Bạo lực học đường: Chuyện con trẻ, trách nhiệm người lớn

  • 05:47 | Thứ Tư, 24/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bạo lực học đường (BLHĐ) đã và đang gây nhức nhối trong xã hội. Đáng lo ngại là tình trạng BLHĐ ngày càng gia tăng về tính chất, mức độ hành vi. Người lớn thấy được vai trò, trách nhiệm của mình như thế nào hay đơn giản đó chỉ là hành vi bồng bột của con trẻ?
 
Giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực
 
Tối 9/4/2024, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip dài hơn 2 phút ghi lại hình ảnh một nữ sinh trên địa bàn huyện Quảng Trạch bị 2 nữ sinh đánh hội đồng. Nạn nhân bị đánh là một nữ sinh lớp 7 (Trường THCS Quảng Châu). Thông tin ban đầu cho biết, do có mâu thuẫn trong chuyện tình cảm, T.T.C.N. (nữ, SN 2008, ở xã Quảng Hợp, đã bỏ học) hẹn 2 nữ sinh N.T.H. và P.A.C. (cùng SN 2009, ở xã Quảng Châu) đến bãi đất trống thuộc xã Quảng Tùng để giải quyết. Cùng đi với N., còn 6 trường hợp khác ở các xã Quảng Phú, Cảnh Dương (SN từ 2009-2011).
 
Tại đây, T.T.C.N. và một nữ sinh N.T.H.N. đã lao vào đánh đập, nhục mạ, lột áo 2 nữ sinh nói trên. Trong khi đó, những người đi cùng chỉ đứng xem mà không ngăn cản. Một nam sinh còn dùng điện thoại cá nhân quay lại sự việc và phát tán trong nhóm kín trên mạng xã hội. Vụ việc hiện đang được cơ quan chức năng làm rõ để xử lý.
Trường học phải là môi trường giáo dục và an toàn cho học sinh
Trường học phải là môi trường giáo dục và an toàn cho học sinh
Trước đó một ngày, một nam sinh lớp 9, đang học tại Trường THCS số 2 Bắc Lý (TP. Đồng Hới) được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới trong tình trạng bị dao đâm vào vùng mạn sườn bên trái và chảy nhiều máu. Được biết, trước đó, em H.G.B. có xảy ra mâu thuẫn với bạn học cùng lớp. Sau giờ tan học, hai học sinh (HS) tiếp tục ẩu đả ngay trước cổng trường. Vụ việc khiến em B. bị đâm bằng dao. Tiếp xúc với chúng tôi, em H., một trong 2 HS nói trên vẫn chưa hết lo lắng và hoảng sợ.
 
Em cho biết, B. là người được cô giáo giao cho việc ghi tên những HS nói chuyện, quậy phá trong lớp. Trong tiết học cuối, H. bị B. ghi tên lên bảng. H. đứng dậy giải thích và đề nghị xóa tên, nhưng B. vẫn giữ nguyên. Sau đó, H. không tranh cãi nữa mà chỉ cười, còn B. thì cho rằng, H. “cười đểu” mình. Sau khi tan học ra về, H. bị B. lao vào đánh trước. Thấy B. cao lớn hơn mình, H. liền mượn dao bấm, sử dụng để “tự vệ”. Không may, trong quá trình ẩu đả, B. bị dao đâm trúng. “Lúc đó, cháu cầm dao để nhằm tránh việc bị B. đánh, chứ không có ý định gì khác”, H. kể.
 
Hai vụ việc xảy ra chỉ cách nhau một ngày, khiến cho dư luận không khỏi bàng hoàng, lo lắng. Từ đây xuất hiện nhiều vấn đề cần được đặt ra và giải quyết một cách nghiêm túc, vì đó không chỉ là chuyện con trẻ.
 
Khiếm khuyết từ trong gia đình
 
Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã tiếp xúc với giáo viên, gia đình của các em, ai nấy đều tỏ ra bất ngờ, bởi phạm vi xảy ra ngoài khuôn viên trường học, gia đình, nên khó kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Từ góc nhìn gia đình, có một vấn đề không thể không đề cập đến. Đó là phần lớn các em (trong đó có cả nạn nhân và người gây bạo lực) đều có hoàn cảnh gia đình khá “đặc biệt”, thiếu vắng sự quản lý, theo dõi, giáo dục của cha mẹ.
 
Cụ thể, trong nhóm trẻ liên quan đến clip bạo lực trên địa bàn huyện Quảng Trạch, riêng tại xã Quảng Phú (Quảng Trạch) có 5 trường hợp (1 trường hợp đã bỏ học) thì có 4 em chỉ sống với cha hoặc mẹ, hoặc có cha mẹ, nhưng đã ly thân, đi làm ăn xa không ở nhà thường xuyên để quan tâm chăm sóc hàng ngày. Cá biệt, “nhân vật” nữ sinh đánh nữ sinh lớp 7 (Trường THCS Quảng Châu) trong clip đang là HS Trường THCS Quảng Phú có hoàn cảnh gia đình rất đặc biệt. Em không có bố, còn mẹ không được “khôn ngoan” như người bình thường.
 
Hai HS trong vụ BLHĐ tại TP. Đồng Hới cũng có hoàn cảnh gia đình đáng lưu tâm. Một HS cha mất, mẹ xuất khẩu lao động ở Liên bang Nga nên từ nhỏ em phải sống với bà và cậu. HS còn lại chỉ sống với mẹ, cha đi xuất khẩu lao động. Theo các giáo viên tại đây, ngày thường, một trong 2 HS trên khá “khó bảo và thường xuyên phạm lỗi”. Đây cũng là HS đã chủ động gây sự trong vụ việc. Còn HS đâm bạn trọng thương vốn được biết đến là HS “ngoan hiền”.
 
