Nhớ... trâu mùa lũ

  • 07:48 | Chủ Nhật, 07/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày lũ dữ ở Lệ Thủy, nhìn những con “trâu sắt” đang chen chúc trên đoạn cầu còn sót lại giữa bốn bề sóng nước, trong tôi có một chút liên tưởng mơ hồ về những năm tháng xa xăm, về những đàn trâu trong mùa lũ…
 
Những năm sau hòa bình được lập lại trên miền Bắc, khi mà nông dân mới chỉ vào tổ đổi công, nhà tôi có đàn trâu năm, bảy con và mấy mẫu ruộng. Ruộng và trâu hình như không thể tách rời nhau trong sản xuất nông nghiệp ở quê tôi giai đoạn đó. Và cũng không ngoa rằng, mỗi hạt lúa, củ khoai không chỉ thấm mặn mồ hôi của người nông dân mà có cả sự chăm chỉ của những con trâu hiền lành. Có lẽ, với những tài sản này mà nhà tôi được xếp thành phần là trung nông, sau hạ xuống trung nông lớp dưới.
 
Tôi còn bé, hồn nhiên ngắm nhìn đàn trâu  thong thả về chuồng khi chiều xuống, chúng mang những cái tên có lẽ chỉ đặt cho… trâu: lẹo, noong, ve... Đàn trâu quanh năm ra đồng rồi về chuồng, nhưng khi mùa lũ đến, bài toán tìm thức ăn, chỗ nghỉ cho đàn trâu là khá nan giải. Mùa lũ, nước ngập trắng đồng, chỗ đứng cho trâu đã khó nói chi đến thức ăn. 
Đàn trâu gặm cỏ.
Đàn trâu gặm cỏ.
Sau lũ lại đến mùa vụ, nếu không có thức ăn đầy đủ chúng lấy sức đâu để làm cái công việc quen thuộc mà nặng nhọc: kéo cày, bừa… Tôi đã chứng kiến đàn trâu trên dưới chục con chen chúc nhau sau sân đình (chỗ cao trong làng) khi lũ về. Nước lũ dâng cao, chỗ đứng hẹp dần, nhìn chúng chen lấn nhau trong bùn đất mà thương.
 
Đã thành lệ, khi nước ngập con đường phía trước làng tôi nối liền với các làng, xã khác, tục gọi là đường quan, những nhà có trâu lại í ới gọi nhau lùa trâu đi tránh lũ. Anh trai đầu của tôi luôn phải làm cái công việc không mong muốn này mỗi khi không tìm được người chăn. Những đàn trâu ngày thường thì hầm hè nhau nhưng khi nước ngập ngang bụng chúng lại tỏ ra “đoàn kết” cùng nối đuôi nhau đi. Có những con trâu đầu đàn đi trước, xông xáo, quyết liệt “mở đường”, cả đàn cứ thế kéo nhau đi trong “trật tự”. Đi tránh lũ cho đàn trâu đã là việc thường niên, nhưng có năm cũng bị lũ cuốn mất trâu. Ông anh tôi nhớ lại, năm 1950 lũ lớn, nước hộn lắm ( hỗn-nước lũ lên nhanh quá), đàn trâu phải lội giữa nước lũ, có những con trâu nghé đuối sức bị nước cuốn trôi…
 
Theo lộ trình thông thường, đàn trâu kéo nhau ra phía trước cánh đồng làng, nơi có “bụi tre một” quanh năm tỏa bóng xum xuê rồi vượt hói theo đường đê hướng lên xã Mai Thủy. Xã Mai Thủy là cách gọi bây giờ, còn cái thời lùa trâu đi tránh lụt chỉ có gọi là trên Xóm, đi gửi trâu trên Xóm.
 
