Từ bến Nhà Rồng, Người đã ra đi...

  • 09:45 | Thứ Bảy, 05/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Có một địa danh lịch sử đã trở thành một địa chỉ văn hóa, một di tích truyền thống cách mạng, một điểm hẹn của lòng tự hào muôn người con đất Việt gửi gắm bao niềm tin yêu đó là: Bến Nhà Rồng, nơi Bác Hồ kính yêu  ra đi tìm đường cứu nước cách đây 110 năm. Đó cũng chính là “địa chỉ đỏ” đón chào hàng chục nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về Bác và lịch sử dân tộc Việt Nam.
 
Bến Nhà Rồng là một công trình kiến trúc được thực dân Pháp xây dựng khá sớm ở Sài Gòn. Tòa nhà có kiểu dáng mô phỏng kiến trúc Tây Âu thế kỷ XIX, nhưng trên nóc nhà đắp những con rồng theo kiểu phương Đông. Do vậy, người dân Sài Gòn quen gọi tòa nhà này là Nhà Rồng và bến cảng nơi đây là bến Nhà Rồng...
 
Tại đây, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành vừa tròn 21 tuổi bắt đầu cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước. Người thanh niên đó xin làm phụ bếp với tên gọi Văn Ba-một cái tên giản dị như tên gọi quen thứ bậc của người Nam bộ trên con tàu Đô đốc Latouche Tréville của Pháp. 
 
Đứng trước bến cảng Nhà Rồng, tôi xúc động khi nghĩ về Bác: Người đã chọn nghề thủy thủ trên tàu viễn dương lênh đênh khắp phương trời mới có điều kiện đến nhiều nước. Tôi càng khâm phục và ngạc nhiên khi biết Bác ra đi tìm đường cứu nước bằng hai bàn tay trắng và một trái tim đầy nhiệt huyết, lý tưởng cách mạng.
 
Đây là một bước ngoặt lớn khi Bác chọn Sài Gòn từ bến Nhà Rồng làm “bệ phóng” ra đi vì bấy giờ, Sài Gòn là cửa ngõ của xứ Nam Kỳ có những công ty tàu biển lớn chạy tuyến đường Pháp-Đông Dương rất thuận lợi cho việc sang Pháp.
 
Cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ tạo ra bước ngoặt lớn trong cách mạng Việt Nam đã làm thay đổi hướng phát triển của lịch sử và thay đổi cả số phận của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Bác ra đi với một tâm nguyện: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đây là tất cả những điều tôi muốn, đây là tất cả những điều tôi hiểu...”. Bởi Bác từ rất sớm đã chứng kiến nền độc lập bị xâm phạm, cảnh nhân dân ta “một cổ hai tròng” chịu nhiều lầm than, cực khổ, bị chà đạp, áp bức, bóc lột tàn bạo.
 
Đã có rất nhiều phong trào yêu nước của các văn nhân, sỹ phu nổ ra như: phong trào Cần Vương, cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Yên Thế, phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh, phong trào Đông Kinh Nghĩa Phục của Phan Bội Châu... Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rất ngưỡng mộ và kính trọng lòng yêu nước, dũng cảm, kiên cường của các bậc tiền bối.
 
Nhưng với tấm lòng yêu nước sâu sắc, sự trăn trở vì vận mệnh dân tộc, Bác đã nhận ra con đường do những người đi trước sẽ không giải phóng được dân tộc mà cần thiết phải có con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Vì thế, Bác phải ra nước ngoài xem Pháp và các nước độc lập phát triển như thế nào để về giúp đồng bào ta, đất nước ta thoát khỏi cảnh áp bức nô lệ.
 
Người đã tìm đến châu Âu nơi đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, chính trị để tìm hiểu những truyền thống tự do, bình đẳng, bác ái và nền văn minh của chính quốc, tìm hiểu thấu đáo tận gốc nơi đã sinh ra mọi chế độ thực dân thối nát và cực kỳ tàn bạo như chính người đã thấy trên đất nước mình.
 
