.

Đau đáu nỗi lo nhân lực làng nghề-Bài 1: Khi người trẻ "quay lưng" với nghề truyền thống

.
10:19, Chủ Nhật, 24/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong những năm qua, sự phát triển của các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã tạo động lực quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của các địa phương. Đặc biệt, các làng nghề đã sử dụng một lực lượng lao động tại chỗ khá lớn, giải quyết hiệu quả bài toán về lao động, việc làm nông thôn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác phát triển nguồn nhân lực tại các làng nghề tỉnh ta hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện tại, tỉnh ta có 29 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận vào các năm 2008, 2010 và 2015 với 7.737 hộ tham gia sản xuất, thu hút 14.878 lao động. Năm 2017, giá trị sản xuất các làng nghề, làng nghề truyền thống đạt 161.410 triệu đồng, tăng 4.701 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2016. Các làng nghề, làng nghề truyền thống đã góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho lao động nông thôn.

Làng nghề đúc rèn Mai Hồng (Đồng Trạch, Bố Trạch) đang ngày càng vắng bóng lớp lao động trẻ.
Làng nghề đúc rèn Mai Hồng (Đồng Trạch, Bố Trạch) đang ngày càng vắng bóng lớp lao động trẻ.

Một số làng nghề nổi bật, như: làng nghề sản xuất nón lá Quy Hậu (Liên Thủy, Lệ Thủy) có 1.600 hộ tham gia, doanh thu đạt 18.000 triệu đồng, mang lại thu nhập 11,3 triệu đồng/lao động/năm, giải quyết việc làm cho hơn 1.600 lao động. Làng nghề nón lá truyền thống Hạ Thôn (xã Quảng Tân và một số địa phương có nghề nón lá ở Quảng Thuận, Quảng Hải, Quảng Văn (thị xã Ba Đồn)) có hơn 2.000 lao động với doanh thu trên 25.000 triệu đồng. Làng nghề mây tre đan lát ở Quảng Thọ (Ba Đồn) với 1.006 lao động, đạt doanh thu 16.599 triệu đồng.

Ngoài ra, còn các làng nghề như làng nghề bún bánh Tân An (Quảng Thanh), làng nghề nón lá Hà Tiến, xã Quảng Tiến (Quảng Trạch); làng nghề nón lá Mỹ Trạch (Mỹ Trạch); làng nghề sản xuất rượu Gia Hưng (Hưng Trạch, Bố Trạch)... phát triển ổn định, mặc dù thu nhập còn thấp nhưng đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông nhàn.

Rõ ràng, sự phát triển của các làng nghề có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là hiện nay nguồn nhân lực tại không ít làng nghề đang lâm vào tình trạng thiếu hụt, nhất là những nhân lực trẻ có tay nghề cao.

Trường hợp của làng nghề chổi đót Quảng Phong (TX.Ba Đồn) là một điển hình. Xuất hiện khoảng gần 100 năm trước và đến những năm sau 1975, nghề làm chổi đót ở Quảng Phong thực sự đi vào giai đoạn cực thịnh. Mặc dù là một nghề phụ nhưng làm chổi đót đã thu hút mọi lứa tuổi lao động ở địa phương.

“Ngày xưa, người dân Quảng Phong, nhất là ở tổ dân phố 5 bây giờ, người làm nghề nhiều lắm. Hễ cứ xong mùa vụ, là nhà nhà bày đót ra làm chổi. Ngoài nghề làm ruộng thì làm chổi đót là nghề phụ và cũng là nghề truyền thống của người dân trong làng, tạo nguồn thu đáng kể cho bà con.

Tuy nhiên, tất cả đã đi vào dĩ vãng. Xưa, nghề làm chổi đót là niềm tự hào của không ít người dân Quảng Phong, bởi nó là cứu cánh giúp họ vượt qua biết bao khó khăn, bĩ cực. Nhưng nay, có một thực tế hết sức phủ phàng là không ít người dân nơi đây đang dần “quay lưng” lại với nghề truyền thống của ông cha.

