.

Vẹn tình sản vật dòng Gianh

.
10:12, Chủ Nhật, 09/09/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Chảy qua xã Cảnh Hóa và Phù Hóa (Quảng Trạch), Văn Hóa (Tuyên Hóa), dòng sông Gianh hùng vĩ đã ban tặng cho nơi đây những con hến, con chắt chắt bé nhỏ nhưng thấm nghĩa vẹn tình. Để bắt nó, người ta phải canh con nước ròng, rồi lội ra giữa dòng, miệt mài đãi từng mành cát.

Nhà vợ chồng anh Hoàng Văn Điền (45 tuổi) và chị Dương Thị Hiển (42 tuổi) nằm lưng chừng một ngọn đồi ở thôn Cấp Sơn, xã Cảnh Hóa. Đường lên nhà mới được lát bê tông và chỉ lớn đủ 2 chiếc xe máy tránh nhau.

Niềm vui sau một ngày lao động vất vả.
Niềm vui sau một ngày lao động vất vả.

Vợ chồng anh Điền, nói theo dân gian là như “đôi đũa lệch”, bởi chị Hiển cao ráo bình thường, còn anh chỉ ngang “mét mốt, mét hai”. Khi chuyện trò đã khá thoái mái, tôi đùa: “Lấy được vợ như thế là anh quá may mắn rồi còn gì!”. Anh cười rặc rặc bảo thì cũng nhờ trời thôi. Anh chị cưới nhau từ năm 2001, sinh được 3 người con, bị mất 1 nay còn 2 và cả 2 đứa đều phát triển bình thường.

Chị quê ở xã Phù Hóa, ngày đó, chị theo gia đình sống đời vạn đò lênh đênh trên sông Gianh; còn anh Điền là chàng trai có biệt tài cào đãi chắt chắt ở Cảnh Hóa. Hai người gặp nhau trên sóng nước, từ những ánh mắt đến giọng nói, họ quyến luyến nhau rồi bắt đầu những lời hẹn thề dưới ánh trăng dập dìu lúc mờ lúc tỏ.

Về một nhà, anh chị tiếp tục bám sông cào chắt chắt, tạo nguồn thu nhập chính cho gia đình. Ngày ngày, vợ chồng mang vác dụng cụ lên một con đò đi tìm chắt chắt. Chị ngâm mình dưới nước, dùng cái cào cào từng thớ cát ở đáy sông đổ vào rổ để anh đãi cát lọc lấy chắt chắt.

Cơ sự chẳng may, mấy năm trước, anh Điền đi mổ ruột thừa, sau phẫu thuật không hiểu sao một chân của anh bị đơ không đi lại được, di chuyển phải dùng thêm cái gậy. Con đò nhỏ dần vắng bóng anh; cả gia đình, mình chị Hiển gánh vác, mỗi ngày chị cào được 4 xô.

Chắt chắt sông Gianh có thể chế biến nhiều món khác nhau, như: nấu canh rau, canh bí, xào với mít non xúc bánh tráng; món nào cũng ngon đến lạ nên giờ trở thành đặc sản, giá lên, mỗi xô cũng được trên dưới 50.000 đồng. Nghe tôi hỏi có đủ chi tiêu không, anh Điền chép miệng: “Bấm bụng thôi chú, gặp lúc đau ốm hay có nhiều đám cưới, đám ma thì phải chạy vạy”.

Rời Cảnh Hóa, theo con đường nhỏ ven bờ sông, tôi tìm đến Phù Hóa – một xã nghèo và có nhiều người làm nghề cào chắt chắt vì ở đoạn sông qua Phù Hóa, loài nhuyễn thể này nhiều và ngon trứ danh.

Đây là nơi giao thoa dòng nước mặn ngọt tạo thành con nước lợ. Mùa hè, thủy triều dâng cao nên nước mặn chát, mùa mưa, lũ nước trên nguồn đổ xuống nhiều thì độ mặn bị pha loãng. Tôi chạy đến gần cuối làng, rẽ xe xuống bến sông, nơi có đình chợ Trung Tiến.

Mới gần cuối buổi sáng mà chợ không một bóng người, không quầy sạp hàng quán. Sau hỏi mới hay đó chỉ là chợ xép phục vụ hoạt động mua bán, trao đổi sản vật của người địa phương nên chỉ họp chút vào sáng sớm.

Cách chợ vài trăm bước chân là nhà của vợ chồng anh Nguyễn Văn Toàn (42 tuổi) và chị Hoàng Thị Nghĩa (37 tuổi) chuyên nghề săn chắt chắt sông Gianh; tuổi nghề lâu đến độ da dẻ, tay chân anh chị bị phèn mặn ăn vàng khè.