Điều này đã được Bác trả lời phỏng vấn của phóng viên Tạp chí Ngọn lửa nhỏ năm 1923 tại Mat-xcơ-va về sự lựa chọn của mình: “Lúc 13 tuổi lần đầu tiên tôi được nghe những từ ngữ tiếng Pháp: Tự do-Bình đẳng-Bác ái. Đối với chúng tôi lúc đó mọi người da trắng được coi là người Pháp. Thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp tìm xem những gì ẩn dấu đằng sau những từ ấy”.
 
Và sau này, trong vòng 10 năm (1911-1920), bàn chân Người từng in dấu trên các đại lục Âu-Á-Phi-Mỹ. Từ đó, Người rút ra kết luận: Chủ nghĩa đế quốc thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa. Người xác định con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc đúng đắn khám phá ra chân lý lịch sử: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”...
 
Hành trình Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước có cội nguồn từ những tháng ngày còn nhỏ, Bác đã theo cha là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc gặp gỡ, trao đổi với các nhà chí sỹ. Cũng như trước đó, trên cánh võng đay bên khung cửi dệt vải, thân mẫu của Bác là bà Hoàng Thị Loan-một nghệ nhân hát phường vải xuất sắc, bằng những làn điệu dân ca từ mạch nguồn dân tộc đã ru Người lớn lên, bồi dưỡng tâm hồn thơ trẻ của Người bằng tình yêu quê hương, đất nước.
 
Và cũng chính tại ngôi trường Dục Thanh ở Phan Thiết, nơi Người dừng chân dạy học trước khi vào Sài Gòn lên tàu xuất ngoại, người thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã chú tâm giảng dạy cho học sinh và cũng vun đúc cho mình những điều nhân nghĩa của lịch sử đất nước.
 
Bác đã trang bị cho mình thêm những kiến thức mới và rèn luyện ý chí từ học hỏi qua những trang sách truyền thống yêu nước trước khi đến bến Nhà Rồng đi “tìm hình của nước” như tứ thơ nổi tiếng của nhà thơ Chế Lan Viên.
 
Bác Hồ có vốn ngoại ngữ hàng chục thứ tiếng, văn hóa của người là văn hóa của tương lai. Phải chăng đó chính là sự hội tụ, kết tinh phẩm chất và lý tưởng của một người yêu nước, yêu dân tộc đến với chủ nghĩa quốc tế cao cả. Người đã tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp cuối năm 1920 và trở thành nhà hoạt động quốc tế xuất sắc Nguyễn Ái Quốc.
 
Từ năm 1921-1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Và khi điều kiện chín muồi, ngày 3-2-1930, dưới sự chủ trì của Bác tại Hương Cảng (Trung Quốc), hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất là Ðảng Cộng sản Việt Nam.
 
Sự kiện đó đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về con đường cứu nước, cứu dân thoát khỏi ách áp bức thực dân phong kiến, thoát khỏi bần cùng, lạc hậu.
 
Tôi cứ hình dung Bác, người thủy thủ ngoan cường trên con tàu hàng vượt mọi phong ba sóng gió biển khơi cũng giống như Người sau này là một "thuyền trưởng" tài ba, khéo léo lái con thuyền cách mạng qua bao chặng đường đấu tranh gian truân với một tinh thần lạc quan, quả cảm để cập bến thành công. Bác đã dám chấp nhận thử thách bão táp và chính trong bão táp càng tôi luyện phẩm chất, lý tưởng, đạo đức cách mạng kiên định của Người mà cho đến hôm nay, lớp lớp cháu con học tập và làm theo. 
 
Ba mươi năm sau ngày từ bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, mùa xuân 1941, Người đã về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tổ quốc đón bước chân đầu tiên của Người với: “Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt/ Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi/Kìa! Bóng Bác đang hôn lên hòn đất/ Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai...” (Người đi tìm hình của nước-Chế Lan Viên) . Màu hồng của đất nước phôi thai đã làm nên Cách mạng Tháng Tám 1945 thần kỳ, chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử chấn động địa cầu, Đại thắng mùa xuân 1975-bản hùng ca bất diệt thống nhất đất nước với hình ảnh:  “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.
 
Và con đường xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Bác đã mở ra với sự thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII và mới đây nhất là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức trọn vẹn hoàn hảo trong đại dịch Covid-19. Chứng tỏ con đường của Bác vạch ra luôn đúng hướng và phát triển tốt đẹp.
 
Nguyễn Ngọc Phú