“Hiện nay, HS, giới trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực rất lớn từ xã hội, nhất là mạng xã hội. BLHĐ xuất hiện ngày càng nhiều và trẻ hóa, nhất là trong lứa tuổi HS THCS, THPT. Những vụ BLHĐ xảy ra gần đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Trên thực tế, BLHĐ ngấm ngầm trong HS rất nhiều, xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, không chỉ bạo lực về thể chất, mà con bạo lực tinh thần. Đây là hình thức bạo lực rất nguy hiểm, vì nó âm thầm diễn ra trong thời gian dài, khó phát hiện và hậu quả của nó để lại rất lớn đến tâm sinh lý của trẻ”, tiến sĩ Vương Kim Thành trao đổi thêm.

Thêm một điều khiến dư luận quan tâm nữa là HS này có được con dao bấm, một hung khí cực kỳ nguy hiểm từ đâu? Và tại sao, HS mang dao đến trường nhưng không được kiểm soát? Theo lời HS này cho biết, con dao nói trên là của một HS lớp 7 học cùng trường và ở gần nhà. Trước đó, em này đã khoe với các bạn, được người bà con cho, gọi là “dao sinh tồn”. Hàng ngày đi học, HS này mang dao giấu trong cốp xe. Theo Hiệu trưởng Trường THCS số 2 Bắc Lý Nguyễn Đức Hoàng, hàng năm, nhà trường đều tổ chức tuyên truyền, vận động và cho HS ký cam kết không vi phạm pháp luật, BLHĐ. Thế nhưng để kiểm soát được hành vi của các HS, nhất là việc HS mang theo những hung khí nguy hiểm vào trường là rất khó.

Trách nhiệm của người lớn
 
Lý giải nguyên nhân vì sao lại xảy ra tình trạng nói trên? Có ý kiến cho rằng, do những ảnh hưởng tiêu cực của xã hội, do giáo dục của nhà trường. Lại có người đổ lỗi cho gia đình buông lỏng giáo dục, quản lý. Dẫu vì bất cứ nguyên nhân gì, người lớn phải nhìn nhận lại vai trò, trách nhiệm của mình. Vấn đề hiện nay không chỉ dừng lại ở việc xử lý HS gây ra bạo lực, mà còn là câu chuyện giáo dục, quản lý HS như thế nào? Những người gánh trọng trách quản lý xã hội, quản lý giáo dục và chính những bậc phụ huynh nhìn nhận như thế nào về sự việc nói trên?
 
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Mai Thị Liên Giang, qua những vụ BLHĐ, ngành Giáo dục và các trường cần xem xét, nhìn nhận, đánh giá và quan tâm hơn đến công tác quản lý, giáo dục, phòng ngừa BLHĐ. Tuy nhiên, để ngăn chặn, phòng ngừa và đẩy lùi BLHĐ không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và gia đình, nhất là đối với những HS “cá biệt”.   
 
Còn tiến sĩ quản lý giáo dục Vương Kim Thành (Trường đại học Quảng Bình): “Qua các vụ BLHĐ xảy ra gần đây, thiết nghĩ, hơn ai hết người lớn cần xem lại phương pháp giáo dục, quản lý, theo dõi các em. Muốn vậy, nhất thiết phải có sự phối hợp và phân định rõ phạm vi trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội. Để ngăn chặn BLHĐ, cần phải có quá trình, thời gian, kế hoạch dài hơi, chứ không thể làm theo kiểu phong trào, phát động. Bởi, đó là quá trình tác động đến nhận thức, suy nghĩ của trẻ. Hiện nay, các trường học vẫn chưa có người hỗ trợ, tư vấn tâm lý để theo dõi, quan sát, quản lý, hỗ trợ cho HS khi cần thiết. Hầu hết các vụ việc BLHĐ xảy ra chỉ được phát hiện khi sự đã rồi, chứ chúng ta chưa có sự giám sát theo dõi, phát hiện từ sớm, từ xa. Đó là chưa kể, vì “bệnh thành tích”, nhiều trường, đơn vị, địa phương còn che đậy, lấp liếm. Chính sự thờ ơ, vô cảm vô tình đẩy vấn đề BLHĐ ngày càng phức tạp và khó kiểm soát. Vấn đề xử lý, răn đe như thế nào, làm gì để hạn chế và giải pháp ngăn ngừa BLHĐ như thế nào chưa thấy đề cập đến một cách nghiêm túc. Riêng việc thống kê các vụ BLHĐ cũng chưa được quan tâm. Bởi đây chính là nguồn dữ liệu làm cơ sở, căn cứ để phân tích, đánh giá, đưa ra giải pháp đầy đủ và thực tế nhất”.  
Dương Công Hợp

tin liên quan

Bắt quả tang nhóm đối tượng đánh bạc, thu giữ hơn 200 triệu đồng

(QBĐT) - Ngày 22/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp nhóm đối tượng đánh bạc tại nhà của Đoàn Công Nông (SN 1965, trú tại số 1A đường Cao Bá Quát, phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới).

Điểm mới của Luật Đất đai 2024: Không còn cấp đất cho hộ gia đình từ ngày 1/1/2025

Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của luật này bao gồm hộ gia đình, cá nhân trong nước.

Chuyển công an theo dõi 5 trường hợp kinh doanh đa cấp biến tướng

Ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, trong năm 2023, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã chuyển thông tin về 5 trường hợp có dấu hiệu kinh doanh đa cấp biến tướng, không phép cho Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) để theo dõi, giám sát và xử lý kịp thời.