.

Mười bốn cây dừa

.
09:08, Chủ Nhật, 21/10/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Mười bốn cây dừa, không cây nào còn nguyên vẹn bởi những vết thương chiến tranh. Trước khi còn sót lại mười bốn cây dừa trên mình mang đầy thương tích, nơi đây từng là một vườn dừa trù phú, tràn đầy sinh lực, bình yên tọa lạc nơi góc phố thân thương của thị xã Đông Hới.
 
Phố nhỏ, nên vườn dừa không thể rộng lớn. Không phải là một vườn dừa tự thân tạo ra hẳn một vùng sinh thái-kinh tế, lại càng chưa phải là một địa danh nổi tiếng được nhiều người biết đến, nhưng đối với tôi, vườn dừa nhỏ bé, khiêm nhường thuở ấy vẫn mãi tồn tại ấm áp trong tâm khảm mình mỗi khi nghĩ về nó, dù ở không gian, thời gian nào, bởi đó không phải là vườn cây bất kỳ, mà là một vườn dừa có thân phận, có khả năng truyền cảm hứng từ sự lưu giữ và nuôi dưỡng ký ức: vườn dừa Bình Trị Thiên. 
 
Trải dài ven bờ sông Nhật Lệ, phía nam thị xã Đồng Hới, vườn dừa với hơn sáu mươi năm tuổi đã đồng hành và chứng kiến trọn vẹn một giai đoạn thăng trầm của quê hương. Trải qua chiến tranh khốc liệt, hầu hết các di tích hữu thể thân thuộc và phong phú trên địa bàn thị xã Đồng Hới như đền, chùa, thành quách, phố xá, chợ, cầu, cảnh quan… đều đổ nát, không còn tăm tích.
 
Duy chỉ có vườn dừa dù cũng bị vùi dập, hủy hoại gần hết, chỉ còn sót lại mười bốn cá thể, nhưng vẫn hiên ngang, bất khuất tồn tại và nối truyền sinh trưởng. Bây giờ, những năm tháng khốc liệt và khốn khó đã lùi xa, ngắm nhìn vườn dừa đang dần phục sinh kỳ diệu, tôi không thể không hình dung rằng, vườn dừa, với thân phận đặc biệt của mình, rất có thể sẽ trở thành một trong những biểu tượng sống động lưu dấu tình cảm Bắc-Nam, lưu dấu khát vọng thống nhất đất nước ở thời khắc lịch sử bi hùng của dân tộc còn sót lại trên đất Đồng Hới, cần được tiếp tục bảo tồn và phát triển.
 
Đời cây như đời người, vườn cây cũng là một “cộng đồng”, nên hãy lắng nghe âm thanh thân thuộc, bất khuất của vườn dừa Bình Trị Thiên vọng về từ thời bi hùng chưa xa, trong thơ, văn của những người con Đồng Hới, để từ đó lần tìm về nguồn cội.
 
Em đi phố nhỏ động cành dừa
Cửa biển về khuya gió đêm ngả lạnh
Phố nhỏ tan rồi qua bao trận đánh
Chúng ta về ấm lại dải đường xưa.
                                                  (Trường ca Đồng Hới-Xuân Hoàng)
 
Nhà văn Lê Thị Mây cũng từng viết: “Kỳ vừa ngưng bom đạn, tôi đã về quanh quẩn với phố đổ rậm rì cỏ dại. Nhiều lần đếm đi đếm lại, cũng chỉ còn sót có mười bốn cây dừa, thân bị băm kín miểng bom (…).
 
Nơi mỗi gốc cây, được cắm một tấm biển được mang tên những học sinh Trường Đào Duy Từ, làm người bảo vệ, chăm sóc cây. Cây dừa trước góc chợ, cạnh nhà lục giác, cắm biển mang tên tôi, bom Mỹ giết hại từ bao giờ?” (Tạp chí Sông Hương, số tháng 6-2015).
Hiện nay, vườn dừa Bình Trị Thiên đã được phục hồi một phần.
Hiện nay, vườn dừa Bình Trị Thiên đã được phục hồi một phần.
Những người già mang nặng tâm tình hoài cổ như mẹ tôi, đọc bài thơ Xuân Hoàng, đọc hồi ức của Lê Thị Mây viết về vườn dừa Bình Trị Thiên, về Đồng Hới, lần nào cũng lén chùi nước mắt.
 
