Má em chắc cũng ửng hồng trong đêm?”. Và “Nghe lời em nói đã say em rồi”. Chàng lính trẻ của chúng ta thật là đa cảm: “Đêm không nhìn rõ mặt người/Ra về vẫn cứ bồi hồi nhớ mong”. Khổ kết bài thơ gợi lên niềm bâng khuâng khó tả: ”Ngày mai ra trận xa rồi/Ớt không còn nữa biết người nơi đâu?”. Một mối tình thoáng qua mà khiến cho người đọc phải bùi ngùi, luyến tiếc. Có không ít những mối tình thoáng qua như vậy trong chiến tranh. Gửi người cho ớt khiến tôi chợt nhớ Quán bên đường của nhà thơ Quang Dũng: “Tiền nước trả em rồi. Nắng gắt/Đường xa xa mờ mờ núi và mây/Hồn lính vương qua vài sợi tóc/Tôi thương mà em đâu có hay”.
 
Bên cạnh mảng thơ trữ tình, Đi cùng năm tháng có không ít bài đậm chất thế sự, châm biếm, trào lộng. Điển hình nhất là bài Chân dung một giám đốc:
 
Cha mẹ sinh ra vốn bất tài
Trình độ so bằng cỡ cán mai
Bỗng dưng ông được làm giám đốc
Thiên hạ nhìn ông rõ thật oai
Điện thoại cầm tay kêu tít tít
Xe hơi đời mới vút dặm dài
Bằng cấp quanh người đeo lủng lẳng
Thiên hạ khen ông rõ đại tài
 
Thời buổi này không hiếm những vị giám đốc “đại tài” như thế. Cũng như bậc tiền bối Trần Tế Xương, ông Tú không e ngại khi chỉ mặt, vạch tên những kẻ lợi dụng chức quyền để vơ vét “Chỉ cốt túi mình cho nặng chặt/Trăm năm mặc kệ tiếng chê khen” như trường hợp ông Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra chính phủ:
 
Quốc nạn ngày ngày ông vẫn nói 
Tham nhũng phen này quyết chẳng tha
 
Ấy thế mà:
 
Bến Tre thu vén ngàn mét đất
Sài Gòn, Hà Nội mấy vi la
                                     (Ông Truyền)
 
Ở bài Nhà và người, tác giả chỉ ra một loạt đối nghịch: Nhà to - bụng thì bé xíu; “nhà rộng bằng mấy cái sân - bụng thì hẹp quá ống quần mười lăm”; “nhà thì điện sáng quanh năm – mà đầu óc cứ tối tăm một đời”. Điều đó làm cho tác giả không khỏi băn khoăn, lo lắng:
 
Nhà cao, tháp nhọn chọc trời
Chỉ e người ở quê tôi thấp dần.
 
Ông Phạm Ngọc Tú đặt tiêu đề cho tập thơ là Đi cùng năm tháng rất phù hợp. Lần theo các trang thơ, ta bắt gặp từng giai đoạn lịch sử của đất nước, từng chặng đường đời của tác giả. Đi cùng năm tháng xen lẫn giữa chung và riêng, bi và hùng, vui và buồn, hiện thực và lãng mạn, trữ tình và trào phúng… Thơ ông có tứ, ngôn từ dân dã, thể loại thơ đa dạng, diễn đạt trong sáng, giàu hình ảnh, giàu liên tưởng… điều đó chứng tỏ ông là cây bút có tay nghề.
 
Mai Văn Hoan
 
*Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2018
,
  • Những người lính chưa về

    (QBĐT) - Các anh đi ngày ấy chưa về
    Tuổi đôi mươi vẫn còn nguyên năm tháng
    Vẫn trên đầu ngôi sao cháy sáng
    Chiến trường xưa một thuở hào hùng
     
    09/08/2018
    .
  • Đêm hoa đăng

    (QBĐT) - Bến phà Quán Hàu rực rỡ hoa đăng
    Những vì sao lấp lánh trên sông
    Lung linh hồn những người chiến sĩ
    Hội ngộ về đây cùng với chúng tôi
     
    09/08/2018
    .
  • Trình diễn các tuyệt phẩm của Chopin trong hòa nhạc Giai điệu mùa Thu

    Thông tin từ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cho biết chương trình hòa nhạc "Giai điệu mùa Thu" sẽ diễn ra ngày 16-8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi vừa trở về từ Macedonia và nghệ sỹ piano trẻ đầy tài năng Ji Sung Lee đến từ Hàn Quốc.
     
    08/08/2018
    .
  • Bình lặng

    (QBĐT) - Bình lặng

    08/08/2018
    .
  • Chương trình nghệ thuật 'Hát câu hò khoan nhớ về Đại tướng'

    (QBĐT) - "Hát câu hò khoan nhớ về Đại tướng" là chương trình nghệ thuật do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức nhân kỷ niệm 107 năm ngày sinh (25-8-1911 - 25-8-2018) và tưởng niệm 5 năm ngày mất (4-10-2013 - 4-10-2018) của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

    07/08/2018
    .
  • Giọt nhớ ngày về

    (QBĐT) - Đi qua miền quê nhỏ
    Nghe nỗi nhớ đong đầy
    Nắng nghiêng miền ký ức
    Giấc mơ hiền trong veo.
     
    06/08/2018
    .
  • Lệ Thủy sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    (QBĐT) - UBND huyện Lệ Thủy cho biết, trong dịp kỷ niệm 107 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, huyện sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao khác.

    06/08/2018
    .
  • Người mang 'Mặt trời đến lớp'

    (QBĐT) - "Mặt trời đến lớp" là tập thơ thứ tư của chị, nhà thơ – cô giáo Trần Thị Huê. Sau những phá cách trong những tập thơ "Giấc mơ nhật thực", "Giữa tro và cõi sống", ở tập thơ mới viết cho thiếu nhi này, chị lại trở về với sự dịu dàng và trong trẻo của người đang ngày ngày gắn bó với những khóc cười con trẻ.

    06/08/2018
    .