.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước: Người làm phim tài liệu cần nhất là bản lĩnh sống

Chủ Nhật, 19/11/2017, 15:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Tròn 20 năm sau khi thực hiện bộ phim tài liệu “Trở lại Ngư Thủy”, với đạo diễn, NSND Nguyễn Thước, mỗi lần đặt chân đến Quảng Bình đều như một cuộc trở về. 20 năm ấy, ông đã đi qua rất nhiều miền quê, ghi dấu qua nhiều vùng đất, nhưng mỗi dịp trở lại Ngư Thủy với những nữ pháo thủ kiên trung thuở nào đều mang đến cho vị đạo diễn nhiều xúc cảm.

Gặp ông đúng dịp NSND Nguyễn Thước trở lại Quảng Bình tham gia giảng dạy tại lớp tập huấn về phim tài liệu và phóng sự truyền hình, vị đạo diễn ấy đã có những trải lòng thú vị.

- “Trở lại Ngư Thủy” – bộ phim tài liệu mang đến cho ông giải “Quay phim xuất sắc nhất”- đã tròn 20 năm tuổi. Vậy lý do vì sao thời điểm ấy, đoàn làm phim quyết định chọn đề tài này để thực hiện, nhất là khi 30 năm trước, bộ phim “Những cô gái Ngư Thủy” của đạo diễn Lò Minh đã quá thành công?

- Thiên chức của những người làm phim tài liệu là luôn luôn động vào những vấn đề mà xã hội và con người quan tâm. Năm 1969, Hãng phim Tài liệu Trung ương và đạo diễn Lò Minh đã vào Quảng Bình để thực hiện bộ phim tài liệu “Những cô gái Ngư Thủy”.

Ở vai trò quay phim, NSND Nguyễn Thước đã giành được 3 giải quay phim xuất sắc ở 3 Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 10, 11 và 12.

Với vai trò đạo diễn, ông đã giành được giải Bông sen vàng cho phim "Đất lạnh"; Bông sen bạc cho phim "Sự nhọc nhằn của cát", "Cỏ xanh im lặng"; giải Cánh diều vàng cho phim "Chất xám" và nhiều giải thưởng khác.

Bộ phim rất thành công với rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế khi đã phản ánh được cuộc sống hào hùng của những người nữ pháo binh. Nhưng sau 30 năm, cuộc sống của họ như thế nào? Đó là vấn đề mà xã hội đều quan tâm.

Sau khi thực hiện xong bộ phim “Những cô gái Ngư Thủy”, anh Lò Minh trở thành người anh tinh thần, gắn bó với cuộc sống của những nữ pháo binh ấy. Cuối năm 1996, anh Lò Minh rủ tôi và đạo diễn Lê Mạnh Thích trở lại Ngư Thủy. Sau chuyến thăm ấy, anh Lê Mạnh Thích và anh Lò Minh cùng bắt tay viết kịch bản phim tài liệu, lấy tên là “Trở lại Ngư Thủy”. Đúng một năm sau, chúng tôi có mặt ở Ngư Thủy, thực hiện những thước phim đầu tiên.

Cuộc đời những người làm phim tài liệu như chúng tôi bôn ba nhiều nơi lắm, gặp gỡ bao nhiêu người, nghe bao nhiêu chuyện, hiểu thêm bao nhiêu thân phận nhưng có lẽ quãng thời gian làm phim “Trở lại Ngư Thủy”, được gặp gỡ và sống với những người dân nơi đây là kỷ niệm không bao giờ quên được. Chúng tôi luôn tự hỏi mình và xã hội đã làm gì cho những người đã cống hiến cả quãng đời tuổi trẻ của họ? Và bộ phim của chúng tôi cũng muốn truyền thông điệp ấy đến với đông đảo người xem.

- Trong một bài phỏng vấn, ông đã từng chia sẻ: “Làm xong “Trở lại Ngư Thủy”, tôi sẽ không còn thấy thế nào là khổ trên đời này nữa. Sau những ngày dội mưa, lội cát Quảng Bình với máy quay hàng chục ký trên vai đã cho tôi bản lĩnh, tình yêu để bắt tay vào công việc mới: đạo diễn”. Ông có thể lý giải rõ hơn về bước ngoặt quan trọng ấy?