Rõ ràng, cái vườn dừa từng làm xao động nhiều thứ bậc tâm tình ấy là sản phẩm, là quá khứ, là sự thổn thức khôn nguôi, là biểu tượng quê hương của nhà thơ Xuân Hoàng, của nhà văn Lê Thị Mây, của người Đồng Hới một thời, nên hình ảnh vườn dừa, phố nhỏ thân yêu bị kẻ thù tàn phá mới rung động được lòng người đến như vậy, có sức vang xa đến như vậy.
 
Sách “Lịch sử Đảng bộ Đồng Hới”, mục “Hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, cải thiện dân sinh (1955-1957)” chép: “Thời kỳ này, Ty Kiến trúc cho mở công trường bờ sông Nhật Lệ, bắc một đường goòng dài 2 km để chở cát từ Đồng Thành lên đến Cầu Dài san lấp mở rộng mặt bằng, lấn ra bờ sông 20m, Ủy ban hành chính thị xã giao cho thanh niên trồng vườn dừa Bình Trị Thiên, làm cho cảnh quan thị xã thêm tươi mát, sạch đẹp".
 
Ở thời điểm đó, khu vực ven sông Nhật Lệ từ phía nam chợ Đồng Hới đến phía bắc cầu Dài trở thành một đại công trường thủ công nhộn nhịp, thu hút hàng trăm người đủ các thành phần, các lứa tuổi, rạo rực tâm huyết, phơi phới niềm tin, tình nguyện tham gia lao động xã hội chủ nghĩa với một mục tiêu chung tay góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng quê hương mới xanh, sạch, đẹp hơn sau cuộc kháng chiến chống Pháp.
 
Ngày thường, lực lượng lao động chính là thanh niên, ngày thứ bảy, huy động thêm lực lượng bộ đội, công chức, viên chức, học sinh, trong đó có công sức của không ít những người con hai tỉnh Trị-Thiên tập kết…
 
Họ cùng nhau vượt qua biết bao khó khăn của một thời thiếu thốn để chuyên chở cát xa hàng cây số về, san lấp sông, tạo mặt bằng, đào hố trồng hai dãy hàng trăm cây dừa con trên một quãng dài tả ngạn sông Nhật Lệ.
 
Trong ký ức tuổi thơ tôi, lần đầu tiên những đứa trẻ mới lớn chúng tôi được nhìn thấy trong “lục địa” thị xã, ngay trước ngõ nhà mình mấy bước chân lại có nhiều cát vàng, cát trắng thành gò đống, thành bãi dài đến như vậy, nên kéo đến từng nhóm nhào lộn, vui đùa thỏa thích. Khu vực được lựa chọn để lấn sông trồng vườn dừa thuộc xóm Câu của làng Động Hải xưa, là dải đất ven sông, từ lâu đời tấp nập thuyền bè neo đậu.
 
Mặc dù từ ngày lập làng, nhiều đời người dân ở đây đã đào đất, vượt thổ để mở rộng vùng định cư, nhưng đến thời điểm khai cuộc trồng dừa, vùng đất này vẫn thường xuyên ẩm thấp, bồi lở, gập ghềnh.
 
Khi công việc hoàn thành, cả một dải bờ sông được tôn cao, mở rộng, phủ kín bởi những cây dừa non tơ chạy dài hun hút, có gắn những tấm biển ghi danh người chịu trách nhiệm chăm sóc, cùng với những chiếc ghế đá công viên kê đặt rải rác đây đó, khiến cảnh quan nơi này trở nên ngăn nắp, sạch sẽ hơn trước, như có phép màu trong mắt những đứa trẻ chúng tôi.
 
Bờ sông Nhật Lệ ở khúc sông này thật yên tĩnh, không chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa đông bắc bởi nhờ dải cát phía Bảo Ninh che chắn lại đón được gió nồm, nam, nên mùa hè rất mát mẻ, mùa đông thì ấm áp, thuận lợi cho sự sinh trưởng của cây dừa, cộng với sự chăm sóc, bảo vệ chu đáo, khiến vườn dừa vươn vai rợp bóng từng ngày.
 
