Đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng:

Cuộc chiến không tiếng súng

  • 07:00 | Thứ Bảy, 20/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Không gian mạng đang dần trở thành môi trường thuận lợi để các loại đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây phức tạp về an ninh trật tự (ANTT) tại địa bàn tỉnh và thực sự đang trở thành mặt trận không tiếng súng.
 
Trong bối cảnh cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ phát triển, bên cạnh những tiện ích, lợi thế mà internet mang lại, góp phần phục vụ đắc lực vào phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) thì các loại tội phạm cũng đã lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây phức tạp về ANTT. Chính vì thế công tác đấu tranh với loại tội phạm mới này cũng gian nan, vất vả gấp bội phần.
 
Thủ đoạn gian manh, đấu tranh vất vả
 
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên cả nước, tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đã gia tăng, phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Bởi tất cả đều là những tội phạm “giấu mặt”, gây thiệt hại lớn cho người dân và bức xúc trong dư luận xã hội. Chính vì lẽ đó, công tác điều tra, xác minh, đấu tranh với tội phạm trên môi trường mạng khó khăn, vất vả hơn các loại tội phạm truyền thống.
 
Ngày 23/2/2021, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (ANM và PCTPSDCNC), Công an tỉnh chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Trong buổi đầu thành lập, giữa muôn vàn khó khăn, thiếu thốn về nhân lực, cơ sở vật chất, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng tập thể đơn vị đã sớm khắc phục khó khăn, trở ngại, ổn định tổ chức và bắt tay vào hoạt động.
 
Đơn vị đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm ANTT trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng Công an đang đấu tranh với đối tượng Nguyễn Thị Thùy Trang (trú phường Cao Xanh, TP. Hạ Long, Quảng Ninh).
Lực lượng Công an đang đấu tranh với đối tượng Nguyễn Thị Thùy Trang (trú phường Cao Xanh, TP. Hạ Long, Quảng Ninh).
Mặc dù là đơn vị non trẻ, mới được thành lập và đi vào hoạt động mới hơn 1 năm nhưng Phòng ANM và PCTPSDCNC đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, phá thành công nhiều chuyên án, xử lý nhiều đối tượng và thực sự là lực lượng chủ công trong công tác đấu tranh với tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao.
 
Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã phá thành công 4 chuyên án, như: Chuyên án đấu tranh với hoạt động đánh bạc trực tuyến trên không gian mạng bằng ứng dụng games online và hoạt động sử dụng không gian mạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tổng giao dịch điểm game 17 tỷ điểm (tương đương 15 tỷ đồng), đã khởi tố vụ án, khởi tối 3 bị can.
 
Chuyên án triệt phá đường dây đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên không gian mạng bằng hình thức cá độ bóng đá qua nhà cái Bong88, tổng số điểm đánh bạc gần 600.000 điểm (tương đương khoảng 60 tỷ đồng), đã khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 1 trường hợp, tạm giữ số tiền 264,5 triệu đồng.
 
Chuyên án đấu tranh với hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với số tiền trong các giao dịch của các tài khoản ngân hàng liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật gần 15 tỷ đồng, khởi tố vụ án, khởi tố 1 bị can.
 
Đặc biệt là chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin tài khoản ngân hàng trái phép để lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đánh bạc qua mạng với số tiền giao dịch trong các tài khoản ngân hàng khoảng 1.000 tỷ đồng, triệu tập 15 đối tượng, khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can…
 
Bên cạnh đó, từ 2021 đến nay, Phòng ANM và PCTPSDCNC đã tiếp nhận 38 đơn trình báo từ nạn nhân của các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, với số tiền thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng. Qua đấu tranh đã làm rõ thủ đoạn chủ yếu của loại tội phạm này là: Chiếm quyền điều khiển, giả mạo tài khoản mạng xã hội của người dùng, sau đó nhắn tin lừa đảo, mượn tiền những người trong danh sách bạn bè của nạn nhân. Lừa đảo qua hình thức nhắn tin trúng thưởng, cho vay trực tuyến bằng một số ứng dụng trên điện thoại thông minh; tham gia mini games trúng thưởng, gửi tiền phí tham gia, phí xác minh, phí vận chuyển.
 
Giả danh người nước ngoài lừa đảo nhắn tin làm quen và gửi quà tặng về Việt Nam, sau đó giả danh nhân viên sân bay, nhân viên thuế… để yêu cầu bị hại chuyển tiền nộp phí, nộp phạt để chiếm đoạt tài sản. Nhắn tin, gọi điện thoại giả danh cán bộ ngành Công an, Viện Kiểm sát… đang điều tra vụ án có liên quan đến tài khoản ngân hàng của nạn nhân và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đến tài khoản của đối tượng để điều tra làm rõ, khi điều tra làm rõ được số tiền sẽ trả lại cho nạn nhân.
 
Chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của nạn nhân bằng một số hình thức như giả danh ngân hàng gửi liên kết yêu cầu cập nhật tài khoản, xác nhận chuyển tiền quốc tế, sau đó truy cập trái phép vào tài khoản ngân hàng để thực hiện giao dịch chuyển tiền, chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
 
Cần một giải pháp đồng bộ
 
Công nghệ thông tin ngày càng phát triển, ngoài những lợi thế, tiện ích của mạng internet, hệ thống viễn thông mang lại phục vụ đời sống nhân dân thì các loại tội phạm cũng lợi dụng triệt để môi trường không gian mạng để hoạt động phạm tội. Dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm lợi dụng mạng internet, mạng viễn thông có xu hướng gia tăng, diễn biến rất phức tạp với những thủ đoạn tinh vi, khó lường và rất khó đấu tranh, xử lý.
 
Bởi vậy, để đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm lợi dụng không gian mạng thực sự hiệu quả, ngoài việc triển khai các giải pháp đồng bộ của lực lượng Công an, rất cần sự chung sức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Tang vật một số vụ án.
Tang vật một số vụ án.
Trong đó cần phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm trên không gian mạng nhằm góp phần nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân; không tự ý cài đặt các phần mềm, ứng dụng không rõ nguồn gốc, không tham gia các giao dịch ảo.
 
Trong trường hợp bị tống tiền hoặc phát hiện dấu hiệu nghi ngờ lừa đảo phải kịp thời thông báo và phối hợp với cơ quan Công an đấu tranh, ngăn ngừa tội phạm, tuyệt đối không tự ý chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng. Để tránh bị đối tượng tiếp cận người dùng phải thường xuyên thay đổi mật khẩu thư điện tử, các tài khoản mạng xã hội; không truy cập vào các đường link lạ, sử dụng bảo mật hai lớp, đăng nhập bằng mã xác nhận gửi về số điện thoại qua đăng ký tài khoản ngân hàng.
 
Khi có người thân, bạn bè nhờ nhận, chuyển tiền hoặc vay tiền qua tài khoản mạng xã hội cần phải kiểm tra qua số điện thoại cá nhân hoặc gọi video call, kiểm tra, xác minh thông tin bằng các thủ thuật để nhận diện.
 
Khi được hỏi về định hướng hoạt động trong thời gian tới, thiếu tá Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng ANM và PCTPSDCNC, Công an tỉnh cho biết “Chúng tôi sẽ tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng, tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm ANTT, tập trung là một số loại tội phạm đang gây bức xúc trong dư luận xã hội như tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng, hoạt động lừa đảo theo mô hình đa cấp, hoạt động của các sàn giao dịch ảo, vàng, ngoại tệ trái phép, hoạt động “tín dụng đen” trên mạng, giữ gìn môi trường mạng an toàn, góp phần vào sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh nhà, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
 
Cùng với các giải pháp đồng bộ của lực lượng Công an, mỗi người dùng cần đề cao tinh thần cảnh giác, tự nâng cao và tạo sức “đề kháng” cho bản thân sẽ góp phần bảo đảm an ninh, an toàn khi tham gia hoạt động trên không gian mạng.
 
Kỳ Sơn

tin liên quan

Bắt đối tượng vận chuyển pháo hoa nổ từ Lào về Việt Nam

(QBĐT) - Lúc 10h30, ngày 18/8, Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo, Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với Hải quan CKQT Cha Lo kiểm tra phương tiện xe đầu kéo BKS 34C-27377, kéo theo rơ moóc BKS 89R-01262 và phát hiện có 2 thùng caston, mỗi thùng chứa 10 hộp pháo hoa nổ (tổng cộng 20 hộp).
 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật

Chiều 18/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022.
 

Tắc trách hay "bất thường" trong việc cấp đổi "sổ đỏ"?

(QBĐT) - Liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án (THA) đối với ông, bà Đinh Minh Liêu, Đinh Thị Duệ tại thôn Yên Thắng (xã Yên Hóa, Minh Hóa) buộc trả lại 493m2 cho bà Đinh Thị Chữ ở cùng thôn. Mặc dù giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của ông Đinh Minh Liêu, bà Đinh Thị Duệ bị UBND huyện Minh Hóa thu hồi, hủy bỏ theo phán quyết tòa án; diện tích đất đang trong quá trình bị cưỡng chế THA, nhưng không hiểu bằng cách nào đó, ông Liêu, bà Duệ vẫn được cấp đổi GCNQSDĐ mới?