.

Đại Giang… dòng sông hoài cổ-Bài 1: Cổ tích một dòng sông

.
14:17, Thứ Hai, 24/09/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Đã có một thời Đại Giang (Long Đại), con sông lớn “đâm” từ trong trùng điệp núi non Trường Sơn về “hội nhập” cùng Kiến Giang, hòa thành sông Nhật Lệ đổ ra biển Đông trở thành một tuyến giao thông tấp nập “trên bến, dưới thuyền” ngược lên tận xã biên giới Trường Sơn (Quảng Ninh).
 
Bởi một nhẽ, muốn đến xã Trường Sơn chỉ có lối đi duy nhất này, theo đò dọc, vượt trùng trùng mười mấy con thác trắc trở… Khi đường bộ qua thị trấn Nông trường Việt Trung nối với nhánh tây đường Hồ Chí Minh kéo Trường Sơn gần lại với miền xuôi, chuyện đò dọc “thượng sơn” thành hoài cổ.
 
Nếu ai từng gắn bó với dòng Đại Giang, gắn bó với người Vân Kiều hồn hậu, mến khách dọc các bản “cắm” chông chênh đôi bờ sông thanh bình mới thấy hết sự đổi thay theo chiều hoài cổ như chính tôi-người chạm vào dòng nước Đại Giang ngát xanh lần đầu tiên cách đây đúng mười tám năm!
 
Nguyễn Ngọc Anh, một chàng trai làm nghề sông nước ở xã Trường Xuân trước khi khởi động máy cole cho con thuyền đơn ngược dòng Đại Giang bảo với tôi: “Bây giờ trên dòng sông này chỉ có phương tiện khai thác cát sạn là nhiều.
 
Kế tiếp là thuyền buôn của thương lái Hiền Ninh. Thỉnh thoảng thêm Bộ đội Biên phòng, kiểm lâm cắm chốt, thầy cô giáo cắn bản đi về. Hiếm lắm… mới thấy cán bộ lên Trường Sơn bằng đò dọc”.
Ngược dòng Đại Giang
Ngược dòng Đại Giang.
Tôi nhấm nhẳng với Anh: “Thế bây giờ Đại Giang hóa thành chuyện cổ tích rồi à?”. Nguyễn Ngọc Anh phì cười, chẳng thèm trả lời tôi, mạnh tay dây ga, con thuyền cứ thế bé nhỏ, chao chênh giữa đất-trời-sóng-nước Đại Giang.
 
Mà quả thật, sau mười tám năm đồng hành cùng dòng sông, đối với riêng tôi, Đại Giang hóa cổ tích thật. Những kỷ niệm, con người nơi “sơn cùng thủy tận” Trường Sơn bây giờ đã lùi sâu vào quá khứ, có người ra thiên cổ.
 
Riêng dòng sông thủy chung vẫn đẹp, vẫn nguyên sơ… Chỉ tiếc, tôi chẳng tìm ra ngôn từ để diễn tả. Thôi thì ai muốn cảm nhận sâu về phía đầu nguồn Đại Giang, xin mời một lần trải nghiệm.
 
Trên dòng sông này tôi đã gặp những con người gắn bó, trung trinh với xã biên giới Trường Sơn. Người thứ nhất là chị Hồ Thị Con sinh sống tại bản Bến Đường, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Trường Sơn, nguyên đại biểu HĐND huyện Quảng Ninh.
 
Nhắm mắt lại, tôi vẫn thấy rõ hình ảnh người phụ nữ Vân Kiều hồn hậu ngồi trên đò dọc giữa những chú vịt thỉnh thoảng nổi hứng “quang quác” át cả tiếng máy đò rền rĩ. Chị bảo: “Mình đi họp dưới huyện lên, tranh thủ mua làm quà cho bà con dân bản”.
 
Nhắc đến chị Hồ Thị Con, chắc rằng nhiều thế hệ cán bộ huyện Quảng Ninh đều nhớ. Chị là người phụ nữ Vân Kiều xã Trường Sơn dám vượt qua tục nối dây tồn tại từ bao đời trong cộng đồng dân tộc Vân Kiều giữa núi rừng phía tây huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy. Sau mấy chục năm lăn lộn công tác xã hội, bây giờ chị Hồ Thị Con trở thành người già uy tín ở bản Bến Đường, nơi chị sinh ra, lớn lên.
 
