Nhân kỷ niệm 18 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005-23/11/2023)

Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa

  • 07:29 | Thứ Năm, 23/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2022-2027, Hội Di sản Văn hóa (DSVH) Việt Nam tỉnh đã cụ thể hóa và từng bước đưa các nội dung của nghị quyết đi vào thực tiễn, góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH trên địa bàn tỉnh.
 
Ngày 21/11/2023, cùng với câu lạc bộ (CLB) hát ru Cảnh Dương (Quảng Trạch), tuồng bội Khương Hà (Bố Trạch), CLB múa bông chèo cạn Hải Thành (TP. Đồng Hới) chính thức ra mắt tại chuỗi các sự kiện hướng tới Ngày DSVH Việt Nam. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng đối với các CLB nói riêng và với công tác bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH nói chung.
 
Sau khi chính thức “trình làng”, các CLB có nhiệm vụ thường xuyên luyện tập, xây dựng các tiết mục để tham gia biểu diễn tại hội thi, hội diễn; qua đó, khuyến khích, khơi dậy phong trào văn hóa, văn nghệ, thực hiện công tác sưu tầm, truyền dạy, góp phần bảo tồn và lan tỏa các giá trị văn hóa của địa phương…  
 
Ông Lê Hùng Phi, Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam tỉnh cho biết: Một trong những hoạt động thiết thực, hiệu quả nhất trong việc lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị DSVH của các hội, chi hội cơ sở chính là việc thành lập và duy trì hoạt động của các CLB dân gian mà hầu hết hạt nhân là hội viên Hội DSVH, như: CLB ca trù Đông Dương (Quảng Trạch); ca trù Phong Châu, hát Kiều cổ Lâm Lang (Tuyên Hóa); các CLB hát ví, đúm, sắc bùa, hát nhà trò, hò thuốc cá (Minh Hóa); CLB yêu câu hò xứ Lệ, nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy (Lệ Thủy); CLB ca Huế Quảng Xá-Tân Ninh, dân ca Bình Trị Thiên xã Vĩnh Ninh, Vạn Ninh (Quảng Ninh); CLB hò biển Nhân Trạch, hát tuồng bội Khương Hà (Bố Trạch); CLB hát ru Cảnh Dương (Quảng Trạch), các CLB thơ-ca kết hợp ở các xã Nghĩa Ninh, Bảo Ninh (TP. Đồng Hới)…
Bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH rất cần sự chung tay của toàn xã hội.
Bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH rất cần sự chung tay của toàn xã hội.
Có thể nói, các CLB đã định hình được hướng đi, phần nào tự chủ về kinh phí, quan trọng hơn đã tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng yêu dân ca, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của DSVH, tránh nguy cơ thất truyền, biến dạng hoặc thương mại hóa. Đặc biệt, các CLB đã phát hiện, bồi dưỡng và phát triển hội viên nhiều thế hệ. Đây chính là lực lượng nòng cốt trong các kỳ hội thi, hội diễn, liên hoan, lễ hội của địa phương và trong nước.   
 
Ngay sau Đại hội lần thứ III, Hội DSVH Việt Nam tỉnh đã nhanh chóng củng cố tổ chức bộ máy, duy trì 12 tổ chức trực thuộc bao gồm 6 hội huyện, thành phố, gồm: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch (chung với TX. Ba Đồn), Bố Trạch, Đồng Hới, Quảng Ninh và 6 chi hội, gồm: Huyện Lệ Thủy, Văn phòng Tỉnh hội, Trường đại học Quảng Bình, Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT), Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, với tổng số 479 hội viên.
 
Các hội, chi hội đã duy trì và tổ chức tốt hoạt động của các CLB dân ca địa phương, tiêu biểu là những CLB ở Lệ Thủy, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa. Đặc biệt, năm 2023, các CLB: Hát ru Cảnh Dương, hát Kiều Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Ba Đồn mà nòng cốt là các hội viên Hội DSVH Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức thực hành trình diễn để xây dựng hồ sơ DSVH phi vật thể cấp quốc gia. Kết quả, Bộ VH-TT và Du lịch đã quyết định công nhận hát ru Cảnh Dương và hát Kiều Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Ba Đồn là DSVH phi vật thể cấp quốc gia.
 
