(QBĐT) - Đua thuyền trên sông là nét văn hóa đặc sắc với ước nguyện cầu an, cầu mùa, cầu cho mưa thuận gió hoà của người dân các địa phương vùng sông nước ở tỉnh Quảng Bình. Đua thuyền cũng là hoạt động thể thao nhằm tăng cường sức khoẻ, phát huy sức mạnh đoàn kết cộng đồng để chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống. Trong không khí vui mừng kỷ niệm ngày thống nhất non sông, hàng năm vào ngày 30/4, trên dòng sông Son và Nhật Lệ đều diễn ra lễ hội đua thuyền truyền thống…
Đọ sức trên dòng Son
Chúng tôi nhiều lần đến với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng vào dịp 30/4 để không chỉ tham quan, trải nghiệm các kỳ quan hang động mà còn hoà mình vào lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Son tổ chức ngay tại thị trấn Phong Nha-trung tâm du lịch của huyện Bố Trạch.
Ngay từ sáng sớm, dọc hai bờ sông Son đoạn từ Di tích lịch sử bến phà Xuân Sơn đến cầu Xuân Sơn chen kín bước chân du khách và người dân đến xem hội đua thuyền. Tham gia lễ hội đua thuyền trên sông Son trong những năm qua có các đội đua đến từ thị trấn Phong Nha, các xã Liên Trạch, Hưng Trạch, Nhân Trạch, Thanh Trạch, Hải Phú, Đức Trạch… Được biết mỗi thuyền đua có 21 người, trong đó có 9 đôi chèo và người chèo lái, chèo mũi, gõ sanh.
Dòng sông Son ngày cuối tháng tư như dải lụa xanh. Nối liền hai bờ sông ở Di tích lịch sử bến phà Xuân Sơn là những dây cờ hoa, trên đó có các số ký hiệu để thuyền đua vào vị trí xuất phát. Trên mặt sông, những chiếc thuyền đua được trang trí hình rồng trông thật lộng lẫy và lực lưỡng. Các tay đua mang trang phục truyền thống của từng địa phương, tư thế cầm chầm bơi sẵn sàng cuộc đua.
Khi có hiệu lệnh xuất phát, các “cánh tay cuộn sóng biển khơi” vung chầm đưa con thuyền lướt nhanh về phía trước. Cùng lúc đó là tiếng hò reo, khoát nón, vẫy cờ cổ vũ của cổ động viên các đội đua. Nhìn những động tác buông chầm đều đặn, khoẻ khoắn, dứt khoát của các tay đua như bước chân của rồng trên mặt sông xanh óng ánh tia nắng mặt trời.
Suốt cả chặng đua, những con thuyền rượt đuổi nhau tiến lên phía trước với những pha tranh đua quyết liệt, hấp dẫn. Trong khi đó, người xem ở hai bờ sông tại vị trí xuất phát lại ngóng trông, hồi hộp chờ đợi và dõi mắt theo các thuyền đua.
Có lẽ thú vị, lôi cuốn nhất khi xem đua thuyền là ở những giây phút khi thuyền đua sắp về đích. Lúc này, các tay đua bứt phá tốc độ đánh chầm để thuyền lướt trên sóng nước trong tiếng hò reo huyên náo của khán giả ở cả hai bên bờ sông.Theo kinh nghiệm của các cụ cao tuổi ở các địa phương có truyền thống đua thuyền thì không phải con thuyền nào đánh chầm nhanh đều giành chiến thắng mà còn có sự kết hợp khéo léo, hoàn hảo giữa người chèo lái và người chèo mũi để con thuyền lướt thẳng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Hữu Hồng cho biết, kể từ năm 2017 đến nay, huyện Bố Trạch đã tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Son vào dịp 30/4 hằng năm với 2 nội dung đua thuyền nam và đua thuyền nữ. Hiện tại, để chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền lần thứ V năm 2022, các đơn vị, địa phương đã sẵn sàng tham gia, luyện tập sôi nổi, bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19. Nhằm thúc đẩy, kích cầu hoạt động du lịch, cũng trong dịp này, huyện Bố Trạch tổ chức hội thi cá trắm sông Son; biểu diễn dân vũ; chương trình văn nghệ truyền thống chào mừng lễ hội; tổ chức hội chợ trưng bày các sản vật, sản phẩm OCOP của các địa phương..
Ngân vang sóng nước Nhật Lệ
Vào sáng ngày 30/4 này, khi ánh bình minh lấp lánh trên dòng Nhật Lệ cũng là lúc hàng trăm mái chầm khua sóng rộn ràng đưa những con thuyền đua lướt nhanh trên mặt nước tranh tài tại lễ hội đua thuyền truyền thống Đồng Hới năm 2022. Đây là một trong những hoạt động của Tuần Văn hoá-Du lịch Đồng Hới năm 2022.
