icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Sông Son dậy sóng

  • 14:06 | Thứ Bảy, 27/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vào dịp lễ 30/4 và 1/5, người dân Bố Trạch và du khách thập phương lại háo hức đón chờ lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Son. Trên khắp nẻo đường quê hương di sản Phong Nha-Kẻ Bàng tấp nập cờ hoa, hai bên bờ sông Son rộn vang tiếng hò reo, cổ vũ cho những thuyền đua, dậy sóng cả một vùng...
Lễ hội đua thuyền trên sông Son góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, quảng bá tiềm năng du lịch Bố Trạch.
Lễ hội đua thuyền trên sông Son góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, quảng bá tiềm năng du lịch Bố Trạch.
Sẵn sàng mùa giải mới
 
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Son đến nay đã trải qua 6 mùa giải, quy tụ những thuyền đua, bơi đến từ nhiều xã trên địa bàn huyện Bố Trạch. Giải được chia làm hai nội dung thi đấu, gồm: Thuyền bơi nam và thuyền đua nữ. Mỗi thuyền sẽ có khoảng 19-20 vận động viên tham gia, thi đấu với tổng đường đua dài 6km đối với thuyền bơi nam và 4km đối với thuyền đua nữ, xuất phát từ bến thuyền trung tâm đến cầu Xuân Sơn qua ngã ba sông Chày rồi trở về.
 
Để chuẩn bị tham gia giải đua thuyền trên sông Son lần thứ VII do huyện tổ chức, từ những ngày giữa tháng tư, các trai bơi của xã Nhân Trạch đã bắt đầu cho việc tập luyện. Ông Nguyễn Xuân Mát, huấn luyện viên đội bơi xã Nhân Trạch chia sẻ: “Trong 6 mùa giải trước, năm nào Nhân Trạch cũng đoạt giải. Đặc biệt, 3 mùa giải gần đây, Nhân Trạch liên tiếp giành giải nhất nội dung bơi nam. Hưởng ứng lễ hội đua thuyền trên sông Son, lãnh đạo cũng như bà con nhân dân xã chúng tôi rất hào hứng, chuẩn bị các công tác cần thiết sẵn sàng tham gia giải. Chúng tôi đã làm lễ hạ thuyền và tiến hành tập luyện thời gian 2 buổi trong ngày. Các vận động viên đội bơi rất hăng hái, quyết tâm tập luyện và phấn đấu đạt thành tích cao như những năm trước”.
 
Qua các mùa giải đua thuyền hàng năm do huyện Bố Trạch tổ chức, phát huy tinh thần của người dân vùng sông nước, nhân dân xã Nhân Trạch luôn hưởng ứng nhiệt tình. Điều đó thể hiện bằng việc người dân ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho đội thuyền của xã tham gia giải; tích cực tham gia cổ vũ tại lễ hội mặc dù quãng đường di chuyển khoảng 40km.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch Phạm Mạnh Hùng cho biết: “Sau khi có kế hoạch giải đua thuyền lần thứ VII của huyện, được sự chỉ đạo của Đảng ủy xã, UBND xã Nhân Trạch xây dựng, triển khai kế hoạch, phổ biến về các thôn, vận động bà con nhân dân quyên góp ủng hộ đội thuyền tham gia. Năm nay, Ban Tổ chức giải đặt đóng thuyền mới bằng chất liệu composite cho các đội đua, bơi thay vì thuyền gỗ như những năm trước. Do đó, để làm quen với thuyền mới, xã triển khai cho các vận động viên tập luyện sớm, nhằm phấn đấu đạt kết quả cao nhất”.
Lễ hội đua thuyền trên sông Son thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách.
Lễ hội đua thuyền trên sông Son thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách.

Với mục tiêu tham gia giải với tâm thế tốt nhất, các xã: Thanh Trạch, Hải Phú, Hưng Trạch, Đức Trạch, Liên Trạch, thị trấn Phong Nha... cũng đã tập trung triển khai các nội dung, như: Lựa chọn vận động viên, tập luyện sôi nổi, huy động nguồn kinh phí hỗ trợ đội thuyền…

Theo Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch Lê Ngọc Sơn, lễ hội đua thuyền năm nay, xã Hưng Trạch tham gia cả hai nội dung: Bơi nam và đua nữ. Để chuẩn bị tốt cho việc tranh tài ở các chặng đua trên sông, hai đội thuyền của địa phương đã triển khai họp, quán triệt các điều lệ của giải, những nội dung liên quan đến công tác đua, lên kế hoạch tập luyện…

Bảo tồn văn hóa truyền thống, quảng bá du lịch
 
Lễ hội đua thuyền là một trong những lễ hội truyền thống của người dân vùng sông nước Quảng Bình. Cùng với lễ hội đua thuyền tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Tuyên Hóa, TX. Ba Đồn, TP. Đồng Hới, lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Son của huyện Bố Trạch là hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương.
 
“Nhân Trạch là địa phương có đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân gắn bó mật thiết với sông, biển. Nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp của vùng sông nước được người dân Nhân Trạch bảo tồn, gìn giữ qua nhiều thế hệ. Đua thuyền cũng là một trong những nét văn hóa đẹp của người dân xã Nhân Trạch. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, đến nay, hoạt động này không còn được triển khai tại xã. Do đó, việc tham gia lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Son là hoạt động vô cùng ý nghĩa, góp phần giúp địa phương bảo tồn được giá trị văn hóa tốt đẹp của miền quê sông nước”, ông Phạm Mạnh Hùng cho hay.
Các vận động viên đội thuyền xã Nhân Trạch (Bố Trạch) tích cực tập luyện trước mùa giải.
Các vận động viên đội thuyền xã Nhân Trạch (Bố Trạch) tích cực tập luyện trước mùa giải.

Rút kinh nghiệm của những mùa giải trước, năm nay, UBND huyện Bố Trạch sớm ban hành kế hoạch triển khai cho các đơn vị, địa phương. Từ đầu năm, huyện bố trí ngân sách hỗ trợ các xã, thị trấn tham gia giải đua thuyền với số tiền 70 triệu đồng/địa phương, cùng với nguồn tiền xã hội hóa để đóng thuyền mới composite (trị giá 125 triệu đồng/thuyền) theo tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch. Huyện cũng chỉ đạo các địa phương triển khai tập luyện nhằm đạt kết quả cao nhất tại giải đua. Các ngành, đơn vị liên quan cũng phối hợp triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho lễ hội…

Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Hữu Hồng nhấn mạnh: “Lễ hội đua thuyền trên sông Son hàng năm là hoạt động thiết thực để bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của người dân vùng sông nước huyện Bố Trạch. Đây cũng là hoạt động góp phần củng cố tinh thần đoàn kết, thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục thể thao, hướng tới xây dựng con người Bố Trạch phát triển toàn diện, đáp ứng nhu cầu phát triển của quê hương, đất nước. Các hoạt động của lễ hội sẽ thu hút đông đảo quần chúng nhân dân, khách du lịch tham gia, tạo không khí vui tươi, sôi nổi. Qua đó, quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch, văn hóa trên địa bàn huyện Bố Trạch”.
 
Chào mừng Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5, năm nay, tại thị trấn Phong Nha, UBND huyện Bố Trạch tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, như: Lễ hội đua thuyền truyền thống, hội thi cá trắm sông Son lần thứ VII; ngày hội thể thao các dân tộc ít người, liên hoan văn nghệ…
Lê Mai

tin liên quan

Nhận bàn thua trên chấm phạt đền, Tuyển Việt Nam chia tay VCK U23 châu Á

Thi đấu đầy nỗ lực và tạo được thế trận tốt trước đối thủ mạnh là U23 Iraq, tuy nhiên sai lầm trong hệ thống phòng ngự đã khiến thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn 'lỡ hẹn' với tấm vé dự Olympic 2024.

Đoàn TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương

(QBĐT) - Sáng nay, 26/4, giải đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia năm 2024 bước vào ngày thi đấu thứ 2. 

Tuyên Hóa :Sẵn sàng cho lễ hội lớn

(QBĐT) - Những ngày cuối tháng tư lịch sử, sông Gianh lại "dậy sóng" đón hàng trăm trai đua hội tụ về tập luyện, sẵn sàng cho giải đua thuyền truyền thống huyện Tuyên Hóa năm 2024.