Liên kết đào tạo giữa nhà trường-doanh nghiệp: "Bắt tay" còn "lỏng lẻo"

  • 13:42 | Thứ Tư, 15/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, cùng với chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN) trên địa bàn tỉnh đã tập trung đẩy mạnh liên kết đào tạo với các doanh nghiệp (DN) nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên (HS, SV) sau khi ra trường. Tuy nhiên, trên thực tế, việc CSGDNN “bắt tay” với DN vẫn còn “lỏng lẻo” dẫn đến đào tạo không đúng nhu cầu thị trường lao động…
 
Thực trạng liên kết đào tạo
 
Thông tư số 29, ngày 15-12-2017 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo. Trong đó, DN và CSGDNN hợp tác trong xác định chuẩn đầu ra, xây dựng chương trình, phát triển đội ngũ giảng viên DN, tổ chức tuyển sinh, tuyển dụng, tổ chức đào tạo tại DN, ký kết hợp đồng đào tạo với người học...; khuyến khích các CSGDNN, DN, tổ chức, cá nhân hợp tác để tổ chức và công nhận kết quả đào tạo một số môn học lý thuyết và thực hành; DN có thể tham gia giảng dạy đến 40% khối lượng chương trình đào tạo… Với quy định này, các CSGDNN sẽ tập trung đào tạo các học phần, mô đun thực hành cơ bản, còn lại DN chịu trách nhiệm đào tạo các mô đun kỹ năng nghề tại đơn vị cho HS, SV… 
 
Bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, việc liên kết giữa CSGDNN và các DN đã mang lại hiệu quả trong công tác đào tạo nghề. Tuy nhiên, nhìn chung vấn đề thực hiện hợp tác đào tạo giữa CSGDNN với DN hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế cả về phương thức, thời hạn và nội dung.
Liên kết đào tạo, các CSGDNN nắm bắt được nhu cầu của DN để đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, đúng yêu cầu.
Liên kết đào tạo, các CSGDNN nắm bắt được nhu cầu của DN để đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, đúng yêu cầu.
Nguyên nhân xuất phát thực tế, các DN trên địa bàn tỉnh chủ yếu là DN nhỏ và vừa, sử dụng lao động không nhiều, thời gian ngắn, không có kế hoạch đầu tư đào tạo cho lao động để sử dụng lâu dài. Riêng các DN, tập đoàn lớn, như: Mường Thanh, Vingroup, FLC... có nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng nhiều thường chủ động tham gia đào tạo để có nguồn nhân lực lâu dài và chất lượng cao. Rõ ràng, nhiều DN đang tự tổ chức hoạt động quản lý theo cơ chế chủ động hoàn toàn, có thể tổ chức đào tạo trực tiếp hoặc đào tạo lại khi tuyển dụng lao động.
 
Theo ông Đào Hoài Linh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật Công-Nông nghiệp, các CSGDNN chủ yếu thực hiện hình thức nhận tài trợ từ DN. Các hoạt động chuyển giao công nghệ và nghiên cứu khoa học theo đặt hàng của các DN còn thấp. Đặc biệt, nội dung hợp tác thời gian qua của các CSGDNN và DN chủ yếu ở hoạt động đào tạo, cung ứng lao động cho DN…
 
“Đa số các CSGDNN đang dừng lại quan tâm các DN trong tỉnh. Đối với các DN ngoại tỉnh, các trường ít làm việc cụ thể tại DN để ký kết hợp tác trong phối hợp đào tạo và chưa đưa ra các vấn đề 2 bên hỗ trợ nhau. Thực tế cho thấy, DN là nơi sử dụng sản phẩm đào tạo và đánh giá chất lượng lao động.
 
Nhưng một số CSGDNN không quan tâm đầu tư đánh giá chất lượng sản phẩm đầu ra là HS,SV của trường sau khi tốt nghiệp làm việc tại DN. Do đó, phối hợp giữa nhà trường và DN mang tính ngắn hạn, được triển khai trong giai đoạn ngắn hạn hoặc có tính “nhiệm kỳ”, chưa thực sự bền vững…”, ông Đào Hoài Linh chia sẻ thêm.
 
