Phương Đình Nguyễn Văn Siêu với Quảng Bình

  • 07:06 | Thứ Tư, 17/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với tài năng siêu việt và nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận, trong các trước tác của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu có nhiều tác phẩm giàu giá trị nghệ thuật viết về danh nhân và thắng cảnh vùng đất Quảng Bình.
 
Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), tên húy là Định. Theo bộ Kim Lũ Nguyễn thị chính phả (Chính phả họ Nguyễn ở Kim Lũ) thì tổ họ Nguyễn người xã Kim Lũ, thôn Trung, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam, nay là TP. Hà Nội. Thân phụ Nguyễn Văn Siêu là Nguyễn Công Bảo, do hoàn cảnh gia đình đã đến ở với bà cô rồi định cư ở phường Đông Các, huyện Thọ Xương (nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đến Nguyễn Văn Siêu là đời thứ hai.
 
Năm 7, 8 tuổi, Nguyễn Văn Siêu đã theo cha học viết chữ, đọc sách, nhưng cha ông không chịu cho làm văn. Năm 15 tuổi, Nguyễn Văn Siêu theo học thầy Hương cống triều Lê là Thọ Bình Trần Công Tiến. Sau đó, ông được gửi theo học Tiến sĩ Lập Trai Phạm Quý Thích ở Hoa Đường, tỉnh Hải Dương. Khoa thi Hương năm Ất Dậu (1825), ông thi đậu Á nguyên, tức đậu cử nhân thứ hai. Hơn 10 năm sau, năm Mậu Tuất (1838), thi Hội ông đỗ Phó bảng (tức phụ bảng).
Tượng thờ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu. Ảnh: Tư liệu
Tượng thờ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu. Ảnh: Tư liệu
Giữa năm Minh Mệnh thứ 20 (1838), Phó bảng Nguyễn Văn Siêu được lĩnh chức Hàn lâm Viện kiểm thảo, chưa đầy một năm sau thăng chức Lễ bộ chủ sự. Năm Tân Sửu (1841), vua Thiệu Trị lên ngôi, là người trọng tài năng, thơ phú, ông được thăng chức Lễ bộ viên ngoại lang rồi Nội các thừa chỉ, năm Đinh Mùi (1847) được thăng Thị giảng Học sĩ.
 
Dưới triều Thiệu Trị quy tụ được nhiều văn nhân, học giả nổi tiếng, như: Lý Văn Phức, Trần Văn Vị, Phạm Đinh Toái, Đặng Huy Trứ, Phan Thanh Giản, Đinh Nhật Thận, Nguyễn Phúc Miên Thẩm (Tùng Thiện Vương), Nguyễn Phúc Miên Trinh (Tuy Lý Vương), Nguyễn Hàm Ninh, Cao Bá Quát… Trong số đó, nổi bật lên có bốn người được giới quan lại, học giả Kinh đô thời bấy giờ phong là Tràng An tứ kiệt, bao gồm Nguyễn Hàm Ninh, Đinh Nhật Thận, Cao Bá Quát và Nguyễn Văn Siêu. Tràng An ở đây chỉ kinh đô Huế, tứ kiệt là bốn người tài giỏi hơn người ở kinh đô Huế lúc bấy giờ.
 
Năm 1848, vua Tự Đức thăng cho ông Thị độc Học sĩ. Năm sau (1849), ông được hạ chiếu sung chức Phó sứ đi sứ nhà Thanh. Năm Tân Hợi 1851, ông được bổ làm Án sát tỉnh Hà Tĩnh là chức quan phụ trách án tụng của tỉnh. Được một thời gian, ông đổi làm Án sát tỉnh Hưng Yên. Trong thời gian này, ông đã viết bản Trù nghị hà phòng nghi sớ khá dài, đề nghị triều đình cải tạo đê điều Hưng Yên một cách thẳng thắn, quyết liệt. Chính vì thế năm Giáp Dần (1854) ông bị hạ ba cấp. Nhân đó, ông lấy cớ ốm yếu, xin về quê nhà dựng ngôi trường mang tên Phương Đình, nghĩa là đình hình vuông để dạy học tại ngôi nhà cũ ở giáp Giang Nguyên, huyện Thọ Xương, không có ý làm quan nữa.
 