Làm chổi đót không còn là niềm tự hào của họ, tất cả là vì thu nhập từ nghề chẳng đáng là bao, sản phẩm làm ra lại khó tìm được thị trường ổn định. Chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa được cải tiến, giá thành thấp, thị trường tiêu thụ bấp bênh khiến việc “giữ chân” các lao động làm nghề chổi đót ở Quảng Phong trở nên khó khăn hơn bao giờ hết”, ông Nguyễn Văn Hệ, Tổ trưởng Tổ dân phố 5, phường Quảng Phong chia sẻ.

Không đủ trang trải cuộc sống nên dù rất muốn gắn bó với nghề nhưng không ít người đành chấp nhận chuyển hướng sản xuất, tìm phương kế sinh nhai khác. Nếu trước đây, đa số các hộ dân trong làng đều làm chổi thì hiện tại con số đó đang “rơi rụng” dần, chỉ còn sót lại mấy chục hộ. Và đa số những người còn bám trụ với nghề đều là người già cả, lớp thanh niên gần như không mặn mà với nghề.

“Có một thực tế đáng buồn là hiện nay lực lượng lao động tại các làng nghề tỉnh ta đa số là lớp người trung niên hoặc cao tuổi. Lực lượng lao động trẻ đang ngày càng thưa dần. Chưa có con số thống kê chính thức, nhưng mấy năm gần đây, đã có hàng trăm lao động bỏ nghề truyền thống đi kiếm việc mới”, anh Nguyễn Hoàng Long, cán bộ phụ trách ngành nghề nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề cao, làng nghề chổi đót Quảng Phong (Ba Đồn) đang chới với trong việc tìm hướng phát triển ổn định.
Thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề cao, làng nghề chổi đót Quảng Phong (Ba Đồn) đang chới với trong việc tìm hướng phát triển ổn định.

Thiếu hụt lao động, nhiều làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Đó chính là trường hợp của làng nghề đan lát Xuân Bồ (Xuân Thủy, Lệ Thủy). Trước đây, về làng, đi đến đâu cũng bắt gặp cảnh mọi người quây quần đan lát. Từ già, trẻ, trai, gái ai nấy đều biết và thông thạo nghề. “Tuy nhiên, đó là trước đây. Bây giờ thì khác, nghề của làng đang mai một trông thấy. Nếu trước đây, gần như 100% hộ ở địa phương đều làm nghề đan lát thì hiện tại chỉ còn sót lại khoảng 10 hộ với khoảng 20 lao động.

Và đa số những người còn bám trụ với nghề đều là người già, trung niên. Chê đan lát thu nhập thấp nên thanh niên làng này nếu không học đại học thì đi làm ăn xa ở các tỉnh khác hoặc học nghề mộc, nề, cơ khí... Không biết rồi đây nghề truyền thống này có còn sống được hay không”, anh Đỗ Ngọc Quý, Trưởng thôn Xuân Bồ thở dài.

Như vậy, tại các làng nghề tỉnh ta, lao động trẻ đã ít, lao động trẻ đã qua đào tạo, có tay nghề cao lại càng khan hiếm. Hầu hết, tại các làng nghề số lao động đã qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 10-15%; hơn nữa, số lao động đã qua đào tạo, tay nghề cũng chưa cao.

Thực tế này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoạch định chiến lược phát triển lâu dài cho các làng nghề mà còn làm chậm lộ trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương. Từ đây, vấn đề bức bách được đặt ra cho phát triển làng nghề là phải đào tạo xây dựng được một đội ngũ kế cận có đủ trình độ kỹ thuật để gìn giữ và phát huy được giá trị tinh hoa của sản phẩm làng nghề.

Tâm An

Bài 2: Để “giữ chân” lao động cho làng nghề



 

,