.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: 'Cát là nguồn cội, nguồn về cảm xúc của tôi'

.
13:13, Chủ Nhật, 30/09/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Cái dáng vẻ bụi bặm pha chút bất cần cùng kiểu nói chuyện tưng tửng, có lúc lại thẳng tưng của ông khiến người mới gặp lần đầu đôi chút e dè, ái ngại, thậm chí là tự ái.
 
Nhưng, nhìn cách ông chuyên tâm làm việc, kể cả trên trang viết hay trên sân khấu, người ta lại nể trọng ông bởi sự quyết liệt, hết mình, một cá tính nghệ thuật khác biệt.
 
Một Nguyễn Quang Vinh táo bạo bao nhiêu trên trang viết thì cũng "gai góc" bấy nhiêu trên sân khấu. Nhưng đằng sau “lớp áo” bụi bặm ấy là một Nguyễn Quang Vinh-người miền cát-luôn đau đáu với mảnh đất cát trắng và ràn rạt gió Lào quê hương mình.
 
- “Tiếng chuông gọi hồn trinh nữ”, “Alo! Lèn Hà”, mới đây nhất là chương trình nghệ thuật đặc biệt “Mẹ Suốt” và nhiều chương trình khác do ông biên kịch và tổng đạo diễn đều về đề tài chiến tranh. Thực tế có những vở diễn, những chương trình nghệ thuật về đề tài này thường đi vào lối mòn, ông làm sao để tránh được điều đó?
 
- Khi làm về chiến tranh, có 3 vấn đề đặt ra. Làm thế nào để làm được những cảnh chiến tranh lớn mà lại ít tốn kém? Đó là bài toán còn khó hơn bài toán về nghệ thuật, về kịch bản. Đó là cái khổ nhất của giới nghệ sỹ nước mình. Cái thứ hai nữa là người làm nghệ thuật, anh phải có vốn sống. Vốn sống đó tích lũy từ các thế hệ cha anh, từ sách báo.
 
Một vốn sống nữa, nó không nằm ở tư liệu, không ở sách báo nhưng giúp cho anh chạm được đến sự thật, đấy là cảm xúc. Người làm phải chân thành với lịch sử, không được thăng hoa nó quá sức nhưng cũng không nên nhìn bằng đôi mắt quá khắc nghiệt.

Tất cả phải được phản ánh một cách chân thực, có chọn lọc để đưa đẩy cảm xúc khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ hôm nay. Họ sẽ thấy yêu hơn về quá khứ hào hùng của cha anh.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh.
- Nghĩa là thành công của mỗi chương trình là chạm đến cảm xúc của khán giả?
 
- Đúng vậy! Anh làm gì tôi không biết, viết như thế nào, diễn ra làm sao tôi không quan tâm, nhưng tôi là khán giả, tôi không muốn rời màn hình một phút nào cả, tôi không muốn chuyển kênh. Tôi cười, tôi khóc, tôi bị cuốn hút thì lúc đấy anh thành công!
 
- Khi thực hiện chương trình nghệ thuật về mẹ Suốt, ông kỳ vọng điều gì về vở diễn này?
 
- Cái thứ nhất là phải đúng mẹ Suốt, hiểu theo nghĩa tâm linh. Nghĩa là những người cùng thế hệ với mẹ nhận ra được một mẹ Suốt trong thời kỳ đi ở khổ như vậy, trong chống Mỹ thì dũng cảm như thế.
 
Đó là một mẹ Suốt anh hùng nhưng dung dị, vẫn “mồm loang mép dãi”, nói với chồng con vẫn bốp chát như thế nhưng đằng sau đó là một tấm lòng đầy yêu thương. Đó là mẫu người phụ nữ Bảo Ninh trong chiến tranh: mạnh mẽ, rắn rỏi, yêu ghét rành mạch.
 
