Chào mừng kỷ niệm 150 năm thành lập huyện Tuyên Hóa (1/1875-1/2025)

Chung sức, đồng lòng đưa Tuyên Hóa phát triển toàn diện

  • 09:14 | Chủ Nhật, 29/12/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Theo các tài liệu lịch sử, huyện Tuyên Hóa chính thức được thành lập vào năm Giáp Tuất-Tự Đức thứ 27 (tức tháng 1/1875 theo dương lịch), trực thuộc phủ Quảng Trạch. Trải qua 150 hình thành và phát triển, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Tuyên Hóa luôn nêu cao ngọn cờ yêu nước, đoàn kết, đồng sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ngày mới thành lập, huyện Tuyên Hóa gặp muôn vàn khó khăn. Do áp bức, bóc lột của chế độ thực dân nửa phong kiến nên 95% dân số trong huyện bị mù chữ. Nạn đói, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, dịch bệnh hoành hành thường xuyên. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong huyện đoàn kết một lòng, vượt lên gian khó để chiến thắng giặc ngoại xâm, thiên tai, dịch bệnh, xây dựng quê hương.

Thời kỳ 1945-1954, huyện Tuyên Hóa thực hiện đường lối xây dựng kinh tế kháng chiến theo hướng vừa chiến đấu, vừa sản xuất. Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Hành chính kháng chiến, quân và dân toàn huyện đã tích cực khai hoang, xây dựng nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, phát triển nghề chăn nuôi gia súc, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống, như: Dệt vải, làm gốm, vôi, rèn, đan lát, làm nón… để phục vụ nhu cầu cho người dân. Nhờ đó, nạn đói đã dần được đẩy lùi. Đến tháng 1/1954, toàn huyện huy động trên 200 tấn thóc đóng góp cho công cuộc kháng chiến chống Pháp…

Thời kỳ 1955-1975, huyện Tuyên Hóa cùng cả nước khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện cải cách ruộng đất, khôi phục và phát triển kinh tế. Sau khi cải cách ruộng đất năm 1956, huyện bước vào công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Phong trào thi đua “Học tập tiến kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong (Lệ Thủy)” phát triển mạnh mẽ. Nhiều công trình thủy lợi, đường giao thông, cầu cống được đầu tư xây dựng, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhu cầu đi lại của nhân dân.

Phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đạt được nhiều kết quả tích cực.
Phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đạt được nhiều kết quả tích cực.

Năm 1965 huyện Tuyên Hóa được chia tách thành 2 huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa. Sau khi chia tách, huyện bước vào thời kỳ thực hiện nhiệm vụ chuyển hướng từ thời bình sang thời chiến. Nhờ có chủ trương đúng đắn, đến năm 1975, toàn huyện có 39 HTX. Về trồng trọt, các HTX tổ chức khai hoang, phục hóa, đưa tổng diện tích gieo trồng toàn huyện lên 9.000ha; tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 12.175 tấn. Tổng đàn gia súc đạt 20.659 con. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển khá, tổng thu ngân sách đạt 64.187 đồng.

Phong trào văn hóa, văn nghệ ở Tuyên Hóa ngày càng sôi nổi. Đội chiếu phim lưu động, Đài Truyền thanh huyện duy trì hoạt động và nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, giải trí cho nhân dân. Hoạt động giáo dục có bước phát triển mới, các xã đã mở trường theo loại hình trường cấp 1, cấp 2. Các cơ sở y tế trên địa bàn từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho bà con.

Năm 1977, huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa hợp nhất thành huyện Tuyên Hóa. Ngay sau khi sáp nhập, huyện triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) đạt được những thành tựu quan trọng. Đến năm 1985, diện tích gieo trồng trên toàn huyện đạt 12.000ha, tổng sản lượng lương thực bình quân đạt 1.000 tấn/năm. Tổng đàn gia súc có 42.145 con. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển khá, thu ngân sách trên địa bàn đạt bình quân 5,8 triệu đồng/năm. Lĩnh vực văn hóa-xã hội (VH-XH) có nhiều chuyển biến tích cực.

Thời kỳ 1986-1990, huyện Tuyên Hóa tổ chức thực hiện công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Từ đường lối đổi mới của Đảng và cơ chế “Khoán 10” nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của nhân dân. Qua đó, các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, tổng diện tích gieo trồng đến năm 1990 đạt trên 1.000ha, nhiều HTX có năng suất lúa đạt 35-40 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực hàng năm đạt khoảng 16.000 tấn, đàn gia súc trên 34.000 con. Các ngành nghề, như: Mộc, nề, rèn, đan lát, sản xuất gạch ngói, vôi… phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 607 triệu đồng…

Ngày 1/6/1990, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 190-HĐBT, tách huyện Tuyên Hóa thành 2 huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa. Sau khi chia tách, Đảng bộ, chính quyền huyện đề ra nhiều chủ trương, biện pháp phù hợp với thực tiễn để thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, KT-XH của huyện đạt được nhiều kết quả phấn khởi...