Năm 2023, các hội và chi hội cơ sở đã có sự liên kết, tổ chức các hoạt động, sự kiện nhằm tích cực quảng bá, giới thiệu các DSVH của địa phương, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, phát huy giá trị DSVH. Nhiều hội, chi hội chủ động duy trì hoạt động các CLB văn hóa dân gian để phục vụ những ngày lễ hội truyền thống ở địa phương, như: Rằm tháng ba Minh Hóa, Tuần văn hóa-du lịch Đồng Hới, lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Tuyên Hóa, lễ hội cầu mùa, cầu an rằm tháng giêng, lễ hội Thánh Mẫu Liễu Hạnh…
 
Nhiều hội, chi hội cũng đã chủ động sưu tầm, biên soạn, xuất bản nhiều ấn phẩm văn hóa có giá trị phản ánh vùng đất, con người và văn hóa của từng địa phương, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc của Quảng Bình. Đầu năm 2023, đã xuất bản tập 7 “Bố Trạch miền di sản”, chuyên mục Đất và người Đồng Hới, phóng sự Đồng Hới di sản và danh thắng… Bên cạnh đó, công tác truyền dạy của các nghệ nhân cho thế hệ trẻ cũng được quan tâm đúng mức. Tiêu biểu, năm 2023, Hội DSVH Việt Nam huyện Minh Hóa đã tổ chức 2 lớp truyền dạy múa trống và hát sắc bùa.
 
Hiện nay, trên địa tỉnh Quảng Bình có 2 DSVH phi vật thể được UNESCO đưa vào danh mục DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại, gồm: Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam, hát ca trù của người Việt và 10 DSVH phi vật thể được Bộ VH-TT và Du lịch đưa vào danh mục DSVH phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Hò khoan Lệ Thủy; lễ hội cầu ngư của cư dân miền biển Quảng Bình; lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang; lễ hội đua thuyền trên sông Nhật Lệ; lễ hội trỉa lúa của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn (Quảng Ninh); lễ hội đập trống của người Ma Coong xã Thượng Trạch (Bố Trạch); hò thuốc cá huyện Minh Hóa; hát ru Cảnh Dương; hát Kiều Quảng Trạch, Ba Đồn, Tuyên Hóa và lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy (Lệ Thủy).

Để tăng hiệu ứng tuyên truyền, Hội DSVH Việt Nam tỉnh đã phối hợp với các đơn vị truyền thông, như: Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình… đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về các DSVH vật thể, phi vật thể của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; thiết lập fanpage Hội DSVH Việt Nam tỉnh trên facebook với nhiều bài viết, video giới thiệu các di tích, danh nhân lịch sử, văn hóa của Quảng Bình cũng như lưu giữ và phổ biến nhiều tư liệu quý về lịch sử, văn hóa…

Mặc dù công tác bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH đã tạo được bước chuyển đáng kể, mang lại nhiều kết quả tích cực, song khách quan nhìn nhận, đây là nhiệm vụ vừa khó khăn, phức tạp, vừa cần nguồn lực lớn cả về kinh phí và nhân lực. Do đó, trong quá trình thực hiện không tránh khỏi những hạn chế, bất cập phát sinh, như: Công tác nghiên cứu khoa học về bảo tồn và phát huy giá trị DSVH trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm thực hiện một cách chủ động, thường xuyên và chưa có chiều sâu; nguồn lực dành cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH mặc dù đã được tỉnh quan tâm, nhưng vẫn còn khá khiêm tốn so với yêu cầu thực tế.
 
Nhiều địa phương chưa có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác đào tạo cán bộ quản lý DSVH. Việc tạo hiệu ứng trong cộng đồng, công tác xã hội hóa đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị DSVH còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều loại hình DSVH phi vật thể đang đang đứng trước nguy cơ mai một. Một số di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng lấn chiếm khuôn viên di tích, danh thắng còn xảy ra ở nhiều nơi nhưng chưa giải quyết được triệt để; việc phát huy các lễ hội truyền thống còn nhiều hạn chế, nhất là các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số...
 
“DSVH không dễ hình thành, lại rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất nhanh chóng. Chính vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH vừa là nhiệm vụ cấp thiết, vừa mang tính lâu dài; đồng thời, không phải là nhiệm vụ của một cấp, một ngành hay riêng một địa phương, đơn vị nào. Đó là một hành trình dài, từ giai đoạn này nối tiếp giai đoạn khác, từ thế hệ trước truyền lại thế hệ sau và rất cần sự chung tay của toàn xã hội… ”, Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam tỉnh Lê Hùng Phi nhấn mạnh.
Tâm An

tin liên quan

Bài 2: Mạnh dạn đổi mới, khơi mở sáng tạo

(QBĐT) - Trước những nguyên nhân khách quan, chủ quan khiến các tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng về đề tài dân tộc thiểu số vắng bóng, rất cần những "cú hích" mạnh mẽ, mạnh dạn đổi mới, khơi mở sáng tạo.

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

(QBĐT) -  Ngày 22/11, Sở Văn hóa-Thể thao tổ chức hội thảo khoa học "Thực trạng, đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình gắn với phát triển du lịch".

Sông Son

(QBĐT) - Dù nắng hay là mưa
Nỗi niềm sông nặng chở
Sắt son từ muôn thuở
Thủy chung xanh đến giờ