Người thứ hai tôi gặp trên dòng Đại Giang rồi gắn bó với nhau đến bây giờ là Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn. Độ khoảng những năm 2000 trở về trước, xã Trường Sơn được biết đến như một vùng đất biệt lập, “nhiều không”, không điện, không đường, không chợ, không sóng điện thoại.
 
Nguyễn Văn Sỹ xuôi cole tới bản Hôi Rấy, ngồi chờ đò Hiền Ninh lên kịp về huyện họp. Trời trưa trật, nắng rát túa trên đầu, nhìn dáng anh bé nhỏ bên bờ sông, thấy thương thương chi lạ.
 
Anh bảo: “Cán bộ, người dân Trường Sơn về xuôi cứ phải lệ thuộc đò giang, khổ nhất là khi bà con đau ốm nặng chuyển tuyến, đỏ mắt chờ đò. Với mình nhiều khi họp hành phải mất cả tuần, vì từ xã xuống huyện hết hai ngày vừa đi, vừa về. Ước mơ lớn nhất của người Trường Sơn là có một tuyến đường bộ phá vỡ thế độc đạo tuyến đường thủy. Cho Trường Sơn gần hơn với miền xuôi”.
 
Ước mơ cách đây gần hai chục năm của Chủ tịch xã Nguyễn Văn Sỹ bây giờ đã trở thành hiện thực. Nhưng hiện tại, anh tỏ ý “thèm”… được đi lại trọn hành trình đò dọc trên dòng Đại Giang như năm nào!
 
Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Trường Sơn gặp tôi giữa sóng nước Đại Giang lúc còn làm Bí thư Đoàn xã. Thế hệ thanh niên như Tráng ở Trường Sơn nhiều người thời “hoàng kim” của Đại Giang đều là những tay lái cole rất “lụa”, có thể nhắm mắt kể vanh vách tên gần 100 con thác lớn nhỏ mà Đại Giang “sở hữu”, vượt thác Tam Lu như làm xiếc.
 
Trần Nhật Hưng là một trong những người lái đò như thế. Tam Lu theo cách giải thích người Vân Kiều Trường Sơn là ba cái lu hứng nước trời. Thác có độ cao hơn hai mươi mét so với mặt nước tự nhiên kèm ba bậc thang trắng xóa, nước xô đá cuồn cuộn tung trắng trời.
 
Len giữa ba bậc thang ấy chất chứa đá cuội đủ các kích cỡ tựa những chiến binh dàn hàng ngang, hàng dọc bảo vệ dòng chảy. Trần Nhật Hưng vượt thác Tam Lu như cơm bữa khi có đến chục năm cầm lái cole. Chiếc cole dưới bàn tay điều khiển điệu nghệ của Hưng mỗi lần qua như bay trên đỉnh Tam Lu rồi bình yên tựa chiếc lá mỏng đậu phía cuối dòng.
Cảnh đẹp như cổ tích của sông nước Đại Giang
Cảnh đẹp như cổ tích của sông nước Đại Giang.
Trở lại câu chuyện về Nguyễn Văn Tráng, hầu như ở xã Trường Sơn, anh là người thường xuyên ngược xuôi trên dòng Đại Giang bởi tính chất công việc của mình. Nguyễn Văn Tráng được đồng bào trìu mến gọi người con dân bản.
 
Không hẹn mà nên, chúng tôi gặp nhau tại Hôi Rấy, bản bên bờ Đại Giang, địa điểm trung chuyển một thời cho khách và hàng hóa từ đò lớn sang cole tiếp tục vượt thác ghềnh lên Trường Sơn.
 
Trong câu chuyện hàn huyên nơi Hôi Rấy, Tráng tâm sự: “Ở Trường Sơn, nếu trước đây hai bản Hôi Rấy, Nước Đắng gần nhất với miền xuôi thì bây giờ trở thành xa xôi, cách trở nhất. Thương đồng bào định cư nơi đây nhiều lắm anh ạ! Mấy chục năm lập bản mà đồng bào nghèo vẫn hoàn nghèo”.
 
