Để người trẻ định vị mình trong thi ca
(QBĐT) - Gặp lại nhà lý luận phê bình (LLPB) Hoàng Thụy Anh trong một ngày mưa chớm lạnh đầu đông. Để lại phía sau những bộn bề của công việc biên tập viên ở Tạp chí Nhật Lệ, sự háo hức, nhiệt huyết khi mới được bầu làm Chi hội phó Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh và cả sự tươi mới, tràn trề sức sống khi tập thơ đầu tay vừa đến với bạn đọc, chị dành thời gian để chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề và cả những ấp ủ dự định cho tương lai.
Nhà lý luận phê bình Hoàng Thụy Anh. |
PV: Không chỉ là hội viên trẻ nhất (SN 1979) và là nữ giới duy nhất trong Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh, chị còn được tín nhiệm bầu làm Chi hội phó Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh trong đại hội vừa diễn ra giữa tháng 10-2017 vừa qua. Chị đã dần cảm thấy “sức nặng” của trách nhiệm này chưa?
- Nhà LLPB Hoàng Thụy Anh: Nếu nói là “sức nặng” thì có vẻ như to tát quá. Trên thực tế, tôi cảm thấy rất thoải mái và nhẹ nhàng với vị trí mới này mặc dù trong Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh tôi là “mì chính cánh” và là người trẻ tuổi nhất.
Tôi không hề thấy áp lực, mà xem đây là cơ hội để mình nỗ lực, cố gắng và khẳng định bản thân, không phụ lòng những người đã tin tưởng, tín nhiệm. Kỳ vọng lớn nhất của mọi người khi bầu tôi vào vị trí này là để tạo ra luồng gió mới, trẻ trung, nhiệt huyết cho các hoạt động của Chi hội.
Tuy nhiên, tôi còn phải học các bậc cha chú rất nhiều, bởi ngay cả họ, dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, vẫn sáng tác rất sung sức và đều tay.
PV: Một thực tế là hầu hết hội viên của Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh đã ở lứa tuổi “bên kia dốc cuộc đời”, trong khi lớp trẻ theo nghiệp văn chương ở tỉnh ta vẫn còn quá ít ỏi. Cũng là một cây viết trẻ, theo chị, điều kiện cần và đủ để khai phá những tiềm năng văn học nghệ thuật của tỉnh nhà?
- Nhà LLPB Hoàng Thụy Anh: Không riêng gì văn học, nhiều loại hình nghệ thuật khác cũng đang rất gian nan trong việc đào tạo lớp trẻ. Thời gian qua, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và Tạp chí Nhật Lệ đã có nhiều cố gắng để “truy tìm”, phát hiện, bồi dưỡng các cây bút trẻ, nhưng dường như các hoạt động thúc đẩy sáng tác trẻ vẫn còn khá hạn chế.
Chúng ta mới chỉ động viên, khuyến khích chung chung qua một số cuộc gặp mặt, các chuyến đi thực tế, các trại sáng tác... Riêng vấn đề hỗ trợ sáng tác, ra mắt sách đối với các cây bút trẻ chưa là hội viên thì vẫn còn khá xa vời.
Hoàng Thụy Anh, SN 1979, thạc sĩ văn học, công tác tại Tạp chí Nhật Lệ Các tác phẩm đã xuất bản: -Thơ Hoàng Vũ Thuật - Nhìn từ thi pháp học của Roman Jakobson (chuyên luận, NXB Thuận Hóa, 2010). |
Thiết nghĩ, đối với vấn đề hỗ trợ sáng tác, chúng ta nên dựa trên chất lượng tác phẩm hơn là căn cứ hội viên hay chưa hội viên. Mới đây, khi tập thơ “Người đàn bà sinh ra từ mưa” của tôi xuất bản, Ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh đã rất nhanh chóng, liên lạc và quyết định hỗ trợ một phần kinh phí xuất bản.
Có thể nói, động thái này đã tiếp sức, thắp lửa nhiệt huyết rất nhiều cho những người dấn thân với văn chương. Nếu tạo được không khí văn chương thiết thực như thế, tôi tin, sáng tác trẻ ở Quảng Bình sẽ dày hơn cả về số lượng lẫn chất lượng.
PV: Nhân nói về trại sáng tác, tỉnh ta không thiếu các trại sáng tác dành cho tác giả trẻ, nhưng chất lượng và hiệu quả của những trại sáng tác này vẫn còn nhiều điều phải bàn. Đó đã là cách tối ưu để các tài năng trẻ có cơ hội thăng hoa chưa, thưa chị?
- Nhà LLPB Hoàng Thụy Anh: Các trại sáng tác được xem như một sân chơi cọ xát, trao đổi, chia sẻ của các văn nghệ sĩ. Nhưng theo tôi, ngoài việc tạo không gian sáng tác riêng, cần tăng cường hiệu ứng đối thoại, tranh luận văn chương, tránh sự đơn điệu và nhàm chán.
Đầu tháng 5-2017, tôi có tham gia trại nghiên cứu, phê bình văn học đầu tiên của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đây là một trại sáng tác đầy phá cách, thay vì “đóng cửa, thai nghén tác phẩm”, chúng tôi được gặp gỡ, giao lưu, thảo luận và chia sẻ bàn tròn với sinh viên các trường đại học. Hình thức tạo diễn đàn mở thế này đã phát huy tác dụng rõ rệt. Các cây bút có dịp được bộc lộ, thể hiện suy nghĩ, cá tính và khẳng định bản thân.