Mặt khác, Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng, thỏa đáng, như: Giảm thuế, tạo điều kiện DN quảng bá thương hiệu… đối với DN, từ đó chưa tạo sự hấp dẫn, kích thích DN sẵn sàng “bắt tay” hợp tác, hỗ trợ các CSGDNN thực hiện nhiệm vụ đào tạo. Cùng với đó, số lượng các DN tham gia vào lĩnh vực GDNN còn ít do không đầu tư đáp ứng theo được quy định về điều kiện hoạt động trong lĩnh vực GDNN…
 
Giải pháp đẩy mạnh liên kết nhà trường-DN
 
Từ những lần trực tiếp tham gia liên kết đào tạo với các CSGDNN, ông Nguyễn Vũ Tuấn, Trưởng ban nhân sự Khối Du lịch Tập đoàn Trường Thịnh cho rằng, việc liên kết mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Cụ thể, DN sẽ lựa chọn nguồn nhân lực và đào tạo theo chuẩn văn hóa DN. Nguồn nhân lực được định hướng bài bản ngay từ đầu và đồng bộ khi vận hành sản xuất. Họ được tham gia vào quá trình xây dựng giáo trình của nhà trường phù hợp với nhu cầu thực tế của DN nên tận dụng được nguồn nhân lực thực tập và làm việc lúc mùa cao điểm hay chương trình cao điểm.
 
Song song, các CSGDNN lại nắm bắt được nhu cầu để đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, đúng yêu cầu của DN. HS, SV có địa điểm để tham gia thực hành nghề được đào tạo. Từ đó, tiết kiệm được chi phí xây dựng cơ sở vật chất về quá trình thực tập nghề, thực hành nghề nghiệp. Riêng đối với người lao động, họ được định hướng rõ ràng, được thực tập, thực tế với đúng ngành nghề được học. Qua đó, giúp người học có năng lực, kỹ năng thực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo và hình thành trách nhiệm, ý thức kỷ luật, tác phong nghề nghiệp. Đặc biệt, họ được bảo đảm việc làm ngay sau khi tốt nghiệp nên tăng thêm động lực phấn đấu…
 
Ngoài ra, một số DN cũng hỗ trợ về trang thiết bị đào tạo, cử cán bộ kỹ thuật, thợ lành nghề tham gia giảng dạy thực hành tại CSGDNN hoặc hợp đồng sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị của DN để đào tạo và cung ứng lao động sau đào tạo cho DN. Việc làm này đã giải quyết được vấn đề thiếu hụt trang thiết bị hiện đại của các CSGDNN và giúp HS, SV tiếp cận với công nghệ sản xuất tiên tiến, có thể đáp ứng được yêu cầu ngay khi vào làm việc, giảm chi phí đào tạo lại của DN…
 
Bà Đinh Thị Ngọc Lan cho rằng, việc liên kết đào tạo giữa các CSGDNN với DN là một yêu cầu tất yếu khách quan, nhất là trong điều kiện DN cần nguồn lao động có chất lượng cao. Đây được xem là hướng đi phù hợp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho lao động hiện nay.
 
Để đẩy mạnh hơn nữa mô hình liên kết đào tạo CSGDNN-DN, thời gian tới, cần sự vào cuộc tích cực của các bên liên quan với các nhóm giải pháp đồng bộ. Trước hết, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Sở LĐ-TB-XH tăng cường công tác thống kê, thiết lập hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực đào tạo nghề nghiệp gắn với thị trường lao động, việc làm. Từ đó, phối hợp chặt chẽ giữa tuyển sinh, đào tạo và sử dụng sau đào tạo.
 
Các CSGDNN cần có các chiến lược, kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn và hàng năm về hợp tác đào tạo và tuyển dụng với DN để điều chỉnh, hoàn thiện chương trình đào tạo và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng với nhu cầu của DN. Đồng thời, các trường chủ động và thường xuyên phối hợp với bộ phận nhân sự của các DN để đánh giá nhu cầu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của DN.
 
Trên cơ sở đó, thực hiện đa dạng các hình thức hợp tác với DN thông qua ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác, như: Liên kết, đặt hàng đào tạo, mời DN tham gia hội đồng trường hoặc hội đồng quản trị, xây dựng chương trình, giáo trình giảng dạy, hướng dẫn thực tập, đánh giá kết quả học tập của người học tại các CSGDNN... Đây sẽ là lời giải cho bài toán giải quyết việc làm trong đào tạo nghề.
 
Cuối cùng, các DN phải chủ động liên kết đào tạo với các CSGDNN và tạo điều kiện tốt nhất để giảng viên, HS, SV được thực tập, thực hành tại nơi sản xuất của DN. Đặc biệt, trong quá trình “bắt tay” liên kết đào tạo, DN cùng nhà trường tham gia xây dựng chương trình đào tạo nhằm kịp thời bổ sung, điều chỉnh chương trình mang tính thiết thực, gắn với nhu cầu thực tiễn của DN...
 
Hiện nay, toàn tỉnh có 20 cơ sở đào tạo nghề, trong đó 15 CSGDNN (4 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 8 trung tâm GDNN của các huyện, thị xã, thành phố) và 5 cơ sở hoạt động GDNN. Các CSGDNN hiện đang đào tạo ở 3 hệ, gồm: Cao đẳng, trung cấp và sơ cấp.
 
Thùy Lâm