.

Điều tra cơ sở dữ liệu về sản phẩm nông nghiệp

.
06:18, Thứ Hai, 25/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Với mục tiêu xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, từng bước triển khai có hiệu quả Chương trình Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Sở Nông nghiệp-PTNT đã triển khai công tác điều tra cơ sở dữ liệu về các sản phẩm nông nghiệp tại 159 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, nhằm phục vụ xây dựng Đề án “Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018-2020”.

Sản phẩm mây tre đan của xã Quảng Tiến (Quảng Trạch) là một trong những sản phẩm thế mạnh thuộc nhóm đồ lưu niệm-nội thất-trang trí.
Sản phẩm mây tre đan của xã Quảng Tiến (Quảng Trạch) là một trong những sản phẩm thế mạnh thuộc nhóm đồ lưu niệm-nội thất-trang trí.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, tỉnh ta có 53 sản phẩm có thế mạnh thuộc 5 nhóm sản phẩm; trong đó nhóm thực phẩm có 21 sản phẩm, nhóm đồ uống có 6 sản phẩm, nhóm thảo dược có 3 sản phẩm, nhóm đồ lưu niệm - nội thất - trang trí có 21 sản phẩm và nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có 2 sản phẩm.

Trong 53 sản phẩm có thế mạnh, có 23 sản phẩm đã đăng ký công bố chất lượng, 16 sản phẩm đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, một số địa phương tiếp tục đăng ký sản xuất các sản phẩm nông nghiệp mới như gà đồi Tuyên Hóa, mật ong Minh Hóa, tỏi Ba Đồn, rượu tỏi đen Ba Đồn, dầu lạc Phong Nha, tinh bột nghệ Văn Thủy…

Việc triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Quảng Bình sẽ góp phần quảng bá, phục hồi và phát triển một số sản phẩm truyền thống; đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm thủ công, góp phần đẩy nhanh tiến trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Ngọc Lan

 

,