Tất cả những yếu tố ấy tạo ra không khí của vở diễn, không khí của nhân vật. Những điều ấy làm người xem quên đi đấy là ai. Người ta chỉ biết đấy là mẹ Suốt, là chị Khíu, là ông chủ tịch xã… Điều đó vô cùng khó. Vì cái khó của những chương trình chiến tranh là anh phải đạt đến độ giản dị và tài năng của người đạo diễn là phải đưa đẩy vào sự giản dị nhất, chân chất nhất. Nhưng, để đạt được điều đó phải vô cùng công phu, trách nhiệm và kỹ càng.
 
- Vậy nhưng, sau khi vở diễn được công chiếu, bên cạnh những lời khen ngợi vẫn có một số ý kiến trái chiều rằng ngoại trừ hình ảnh mẹ Suốt trong thời gian đi ở ra, còn lại, hình ảnh mẹ được khắc họa khá mờ nhạt và rời rạc, không đọng lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Ông nghĩ sao về nhận định này?
 
- Như lời dẫn phần đầu chương trình đã nói, làm về mẹ Suốt là làm về cuộc chiến tranh ở Quảng Bình, ở Đồng Hới, chứ không hoàn toàn về mẹ Suốt, vì thế mới có việc mô tả nhiều phân đoạn khác nhau, vì thế mới có cả lỉa trâu, cả vè cá rất hay mà chắc chắn ở Bảo Ninh không có. Đây là quan điểm của tôi, cách nhìn của tôi, có thể không hài lòng một số người nhưng tôi chọn cách mà tôi thể hiện để rộng hơn, toàn diện hơn. 
 
Trong lời dẫn đầu chương trình với khán giả, MC đã đọc rất rõ: Làm về mẹ Suốt là làm về Quảng Bình, về Đồng Hới, là xây dựng một hình ảnh Quảng Bình thời máu lửa anh hùng, về số phận của những con người ở một vùng đất “cát trắng như nước mắt” nhưng rất đáng tự hào.
 
- Ông đã từng chia sẻ: “Tôi có thể không phải là một người viết văn hay, nhưng tôi là một người viết khốc liệt”. Ông có thể nói rõ hơn về điều đó?
 
- Khốc liệt vì tôi trung thực với sự thật! Tôi viết về chiến tranh, về đề tài xã hội đều trung thành với sự thật, mà bạn biết đấy, sự thật thì bao giờ cũng khốc liệt. Khốc liệt tới mức dù rất cố gắng thì nhà văn cũng chỉ chạm tay vào thôi, bởi vì để mô tả nó, cần phải có thời gian, không gian, sự chia sẻ của những người gọi là duyệt tác phẩm, hay nói đơn giản hơn, cần phải đủ năng lượng sự thật mới mô tả hết sự thật.
 
Đất nước ta lúc nào, giai đoạn nào cũng khốc liệt. Chiến tranh khốc liệt hay thời bình cũng khốc liệt theo cách khác nhau. Nhà văn phải nắm, phải cảm, phải trân trọng, phải phản ánh cho thế hệ sau này thấm hiểu những giai đoạn khốc liệt đó.
 
- Đó là một Nguyễn Quang Vinh nhà văn. Vậy Nguyễn Quang Vinh là đạo diễn, là nhà biên kịch, sự khốc liệt đó có thể hiện rõ nét hay không?
 
- Tôi có một thế mạnh là nắm được chương trình trước khi triển khai, biết được chương trình đó hấp dẫn hay không hấp dẫn? Và rõ ràng qua 3, 4 chương trình vừa rồi đều được khán giả đón nhận là vì mình làm, mình lăn lộn vì nghề, mình lôi cuốn được toàn bộ ê kíp, toàn bộ diễn viên, mà tôi thường gọi đùa trên facebook là “ekíp thần thánh” (cười). Các bạn ấy có thể làm việc từ đêm này qua đêm khác, có thể nhịn ăn để làm việc.
 
Các bạn ấy chẳng bao giờ hỏi tôi câu hỏi ngược rằng "anh ơi, làm sao mà làm được?" Vấn đề là phải tìm mọi cách để làm được, tìm mọi cách để dựng được một thành phố Đồng Hới cháy đỏ trong bom đạn chiến tranh, một nhà thờ Tam Tòa đúng như nguyên bản.
 
