Hội LHPN xã Hòa Trạch:

Hiệu quả từ các mô hình phát triển kinh tế

  • 07:32 | Thứ Tư, 05/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hòa Trạch (Bố Trạch) hiện có 908 hội viên, sinh hoạt tại 6 chi hội. Những năm qua, hội luôn tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế.
 
Nhờ đó, trên địa bàn xã Hòa Trạch ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho chị em phụ nữ, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Thúy Huyền, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Trạch cho biết: “Thời gian qua, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế luôn được Hội LHPN xã Hòa Trạch quan tâm, thực hiện tốt. Từ trong phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả, như: Mô hình hợp tác xã sản xuất nông nghiệp An Nông của chị Lê Thị Thanh Thủy (thôn Kéc), mô hình chăn nuôi lợn và kinh doanh thức ăn gia súc của chị Hoàng Thị Biếu (thôn Hổ), mô hình VAC của chị Nguyễn Thị Hương Giang, chị Dương Thị Hiệp (thôn Cà), tổ hợp tác trồng nấm và măng tây của chị Nguyễn Thị Thảo (thôn Sen)…”.
 
Đến thăm mô hình VAC của chị Nguyễn Thị Hương Giang, chúng tôi được tận mắt chứng kiến vườn cam rộng lớn với những trái cam vàng mọng nước đang chờ thu hoạch.
 
Chị Nguyễn Thị Hương Giang (thôn Cà, xã Hòa Trạch, Bố Trạch) đang thu hoạch lứa cam đầu tiên của gia đình.
Chị Nguyễn Thị Hương Giang (thôn Cà, xã Hòa Trạch, Bố Trạch) đang thu hoạch lứa cam đầu tiên của gia đình.
Chị Giang cho biết, mô hình của chị có diện tích 2ha. Trước đây, gia đình chị trồng cao su nhưng do ảnh hưởng của mưa bão, vườn cao su bị gãy đổ nhiều, gây thiệt hại lớn đến kinh tế của gia đình. Sau khi tìm hiểu và biết đến giá trị kinh tế của cây cam, cây bưởi, chị Giang đã bàn với chồng, quyết định chuyển đổi sang trồng cam, bưởi. Với các giống cây, như: Cam canh, cam V2, lòng vàng, bưởi da xanh…, gia đình chị Giang đã đầu tư vốn, trồng được 4 năm.
 
Nhờ việc chú trọng chăm sóc đúng kỹ thuật, đến nay, vườn cam của chị Giang đã bắt đầu cho thu hoạch lứa cam đầu tiên.
 
Chị Giang cho biết: “Theo đánh giá tại các mô hình đã thực hiện trước đây, cam canh, V2… cho năng suất 25-30 tấn/ha trở lên, mang lại thu nhập từ 700 triệu-1 tỷ đồng/ha. Với mô hình cam trồng tại gia đình chúng tôi, năm nay mới là năm đầu tiên thu hoạch nên chưa xác định được năng suất chính xác là bao nhiêu, tuy nhiên, với giá bán từ 30.000-35.000 đồng/kg, chắc chắn sẽ có lãi”.
 
Cùng với mô hình trồng cam, gia đình chị Giang còn nuôi thêm 150 con gà (mỗi năm 2 lứa), 2 con bò, hồ cá (6 sào), mang lại thu nhập cho gia đình khoảng 400 triệu đồng/năm, trong đó, lãi khoảng 150 triệu đồng.
 
Phát huy vai trò phụ nữ năng động, sáng tạo, nhiều chị em trên địa bàn xã Hòa Trạch đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, mang lại thu nhập cao.
 
Cũng phát triển mô hình VAC như chị Giang, nhưng chị Dương Thị Hiệp (thôn Cà) lại tập trung chăn nuôi lợn, bò. Chị Hiệp cho biết: “Được sự động viên, hỗ trợ của các cấp hội, chính quyền, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình VAC. Hiện nay, gia đình tôi có 100 con lợn thịt, 15 con bò, hồ nuôi cá… mang lại thu nhập trên 800 triệu đồng/năm”.
 
Đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế, hàng năm, Hội LHPN xã Hòa Trạch hỗ trợ hội viên xây dựng các mô hình kinh tế, tiếp cận các nguồn vốn vay, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các chi hội đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là phong trào giúp phụ nữ nghèo làm chủ hộ.
 
Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bố Trạch thực hiện hiệu quả công tác cho vay tại 6 tổ vay vốn. Tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội đến ngày 14-10-2021 là hơn 3,4 tỷ đồng, 212 thành viên.
 
Các thành viên đã tham gia tiết kiệm được trên 320 triệu đồng, vốn sử dụng đúng mục đích, không có nợ quá hạn. Bên cạnh đó, các hội viên còn tham gia gửi tiết kiệm hùn vốn tại 64 tổ. Số tiền tiết kiệm được, chị em hỗ trợ cho những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế.
 
Để nâng cao năng lực, trình độ cho chị em trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh, Hội LHPN xã Hòa Trạch đã chú trọng công tác giới thiệu việc làm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi.
 
Hội cũng phát động hội viên tích cực thành lập các mô hình phát triển kinh tế gia đình phù hợp với điều kiện địa phương, như: Chăn nuôi bò, lợn, gà, trồng cây ăn quả, VAC…
 
Qua đó, giúp hàng trăm hội viên, phụ nữ có thu nhập ổn định, tạo ra nhiều sản phẩm thương mại, cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Đời sống của chị em ngày càng được cải thiện, nâng cao và dần khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình, xã hội.
 
Bà Phạm Thị Thúy Huyền, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Trạch cho biết: “Thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ thoát nghèo thông qua các hình thức tiết kiệm, hùn vốn, giúp đỡ ngày công, con giống.
 
Hội cũng sẽ phối hợp với các ngành, đơn vị tổ chức khai thác các nguồn vốn, kết hợp với dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ… góp phần nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi; thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương…”.
 
Đánh giá hoạt động hỗ trợ chị em phát triển kinh tế của Hội LHPN xã Hòa Trạch, bà Nguyễn Thị Trí Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bố Trạch cho biết: “Trong nhiều năm qua, Hội LHPN xã Hòa Trạch là một trong những đơn vị tích cực trong việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nhất là hỗ trợ sinh kế bằng cây, con giống và vốn sản xuất, kinh doanh.
 
Nhờ đó, tỷ lệ phụ nữ nghèo, cận nghèo giảm nhanh. Đến nay, Hòa Trạch đang là xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện. Để giúp chị em phát triển kinh tế, hội đã quan tâm kết nối, hỗ trợ các nguồn lực để chị em tận dụng thế mạnh của vườn đồi, khoa học công nghệ, đầu tư sản xuất các sản phẩm theo chuỗi giá trị, theo mùa vụ, vừa truyền thống vừa hiện đại, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng...". 
 
Hội LHPN xã Hòa Trạch hiện có 35 hội viên làm ăn kinh tế giỏi, đem lại thu nhập từ 400 triệu đồng/năm trở lên. Từ các mô hình làm ăn kinh tế giỏi đó đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nâng cao thu nhập cho hội viên phụ nữ cũng như người lao động ở xã Hòa Trạch.

Lê Mai

 
 

tin liên quan

Bước chuyển mình của nông nghiệp Quảng Bình

(QBĐT) - Trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn gia súc ngày càng diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng ngày càng cao, việc chuyển đổi phương thức chăn nuôi theo hướng hữu cơ là một trong những giải pháp mà ngành Nông nghiệp, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang hướng tới để phát triển chăn nuôi bền vững.

Kinh tế toàn cầu: Những mảng màu đan xen

Làn sóng mới của dịch Covid-19 làm chậm đà tăng trưởng của kinh tế thế giới, song các dự báo vẫn chỉ ra những tín hiệu khả quan. Theo báo cáo thường niên của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR), sản lượng kinh tế thế giới sẽ lần đầu tiên đạt mốc 100 nghìn tỷ USD vào năm 2022. GDP toàn cầu cũng sẽ cao hơn mức trước đại dịch.

 

Bố Trạch: Giảm chi phí đầu vào trong sản xuất vụ đông-xuân 2021-2022

(QBĐT) - Vượt lên những khó khăn do đại dịch Covid-19, bà con nông dân huyện Bố Trạch sẵn sàng bước vào sản xuất vụ đông-xuân 2021-2022. Huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn và địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý và kỹ thuật nhằm giảm bớt chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả trên cùng đơn vị diện tích.