- Những năm làm phim “Trở lại Ngư Thủy” cũng là thời điểm tôi sắp sửa tốt nghiệp lớp đạo diễn. 20 ngày làm phim “Trở lại Ngư Thủy” đó là 20 ngày vô cùng vất vả. Chúng tôi phải nhờ xe tốt nhất của tỉnh thời điểm ấy mới đưa cả đoàn vào gần đồn biên phòng.

Vậy là hằng ngày, chúng tôi phải đi bộ hơn 10 km đường cát từ đồn biên phòng để vào làng, vất vả vô cùng! Khi làm xong phim đó, tôi cảm giác có lẽ mình sẽ không còn thấy ngại với bất cứ phim nào nữa bởi vì đó là phim rất vất vả. Vậy mà, các chị vẫn cứ sống cả đời ở giữa những ốc đảo xa xôi như thế. Một que kem cũng trở thành một món quà rất đặc biệt đối với những đứa trẻ ở xã nghèo đó.

Sau những trải nghiệm về nghề ấy, năm 2000, tôi đã tự tin để bắt đầu với nghiệp đạo diễn. Nghĩa là thời điểm ấy đã đủ độ chín về nghề và sự trải nghiệm để bắt đầu thử thách ở một vai trò mới. Hơn nữa, đặc thù của người quay phim tài liệu, tính độc lập của họ rất cao và trong quá trình làm phim, với tư cách người quay phim, công việc đã rèn dũa cho họ tư chất của người đạo diễn rồi. Chính vì vậy, khi chuyển qua làm đạo diễn, họ đều thành công.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước trò chuyện cùng phóng viên Báo Quảng Bình.
Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước trò chuyện cùng phóng viên Báo Quảng Bình.

- Cuộc sống của những nữ pháo binh Ngư Thủy ngày ấy bây giờ đã có rất nhiều đổi khác. Vậy, sau 20 năm, đã bao giờ ông trở lại Ngư Thủy để chứng kiến và vui niềm vui của sự đổi thay ấy?

- Tôi đã trở lại Ngư Thủy nhiều lần. Hầu như lần nào, đi qua Quảng Bình bằng ô tô, tôi đều cố gắng chạy về với các chị, dù là mấy phút thôi. Bạn biết không, thành công của bộ phim ấy không chỉ là những giải thưởng trong nước và quốc tế mà phim đã có tác động rất lớn tới xã hội.

Ngay sau khi phim ra mắt, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cùng anh chị em báo chí đã phát động một phong trào hướng về Ngư Thủy. Cả nước hướng về các chị, quan tâm các chị bằng vật chất, bằng tinh thần. Làng quê của các chị đã có điện, một con đường bê tông và một ngôi trường đã mọc lên ngay sau đó.

Cách đây 2 năm, khi tôi tham gia Liên hoan truyền hình toàn quốc tổ chức tại Quảng Bình, tôi cũng đã trở lại thăm các chị. Thật vui khi thấy cuộc sống của các chị và bà con nơi đây đã thay da đổi thịt hoàn toàn. Tôi không còn thấy một cái nhà tranh vách đất nào. Tôi cho rằng đây là một điển hình về tác dụng của phim tài liệu đối với đời sống, với xã hội.

- Điều gì cần cho một người làm phim tài liệu, thưa ông?

- Người làm phim tài liệu, trước tiên phải cần bản lĩnh sống, rồi đến tri thức sống và tri thức về nghề. Đối với phim tài liệu, học xong cũng cần có sự trải nghiệm nữa, đó gọi là bản lĩnh sống của mỗi người. Bản lĩnh tôi nhắc đến ở đây là bản lĩnh dám đương đầu.

Ví dụ như hai tác phẩm kinh điển của phim tài liệu Việt Nam là “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy, thời điểm ấy, anh Thủy cũng bị áp lực rất lớn. Nhưng cuối cùng cũng vượt qua được. Tôi nghĩ, đó là bản lĩnh sống rất mãnh liệt mà không phải tuổi đời quyết định được điều đó.       

- Quảng Bình có một bề dày về lịch sử và phong cảnh hữu tình. Ông có nghĩ đó là lợi thế về đề tài cho những người làm phim tài liệu ở đây không?

- Tôi cho là vùng đất nào cũng phong phú về đề tài. Các nhà làm phim tài liệu thế giới nhận định rằng Việt Nam là một kho đề tài. Chúng ta đang có rất nhiều những vấn đề mà phim tài liệu cần để quan tâm. Cái quan trọng là phát hiện đề tài và khai thác đề tài ấy như thế nào thôi.