Theo các tư liệu ghi chép lại và ký ức của những người tham gia sự kiện, tên gọi ban đầu cho công trình này là “vườn dừa Trị Thiên”. Nhớ lại thời chống Pháp, Mặt trận Thừa Thiên bị vỡ, theo chủ trương của cấp trên, rất nhiều đồng bào, đồng chí người Thừa Thiên ra Đồng Hới sinh sống.
 
Sau năm 1954, đồng bào, đồng chí hai tỉnh Trị-Thiên cũng di dân, tập kết ra đây và cả hai đợt đều được chính quyền, nhân dân Đồng Hới cưu mang đùm bọc, chia ngọt sẻ bùi trong tình cảm của những người anh em ruột thịt một nhà.
 
Có lẽ xuất phát từ tình cảm tự nhiên đó, cộng với khát vọng thống nhất đất nước đã tạo cảm hứng cho việc đặt tên vườn dừa Trị Thiên ngay từ khi nó hình thành (1957-1958). Sau này, năm 1960, khi có phong trào phát động kết nghĩa Bắc-Nam trên cả nước, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế tổ chức kết nghĩa anh em, theo đó vườn dừa mặc định được mang tên “Vườn dừa kết nghĩa Bình Trị Thiên”.
 
Khi vườn dừa Bình Trị Thiên đang hồi sung sức, tỏa bóng mát xuống dòng sông Nhật Lệ, đơm hoa kết trái sum suê, chúng tôi bỗng thấy người ta xây lên dưới tán những cây dừa một dãy công sự nổi và nhiều ụ súng phòng không chạy dọc giữa vườn dừa, thế vào chỗ những chiếc ghế đá công viên, nơi các anh chị thanh niên hẹn hò, nơi các cụ già, trẻ em ngồi hóng mát. Và chúng tôi biết rằng cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ sắp xảy ra trên quê hương mình.
 
Khi cuộc chiến bùng nổ, cùng với nhiều địa điểm khác, vườn dừa trở thành nơi che chở, điểm tựa cho lực lượng vũ trang bảo vệ thị xã chiến đấu bắn trả máy bay Mỹ, góp phần đẩy lùi và bẻ gãy các đợt không kích của chúng vào thị xã và các địa bàn lân cận, lập nhiều chiến công lớn. Cũng từ thời điểm này, Đồng Hới cùng với miền Bắc Tổ quốc bắt đầu cuộc trường chinh chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chấp nhận không ít hy sinh, mất mát.
 
Một trong những tổn thất lớn của quê hương là sự kiện ngày 4 tháng 4 năm 1965, máy bay Mỹ ném bom hủy diệt vào khu dân cư thị xã Đồng Hới giết chết gần 100 người dân vô tội, nhà đổ, cầu sập, phố xá tan hoang và vườn dừa Bình Trị Thiên kết nghĩa bị hủy hoại phần lớn trong trận chiến này.
 
Đó là ngày đau thương không thể nào quên của người Đồng Hới và sau này đã được khắc ghi lại trên tấm bia tưởng niệm, đặt kính cẩn bên bờ sông Nhật Lệ để nhắc nhớ một thời kháng chiến bi hùng của nhân dân Đồng Hới.
 
Hiện nay, vườn dừa Bình Trị Thiên đã được trồng dặm thêm nhiều cây dừa mới, nhưng còn chắp vá, chưa toàn vẹn. Thiết nghĩ, Đồng Hới nên coi dải đất vườn dừa Bình Trị Thiên cũ là một trong những mặt tiền hướng ra biển của thành phố để lấy đó làm cảm hứng thiết kế, xây dựng ở đây một công trình phúc lợi xã hội đẹp đẽ và khang trang, đặt tên, gắn biển "Công viên Vườn dừa Bình Trị Thiên".
 
Hình dung rằng, sẽ có những trò chơi dưới nước, những thuyền buồm nhỏ, thuyền kayak và cả những chiếc cầu nhỏ xây nhô ra ngoài mặt nước để người dân thành phố và du khách dạo chơi hóng mát như chiếc cầu gạo xưa mà lũ trẻ chúng tôi từng mê mẩn.
 
