.

IMF dự báo bức tranh u ám của kinh tế toàn cầu trong năm nay và 2019

.
14:51, Thứ Ba, 09/10/2018 (GMT+7)

Những rủi ro kinh tế do căng thẳng thương mại leo thang gia tăng cùng mức độ vay nợ là những lý do khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong năm nay và năm tới.

Ảnh minh họa. (Nguồn: rte.ie)
Ảnh minh họa. (Nguồn: rte.ie)

Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới được công bố ngày 9-10, với tốc độ tăng trưởng thương mại có xu hướng chậm lại do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, IMF đã hạ dự báo triển vọng đối với tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu xuống mức 3,7% trong năm nay và 2019.

Trong giai đoạn 2022-2023, con số này sẽ giảm xuống còn 3,6%. Trong khi đó, tăng trưởng thương mại toàn cầu được dự báo sẽ là 4,2% trong năm nay, thấp hơn gần 1% so với dự báo hồi tháng 4 vừa qua. Đối với năm tới, thương mại toàn cầu dự báo sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 4%, thấp hơn 0,5% so với ước tính trước đó.

IMF đặc biệt cảnh báo những rủi ro vốn được từng được nêu bật trong các báo cáo trước đó "đang ngày càng trở nên rõ rệt hay đã hiện thực hóa một phần" trong thế giới thực.

Theo báo cáo, căng thẳng thương mại leo thang là một thách thức lớn đối với nền kinh tế thế giới khi "những tuyên bố ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ đang dần biến thành hành động."

Căng thẳng thương mại gia tăng xuất phát từ phía Mỹ đã kéo theo hàng loạt các biện pháp thuế "ăn miếng trả miếng" giữa các đối tác thương mại lớn, tác động không nhỏ tới Trung Quốc, các nền kinh tế châu Á và các quốc gia dễ bị tổn thương khác như Argentina, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ.

IMF cảnh báo tình trạng bất ổn do tranh chấp thương mại gây ra có thể khiến các doanh nghiệp tạm ngừng hoặc chấm dứt rót vốn, khiến hoạt động đầu tư sụt giảm.

Nếu điều này vẫn tiếp diễn, căng thẳng thương mại sẽ leo thang tới mức kéo theo những rủi ro mang tính hệ thống đối với nền kinh tế toàn cầu. Do đó, thể chế tài chính này kêu gọi chính phủ các nước tập trung xây dựng các chính sách có thể chia sẻ những lợi ích tăng trưởng một cách rộng rãi hơn, cũng như giúp giải quyết tình trạng mất niềm tin ngày càng gia tăng đối với các thể chế.

IMF cũng nhấn mạnh cần có "các giải pháp mang tính phối hợp" nhằm đảm bảo tăng trưởng thương mại tiếp tục là một yếu tố then chốt để duy trì và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Đối với các nền kinh tế cụ thể, báo cáo của IMF dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ lần lượt đạt 2,9% và 2,5% trong năm nay và năm sau, và sẽ tiếp tục giảm xuống còn 1,8% trong năm 2020. Trong khi đó, tăng trưởng trung hạn có thể giảm dưới 1,4%.

Tuy nhiên, chính sách cắt giảm thuế và tiêu dùng gia tăng cũng đã thúc đẩy tăng trưởng, phần nào giúp bù đắp cho những tác động của xung đột thương mại, qua đó có thể khiến ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến.

Mặc dù vậy, lộ trình tăng lãi suất cơ bản của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng gây sức ép đổi với các nền kinh tế thị trường mới nổi khi có thể làm bùng phát làn sóng thoái vốn đồng thời làm gia tăng chi phí vay mượn.

Mâu thuẫn thương mại với Mỹ cũng gây sức ép đối với Trung Quốc khi tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới được dự báo sẽ giảm còn 6,6% trong năm nay và 6,2% trong năm tới, đều giảm 0,2% so với dự báo trước đó.

Tuy nhiên, các biện pháp kích thích kinh tế mà Bắc Kinh áp dụng có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của các biện pháp thuế quan.

Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc cũng được dự báo sẽ giảm dần xuống còn 5,6% trong bối cảnh chính phủ chuyển hướng sang "con đường tăng trưởng bền vững hơn" và tập trung giải quyết các rủi ro tài chính.

Trong khi đó, IMF cũng hạ mức tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản xuống còn 1,1% trong năm nay, giảm 0,1% so với ước tính hồi tháng 4, song vẫn duy trì mức dự báo 0,9% trong năm tới. Trong khi đó, tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ được dự báo sẽ lần lượt đạt 7,3% và 7,4% trong năm nay và năm 2019.

Cũng theo IMF, bất ổn thương mại sẽ tác động đáng kể đối với 5 nước trong ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Thể chế này duy trì mức dự báo tăng trưởng đối với các nước Đông Nam Á ở mức 5,3% trong năm nay, và giảm nhẹ xuống 5,2% trong năm tới.

Báo cáo của IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong bối cảnh bất ổn thương mại và mối lo ngại xung quanh tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế châu Âu.

Cụ thể, IMF đánh giá tăng trưởng kinh tế Eurozone sẽ đạt 2% trong năm nay, thấp hơn 0,2% so với ước tính hồi tháng 7 vừa qua, và sẽ tiếp tục giảm xuống còn 1,9% trong năm tới.

Đối với kinh tế Đức, tăng trưởng của quốc gia này sẽ giảm còn 1,9% trong cả năm 2018 và 2019 do sự sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu và sản xuất công nghiệp. Trong khi đó, nền kinh tế Pháp ước tính sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 1,6% trong năm nay và năm tới.

Trong khi đó, với Anh, quốc gia không phải là thành viên Eurozone và sẽ rời EU từ tháng 3-2019, IMF dự báo tăng trưởng của nền kinh tế này sẽ lần lượt đạt 1,4% và 1,5% trong năm nay và năm tới.

Theo Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)

,