.

Đổi thay Hóa Phúc

.
08:36, Thứ Năm, 04/10/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trước đây, Hóa Phúc được biết đến là xã độc nhất của huyện Minh Hóa chỉ có một thôn, đời sống của người dân rất khó khăn, 90% là hộ nghèo, đường sá đi lại cách trở. Những năm gần đây, nhờ thu hút được nguồn lực đầu tư, các công trình dân sinh được đầu tư xây dựng, đời sống của bà con đã ổn định và đang dần được nâng lên. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình đã chuyển nhà từ vùng sâu thôn Kiên Trinh (cách đường xuyên Á 5km) đến khu vực trung tâm xã và thành lập thêm thôn Sy. Hiện toàn xã có hai thôn với 157 hộ và 686 nhân khẩu.

Đường đến Hóa Phúc bây giờ đã dễ dàng hơn, không còn cảnh nắng bụi, mưa lầy... Ngay từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Đảng bộ xã Hóa Phúc đã vận động người dân hiến đất, hiến ngày công để làm đường, đến nay, toàn xã đã có 70% các tuyến đường liên thôn, liên xã đều được nhựa hóa và bê tông hóa. Giao thông thuận lợi nên giá trị hàng hóa của bà con làm ra được thương lái thu mua với giá cao hơn nhiều so với trước đây.

Công trình nước sạch góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con xã Hóa Phúc.
Công trình nước sạch góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con xã Hóa Phúc.

Các công trình dân sinh, như: trường học, trạm xá, nhà văn hóa thôn, xã…, đều được đầu tư xây dựng. Đặc biệt, năm 2018, công trình nước sạch thôn Sy đã được đưa vào sử dụng. Anh Đinh Xuân Chiến, thôn Sy cho biết, từ khi công trình nước sạch được xây dựng và đưa vào sử dụng, bà con rất vui mừng và phấn khởi.

Bởi, trước đây, nước dùng để sinh hoạt chủ yếu là nước khe suối, bà con cũng muốn có giếng để đỡ vất vả, nhưng cứ đào từ 3 đến 4m lại gặp phiến sét đen, không có mạch nước nên phải lấp lại. Nhiều người thuê máy khoan vài chục mét nhưng cũng không có nước, có chỗ phiến sét đen làm gãy cả ống khoan. Nhiều nhà thử vận may, đào tay khoảng 12 đến 13m may ra có nước nhưng phiến sét đen vẫn không hết, càng đào thì càng không có nước.

Không chỉ thu hút nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, chính quyền xã Hoá Phúc còn chú trọng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho bà con. Đến với xã Hóa Phúc hiện nay, chúng tôi ấn tượng với màu xanh bát ngát của những cánh rừng keo lai.

Nhiều năm về trước, khi giá trị cây keo lai còn thấp, người dân vẫn còn thờ ơ với việc đầu tư phát triển. Thế nhưng, từ khi đường sá thuận lợi, keo lai trở thành loại cây có giá trị kinh tế cao, người dân nơi đây tích cực đầu tư phát triển.

Hiện nay, toàn xã có trên 673 ha rừng trồng kinh tế. Nhiều gia đình nhờ cây keo lai mà xây dựng được nhà cửa khang trang, con cái được học hành tử tế, như: gia đình anh Đinh Thanh Toán, Phan Hồng Thái, Đinh Quang Vinh…

Bên cạnh trồng rừng kinh tế, chăn nuôi cũng được phát triển theo hướng đa dạng đàn gia súc, gia cầm, góp phần đẩy mạnh kinh tế hộ gia đình, chủ động cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập. Tổng đàn gia súc của địa phương hiện nay trên 600 con (trâu bò 300 con); tổng đàn gia cầm trên 3.000 con, tuy nhiên, chăn nuôi ở địa phương còn mang tính nhỏ lẻ, chưa có trang trại.

Xã Hóa Phúc hiện có 673ha rừng trồng kinh tế, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.
Xã Hóa Phúc hiện có 673ha rừng trồng kinh tế, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.

Ngoài ra, địa phương cũng đang khuyến khích người dân đa dạng hóa vật nuôi, trong đó, mô hình nuôi ong lấy mật và mô hình nuôi dúi đang được bà con nơi đây áp dụng và nhân rộng. Nhờ việc đa dạng hóa các mô hình kinh tế, nên tỷ lệ hộ nghèo ở Hoá Phúc hiện chỉ còn 21,9%, dự kiến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 13,9%.

Trong xây dựng NTM, hiện Hóa Phúc đã đạt 14/19 tiêu chí, cuối năm 2018, địa phương sẽ cố gắng hoàn thành thêm 2 tiêu chí giao thông và cơ sở vật chất văn hóa. Với 3 tiêu chí còn lại là thu nhập, hộ nghèo và môi trường, dự kiến, Hóa Phúc sẽ về đích nông thôn mới vào năm 2019.

Ông Cao Bá Đồng, Chủ tịch UBND xã Hoá Phúc cho biết, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước nên kết cấu hạ tầng ở địa phương đã được xây dựng, phục vụ tốt đời sống sản xuất và dân sinh. Đường sá, điện lưới, điện thoại, trạm y tế, trường học, nước sinh hoạt cơ bản hoàn thiện; hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở, được khám, chữa bệnh miễn phí…

Khoảng cách địa lý giữa miền núi, vùng nông thôn và thành thị trở nên gần gũi hơn nhờ sự tiện lợi của hệ thống giao thông nông thôn và mạng lưới thông tin liên lạc. Trong thời gian tới, xã sẽ nỗ lực phấn đấu để tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ cấu lại sản xuất, chú trọng cải thiện đời sống, văn hóa-xã hội…, quyết tâm cán đích NTM đúng thời gian quy định.

Thanh Hoa
 

,