Vườn dừa Bình Trị Thiên rất xứng đáng được quan tâm phục hồi và phát triển, không chỉ về “thể phách” mà còn cả về giá trị “tinh thần” của nó, cùng với những kiến trúc công viên khác như ghế đá, tượng tròn, kiốt, chứng tích phục dựng… Vườn dừa Bình Trị Thiên, theo đó sẽ tiếp tục “kể” cho mọi người câu chuyện một thời để chúng ta thêm trân quý hơn cuộc sống bình yên hôm nay.  
 
Trần Hùng
,
  • Đại Giang… dòng sông hoài cổ-Bài 2: Bản nghèo thủy chung

    (QBĐT) - Nếu tính từ chân cầu Long Đại ngược lên xã Trường Sơn, đôi bờ Đại Giang hiền hòa có rất nhiều bản làng thuộc hai xã miền núi Trường Xuân, Trường Sơn (Quảng Ninh) định cư từ lâu đời: Bắc Kim Sen, Nam Kim Sen, Lâm Ninh, Nước Đắng, Hôi Rấy, Cây Sú, Long Sơn, Tân Sơn, Thượng Sơn…

    25/09/2018
    .
  • Tháng bảy về, nhớ hội xưa

    (QBĐT) - Trong văn hóa Việt Nam, rằm tháng bảy âm lịch vừa là lễ Vu Lan, vừa là lễ xá tội vong nhân. Ngược dòng thời gian, rằm tháng bảy là dịp để tiếng trống hội rộn rã vang lên khắp các làng quê Quảng Bình. Đó là câu chuyện của những ngày xưa cũ, mà nay chỉ còn trong hoài niệm.

    25/08/2018
    .
  • Đại Giang… dòng sông hoài cổ-Bài 1: Cổ tích một dòng sông

    (QBĐT) - Đã có một thời Đại Giang (Long Đại), con sông lớn "đâm" từ trong trùng điệp núi non Trường Sơn về "hội nhập" cùng Kiến Giang, hòa thành sông Nhật Lệ đổ ra biển Đông trở thành một tuyến giao thông tấp nập "trên bến, dưới thuyền" ngược lên tận xã biên giới Trường Sơn (Quảng Ninh). 

    24/09/2018
    .
  • Chuyện kể về nữ anh hùng Quảng Bình hai lần được gặp Bác Hồ

    (QBĐT) - Đối với mỗi người dân Việt Nam, niềm vinh dự lớn nhất là được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh dù chỉ một lần trong đời.

    18/09/2018
    .
  • Đồn Hòa Luật Nam-chứng tích tội ác chiến tranh thời chống Pháp

    (QBĐT) - Cách quốc lộ 1A khoảng 200m về phía Đông Nam thuộc xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, đồn Hòa Luật Nam là nơi in đậm tội ác của thực dân Pháp đối với quân và dân ta trong suốt thời gian chúng đánh chiếm Quảng Bình.

    17/10/2018
    .
  • Vẹn tình sản vật dòng Gianh

    (QBĐT) - Chảy qua xã Cảnh Hóa và Phù Hóa (Quảng Trạch), Văn Hóa (Tuyên Hóa), dòng sông Gianh hùng vĩ đã ban tặng cho nơi đây những con hến, con chắt chắt bé nhỏ nhưng thấm nghĩa vẹn tình. Để bắt nó, người ta phải canh con nước ròng, rồi lội ra giữa dòng, miệt mài đãi từng mành cát.

    09/09/2018
    .
  • Diện mạo mới ở vùng quê cách mạng

    (QBĐT) - Nằm ở vùng hạ lưu sông Gianh, xã Châu Hoá là địa phương giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng với bề dày văn hóa, lịch sử hào hùng. Cách đây tròn 73 năm, Châu Hóa hừng hực khí thế đấu tranh cách mạng, góp phần làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công rực rỡ của dân tộc.

    01/09/2018
    .
  • Cảnh Hoá chuyển mình...

    (QBĐT) - Đến xã Cảnh Hoá (huyện Quảng Trạch) đúng dịp kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với bộ mặt nông thôn đang ngày càng khởi sắc.

    01/09/2018
    .