Anh chị chẳng có nghề nghiệp ổn định, anh nói đùa là dân “thợ đụng”, đụng gì làm nấy. Ngày mùa thì đi làm ruộng, ruộng ít nên làm vài ba ngày xong. Mùa đông đi phụ hồ, ai kêu đâu đi làm đó; mùa hè đi cào chắt chắt. Sau nhiều năm trời đụng gì làm đó, anh chị cũng chắt bóp dựng được ngôi nhà kiên cố để phòng tránh bão lũ. Mới chưa đầy 11 giờ mà gia đình anh chị đã ăn cơm trưa xong rồi.

Tôi hỏi sao ăn sớm dữ vậy, anh cười bảo: “Sáng cào không có, chỉ được 1 xô nên về sớm, về không làm gì nữa thì nấu cơm ăn sớm nghỉ sớm chiều lại đi cào chứ không thì ngày mai đói. Mấy bữa ni triều rút sớm, 2 giờ sáng đã có người đội đèn đi cào rồi, đến khoảng 7 giờ là triều lên. Vợ chồng tui mệt nên 5 giờ mới ra sông. Đi lúc 3 đứa con ngủ chưa dậy đến khi về tụi hắn còn ngủ”.

Một chuyến ra sông trở về thất thu mang lại nỗi buồn cho người cầm cào. Anh Toàn bó gối nhìn ra bến sông thở dài: “Chắt chắt sông Gianh chỉ nhiều và cào được tầm từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch. Ngày xưa, người đi cào nhiều lắm, cách nay 3 năm, chắt chắt còn nhiều, giờ người ta hút cát rầm rộ, cát mất đi thì chắt chắt cũng ít theo”.

Hóa ra, nạn “cát tặc” ở miền quê nghèo này không chỉ gây mất đất lở vườn mà còn tác động trực diện đến thu nhập hàng ngày của người dân. Không biết mai này, những người như vợ chồng anh Toàn có còn kiếm được cơm gạo áo tiền từ chắt chắt nữa hay không khi mà tình trạng khai thác cát ngày càng khủng khiếp.

Phù Hóa, Cảnh Hóa ở bờ bắc sông Gianh, còn Văn Hóa ở bên kia bờ nam và hơi chếch về phía thượng nguồn. Cách nhau chỉ vài ba cây số nhưng đoạn sông qua Văn Hóa lại chỉ có con hến. Nhiều người nhầm tưởng chắt chắt và hến là một nhưng không phải vậy, chắt chắt thân nhỏ và vỏ mỏng hơn hến.

Về Văn Hóa bây giờ xe cứ bon bon chạy qua cây cầu cùng tên dài hơn 700 m, chứ không còn cảnh đò giang cách trở. Mảnh đất này cũng còn lắm nghèo khó, vài ba năm lại hứng chịu đận lũ lớn dâng ngập mái nhà, cuốn trôi bao gia sản. Càng nghèo thì càng hiếu học và học giỏi, người Văn Hóa bây giờ sinh sống và học hành khắp đất nước.

Thật khó để kể hết các nhà giáo và những người thành tài, đỗ đạt ở vùng đất này. Và có lẽ, với hầu hết người Văn Hóa, không ai lớn lên mà thiếu hình bóng con hến. Đời hến gắn với đời người. Sống vùi trong cát, hến được đưa lên bờ, vào từng bữa ăn để rồi chắp cánh biết bao ước mơ, hoài bảo.

Mùa hè, miền quê này đẹp kỳ lạ bởi lưng tựa 99 ngọn núi huyền thoại, mặt thì nhìn sông Gianh nước trong xanh biếc. 15 giờ chiều, mạn sông lại rộn ràng, nhộn nhịp người lui tới đãi hến. Thời điểm này là “giờ vàng” vì triều xuống lần thứ 2 trong ngày lộ cả bãi cát vàng rộng lớn, khúc sông như bị thu hẹp một nửa.

Không như mấy người làm chắt chắt bên Phù Hóa, Cảnh Hóa phải dùng cào, người Văn Hóa chỉ dùng những cái rá, rổ xúc cát dưới sông lên rồi đãi, gạn bỏ cát sỏi đi, chắt lọc lấy con hến. Ai cũng phải đãi cật lực, làm liên tay, hết rá này đến rá khác, bởi vì triều xuống chừng 2 – 3 tiếng lại lên. Mỗi người đãi hến có mỗi hoàn cảnh, danh phận khác nhau.