Nhưng, làm như thế nào là việc của các anh! Tôi cần một tuyến diễn đầy đủ sức mạnh của nhân vật. Trong 120 phút của một vở diễn, có thể không làm hết được những ý tưởng của mình nhưng đã làm, đã “chạm” đến đâu thì “chạm” đến cùng.
Nguyễn Quang Vinh (áo đen) trong vai trò biên kịch, Tổng đạo diễn tại buổi tổng duyệt chương trình nghệ thuật đặc biệt “Mẹ Suốt”.
Nguyễn Quang Vinh (áo đen) trong vai trò biên kịch, Tổng đạo diễn tại buổi tổng duyệt chương trình nghệ thuật đặc biệt “Mẹ Suốt”.
- Chúng ta trở lại câu chuyện viết văn thời nay. Cách cảm thụ văn chương và sở thích của người đọc cũng đã rất khác xưa. Họ cũng đã có rất nhiều sự lựa chọn. Là một nhà văn với gần chục cuốn tiểu thuyết, theo ông, người viết văn, nhất là viết về những đề tài chiến tranh cần những điều gì để độc giả quan tâm đến tác phẩm của mình?
 
- Bạn biết đấy, độc giả bây giờ “khôn” hơn xưa, giỏi hơn xưa, thẩm thấu các vấn đề đa chiều hơn xưa. Vì thế, người ta sẽ không tin kiểu dàn bài “ta thắng địch thua”, nên viết về chiến thắng phải viết cả về “sự thua”, “cái mất mát” một cách trung thực. Vấn đề là nhà văn phải gây dựng nên những hình tượng nhân vật thật xúc động, thật đẹp đẽ, thật cháy bỏng về lòng yêu nước, về tình yêu dân tộc, về sự dấn thân.
 
Đồng thời, phải lột tả một cách trung thực nỗi đau, ý nghĩ, cảm xúc của từng cá nhân, phải tặng cho độc giả những trang văn trung thực về lịch sử, không hoa mỹ nó quá mức nhưng cũng không nhìn nó méo mó. Trung thực với chính lịch sử thì bạn đọc mới đồng hành, mới chia sẻ, mới thích thú và mới cảm nhận toàn diện những chữ nghĩa của nhà văn trên trang viết.
 
- Tôi cũng đã đọc được một nhận định đâu đó rằng đọc tiểu thuyết của Nguyễn Quang Vinh, thấy cát bay vào trang sách. Và cát, cùng con người xứ cát xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm văn học-nghệ thuật của ông. Vì sao lại thế?
 
- Mỗi nhà văn có một vùng quê, một vùng sống, một vùng tình cảm, một vùng văn chương của mình. Cát, thực ra là nguồn cảm hứng, nguồn cội, nguồn về cảm xúc của tôi để nếm trải, để chia sẻ, để cam kết.
 
Cát trong tôi là ký ức, là những gì trong trẻo và xót xa, những cuộc đời đi qua, mềm mại và cháy bỏng, yêu thương và chai sạn. Nó là nguồn cảm hứng cho tôi viết nhiều đề tài khác nhau, viết về nhiều vùng đất khác nhau. Cát như một thứ triết lý, như một chủ thuyết về vóc dáng, về nhân sinh để tôi đủ sức, đủ lực cầm bút sáng tạo.
 
- Sau “Tiếng chuông gọi hồn trinh nữ”, “Alo! Lèn Hà” và “Mẹ Suốt”…, sẽ là gì?
 
- Từ giờ đến cuối năm còn 2 chương trình lớn nữa: “Noel 1972: Khúc bi hùng ở Ga Lưu Xá” làm về sự hy sinh của 60  thanh niên xung phong; “Linh thiêng Cánh đồng Chum” làm ở Cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng-Lào) nhân 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Lào…
 
Tôi cố gắng đổi mới cách làm, sáng tạo trong cách dàn dựng để tặng khán giả những chương trình thực sự cảm xúc, thực sự chân thật, thực sự hấp dẫn.
 
-  Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
 
Diệu Hương (thực hiện)
,