Tập trung nguồn lực xây dựng "Cơ sở dữ liệu hộ tịch" theo Đề án 06
(QBĐT)- Ngày 20/7, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ những tháng còn lại.
Tại điểm cầu Bộ Tư pháp, đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị; tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Tại điểm cầu Quảng Bình, đồng chí Trần Chí Tiến, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp cùng đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo Sở Tư pháp tham dự.
|
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác tư pháp cả nước đạt nhiều kết quả nổi bật trong các lĩnh vực như: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp về phát triển kinh tế-xã hội; công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật nhà nước...
Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ban, ngành tham gia xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật Công chứng, Luật Thủ đô; rà soát, đề xuất sửa đổi nội dung liên quan đến Luật Giám định tư pháp... Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định 15 đề nghị xây dựng văn bản và 73 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 186 dự thảo VBQPPL. Các sở tư pháp thẩm định 198 đề nghị xây dựng nghị quyết HĐND và trên 2.000 dự thảo VBQPPL. Các phòng tư pháp thẩm định 1.212 dự thảo VBQPPL.
|
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính; công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp; đăng ký biện pháp bảo đảm; bồi thường nhà nước... là những nội dung trọng tâm toàn ngành tư pháp tập trung thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước tiếp nhận trên 53.300 vụ việc hòa giải, đã hòa giải thành hơn 42.000 vụ việc, đạt tỷ lệ 79%. Cả nước có trên 775.000 vụ việc thi hành án dân sự, đã thi hành xong hơn 382.000 vụ việc với tổng số tiền trên 70.278 tỷ đồng.
|
Bộ Tư pháp tập trung nguồn lực triển khai xây dựng “Cơ sở dữ liệu hộ tịch” theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dựng dữ liệu dân cư, định danh cá nhân và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) với nền tảng là “Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung”. Tính đến cuối tháng 6/2023, hệ thống cơ sở dữ liệu hộ tịch ghi nhận tổng số hơn 70 triệu dữ liệu hộ tịch các loại, trong đó có 42 triệu trường hợp đăng ký khai sinh, 10 triệu trường hợp đăng ký kết hôn, 7 triệu trường hợp đăng ký khai tử và 10 triệu trường hợp đăng ký các vấn đề hộ tịch khác.
Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương đã tham gia góp ý hoạt động ngành Tư pháp trong thời gian qua. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành còn chậm; vẫn còn tình trạng điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; một số dự án luật chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ; việc hướng dẫn nghiệp vụ trong lĩnh vực tư pháp còn chậm; còn xảy ra vi phạm trong hoạt động luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản.
|
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh: Toàn ngành Tư pháp cần thực hiện nghiêm hơn nữa Luật Ban hành VBQPPL, đóng góp sức lực, trí tuệ vào xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống VBQPPL; tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ xây dựng “Cơ sở dữ liệu hộ tịch” theo Đề án 06 của Chính phủ; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, tự kiểm tra và kiểm tra VBQPPL theo thẩm quyền, tự chịu trách nhiệm trước VBQPPL do mình phụ trách; công tác thi hành án chú trọng đến việc thu hồi tài sản cho nhà nước, đặc biệt là tài sản trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực...
T.Long