Thiếu đồng thuận do cách đền bù đất
(QBĐT) - Một số hộ dân ở thôn Vịnh Sơn, xã Quảng Đông (Quảng Trạch) phản ánh chính quyền xã đang “cào bằng” việc đền bù đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng bãi thải xỉ than, gây nên sự mất công bằng và chưa thỏa đáng. Vậy quan điểm của lãnh đạo xã ra sao?
Bất đồng trong việc quy chủ sử dụng đất
Theo phản ánh của người dân địa phương, khu vực cánh đồng Phần, thuộc thôn Vịnh Sơn, xã Quảng Đông có diện tích khoảng hơn 2ha, được gần 20 hộ dân sử dụng liên tục hơn 30 năm nay. Diện tích đất này trước năm 1987 thuộc Hợp tác xã Hợp Nhất nhưng sau một trận bão lớn, triều cường dâng cao khiến khu vực này bị ngập mặn. Do không sản xuất được nên bị bỏ hoang một thời gian, sau đó vì thiếu đất sản xuất, một số hộ dân ở thôn Vịnh Sơn đã bỏ công sức khai khẩn bờ nậm, cải tạo đất để trồng lúa.
Năm 2004, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, hầu hết diện tích sản xuất ở cánh đồng Phần được địa phương liệt vào đất “xấu”, không đem chia lại cho người dân sản xuất mà đề xuất quy hoạch thành đất khu vực nuôi trồng thủy sản. Nghĩa là đất quy chủ thuộc UBND xã Quảng Đông quản lý. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, sau khi dồn điền đổi thửa, UBND xã Quảng Đông không lập bảng kê chi tiết để công khai cho người dân cũng như không trực tiếp quản lý đất. Bởi vậy, nhiều hộ dân vẫn sản xuất bình thường, không tranh chấp trên các thửa đất đã khai hoang ở cánh đồng Phần, và chính quyền xã cũng không có ý kiến gì.
Anh Nguyễn Tiến Vượng-con trai ông Nguyễn Hữu Thịnh và bà Võ Thị Thảo có đất sản xuất tại cánh đồng Phần-cho hay: “Từ những năm 90, bố mẹ tôi đã bỏ công sức để cải tạo các thửa đất với diện tích khoảng 2.600m2 và sản xuất ổn định từ đó. Đến năm 2022, khi các đơn vị thi công đào đường để xây dựng các hạng mục thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch thì ngừng sản xuất vì không có đường đi vào. Khi các đơn vị thi công vào san ủi thì gia đình mới hay diện tích đất sản xuất của gia đình thuộc quản lý của UBND xã Quảng Đông. Hiện tại, một số tờ bản đồ chính quyền địa phương quản lý, các trích lục vẫn thể hiện số thửa, diện tích và tên người sử dụng đất là các hộ gia đình chúng tôi...”.
Theo ông Tưởng Văn Nguyên, ở thôn Vịnh Sơn: “Đất sản xuất ở cánh đồng Phần khoảng 40 thửa, với diện tích từ vài trăm đến vài nghìn m2 mỗi thửa, riêng gia đình tôi có diện tích gần 8.000m2. Tuy nhiên, quá trình thu hồi đất, một số hộ nhận được thông báo thu hồi đất bằng văn bản, còn một số hộ thì không nhận được thông báo. Gia đình tôi đã có kiến nghị gửi chính quyền từ năm 2017 đến nay vẫn chưa được giải quyết...”.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông Nguyễn Đức Hiền khẳng định, căn cứ các bản đồ địa chính và thuyết minh dồn điền đổi thửa năm 2004, các thửa đất ở cánh đồng Phần đều thuộc loại đất hoang bằng, nằm trong đất quy hoạch nuôi trồng thủy sản do UBND xã quản lý. Và sau năm 2004, ở cánh đồng Phần chỉ có 3 hộ dân với 19 thửa đất sản xuất liên tục, các phần đất còn lại chủ yếu bỏ hoang...
“Chia đều” liệu có hợp lý?
Từ bất đồng trong việc quy chủ sử dụng đất nên khi thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng xảy ra nhiều bất cập. Theo người dân địa phương, nếu đất quy chủ do UBND xã quản lý thì khi có chủ trương thu hồi người dân chỉ được hỗ trợ một vụ và không được bồi thường.
Nhưng năm 2019, diện tích đất tại cánh đồng Phần được quy vào đất dự phòng và UBND xã Quảng Đông đã đề nghị lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ bổ sung công tác giải phóng mặt bằng thực hiện công trình bãi xỉ than với tổng số tiền gần 17 tỷ đồng. Số tiền này được chi trả cho 1.094 khẩu là “con em ăn theo” (con em thôn Vịnh Sơn sinh sau năm 1994 không được cấp ruộng theo Nghị định số 64 của Chính phủ) với mức nhận 15,5 triệu đồng/người.
Theo ông Nguyễn Đức Hiền, chủ trương đưa đất xấu, đất hoang mặn không đem vào chia cho các hộ dân theo phương án dồn điền đổi thửa năm 2004 đã được người dân trong thôn Vịnh Sơn thống nhất cao và đề xuất các cấp cho chủ trương đền bù theo giá đất tại Nghị định số 64/CP để chia cho con em sinh sau năm 1994 không được chia ruộng. Việc này đã được thực hiện xuyên suốt từ năm 2010-2012, tức là giai đoạn đầu của dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch. Trước đây, có rất nhiều hộ dân cũng có đất sản xuất nằm ngoài diện tích đất Nghị định số 64/CP đều nhất trí đưa vào đất dự phòng để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và chia cho “con em ăn theo”.
Từ năm 2010-2012, địa phương đã lập phương án bồi thường, hỗ trợ đất dự phòng và chi trả 3 đợt, tổng số tiền cho mỗi em sinh sau năm 1994 là 25.634.000 đồng/người. Số tiền chi trả bồi thường, hỗ trợ đợt 5 sắp tới là gần 8 tỷ đồng.
“UBND xã Quảng Đông đã nhận và chi trả 4 đợt cho con em thôn Vịnh Sơn (sinh sau năm 1994 không được cấp ruộng theo Nghị định số 64 của Chính phủ) với số tiền gần 30 tỷ đồng. Dự kiến chi trả đợt 5 là gần 8 tỷ đồng”, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông cho biết. |
Cũng theo ông Hiền, chủ trương chia cho “con em ăn theo” trên cơ sở ý kiến đồng thuận cao của người dân thôn Vịnh Sơn khi bắt đầu triển khai dự án và được chấp thuận từ cấp có thẩm quyền. Tất cả các hộ sản xuất trên diện tích đất dự phòng của UBND xã sẽ không được bồi thường, hỗ trợ về đất mà chỉ được hỗ trợ 1 vụ sản xuất (rau màu) theo quy định.