Không riêng gì ở tỉnh ta, các sản phẩm của các cây bút trẻ sau khi tham gia trại sáng tác, nếu được quan tâm hỗ trợ in ấn, quảng bá tác phẩm (không phân biệt hội viên hay chưa hội viên) thích đáng thì đây là cơ hội để họ tỏa sáng. Tất nhiên, muốn có được kết quả tốt từ các trại sáng tác, khâu lựa chọn người tham gia và kĩ lưỡng trong nghiệm thu tác phẩm cũng là những việc làm không thể bỏ qua.
PV: Các cây viết trẻ hiện nay có nhiều cơ hội tiếp cận với công chúng của mình, không còn bó hẹp trong trang sách như trước đây. Đó chính là công nghệ thông tin, mà nhất là mạng xã hội. Được biết, trang mạng xã hội của chị cũng rất được yêu thích và là “mảnh đất” để nhiều tác phẩm thơ của chị được độc giả biết đến. Để phát huy ưu điểm và hạn chế tối đa mặt tiêu cực của mạng xã hội, theo chị, các tác giả trẻ cần làm gì?
- Nhà LLPB Hoàng Thụy Anh: Mạng xã hội là nơi tôi hầu như rất ít đăng tải các bài nghiên cứu phê bình mà chỉ gửi gắm những tác phẩm thơ đầu tay của mình. Trước khi công khai tác phẩm lên mạng xã hội, tôi thường có sự cân nhắc, chọn lọc và tính toán kỹ lưỡng. Trước các comment, thuận chiều hay trái chiều, tôi đều suy ngẫm để hoàn thiện tác phẩm một cách tốt nhất.
Như thế, mạng xã hội đã tạo ra môi trường đối thoại trực tiếp, bình đẳng, dân chủ, giúp người viết có thể chỉnh sửa, tân trang lại “đứa con” của mình. Nhưng bên cạnh đó, mạng xã hội cũng đưa đến không ít những mặt tiêu cực, thể hiện rõ qua các lượt view, like và comment vô tội vạ, không cần phân biệt đúng hay sai, tốt hay xấu, vui hay buồn.
Việc làm chủ hành động và phát huy trách nhiệm trước những phát ngôn của mình trên trang mạng xã hội là điều cần thiết. Bởi lẽ, mạng xã hội cũng chính là nơi bộc lộ văn hóa sống của chính bạn.
Tập thơ “Người đàn bà sinh ra từ mưa” của tác giả Hoàng Thụy Anh. |
PV: Trở lại một chút với tập thơ “Người đàn bà sinh ra từ mưa” của chị. Ắt hẳn đây là một sự ngạc nhiên thú vị của độc giả vốn dĩ đã quá quen thuộc với một Hoàng Thụy Anh lý trí, sắc sảo trong lý luận phê bình văn học. Nay lại thấy một Hoàng Thụy Anh vừa táo bạo, vừa nữ tính. Vậy điều gì khiến chị tìm đến thơ sau khi đã xuất bản ba công trình lý luận phê bình?
- Nhà LLPB Hoàng Thụy Anh: Nhà lý luận phê bình Phan Anh Tuấn cho rằng, giữa tư duy thơ ca và tư duy lý luận phê bình không có quá nhiều khoảng cách, đối lập, mà thực ra, thống nhất, tương liên thông suốt như hai mặt của một tờ giấy.
Nói như thế, việc tìm đến thơ không hề lạ đối với các cây bút viết phê bình. Mà thực tế đã chứng minh qua các cây bút, như: Trương Đăng Dung, Hồ Thế Hà, Mai Bá Ấn... Tôi tìm đến thơ để được sống cho chính mình và giải tỏa những áp lực trong cuộc sống mà địa hạt lý luận phê bình không thể gánh nổi.
PV: Một thời gian dài, cụm từ “ái nữ của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật” đi kèm với lời giới thiệu về Hoàng Thụy Anh đã không còn được nhắc đến. Đó có phải là động lực để chị vượt qua cái “bóng” lớn của cha, tự khẳng định mình và tạo dấu ấn riêng trên văn đàn, nhất là với tập thơ vừa qua?
- Nhà LLPB Hoàng Thụy Anh: Trước khi in tập thơ đầu tay, tôi đã đưa bản thảo cho cha mình - nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, đọc đầu tiên. Và ông đã thốt lên: “Thơ của con lạ quá!”. Không chỉ trong phê bình mà ngay cả với thơ, giữa tôi và cha luôn đi theo hai hướng khác nhau. Vì vậy, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ cố gắng để vượt qua cái bóng của ông mà ngược lại, tôi tự khẳng định mình theo cách riêng.
PV: Nhiều độc giả hy vọng, với chị, thơ chỉ là cuộc dạo chơi, bởi lý luận phê bình vẫn là thế mạnh và góp phần tạo nên tên tuổi Hoàng Thụy Anh. Dự định của chị cho bước đường văn học nghệ thuật tiếp theo?
- Nhà LLPB Hoàng Thụy Anh: Sắp tới, lý luận phê bình vẫn là mảng nội dung chính mà tôi hướng đến, còn thơ thì... biết đâu được, đành để tùy theo cảm xúc (cười).
PV: Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi thú vị này!
Mai Nhân (thực hiện)