Giải pháp phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên
(QBĐT) - Chiều 23/2, đồng chí Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì hội nghị trực tuyến về giải pháp phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh; các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh.
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên bao gồm 19 tỉnh, thành phố. Theo thống kê, trong 40 năm gần đây, trong tổng số 374 cơn bão hoạt động trên biển Đông, có 148 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền nước ta, trong đó, có 94 cơn bão đổ bộ vào khu vực miền Trung và Tây Nguyên (chiếm trên 64%), tập trung vào các tháng 9-11. Cùng với bão, tình hình lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, rét hại cũng đã gây cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên những thiệt hại nặng nề.
Cụ thể như: Đợt mưa lũ nghiêm trọng cuối năm 2020 tại miền Trung đã làm 78 người chết, mất tích, 473.449 nhà dân bị ngập, hư hại, ước tính thiệt hại khoảng 36.000 tỷ đồng; sạt lở đất tại các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Nam đã làm cho gần 100 người chết, mất tích; hán hạn, xâm nhập mặn kéo dài từ năm 2014-2016 làm 15.000 ha rừng sản xuất, hơn 10.776 ha lúa bị thiệt hại, 43.482 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, tổng thiệt hại gần 1.500 tỷ đồng…
Trước những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo đúng hướng dẫn của Trung ương; chủ động phương án ứng phó và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả; phối hợp với các lực lượng quân đội, công an trên địa bàn huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ và hàng nghìn phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người dân…
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia đã tập trung thảo luận và đề xuất giải pháp phòng, chống thiên tai tại khu vực. Trong đó, tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: Tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo; sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa, đê điều; bố trí nguồn lực xử lý triệt để những khu vực trọng điểm của tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển; xây dựng công trình, nhà ở an toàn trước thiên tai; khôi phục các rừng phòng hộ đầu nguồn; rà soát quy hoạch các thủy điện nhỏ trong khu vực; xây dựng chuyển đổi số trong công tác phòng, chống thiên tai…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua.
Đồng chí Trần Quang Hoài cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương thời gian tới cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm chính xác, kịp thời, hiệu quả; thúc đẩy số hóa, theo dõi, giám sát thiên tai; khẩn trương lập dự án, đề xuất xây dựng hệ thống đê biển, trồng rừng phòng hộ ven biển; xây dựng các công trình giao thông để phòng lũ lụt; thực hiện đúng quy trình vận hành, xả lũ các hồ chứa; xây dựng các nhà chống lũ, chống bão cho người dân; quy hoạch các kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội gắn với công tác phòng, chống thiên tai…
Ngọc Hải