Anh dũng thời chiến, gương sáng thời bình

  • 09:21 | Thứ Hai, 01/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm tháng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là những kỷ niệm không bao giờ quên với cựu chiến binh (CCB) Hồ Văn Quý, thôn Xuân Dục 1, xã Xuân Ninh (Quảng Ninh). Trong thời chiến, ông dũng cảm, mưu trí, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; khi đất nước hòa bình, ông là tấm gương sáng trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương.
 
Dũng cảm, mưu trí trong chiến đấu
 
Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp cùng Chủ tịch Hội CCB huyện Quảng Ninh Ngô Đình Dũng đến thăm CCB Hồ Văn Quý, người trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Qua lời kể của ông, cuộc kháng chiến hào hùng giành độc lập dân tộc được tái hiện lại như một bức tranh sống động, rõ nét. Tháng 10/1974, ông nhập ngũ và thuộc quân số của Trung đoàn 273, Sư đoàn 341 (Đoàn Sông Lam).
 
Sau khi huấn luyện, ông được phân công về sư đoàn với vai trò là chiến sĩ vệ binh, bảo vệ Bộ Tư lệnh sư đoàn, vừa chiến đấu vừa phục vụ chiến đấu. Tháng 12/1974, đơn vị ông được lệnh tiến công thần tốc vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cán bộ chỉ huy là đồng chí Trần Văn Trân làm Sư đoàn trưởng, đồng chí Trần Nguyên Độ làm Chính ủy Sư đoàn. Trước khi đi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 341 với khẩu hiệu “đi sâu, đi lâu, đi đến ngày toàn thắng”.
 
Để tránh sự phát hiện của địch, ông và đồng đội hành quân xuyên rừng suốt hàng tháng trời từ ngã ba Đông Dương, đi qua đất Lào rồi trở về Việt Nam. Tại đây, sư đoàn tiếp tục hành quân qua Campuchia rồi vòng về Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) để tiến đánh Chơn Thành. “Trận đấu hết sức ác liệt, pháo của miền Đông Nam bộ tập trung bảo vệ Chơn Thành. Các chiến sĩ quân ta đã anh dũng chiến đấu và giải phóng được Chơn Thành”, ông Quý kể.
 
Thừa thắng xông lên, ngày 9/4/1975, Sư đoàn 341 tiến đánh Xuân Lộc (Đồng Nai). Đây chính là cánh cửa mở thẳng vào Sài Gòn nên địch tổ chức hệ thống phòng thủ kiên cố nhất. “Bom đạn liên tục nổ suốt ngày đêm. Cuộc chiến diễn ra ác liệt và tàn khốc vô cùng. Địch sử dụng cả bom có sức công phá lớn để càn quét”, ông Quý nhớ lại.
 
Sau 12 ngày chiến đấu kiên cường, liên tục, thị xã Xuân Lộc-bức tường thép, phòng tuyến “bất khả xâm phạm vòng ngoài của chế độ Sài Gòn” đã bị quân giải phóng đập nát. Đơn vị theo đà tiến đánh giải phóng Trảng Bom, sân bay Biên Hòa cùng toàn quân mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh. Quân ta tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn và chính thức giải phóng miền Nam.
 
“Trong đoàn quân chiến thắng, chúng tôi tiến thẳng vào chiếm Dinh Độc Lập đúng vào trưa 30/4/1975 lịch sử. Trên đường vào thấy người dân đứng rất đông hai bên đường vẫy chào đoàn xe của quân giải phóng. Cờ đỏ sao vàng ngập tràn các ngả đường, xúc động và tự hào vô cùng”, ông Quý chia sẻ.
 
Sau đó, đơn vị ông Quý được phân công ở lại Sài Gòn làm nhiệm vụ quân quản, sắp xếp hướng dẫn xây dựng chính quyền. Khi chiến tranh biên giới nổ ra, Sư đoàn cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam và hoàn thành nhiệm vụ Quốc tế trên đất nước Campuchia, góp phần giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pôn Pốt.
 
Với nhiều chiến công vẻ vang, Sư đoàn 341 vinh dự được Đảng, Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; được Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Apsara hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Đồng đội Sư đoàn 341 năm xưa đến thăm mô hình nuôi ong của CCB Hồ Văn Quý.
Đồng đội Sư đoàn 341 năm xưa đến thăm mô hình nuôi ong của CCB Hồ Văn Quý.
Gương sáng thời bình
 
Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông Quý làm công nhân đường sắt cho đến lúc nghỉ hưu. Lúc này, đời sống kinh tế-xã hội nói chung, gia đình nói riêng ông còn rất thiếu thốn. Ông đã trải qua rất nhiều nghề từ lên rừng, xuống biển, dù vất vả nhưng thu nhập không đủ để ông trang trải cuộc sống gia đình.
 