Phương Đình Nguyễn Văn Siêu để lại sự nghiệp sáng tác khá đồ sộ với các tác phẩm: "Phương Đình văn loại” (5 tập), “Phương Đình tùy bút lục” (6 quyển), “Phương Đình địa chí loại” hay còn có tên gọi khác “Đại Việt địa dư toàn biên” (5 quyển), “Phương Đình thi loại” có 4 tập (Phương Đình vạn lý tập, Phương Đình anh ngôn tập (2 tập), Phương Đình lưu lãm tập, Phương Đình mạn hứng tập). Ở nước ta, từ lâu đã truyền tụng hai câu thơ:
“Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường”
Nghĩa là: Văn đến như Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát thì văn thời Tiền Hán (Trung Hoa) chẳng còn gì. Thơ đến như Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương thì đã làm mất thanh danh thời Thịnh Đường.
 
Tài năng văn thơ của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu được người đời ngợi ca và được ví như là một trong bốn ngôi sao sáng nhất trên văn đàn Việt Nam dưới thời Tự Đức. Sách Đại Nam liệt truyện viết về công trạng, sự nghiệp hết sức rạng rỡ của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu: “Văn Siêu ở Hàn Các đã lâu, nên các văn điển sách của triều đình phần nhiều ông soạn thảo cả, vì thế văn học được vua biết đến. Đương thời đều tôn trọng ông. Tới tuổi già rút lui, thích bảo ban kẻ hậu học, mà giảng sách biện biệt ngay thẳng chỗ giống, chỗ khác, lấy nghĩa lý làm chủ[1].
 
Qua tìm hiểu các tác phẩm của Nguyễn Văn Siêu thì vùng đất Quảng Bình để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong sự nghiệp sáng tác của ông. Trong “Phương Đình văn loại” có bài “Phù Chính hương hiền từ bi ký”, nghĩa là Bài bi ký đền Phù Chính. Đền Phù Chính là nơi thờ Thiếu sư Nguyễn Đăng Tuân, hiệu Thận Trai, quê ở làng Phù Chính, nay là xã Hưng Thủy (Lệ Thủy). Nói về xuất xứ quá trình khắc bia, Nguyễn Văn Siêu viết: “Làng xin tôi bài Ký về việc dựng đền, tôi nhận lời: chấp tay đáp lễ dân làng, bước lên mà viết vào bia đá, rằng: Đây là việc mà trong đó gồm ba điều thiện: Đối với nước thấy nhiều ơn huệ lâu dài; đối với nhà thấy được suy tư của người con hiếu; đối với làng thấy được lòng tốt của nhân dân”[2].
 
Nội dung bài bia ký ca ngợi tài năng, đạo đức, nhân cách, phẩm hạnh yêu nước, thương người của Hiệp biện đại học sĩ Nguyễn Đăng Tuân. Ngoài ra, trong Phương Đình văn loại còn có bài “Vinh lộc đại phu trụ quốc Hiệp biện đại học sĩ trí sĩ Nguyễn Văn Chính Thiếu sư hành trạng”, nghĩa là Hành trạng của trí sĩ, Thiếu sư, Vinh đại phu trụ quốc Hiệp biện đại học sĩ Nguyễn Đăng Tuân (tự là Văn Chính).
Hoành Sơn quan nơi để lại nhiều cảm xúc trong các sáng tác của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu.
Hoành Sơn quan nơi để lại nhiều cảm xúc trong các sáng tác của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu.

Về thơ, Nguyễn Văn Siêu có các bài “Quảng Bình sa lộ dạ hành” (Đêm đi trên đường cát ở Quảng Bình), “Di Luân dạ túc” (Đêm trú tại Di Luân), “Hoành Sơn đạo trung” (Trên đường đèo Ngang), “Xuân đán Quảng Bình Phù Chính tự” (Sớm xuân thăm chùa Phù Chính Quảng Bình), “Vịnh Hoành Sơn” (Vịnh Hoành Sơn).