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ là nét văn hóa đặc sắc của ngư dân các địa phương ở ven sông và biển Nhật Lệ bắt nguồn từ hội bơi trải “Lục niên cạnh độ” (6 năm tổ chức 1 lần). Sách Đại Nam nhất thống chí viết “Cứ cách 6 năm vào những năm Tý, Ngọ, dân chài hai phía tả, hữu ngạn sông Nhật Lệ tổ chức thi bơi trải một lần gồm 6 làng Động Hải, Hà Thôn, Phú Mỹ, Hướng Dương, Phú Địa và Cừa Thôn; bởi vậy người ta gọi là “Lục niên cạnh độ”.
Theo sử sách ghi lại, thuyền đua tham gia hội bơi trải “Lục niên cạnh độ” có 18 thang ngang cho 18 cặp tráng đinh cầm chầm ngồi bơi. Các thang ngang và lòng thuyền được néo bằng dây mây song và được bọc bằng bẹ chuối hoặc vải lụa cho mềm mại khi ngồi. Mỗi làng bơi trải thường có một cặp thuyền với tên gọi là “nhọn” và “muống” tượng trưng cho âm dương hoà hợp.
Trước các cuộc bơi trải, thuyền đua của các đội trải tiến tổ chức lễ trình mũi, diễu hành dọc bờ sông Nhật Lệ. Cụ thể khi ngang qua các đình, miếu ở trên bờ sông Nhật Lệ, các thuyền bơi trải phải quay mũi chầu và thực hiện nghi lễ trình mũi ở đình Động Hải, đình Hà Thôn, miếu Ông Nghị. Ở phía trước mỗi thuyền bơi thường có chiếc lọng che hương án, lư trầm. Và khi kết thúc hội bơi trải “Lục niên cạnh độ”, các thuyền bơi tổ chức lễ buông phao...
Sau này khi đất nước thống nhất, hội bơi trải “Lục niên cạnh độ” trên dòng Nhật Lệ được biến cải thành lễ hội đua thuyền truyền thống diễn ra hàng năm vào dịp lễ, Tết của quê hương, dân tộc.Nhằm gìn giữ, trao truyền nét văn hoá của hội bơi trải “Lục niên cạnh độ”, những năm gần đây tại lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ, TP. Đồng Hới đã tổ chức nghi lễ Trình mũi và Buông phao theo thể thức dân gian của người dân miền biển, mang đậm dấu ấn nguyên sơ, giản dị nhưng cũng rất nghiêm trang và linh thiêng.
Ngày 12/1/2022, tại Quyết định số 77 của Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội đua thuyền trên sông Nhật Lệ (ở huyện Quảng Ninh và TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Vào ngày 30/4/2022, TP. Đồng Hới sẽ tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận. Đây là lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá độc đáo được duy trì từ lâu ở các địa phương, thông qua lễ hội thể hiện sự đoàn kết, tinh thần thể thao trung thực, cao thượng…
Được biết, lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ năm 2022 có nhiều nét mới. Lễ hội diễn ra một lần đua với cự ly đường đua dài 12,5km. Cụ thể, các thuyền thi đấu 2 vòng đua, điểm xuất phát gióng ngang từ cảng cá Nhật Lệ sang thôn Hà Dương (xã Bảo Ninh) cách 500m về phía thượng nguồn. Khi có hiệu lệnh xuất phát, 8 thuyền đua di chuyển về phía hạ nguồn và quay vòng tại điểm gióng ngang ở công viên Đồng Hải. Rồi tiếp tục quay về tiêu thượng nguồn lặp lại vòng thứ 2 như vòng thứ nhất và về đích trước tượng đài Mẹ Suốt...
Bà Hoàng Thị Thanh Nhung, Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới cho biết: Tổ chức lễ hội đua thuyền truyền trên sông Nhật Lệ năm 2022 nhằm duy trì, quảng bá và giới thiệu đến du khách và người dân nét đặc trưng văn hoá truyền thống của ngư dân miền biển Đồng Hới. Thông qua hoạt động này nhằm tiếp tục nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá đặc sắc của địa phương; đồng thời góp phần phát triển phong trào thể thao đoàn kết trong quần chúng nhân dân và đa dạng hoá các sản phẩm du lịch của thành phố.
Kỷ niệm ngày thống nhất non sông 30 tháng 4 này, trên dòng sông Son và Nhật Lệ lại rộn ràng lễ hội đua thuyền truyền thống của người dân vùng sông nước, là ngày hội thể thao đoàn kết của cộng đồng…
(QBĐT) - Ngày 23/4, tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Bố Trạch, UBND huyện Bố Trạch đã bế mạc vòng chung kết giải bóng chuyền nam năm 2022.
Tối 22/4, đội tuyển U23 Việt Nam giành chiến thắng 1-0 trước U20 Hàn Quốc trong trận tái đấu trên sân Hàng Đẫy. Đây cũng là trận cầu tổng duyệt để huấn luyện viên Park Hang-seo hoàn thiện danh sách đội hình tham dự SEA Games 2021.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam sẽ tài trợ cho SEA Games 31 với các kênh truyền Internet và vận hành giám sát tại các trung tâm báo chí-truyền hình, trung tâm công nghệ thông tin.