.

Giáo dục phổ thông linh hoạt tối đa nhưng vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục

.
07:53, Thứ Bảy, 14/08/2021 (GMT+7)
Ngày 13-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2020 - 2021 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2021-2022. Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đề ra 8 nhiệm vụ của bậc trung học nhằm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới trong bối cảnh dịch COVID-19.
 
Theo đó, nhiệm vụ thứ nhất với 3 mục tiêu đặt ra là an toàn phòng dịch COVID-19, hoàn thành chương trình và bảo đảm chất lượng. Để làm được điều này, ngành giáo dục cần có kịch bản cụ thể để triển khai năm học mới trong điều kiện dịch bệnh; đồng thời, tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt.
 Giáo dục trung học nỗ lực hoàn thành năm học và các kỳ thi trong diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Giáo dục trung học nỗ lực hoàn thành năm học và các kỳ thi trong diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Tiếp đó, ngành giáo dục phải xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường bảo đảm yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục. Bởi chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình giáo dục hiện hành khác nhau về căn bản, cả về mục tiêu chương trình; nội dung kiến thức; hình thức dạy học; phương pháp dạy học; kiểm tra, đánh giá; quản lý cũng có sự khác biệt…
 
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, nếu chương trình hiện hành là “đồng phục” trong cả nước thì chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phân cấp, thiết kế theo hướng mở. Do đó, nhiệm vụ tiếp theo là ưu tiên tập trung triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 6 tốt nhất và chuẩn bị tốt điều kiện để triển khai chương trình mới với lớp 10 trong năm học tiếp theo. Giáo viên được phân công dạy lớp 6 phải là lực lượng tốt nhất, được tập huấn, bồi dưỡng. Tiếp đó là cần có danh sách dự kiến các giáo viên được phân công dạy lớp 10 theo chương trình mới trong tháng 10 năm nay.
 
Tiếp đó, ngành giáo dục phải chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng tổ chức dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình có chất lượng.  
 
Ngành giáo dục phải đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh. Để đổi mới phương pháp, cần quan tâm đặc biệt đến việc tạo động lực cho đội ngũ giáo viên; cần chính sách hỗ trợ, quan tâm kịp thời đến đội ngũ, đặc biệt trong điều kiện đời sống thầy cô bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là ở các trường ngoài công lập. Quy định đánh giá mới có nội dung đánh giá bằng nhận xét; thực hiện quy định này cần lưu ý không gây quá tải, áp lực cho giáo viên.
 
Nhiệm vụ tiếp theo là thực hiện xã hội hóa giáo dục. Thứ trưởng Bộ GĐ&ĐT Nguyễn Hữu Độ lưu ý với các địa phương là khi huy động nguồn lực xã hội hóa phải rõ mục đích chi; biến nguồn lực đó thành chất lượng giáo dục và phải công khai, minh bạch.
 
Đi cùng với triển khai chương trình trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh thì ngành giáo dục phải thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục.
 
Nhiệm vụ cuối cùng là đổi mới quản lý mà theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đây là động lực tốt để giáo dục dục phát triển. Phải chuyển từ quản lý theo mệnh lệnh, sang quản lý theo công tác, tạo điều kiện cho đội ngũ sáng tạo.
 
Nhìn lại năm học vừa qua, Bộ GD&ĐT đánh giá: Chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững; về giáo dục mũi nhọn, cả 37/37 học sinh tham gia các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế đều đoạt giải, trong đó có 12 huy chương Vàng. Tại Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế (ISEF), 1 dự án của học sinh Việt Nam đã đạt giải Ba - giải chính thức của hội thi và 2 dự án đạt 3 giải đặc biệt do các hiệp hội và tổ chức khoa học - công nghệ và doanh nghiệp trao tặng… Cả nước cũng đã hoàn thành 2 đợt kỳ thi tốt nghiệp THPT với tinh thần nhân văn, bảo đảm các yêu cầu, số thí sinh vi phạm giảm và không có cán bộ, giáo viên vi phạm... 
 
Theo Lê Vân (Báo Tin tức)
,