Trong các sáng tác về Quảng Bình hay các miền quê khác, mỗi tác phẩm của Nguyễn Văn Siêu đều có từng phong cách riêng, không bò gó trong những niêm luật cũ như thất ngôn bát cú hay thất ngôn tứ tuyệt… Điều này biểu lộ phong cách của Nguyễn Văn Siêu là luôn có sự cách tân, thể hiện tư duy, khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ, không bị chi phối, kìm hãm bởi niêm luật thơ truyền thống. Cảnh sắc quê hương Quảng Bình hiện lên trong thơ Nguyễn Văn Siêu thật mộc mạc, chân chất.

Nếu như ở bài “Quảng Bình sa lộ dạ hành”, ông sáng tác theo phong cách thơ Đường, thể thất ngôn bát cú:
“Bích tụ liên không vân phúc mạc
Bạch sa tán tuyết thủy minh cầm
Quá sơn đáo hải hồn nhàn sự
Lộng nguyệt ngâm phong vị liễu tâm…
Dịch thơ:
Núi biếc kề trời mây bóng râm
Tuyết tan cát trắng tiếng đàn cầm
Núi qua tới biển vui nhàn nhã
Vui gió đùa trăng cất tiếng ngâm
 
Nhưng ở bài “Hoành Sơn đạo trung”, Phương Đình Nguyễn Văn Siêu lại thể hiện phong cách khác:
“Biểu lý sơn quan lộ
Vân đào thượng hạ sinh
Số phong bôn nhập hải
Nhất đái loạn vi binh…”
Dịch thơ:
Trong ngoài đường qua ải
Trên dưới sóng mây xanh
Mấy ngọn lao ra biển
Một dải vòng uốn quanh
 
Trong bài “Vịnh Hoành Sơn”, Phương Đình Nguyễn Văn Siêu mượn không gian, cảnh vật trên đèo Ngang thể hiện cảm xúc trước ân huệ của triều Nguyễn luôn trọng dụng nhân tài, thực hiện chính sách chiêu hiền đãi sĩ. Đây chính là mạch nguồn cảm xúc, là động lực thôi thúc các văn nhân, thi sĩ thỏa chí sáng tạo nên những áng thơ hay truyền lại cho hậu thế.
…Hà Tĩnh lâm trung mai cổ lũy
Quảng Bình xa ngoại xuất tán thành
Sinh phùng thi đại xa thư nhất
Bất ký hà niên hữu chiến tranh”
Dịch nghĩa:
Hà Tĩnh gần kề bên trong bức lũy xưa mờ mốc
Quảng Bình ngoài xa đã hiện ra bức thành mới xây
Sinh gặp thời thịnh đạt nhất về văn chương thơ phú
Không còn nhớ những năm có chiến tranh
 
Cũng nhờ mối lương duyên với nhà thơ Nguyễn Hàm Ninh trong nhóm Tràng An tứ kiệt và thường xuyên ra vào kinh đô Huế mà trong các trước tác của Nguyễn Văn Siêu có nhiều sáng tác về danh nhân và thắng cảnh vùng đất Quảng Bình. Không gian và cảnh sắc nơi đây đã tạo cảm hứng cho Phương Đình Nguyễn Văn Siêu sáng tác các tác phẩm văn học giàu giá trị nghệ thuật. Qua những áng thơ ca của Nguyên Văn Siêu càng tôn thêm vẻ đẹp của vùng đất của quê hương Quảng Bình.
 
                                                                                    Nhật Linh
 
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, NXB Thuận Hóa, Huế, 2014, tập 3-4, tr.521-522.
[2] PGS. Trần Lê Sáng (Chủ biên) tuyển dịch và giới thiệu, Tuyển tập văn thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, NXB Hà Nội, Hà Nội, 2010, tập 1, tr.384-385.

tin liên quan

Hương ngò gai ơi!

(QBĐT) - Bàn tay em thơm mùi hương ngò gai 
em cầm tay tôi, tôi cầm tay em
mùi hương ngò gai ướp vào lòng tay tôi dịu ngọt
em có hay bàn tay em diệu vợi vô ngần

Đổi thay

(QBĐT) - Những nụ mầm tháng năm vẫn trổ dài
chẳng hề ngưng đọng
kết thúc sự nảy chồi

Cho một niềm xuân

(QBĐT) - Cho em hương mộng dịu dàng
Tóc thương gió gội miên man tuổi mềm