Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể trong cải cách hành chính

  • 05:53 | Thứ Tư, 06/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong 3 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ của người đứng đầu các cơ quan hành chính từ tỉnh đến cơ sở, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
 
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp thứ bảy với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trên tinh thần đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và rút ra những bài học kinh nghiệm, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất quan điểm chỉ đạo là lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm, chủ thể CCHC; xác định đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển để tạo khí thế mới, động lực mới, giá trị mới, thành công mới.
 
Trên tinh thần đó, thời gian qua, công tác chỉ đạo điều hành CCHC của tỉnh đã bám sát hành động, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực CCHC. Công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai thường xuyên, mạnh mẽ và phong phú để kịp thời chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về CCHC đến cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân và DN trên địa bàn tỉnh.
 
UBND tỉnh đã tổ chức các cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu công tác CCHC năm 2021”, “Tìm hiểu CCHC và tìm kiếm sáng kiến, giải pháp CCHC tỉnh năm 2022”, “Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp CCHC năm 2023”. Hàng tháng, trên các chuyên trang, chuyên mục của Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình, Báo Quảng Bình tổ chức viết các tin, bài, phóng sự về CCHC để đưa tin, cổ vũ những mô hình, sáng kiến trong CCHC.
Người dân, doanh nghiệp đến giao dịch tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh vào chiều 5/3/2024.
Người dân, doanh nghiệp đến giao dịch tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh vào chiều 5/3/2024. Ảnh: A.Tuấn
Kiểm tra CCHC được duy trì thường xuyên, liên tục để chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành ở 30 cơ quan, đơn vị, địa phương và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch; chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, hướng dẫn của Trung ương về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật. HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã ban hành 222 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) để thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương trên các lĩnh vực.
 
Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được các cấp, ngành quan tâm mạnh mẽ. UBND tỉnh thực hiện đúng quy định, quy trình đánh giá tác động đối với quy định về TTHC trong dự thảo VBQPPL nhằm bảo đảm chỉ đạo ban hành các TTHC đáp ứng các tiêu chí về sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; kiểm soát không để xảy ra trường hợp ban hành VBQPPL có chứa quy định về TTHC trái thẩm quyền phân cấp. Các sở, ban, ngành đã rà soát, phát hiện vướng mắc, bất cập của quy định về TTHC; đề xuất, kiến nghị phương án đơn giản hóa; rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phân cấp cơ quan giải quyết đối với toàn bộ các TTHC được công bố, công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia.
 
Bên cạnh đó, các đơn vị thường xuyên, kịp thời cập nhật quy định pháp luật để công bố các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cả 3 cấp chính quyền địa phương. Ngay sau khi được công bố, TTHC được cập nhật kịp thời lên cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia; đồng thời kết nối, tích hợp, đồng bộ về cổng DVC, hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh và các trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện. UBND tỉnh ban hành 211 quyết định công bố 1.872 TTHC (trong đó, 746 TTHC ban hành mới, 428 TTHC sửa đổi, bổ sung, 698 TTHC bãi bỏ).
 
Tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại địa phương được công khai trên các cổng DVC theo từng cơ quan, đơn vị, địa phương là 1.987 thủ tục và được các cơ quan trực tiếp giải quyết TTHC niêm yết công khai theo quy định tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa cấp huyện. Các TTHC còn được công khai trên trang thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị, địa phương.
 
Về sắp xếp tổ chức bộ máy, đến nay, 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bên trong, bảo đảm theo quy định. Toàn tỉnh, hiện có 114 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và tương đương thuộc sở; 9 chi cục và tương đương, 29 phòng và tương đương thuộc chi cục; giảm 5 chi cục và 1 tổ chức hành chính tương đương chi cục; giảm 25 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và tương đương thuộc sở và giảm 28 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và tương đương thuộc chi cục và tương đương. Cơ quan chuyên môn cấp huyện hiện nay có 99 tổ chức, giảm 1 tổ chức không bảo đảm tiêu chí theo quy định tại Nghị định số 108/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
 
Các chỉ số liên quan đến CCHC (PAR INDEX) có sự cải thiện so với năm 2020 (năm 2021 tăng 5 bậc (45/63), năm 2022 giữ nguyên thứ hạng so với năm 2021). Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2020 xếp thứ 60/63, năm 2021 xếp thứ 60/63, năm 2022 xếp thứ 28/63 (tăng 32 bậc so với năm 2021). Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI) năm 2022 tăng 7 bậc so với năm 2021 xếp thứ 48/63 (năm 2021 xếp thứ 57/63).

Về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, UBND tỉnh đã triển khai rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung, xây dựng khung pháp lý của tỉnh hỗ trợ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử các cấp. 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện kiện toàn tổ chỉ đạo, ban chỉ đạo chuyển đổi số… UBND tỉnh đã kiện toàn tổ công tác triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) theo hướng dẫn của Bộ Công an.

Hạ tầng viễn thông, trạm thu phát sóng thông tin di động và cáp quang internet băng rộng tiếp tục phát triển và hướng mạnh về bảo đảm phủ sóng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. 100% trung tâm xã, phường, thị trấn có kết nối cáp quang internet băng thông rộng. Mạng 3G, 4G phủ sóng trên 80% khu vực dân cư. Hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và 98,7% UBND cấp xã đã thiết lập mạng LAN và kết nối internet.
 
Ông Phan Ngọc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, để công tác CCHC của tỉnh đạt kết quả cao với mục tiêu hướng đến chủ thể là người dân và DN cần phải đẩy mạnh trên 6 lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm sau:
 
Thứ nhất, tập trung tháo gỡ vướng mắc cho DN, người dân trong sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện mạnh mẽ để thu hút DN lớn bên ngoài đầu tư vào địa bàn tỉnh; có cơ chế, chính sách để thành lập mới DN, tạo công ăn, việc làm tại chỗ cho người lao động.
 
Thứ hai, cải cách mạnh về TTHC, tập trung đơn giản hóa các TTHC, phân cấp, phân quyền để giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho người dân, DN; tuyên truyền để người dân biết thực hiện các TTHC trên môi trường điện tử trên cổng DVC của tỉnh.
 
Thứ ba, cải cách bộ máy hành chính, tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao năng lực thực thi của cán bộ, công chức, viên chức. Những nơi nào cán bộ, công chức, viên chức năng lực, phẩm chất hạn chế, có biểu hiện nhũng nhiễu, giải quyết các TTHC cho người dân, DN chậm trễ thì phải thay thế kịp thời.
 
 Thứ tư, cải cách công vụ, tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường văn hóa công sở, xây dựng đạo đức công vụ, tăng cường trách nhiệm đối với người dân và DN.
 
Thứ năm, cải cách tài chính công là phải tăng cường các biện pháp thu, giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển…
 
Thứ sáu, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, công dân số, đặc biệt là triển khai Đề án số 06.
                                                                                         Đăng Khoa

tin liên quan

Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Bình

(QBĐT) - Ngày 29/2, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 489/QD-UBND ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Bình.

Công an tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính

(QBĐT) - Ngày 29/2, Công an tỉnh tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số năm 2024. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến Công an các huyện, thị xã, thành phố.

Bộ đội Biên phòng Quảng Bình: Mãi mãi khắc ghi lời Bác Hồ dạy

(QBĐT) - Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm của lãnh thổ quốc gia, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an  ninh, kinh tế và đối ngoại. Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, ông cha ta luôn coi trọng biên cương là "phên dậu" của Tổ quốc.