Thời kỳ từ năm 2000 đến nay, huyện Tuyên Hóa đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhờ đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân đạt 51,3 triệu đồng/người (năm 2023). Tổng sản lượng lương thực giai đoạn 2020-2025 đạt bình quân trên 22.000 tấn (tăng hơn 8.800 tấn so với năm 2000). Tỷ lệ bò lai đạt trên 78,6% tổng đàn. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được tăng cường. Giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp của huyện tăng từ 9,2 tỷ đồng (năm 2000) lên 1.050 tỷ đồng (cuối năm 2024). Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 đạt 204 tỷ đồng, gấp hơn 58 lần năm 2000.

Giải đua thuyền truyền thống của huyện Tuyên Hóa được duy trì, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng.
Giải đua thuyền truyền thống của huyện Tuyên Hóa được duy trì, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng.

Đến nay, toàn huyện có 229 doanh nghiệp tư nhân, 56 HTX, 14 trang trại và trên 4.900 cơ sở kinh tế cá thể đang hoạt động hiệu quả. Cơ sở vật chất, hạ tầng KT-XH của huyện ngày càng được đầu tư đồng bộ. Các tuyến đường liên thôn, xã được cứng hóa đạt trên 98%. Một số cụm công nghiệp từng bước hình thành. Mạng lưới bưu chính-viễn thông phủ kín 100% xã, thị trấn. Trên 90% dân số có sử dụng điện thoại di động, hơn 98% hộ gia đình được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia...

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được thực hiện hiệu quả. Đến nay, huyện Tuyên Hóa có 326 tiêu chí đạt chuẩn, bình quân đạt 18,11 tiêu chí/xã, dự ước đến hết năm 2024, có 15 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 15 khu dân cư NTM kiểu mẫu. Toàn huyện có 22 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, trong đó có 2 sản phẩm đủ điều kiện dự thi OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Thời gian tới, huyện Tuyên Hóa sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế từng vùng; xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ chú trọng phát triển chăn nuôi, lâm nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị. Trong xây dựng NTM, huyện tập trung nâng cao chất lượng, bảo đảm tính bền vững các tiêu chí nhằm hướng đến xây dựng huyện đạt chuẩn NTM. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ chú trọng phát triển công nghiệp, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển toàn diện lĩnh vực VH-XH… một cách toàn diện.

Cuối năm 2024, toàn huyện có 41/63 trường học đạt chuẩn quốc gia. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển sâu rộng. Các làn điệu văn hóa dân gian xưa như: Ca trù, kiều cổ được giữ gìn, phát huy và được xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Giải đua thuyền truyền thống của huyện được duy trì, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng…

Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được nâng lên. Toàn huyện có 19/19 xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ dân số trên địa bàn tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 94%. Vấn đề an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo năm 2024 còn 3,65% (giảm 36,67% so với năm 2000). Công tác dân tộc, tôn giáo được triển khai kịp thời…

Có thể khẳng định, chặng đường 150 năm hình thành và phát triển của huyện Tuyên Hóa không dài so với chiều dài lịch sử của dân tộc, song với những chiến công hiển hách trong kháng chiến, những thành tựu to lớn trong gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới và 35 năm tái lập huyện là minh chứng cho ý chí kiên cường, bất khuất, đoàn kết vượt qua khó khăn, gian khổ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tuyên Hóa. Bước vào giai đoạn mới, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, huyện nhà cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng với truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương “Hai giỏi”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tuyên Hóa sẽ tiếp tục đoàn kết một lòng, chung sức xây dựng quê hương phát triển nhanh, bền vững.

Lê Nam Giang

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa

tin liên quan

Phát huy truyền thống, xây dựng Tuyên Hóa ngày càng giàu đẹp, phồn vinh

(QBĐT) - Tuyên Hóa là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương, Đảng bộ, quân và dân Tuyên Hóa luôn đoàn kết, anh dũng, kiên cường trong chiến đấu; thông minh, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, góp phần tích cực cùng với quân và dân cả tỉnh tô thắm trang sử vàng của quê hương Quảng Bình "Hai giỏi"...

Trọng thể kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam, tiếp sóng trên kênh HTTV của Đài PT-TH Hà Tĩnh và gần 50 đài PT-TH trên cả nước.

Nhìn lại một năm triển khai công tác dân tộc

(QBĐT) - Nhờ sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực.