.

Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

.
10:20, Chủ Nhật, 24/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Cùng với việc phát triển toàn diện ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, những năm qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 160 doanh nghiệp thực hiện thu mua sản phẩm và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chiếm 3,1% tổng doanh nghiệp đăng ký hoạt động.

Đoàn Kinh tế Quốc phòng 79 (huyện Lệ Thủy) liên kết với Công ty CPXK Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình) bao tiêu sản phẩm dứa.
Đoàn Kinh tế Quốc phòng 79 (huyện Lệ Thủy) liên kết với Công ty CPXK Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình) bao tiêu sản phẩm dứa.

Trong đó, lĩnh vực trồng trọt có 27 doanh nghiệp, chăn nuôi 22 doanh nghiệp, lâm nghiệp 57 doanh nghiệp và thủy sản 54 doanh nghiệp. Nhờ đó, các doanh nghiệp đã góp phần tạo sự ổn định trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và bình ổn giá các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, thời gian qua, việc đẩy mạnh sản xuất cánh đồng lớn đối với một số loại cây trồng, như: lúa, ngô, lạc, sắn…, đã góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện liên kết với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được mô hình cánh đồng lớn với diện tích 7.654ha; trong đó vùng thâm canh lúa 2.323ha, sắn 4.700ha, ngô 102ha, khoai lang 100ha, dứa 70ha, lạc 25ha… Khoảng 90% sản lượng của mô hình cánh đồng lớn được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết bao tiêu, lợi nhuận tăng 16-21% so với diện tích không thực hiện cánh đồng lớn.

Cụ thể, có 10 doanh nghiệp liên kết tiêu thụ 2.323ha lúa với sản lượng 19.300 tấn, chiếm 6,2% tổng sản lượng lúa toàn tỉnh; Công ty Thiên An Nông (Đà Nẵng) và Công ty Lê Dũng Linh Quảng Bình liên kết bao tiêu 102 ha ngô với sản lượng 570 tấn; Nhà máy chế biến tinh bột sắn Sông Dinh và Nhà máy tinh bột sắn Long Giang Thịnh liên kết bao tiêu 4.700 ha sắn với sản lượng 97.000 tấn; Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình) bao tiêu thu mua 210 tấn dứa đối với diện tích 70ha dứa của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 79; Công ty Cổ phần Giống cây trồng Quảng Bình liên kết thu mua sản phẩm cho diện tích 25ha lạc…

Ông Lê Văn Thơ, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn và đầu tư Long Giang Thịnh cho biết, trước đây, việc cung cấp nguyên liệu cho hoạt động sản xuất của Nhà máy tinh bột sắn gặp nhiều khó khăn, ngoài thiếu hụt về nguồn cung nguyên liệu còn phải chịu tác động chung của tình hình giá cả thị trường, dẫn đến hoạt động thu mua sắn nguyên liệu của Công ty không ổn định, sắn nguyên liệu có chất lượng kém và nhất là không thể điều tiết rải vụ trong quá trình sản xuất.

Từ cuối tháng 11-2015 đến nay, Công ty đã triển khai dự án “Doanh nghiệp đầu mối bao tiêu sản phẩm sắn nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”. Hiện tại, Công ty đã trực tiếp hợp tác và bao tiêu sản phẩm cho gần 500 hộ dân ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch, với diện tích gần 630ha, sản lượng ước tính trên 12.500 tấn.

Theo đánh giá, dự án đã tạo việc làm, bao tiêu sản phẩm và tạo thu nhập ổn định cho tối thiểu gần 500 hộ dân sản xuất nguyên liệu sắn trên địa bàn tỉnh với mức thu nhập trung bình khoảng trên 40 triệu đồng/người/năm.

Tương tự như thế, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 79, đứng chân trên địa bàn xã Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy), thực hiện mô hình trồng dứa dưới tán rừng cao su từ vài năm trở lại đây và đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo Trung tá Lê Vinh Khương, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế Quốc phòng 79, hiện đơn vị đang thực hiện trồng 70ha dứa trên tổng diện tích 1.958ha đất nông nghiệp được UBND tỉnh cho thuê.

Đơn vị đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm dứa với Công ty CPXK Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình) với sản lượng 210 tấn quả, giá bán 4,7 triệu đồng/tấn; trung bình thu lãi khoảng 45 triệu đồng/ha. Dự kiến, đơn vị sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng dứa trên đất được giao, đồng thời liên kết với người dân một số xã trong vùng trồng thêm khoảng 80-100ha, toàn bộ sản phẩm sẽ được Công ty CPXK Đồng Giao bao tiêu.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã triển khai đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó tập trung ở lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản. Tập đoàn Hòa Phát triển khai dự án đầu tư chăn nuôi bò thịt chất lượng cao với quy mô 29.000 con/năm, được thực hiện tại Thị trấn nông trường Việt Trung với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; dự án chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt của Công ty Quảng Bình Milk với quy mô 10.000 con; dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao của Công ty TNHH Buntaphan Quảng Bình với quy mô ban đầu 2.400 nái sinh sản; dự án chăn nuôi bò thịt của Công ty TNHH Gia Hân, Công ty TNHH Đoàn Kết Phú Quý…

Trồng cây dược liệu là một trong những lĩnh vực tỉnh ta ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư trong thời gian tới.
Trồng cây dược liệu là một trong những lĩnh vực tỉnh ta ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư trong thời gian tới.

Lĩnh vực thủy sản có các Công ty CP Quảng Bình, Công ty Cổ phần Đức Thắng, Công ty Cổ phần Thanh Hương đầu tư sản xuất tôm giống, nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao và liên kết với một số công ty lớn trong và ngoài nước bao tiêu 100% sản lượng tôm thu hoạch.

Theo đánh giá, hoạt động liên kết, bao tiêu sản phẩm và đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc cung ứng, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, khai thác tốt tiềm năng đất đai, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để tiếp tục thu hút doanh nghiệp, tỉnh ta đang tích cực thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đối với các lĩnh vực, ngành hàng có lợi thế.

Trong đó, tỉnh ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp trên vùng gò đồi theo định hướng của tỉnh, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất cao su, trồng rừng gỗ lớn, trồng cây dược liệu; hỗ trợ sản xuất, kinh doanh các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản… có năng suất, chất lượng, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ các cơ sở chế biến sâu, chế biến tinh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản phục vụ du lịch, xuất khẩu, trong đó chú trọng các sản phẩm có lợi thế và tiềm năng phát triển, như: sắn nguyên liệu, khoai lang, cao su, hồ tiêu, dứa, gỗ rừng trồng, cây dược liệu, hải sản…

Ngọc Lan


 

,