Tôi rủ Tráng và nhờ chàng trai Nguyễn Ngọc Anh “đánh” cole lên Tam Lu. Từ bản Hôi Rấy, ngược chừng hai mươi phút, con thác hiện ra trong tầm mắt. “Làm chi để bà con Nước Đắng, Hôi Rấy thoát nghèo Tráng hè?” - Tôi hỏi. “Nếu dòng Đại Giang được đánh thức bằng những tiềm năng, thế mạnh sẵn có của mình” - Nguyễn Văn Tráng trả lời không chút đắn đo.
 
“Nhưng ai cầm “cây gậy thần” gõ vào Đại Giang, để dòng sông thôi không còn hoài cổ?” - Tôi ví von. “Chỉ có phát triển du lịch, làm du lịch. Khi đó Hôi Rấy, Nước Đắng sẽ là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách. Tin chắc cuộc sống đồng bào theo đó được đổi thay”.
 
Chúng tôi ngồi trên thác Tam Lu, bóng chiều dần buông, Đại Giang sẫm lại dấu hai vách núi đôi bờ vào lòng. Không ai nói với ai điều gì, tâm hồn mãi bâng khuâng thả trôi về miền hoài cổ, lục tung trong ký ức Đại Giang xem có chấm sáng hy vọng nào cho dòng sông trở mình như một thời từng hoàng kim tấp nập “trên bến dưới thuyền”.
 
Ngô Thanh Long
 
Bài 2: Bản nghèo thuỷ chung

 

,
  • Tấm gương người nữ liệt sỹ

    (QBĐT) - Liệt sĩ Nguyễn Thị Khư ở Quảng Hòa, Quảng Trạch sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. 

    30/07/2018
    .
  • Tháng bảy về, nhớ hội xưa

    (QBĐT) - Trong văn hóa Việt Nam, rằm tháng bảy âm lịch vừa là lễ Vu Lan, vừa là lễ xá tội vong nhân. Ngược dòng thời gian, rằm tháng bảy là dịp để tiếng trống hội rộn rã vang lên khắp các làng quê Quảng Bình. Đó là câu chuyện của những ngày xưa cũ, mà nay chỉ còn trong hoài niệm.

    25/08/2018
    .
  • Mùa thu về nhớ Đại tướng

    (QBĐT) - Cứ mỗi mùa thu tháng Tám, muôn triệu người dân đất Việt, đặc biệt là người con Quảng Bình lại nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh hùng dân tộc, vị tướng của nhân dân, người con ưu tú của quê hương "hai giỏi"...

    25/08/2018
    .
  • Chuyện kể về nữ anh hùng Quảng Bình hai lần được gặp Bác Hồ

    (QBĐT) - Đối với mỗi người dân Việt Nam, niềm vinh dự lớn nhất là được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh dù chỉ một lần trong đời.

    18/09/2018
    .
  • Vẹn tình sản vật dòng Gianh

    (QBĐT) - Chảy qua xã Cảnh Hóa và Phù Hóa (Quảng Trạch), Văn Hóa (Tuyên Hóa), dòng sông Gianh hùng vĩ đã ban tặng cho nơi đây những con hến, con chắt chắt bé nhỏ nhưng thấm nghĩa vẹn tình. Để bắt nó, người ta phải canh con nước ròng, rồi lội ra giữa dòng, miệt mài đãi từng mành cát.

    09/09/2018
    .
  • Về Minh Hóa, thăm dấu tích lịch sử

    (QBĐT) - Xã miền núi Minh Hóa (huyện Minh Hóa) mang trong mình những nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Và trên mảnh đất này vẫn còn đó những địa danh mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Đến nay, người Minh Hóa vẫn gìn giữ, bảo tồn đình Kim Bảng và hang lèn Cây Quýt như những chứng tích hào hùng của lịch sử chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
     
    05/08/2018
    .
  • Diện mạo mới ở vùng quê cách mạng

    (QBĐT) - Nằm ở vùng hạ lưu sông Gianh, xã Châu Hoá là địa phương giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng với bề dày văn hóa, lịch sử hào hùng. Cách đây tròn 73 năm, Châu Hóa hừng hực khí thế đấu tranh cách mạng, góp phần làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công rực rỡ của dân tộc.

    01/09/2018
    .
  • Cảnh Hoá chuyển mình...

    (QBĐT) - Đến xã Cảnh Hoá (huyện Quảng Trạch) đúng dịp kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với bộ mặt nông thôn đang ngày càng khởi sắc.

    01/09/2018
    .