Bộ đội Hải quân phát huy truyền thống đánh thắng trận đầu
Ngày 5-8-1964, sau khi dựng nên “sự kiện vịnh Bắc Bộ” đánh lừa dư luận thế giới và trong nước, đế quốc Mỹ bất ngờ mở cuộc tấn công mang tên “Hành quân Pierce Arrow” (Mũi tên xuyên), đánh vào hầu hết các căn cứ hải quân của ta suốt ven biển từ cảng Sông Gianh (Quảng Bình) đến Bãi Cháy (Quảng Ninh), mở đầu cuộc tấn công quy mô lớn phá hoại miền Bắc nước ta.
Cùng với lực lượng phòng không ba thứ quân và nhân dân địa phương, Bộ đội Hải quân đã chiến đấu anh dũng, góp phần quan trọng đánh thắng không quân và hải quân Mỹ. Trong thế trận chiến tranh nhân dân đất đối không, ta đã bắn rơi 8 máy bay phản lực hiện đại, bắn bị thương nhiều chiếc khác; quân Mỹ thiệt hại 12% số lần máy bay xuất kích. Đó là điều hoàn toàn bất ngờ đối với đế quốc Mỹ.
Chiến thắng có ý nghĩa lịch sử
Cùng với thành tích đánh đuổi tàu khu trục Maddox ngày 2-8-1964, chiến thắng ngày 5-8-1964 mở đầu trang sử chiến đấu và chiến thắng của Hải quân nhân dân (HQND) Việt Nam. Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người trực tiếp theo dõi trận đánh của Bộ đội Hải quân tại vùng trời, vùng biển Hòn Gai lúc đó, nói: “Tôi rất tự hào về tinh thần chiến đấu của Hải quân ta. Chiến thắng này của các đồng chí có ý nghĩa to lớn lắm. Tôi sẽ báo cáo với Trung ương Đảng và Chính phủ những điều tai nghe, mắt thấy về tinh thần anh dũng tuyệt vời của các đồng chí”. Với chiến công này, Bộ đội Hải quân đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì, 5 Huân chương Chiến công hạng Ba và 142 Huân chương Chiến công tặng các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ lập công xuất sắc; Trung ương Đoàn tặng tuổi trẻ Bộ đội Hải quân 20 lá cờ danh dự với nội dung: “Chiến công oanh liệt-Truyền thống vẻ vang”.
Kỷ niệm một năm chiến thắng trận đầu, ngày 5-8-1965, Bác Hồ gửi thư khen Bộ đội Hải quân: “Tuy còn non trẻ, nhưng nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự tin yêu giúp đỡ của nhân dân, sự cố gắng không ngừng của mình, Hải quân đã anh dũng chiến đấu, tích cực tiêu diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc. Các chú đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc ta”. Ngày 2 và 5-8 trở thành Ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của HQND Việt Nam và đó cũng là ngày đánh thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc đối với không quân Mỹ.
Tuy bị thất bại ngay từ trận đầu, nhưng những người cầm quyền ở Mỹ lúc đó vẫn đắc ý vì đã kiếm được cớ để khởi sự cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc Việt Nam. Từ đó, cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ leo tới nấc thang tột đỉnh của tội ác, nhưng đã bị quân và dân ta đánh gục hoàn toàn.
Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964 bắt nguồn từ tầm nhìn xa trông rộng, sự chỉ đạo chiến lược sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi Mỹ xâm lược Việt Nam. Đó là hệ quả của 10 năm tích cực xây dựng lực lượng trong điều kiện hòa bình, là thắng lợi của trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam, đường lối chiến tranh nhân dân “Lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều”; là chiến thắng của sự hiệp đồng chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong chiến đấu giữa Bộ đội Hải quân với lực lượng phòng không, dân quân tự vệ các địa phương miền Bắc. Chiến thắng trận đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề thuận lợi, động viên khí thế tiến công để quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc leo thang chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc, cùng với quân, dân miền Nam tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh thắng Mỹ-ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964 để lại cho chúng ta nhiều bài học quý và còn nguyên giá trị, đó là: Luôn quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ và tinh thần cảnh giác cách mạng, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của địch, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; nêu cao tinh thần tự lực tự cường, dám đánh, quyết đánh và quyết thắng; phát huy sức mạnh tổng hợp, trong đó đặc biệt coi trọng công tác tổ chức lãnh đạo, chỉ huy và nắm chắc lực lượng, chỉ đạo chặt chẽ từng giai đoạn của cuộc chiến đấu, bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ, nắm vững thời cơ, vận dụng cách đánh hợp lý, đạt hiệu quả cao; giữ vững tính tổ chức, tính kỷ luật, đoàn kết, hiệp đồng và làm tốt công tác chính sách trong chiến đấu; nhanh chóng làm chủ khoa học kỹ thuật quân sự, sử dụng có hiệu quả các loại vũ khí, trang bị (VKTB) để bảo đảm tác chiến hiệu quả...
Phát huy truyền thống, lập nhiều chiến công
Phát huy truyền thống đánh thắng trận đầu, các thế hệ Bộ đội Hải quân đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, lập nhiều thành tích vẻ vang. Nổi bật là: Trong hai cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ phá hoại miền Bắc, HQND Việt Nam đã chiến đấu 716 trận, bắn rơi 118 máy bay và bắn bị thương 102 lần chiếc khác, bắn bị thương 45 lần chiếc tàu chiến Mỹ, cùng với quân, dân miền Bắc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ. Với quyết tâm "Đánh địch mà đi, mở luồng mà tiến", HQND Việt Nam đã cùng quân, dân miền Bắc tháo gỡ, rà phá, làm mất hiệu lực hàng nghìn quả thủy lôi của địch, mở tuyến thông luồng, bảo đảm cho tàu thuyền hoạt động phục vụ sản xuất và vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam...
Cùng với Đoàn 559 mở đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, Đoàn 759 (tiền thân của Đoàn 125 Hải quân) được thành lập để mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong suốt 16 năm vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam, HQND Việt Nam sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ, mưu trí vượt qua các tuyến bao vây, phong toả, đối phó với mọi thủ đoạn của địch; sáng tạo ra nhiều phương thức hoạt động độc đáo, táo bạo; hình thành nhiều tuyến, mở hàng chục bến bãi đến hầu hết các tỉnh ven biển miền Nam và tận cửa ngõ Sài Gòn; vận chuyển kịp thời hơn 100.000 tấn VKTB, đạn dược, thuốc men và hàng chục nghìn lượt người chi viện cho các chiến trường ở miền Nam, nhất là những nơi mà vận tải theo tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ không tới được.
Trong điều kiện VKTB còn thô sơ, lại phải đương đầu với hải quân hiện đại của Mỹ-ngụy, HQND Việt Nam đã nghiên cứu, tìm ra cách đánh sáng tạo, độc đáo, đạt hiệu quả cao. Ngày 13-4-1966, Đoàn 126 Đặc công Hải quân được thành lập, vượt qua tuyến bao vây phong toả dày đặc của địch, dựa vào dân, luồn sâu vào các cảng, dùng đơn vị nhỏ, tinh nhuệ, sử dụng vũ khí có uy lực cao, đánh đau, đánh hiểm. Trong 7 năm chiến đấu trên chiến trường Cửa Việt-Đông Hà, Đặc công Hải quân đã đánh 300 trận, làm chìm và hư hỏng nặng 336 tàu, xuồng, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh, tiêu diệt nhiều sinh lực địch...
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, HQND Việt Nam đã phối hợp hoạt động, chiến đấu trên hướng biển, đặc biệt là kịp thời phối hợp với bộ đội Quân khu 5 thần tốc, táo bạo, bí mật, bất ngờ giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
Khi bọn phản động Pol Pot-Ieng Sary gây chiến tranh ở biên giới Tây Nam nước ta, HQND Việt Nam đã dũng cảm chiến đấu, bảo vệ toàn vẹn vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, HQND Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang, cùng với quân, dân Campuchia và các lực lượng khác cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu khi Người về thăm Quân chủng (ngày 15-3-1961): “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”, HQND Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách, kể cả hy sinh xương máu, kiên cường ngăn chặn âm mưu và hành động xâm phạm biển, đảo, thực sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964 để lại nhiều bài học quý giá cho thế hệ cán bộ, chiến sĩ HQND Việt Nam hôm nay nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong hoàn cảnh mới; quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Theo đó, toàn Quân chủng tập trung làm tốt một số nội dung sau:
Một là, chủ động dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình trên biển, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng về chủ trương, đối sách chiến lược, biện pháp quản lý nhà nước về biển, đảo, xử lý các vấn đề trên biển và công tác đối ngoại quốc phòng trên hướng biển. Chuẩn bị toàn diện về tư tưởng, lực lượng, phương tiện, VKTB, cơ sở vật chất; xử lý kịp thời, không để bị bất ngờ trong mọi tình huống; giữ vững mối quan hệ hữu nghị với hải quân các nước, xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định.
Hai là, phát huy truyền thống anh hùng của Quân chủng Hải quân, tập trung xây dựng HQND Việt Nam vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao sức mạnh tổng hợp của Quân chủng. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện và khả năng quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, khu vực phòng thủ và thế trận chiến tranh nhân dân trên biển vững chắc, trong đó HQND Việt Nam là lực lượng nòng cốt. Chủ động nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, đề xuất phương án, cách đánh phù hợp với sự phát triển của VKTB và đối tượng tác chiến. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ trong quản lý, chỉ huy, điều hành tác chiến. Chủ động hiệp đồng chặt chẽ với địa phương và các lực lượng quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên trên biển, huy động lực lượng, phương tiện đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Bốn là, làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật; quan tâm phát triển tiềm lực khoa học-công nghệ; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo trong nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, ứng dụng công nghệ, cải tiến và sử dụng hiệu quả VKTB đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
Năm là, tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội trên các vùng biển, đảo. Chủ động quan hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác dân vận, tuyên truyền, vận động, giúp đỡ nhân dân xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ ngư dân, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững chắc. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” và hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”, góp phần làm sáng đẹp hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sĩ Hải quân” thời kỳ mới, tô thắm truyền thống vẻ vang “Chiến đấu anh dũng; mưu trí sáng tạo; làm chủ vùng biển; quyết chiến, quyết thắng” của Quân chủng Hải quân.
Theo Báo Quân đội nhân dân