Tác động của công nghệ số trong truyên truyền DS-KHHGĐ

  • 08:12 | Thứ Bảy, 04/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để bảo đảm duy trì liên tục, không bị đứt đoạn các hoạt động truyền thông về dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, bên cạnh việc sử dụng các phương tiện truyền thông truyền thống, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua mạng xã hội và đã nhận được những phản hồi tích cực. Qua đó, thấy rõ tiện ích rất lớn từ công nghệ số trong tuyên truyền DS-KHHGĐ.
 
Ông Phan Nam Bình, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Sử dụng công nghệ số trong tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ là một trong những hình thức ưu việt, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Từ công tác tư vấn đến việc tìm kiếm, sử dụng các dịch vụ cần thiết hay như tìm hiểu các kiến thức cơ bản về DS-KHHGĐ đều được đăng tải rất phong phú và đa dạng thông qua công nghệ số. Người có nhu cầu có thể chủ động tiếp cận, tham gia và thực hiện theo đúng nhu cầu thực tế của từng người.
 
Thực tế cho thấy, thông qua các kênh truyền thông hiện đại, các thông tin, bài viết, clip về DS-KHHGĐ, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục… dễ dàng được lan tỏa rộng rãi, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh. Từ đó, công tác truyền thông dân số được duy trì liên tục, tiếp cận đến toàn thể nhân dân, đặc biệt là các bạn trẻ trong độ tuổi trưởng thành.
Thông qua công nghệ số hiệu quả công tác truyền thông SD-KHHGD được nâng lên rõ rệt.
Thông qua công nghệ số hiệu quả công tác truyền thông SD-KHHGD được nâng lên rõ rệt.
Thời gian qua, đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn trẻ vị thành niên, thanh niên chăm sóc sức khỏe sinh sản, giới tính cũng như cung cấp các kỹ năng phòng, chống xâm hại. Trong đó có các hình thức cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc qua điện thoại, email, website, mạng xã hội.
 
Hiện, đã có nhiều ứng dụng được triển khai nhằm cung cấp thông tin, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, trong đó có trẻ em, trẻ vị thành niên. Phụ huynh, học sinh có thể cài đặt ứng dụng và từ đó, chủ động theo dõi sự phát triển của trẻ em, được cung cấp thông tin chăm sóc các vấn đề sức khỏe sinh sản và tình dục thông thường, phòng tránh bạo lực gia đình…
 
Em Lê Khánh Quỳnh ở xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hới) chia sẻ: "Hiện nay, sự ra đời của công nghệ số giúp em tiếp cận nhanh chóng và thuận tiện hơn về các kiến thức DS-KHHGD. Các nội dung được xây dựng phong phú. Nhất là việc tư vấn online giúp chúng em đỡ ngại ngần, è dè khi tâm sự và chia sẻ những điều riêng tư và những thắc mắc cần giải đáp. Qua đó, chúng em dễ hình dung và chọn lựa các phương pháp phù hợp cho chính mình."
 
Để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông sáng tạo trên nền tảng công nghệ số, góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về KHHGĐ, sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Chi cục DS-KHHGĐ đã phát động đến các ban, ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố hưởng ứng cuộc thi “Thử thách làm tuyên truyền viên dân số” qua Tiktok do Tổng cục DS-KHHGĐ tổ chức nhằm kêu gọi các cá nhân, cặp vợ chồng, đặc biệt là các bạn trẻ nâng cao ý thức, hành động đúng để tránh mang thai ngoài ý muốn.
 
Cuộc thi là hoạt động truyền thông có ý nghĩa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khi nhiều hoạt động truyền thông khác, nhất là hoạt động truyền thông trực tiếp không thể tổ chức. Sau khi phát động, cuộc thi đã thu hút nhiều đối tượng tham gia. Toàn tỉnh có khoảng 40 clip được dàn dựng tham gia trên cả trang tiktok và facebook, góp phần làm phong phú công tác tuyên truyền trên tinh thần “nhà nhà làm truyền thông, người người làm truyền thông”. 
 
Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, nhân viên trạm y tế kiêm cán bộ dân số xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hới) cho hay: Thông qua công nghệ số, các cán bộ làm công tác dân số ở cơ sở dễ dàng cập nhật kịp thời những thông tin, văn bản, chủ trương mới nhất của ngành cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho đội ngũ cộng tác viên dân số ở thôn, xóm. Những nhóm zalo, facebook… được các cán bộ DS-KHHGĐ cơ sở lập ra rất tiện lợi để liên lạc với đội ngũ cộng tác viên.
 
Công tác dân số và những biến động liên quan trên địa bàn được chị em cập nhật mỗi ngày. Nhờ vậy, thông tin được truyền đi nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, dễ theo dõi. Chỉ vài thao tác nhỏ trên điện thoại là cán bộ DS-KHHGĐ có thể nắm bắt được tình hình về công tác dân số ở địa phương.
 
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng các công nghệ 4.0 đã giúp người làm công tác dân số trên địa bàn tỉnh giải phóng công sức, tiết kiệm thời gian, nhờ đó, hiệu quả công việc cũng được nâng lên rõ rệt. Công nghệ 4.0 trong thời điểm này chính là “cầu nối” để các chủ trương, chính sách mới về công tác dân số đến với từng địa bàn thôn, xóm một cách nhanh nhất.
 
Thông qua tác động tích cực từ công nghệ số, hoạt động truyền thông về  DS-KHHGĐ được phổ biến rộng rãi, bảo đảm sự thông suốt, thích hợp trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
 
Mỗi tháng có khoảng 30 tin, bài liên quan đến DS-KHHGĐ được đăng tải đều đặn trên các trang mạng xã hội thu hút được hàng trăm lượt người xem, chia sẻ, tương tác, thể hiện hiệu ứng truyền thông rất cao.
 
Hiền Phương

tin liên quan

Phân loại cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

(QBĐT) - Ngày 30-11, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 3899/QĐ-UBND về việc phân loại cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

2 trẻ tử vong sau tiêm vaccine không liên quan đến vaccine và thực hành tiêm chủng

Bộ Y tế cho biết, Hội đồng chuyên môn về biến cố sau tiêm chủng xác định nguyên nhân tử vong của 2 trường hợp trẻ em tử vong sau tiêm vaccine Covid-19 liên quan đến phản ứng phản vệ độ IV, không liên quan đến vaccine và thực hành tiêm chủng.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới

(QBĐT) - Chiều nay, 30-11, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã gặp mặt và tặng hoa chúc mừng đồng chí Nguyễn Đức Cường, Tỉnh ủy viên, đảm nhận vị trí Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba (HNVNCB) Đồng Hới.