Với ý chí, nghị lực của một người đã từng vào sinh ra tử trên chiến trường, ông Quý không cam chịu đói nghèo, quyết tâm học nghề để vực dậy kinh tế gia đình. Ông tham gia vào tất cả các lớp tập huấn, dạy nghề tại địa phương và đã chọn nghề nuôi ong để phát triển kinh tế.
 
Năm 2007, sau khi có kiến thức và kinh nghiệm học hỏi được, ông quyết định nuôi thử nghiệm bốn đàn ong. Những ngày đầu đầy gian nan, thử thách, nhiều lần ông đã thất bại trong việc chia đàn. Từng đàn ong theo nhau bỏ tổ. Không nản chí, ông lại tích cực học hỏi, trang bị thêm kiến thức, kỹ năng và mở rộng quy mô nuôi.
 
Năm 2009, từ 4 đàn ong ban đầu ông đã thành công nhân lên gần 30 đàn ong. Thời điểm hiện tại, gia đình ông Quý duy trì nuôi 100 đàn ong. Mỗi năm, ông bán hơn 50 đàn ong giống và 45-50kg mật ong, cho thu nhập ổn định hơn 150 triệu đồng. Theo ông Quý, chỉ sau một tháng nữa đàn ong của gia đình sẽ nhân lên 150 đàn.
 
Ông Quý chia sẻ, nghề nuôi ong vừa dễ lại vừa khó vì quá trình chăm sóc đòi hỏi người nuôi luôn cẩn thận, kiên trì và nắm rõ được đặc tính của ong như di chuyển, ăn, xây tổ, chia đàn… Để đàn ong phát triển tốt, ông trồng thêm nhiều cây cam trong vườn vừa thu hoạch quả vừa làm bóng mát cho các tổ ong.
 
Theo kinh nghiệm của ông Quý, vào mùa xuân khi cây cối đâm chồi nảy lộc, đơm hoa, ong sẽ đi tìm thức ăn và đây là thời điểm tốt nhất để khai thác mật. Ông thường khai thác mật từ đầu tháng 1-7 và thời điểm lấy mật tốt nhất là vào buổi sáng. Đặc biệt, để nuôi ong được lâu bền, ít nhất 1 năm phải thay ong chúa 1 lần.
 
Ngoài tập trung phát triển kinh tế gia đình, CCB Hồ Văn Quý thường xuyên chia sẻ cho các hội viên nuôi ong tại địa phương về kỹ thuật, kinh nghiệm trong việc chăm sóc đàn ong, nhiệt tình giúp đỡ các hội viên mới về con giống, hướng dẫn lựa chọn con giống bảo đảm chất lượng… Đặc biệt, ông còn hỗ trợ về con giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, nhờ đó, nhiều đồng đội đã vươn lên nhờ mô hình nuôi ong.
 
“Năm tháng trong quân ngũ đã tôi luyện cho tôi cùng đồng đội vững vàng về ý chí và nghị lực trong cuộc sống; đặc biệt là vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình. Dù khó khăn thế nào, gian khổ bao nhiêu cũng không thể ngăn bước chân của một người lính đã vào sinh ra tử”, CCB Hồ Văn Quý chia sẻ. 
 
“CCB Hồ Văn Quý không chỉ kiên trung trong thời chiến mà còn là tấm gương sáng thời bình. Bằng sự nỗ lực vươn lên, tích cực tìm tòi, học hỏi cùng sự năng động, dám nghĩ, dám làm, hiện nay, ông đã xây dựng thành công mô hình kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống. CCB Hồ Văn Quý nhiều lần được huyện biểu dương, khen thưởng là CCB làm kinh tế giỏi, là tấm gương cho thế hệ trẻ học tập và noi theo”, Chủ tịch Hội CCB xã Xuân Ninh Nguyễn Hữu Vận cho hay.
Lan Chi

tin liên quan

Tháng tư, năm tôi mười chín tuổi

(QBĐT) - Tôi tin, một dân tộc làm nên đỉnh cao Chiến thắng 30 tháng 4 sẽ mãi xứng đáng với tầm vóc của mình. Tầm vóc ấy không tự trên trời rơi xuống mà được làm nên bởi bản lĩnh tuyệt vời có tên gọi Việt Nam! 

Kinh nghiệm quý trong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu

(QBĐT) - Xây dựng mô hình khu dân cư kiểu mẫu đã và đang trở thành phong trào thi đua sôi nổi của Mặt trận và nhân dân khắp các địa phương trong tỉnh.

Xây dựng Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động của miền Trung

(QBĐT) - Đó là mục tiêu giai đoạn 2021-2030 của tỉnh Quảng Bình vừa được Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch). Cùng với các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn tạo đột phá phát triển, Quy hoạch đã xác định những giải pháp và nguồn lực thực hiện, danh mục các dự án lớn và thứ tự ưu tiên… Việc Quy hoạch được thông qua là tiền đề, cơ sở quan trọng để Quảng Bình vững tin trên lộ trình mới.