Những con hến, con chắt chắt bé nhỏ là kế sinh nhai của nhiều người dân ven sông Gianh.
Những con hến, con chắt chắt bé nhỏ là kế sinh nhai của nhiều người dân ven sông Gianh.

Bà Lê Thị Kim Hương (55 tuổi, ở thôn Đình Miệu) cho biết, mười mấy năm qua, cuộc sống gia đình bà gắn liền với con hến sông Gianh; hến nhiều thì có bán, hến ít chỉ đủ ăn trong nhà, đỡ tiền mua thức ăn.

Tôi hỏi bà Hương: “Tuổi cao rồi sao bà không ở nhà nghỉ?”. “Vất vả, đau lưng lắm chú ơi, nhưng phải cố để có cái mà ăn và kiếm thêm thu nhập chứ ở vùng này biết làm gì hơn”, bà Hương trả lời.

Bà Trần Thị Huế (51 tuổi) đang làm y tế thôn bản, mỗi tháng được hỗ trợ 500.000 đồng, bà có chồng là bộ đội về hưu nhưng cũng chịu khó ra sông kiếm hến. Bà cúi xuống sát mặt nước, xúc từng rá cát đầy lên đãi. Và có cả những người là giáo viên mầm non hay kế toán trường học.

Tôi ấn tượng bởi những người con Văn Hóa sống nơi khác về thăm quê cũng đi đãi hến, như: gia đình anh Phan Xuân Linh ở TX.Ba Đồn hay gia đình chị Trần Thị Lệ Thuyên ở TP.Đồng Hới. Chị Thuyên hào hứng chia sẻ: “Tuổi thơ tôi gắn với dòng sông, với con hến này, giờ cầm rá đãi lại thích lắm; nhất là cho 2 cháu nhỏ biết quê hương, biết con hến, biết lao động cực khổ như thế nào”.

Trương Quang Nam

 

,
  • Tấm gương người nữ liệt sỹ

    (QBĐT) - Liệt sĩ Nguyễn Thị Khư ở Quảng Hòa, Quảng Trạch sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. 

    30/07/2018
    .
  • Ngạc nhiên Tân Hóa

    (QBĐT) - Sau trận lũ lịch sử năm 2010, nhiều người dân xã Tân Hóa (Minh Hóa) đã có ý định bỏ đi khỏi làng vì khiếp sợ trước cảnh tàn phá khủng khiếp của cơn đại hồng thủy.

    27/07/2018
    .
  • Tháng bảy về, nhớ hội xưa

    (QBĐT) - Trong văn hóa Việt Nam, rằm tháng bảy âm lịch vừa là lễ Vu Lan, vừa là lễ xá tội vong nhân. Ngược dòng thời gian, rằm tháng bảy là dịp để tiếng trống hội rộn rã vang lên khắp các làng quê Quảng Bình. Đó là câu chuyện của những ngày xưa cũ, mà nay chỉ còn trong hoài niệm.

    25/08/2018
    .
  • Mùa thu về nhớ Đại tướng

    (QBĐT) - Cứ mỗi mùa thu tháng Tám, muôn triệu người dân đất Việt, đặc biệt là người con Quảng Bình lại nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh hùng dân tộc, vị tướng của nhân dân, người con ưu tú của quê hương "hai giỏi"...

    25/08/2018
    .
  • Về giá trị lịch sử-văn hoá của sắc phong thời phong kiến ở Quảng Bình

    (QBĐT) - Sắc phong là tài sản quý giá về tinh thần của người dân trong văn hóa làng xã. 

    22/07/2018
    .
  • Về Minh Hóa, thăm dấu tích lịch sử

    (QBĐT) - Xã miền núi Minh Hóa (huyện Minh Hóa) mang trong mình những nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Và trên mảnh đất này vẫn còn đó những địa danh mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Đến nay, người Minh Hóa vẫn gìn giữ, bảo tồn đình Kim Bảng và hang lèn Cây Quýt như những chứng tích hào hùng của lịch sử chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
     
    05/08/2018
    .
  • Cảnh Hoá chuyển mình...

    (QBĐT) - Đến xã Cảnh Hoá (huyện Quảng Trạch) đúng dịp kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với bộ mặt nông thôn đang ngày càng khởi sắc.

    01/09/2018
    .
  • Diện mạo mới ở vùng quê cách mạng

    (QBĐT) - Nằm ở vùng hạ lưu sông Gianh, xã Châu Hoá là địa phương giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng với bề dày văn hóa, lịch sử hào hùng. Cách đây tròn 73 năm, Châu Hóa hừng hực khí thế đấu tranh cách mạng, góp phần làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công rực rỡ của dân tộc.

    01/09/2018
    .