- Ông có nhắc đến hai bộ phim kinh điển của phim tài liệu Việt Nam là “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy ra đời cách đây hơn 30 năm. Điều gì làm nên sức sống lâu bền của hai bộ phim ấy, thưa ông?

- Hai phim của đạo diễn Trần Văn Thủy trình chiếu đúng thời điểm trước đổi mới và có sự cộng hưởng của xã hội rất lớn. Các bạn tưởng tượng là thời điểm đó, chưa có phim truyện bom tấn nào có nguồn thu lớn như hai phim tài liệu ấy. Hai phim được chiếu trong cùng 1 buổi, dài gần 100 phút nhưng tất cả những rạp lớn ở trong các thành phố lớn luôn luôn đỏ đèn từ sáng đến 12 giờ đêm.

Rõ ràng sức sống, hiệu ứng của những bộ phim tài liệu khi nó được cộng hưởng với cuộc sống thì tạo nên một sức mạnh không thể nào tưởng tượng nổi. Tất nhiên, về sau này cũng vẫn có rất nhiều phim có tác dụng với cuộc sống nhưng tôi chưa thấy có bộ phim nào được như hai phim đó.

Đến bây giờ, những vấn đề đề cập đến trong hai bộ phim ấy vẫn đang là vấn đề lớn của cuộc sống, của con người. Vì vốn dĩ, sứ mệnh của phim tài liệu là phản ánh chân thực những vấn đề của cuộc sống mà.

- Trong cuộc đời làm phim của ông, có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất?

- Khi tôi quay bộ phim tài liệu ở trại phong Quy Hòa (Bình Định). Ba ngày đầu đến quay, tôi ăn không thấy ngon, ngồi xuống ghế đá cũng cảm thấy không yên dù mình biết bệnh phong không lây nhưng vẫn có cảm giác rất ghê. Bởi tôi cũng chỉ là con người bình thường, có nỗi sợ cũng rất bình thường.

Chăm sóc cho những bệnh nhân phong là các bà sơ. Bạn cũng biết đấy, các bệnh nhân ở đây cứ cụt dần cả chân và tay. Bởi vậy, ở những nơi này, họ không đóng giày dép theo số như người bình thường mà sẽ có các bà sơ đo cụ thể rồi đóng dép theo đúng những đôi chân đó. Hôm tôi quay có sơ Yến đang đo dép cho một bệnh nhân.

Trên nền nhà là hình ảnh một đôi chân cụt ngủn vẫn còn vương vết máu và đôi bàn tay rất đẹp của sơ Yến. Không hề có một cảm giác ghê sợ khi đôi tay ấy đặt lên bàn chân còn loang lổ vết máu ấy. Tôi quay ngay khoảnh khắc ấy, lia máy từ đôi bàn tay lên đến mặt sơ Yến. Đó là một vẻ mặt đẹp như thiên thần. Và bạn biết không, có một cảm giác đến với tôi rất kỳ lạ. Tôi không còn cảm giác ghê sợ nữa từ sau cái ngày tôi quay được khoảnh khắc ấy.

- Nếu được chọn lại, ông có chọn phim tài liệu hay không?

- (cười) Dù có khó khăn, có vất vả thì làm phim tài liệu vẫn là cái nghiệp mà tôi đam mê và theo đuổi đến cùng.

- Các tờ báo điện tử hiện nay bắt đầu chú trọng phát triển mảng truyền hình online. Theo ông, việc báo điện tử, nhất là các báo địa phương đầu tư để sản xuất phim tài liệu có thực sự cần thiết?

-Truyền thông đa phương tiện là xu hướng phát triển mạnh mẽ và cần thiết ở thời điểm này. Với truyền hình, phim tài liệu luôn là loại hình quan trọng nhất. Nhưng không thể làm phim tài liệu nếu không có kinh phí được.

Thế nhưng, để tạo nên sức nặng cho các trang báo của mình, tôi nghĩ là bên cạnh các phóng sự ngắn, phóng sự dài, mỗi năm cũng nên cố gắng đầu tư 1, 2 phim tài liệu. Kinh phí ít thì mình làm kiểu ít, quan trọng nhất là xác định được đề tài tốt hay không mà thôi.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

Diệu Hương (thực hiện)