Trên Xóm, một cách gọi khá mông lung nhưng để chỉ một địa chỉ thân thuộc với làng tôi. Theo những người cao niên, những năm xa xưa, người làng tôi (Xuân Lai) và làng bên cạnh (Mai Hạ) có nhiều người lên định cư trên vùng đất mới này với nhiều lý do. Một phần trong số đó sơ tán trong chiến tranh chống Pháp vì đây là vùng chiến khu của ta, một phần kiểu đi khai hoang làm nương rẫy… Qua nhiều đời sinh sôi nảy nở cùng với dân bản địa ở đây thành xóm, thành làng.
 
Lớn lên, tôi nghe xóm Xuân Lai, xóm Mai Hạ và chỉ nói trên xóm là biết nói đến nơi nào. Người bà con trong làng tôi ở hai xóm này nhiều lắm. Lễ, Tết, thường đi lại thăm viếng nhau. Quà từ trên xuống thường là chè tươi, cam, bưởi, dâu theo mùa. Quà từ quê tôi lên là gạo nếp, mắm ruốc… Nhưng rồi thời gian đã làm cho các mối quan hệ nhạt dần.
 
Một phần, những thế hệ trước đã thành người thiên cổ, thế hệ sau ít giao lưu vì nhiều lý do nên cũng xa dần. Đến cái tên làng cũng đã có thay đổi, nay thì Xuân Lai, Mai Hạ là những tên làng của xã Mai Thủy trùng tên với hai làng ở xã Xuân Thủy đã nói ở trên. Có lẽ đây là điều hy hữu ở tỉnh ta.
 
Không chỉ những lẽ trên, nơi đây còn là vùng cao không hề lụt lội, làng tiếp giáp với rừng, có nhiều nguồn thức ăn nên là điểm dừng chân lý tưởng cho đàn trâu vùng quê chiêm trũng. Người làng tôi lùa trâu lên đó, tìm nhà bà con hoặc quen biết vào gửi đồ ăn, thức uống rồi tìm chỗ cho trâu nghỉ qua đêm. Những người chăn trâu cứ việc ngày lùa trâu tìm đồng cỏ, chiều tối lùa về chỗ nghỉ ngơi.
 
Nói thì nhẹ không vậy, nhưng chăn đàn trâu đâu có dễ như… đàn trẻ! Mỗi chuyến đi gửi lụt ít thì trên dưới một tháng, nhiều thì tháng rưỡi. Riêng chuyện ăn của người đi giữ trâu cái thời nghèo khó, đã mệt. Lúc xưa, phía trong các làng này là rừng, rừng thực sự chứ không phải rừng trồng như bây giờ. Hổ, báo từng đàn, nên việc giữ trâu khỏi bị hổ vồ đã là chuyện khó. Vả lại, những ngày đó thường mưa tối trời, đi trong rừng cũng dễ sợ lắm. Những anh nhát gan thường bị loại sau một mùa đưa trâu đi gửi lụt.
 
Đến vùng lạ, trâu thường hay phá bĩnh. Khi thì đi ăn quá xa, khi thì theo “gái” gầm ghè với trâu đàn khác. Người chăn phải bám sát từng con. Thế mà mùa lụt nào cũng có sự cố về đàn trâu trong làng. Ông anh tôi bảo, có nhà lạc mất trâu. Trâu lạc ra Phú Kỳ (xã Sơn Thủy), có khi lạc vào Động Đất (vùng rừng sâu phía tây)… Đặc biệt, có năm mất hẳn vài con nghé, nghi bị hổ vồ…
 
Sau mùa lụt, đàn trâu trở về, béo tốt hẳn lên. Làm sao không “lên cân” được khi chúng nhàn nhã cả tháng trời, laị chén cỏ tươi ngon…
 
Từ khi sản xuất trên những cánh đồng được cơ giới hóa, đàn trâu ở quê tôi thưa dần. Và cái công việc tôi vừa nói đến cũng trở thành chuyện “cổ tích”. Thế hệ những người cơm đùm, cơm nắm theo đàn trâu lên vùng sơn cước trong mùa lũ đã vơi dần.
 
Vâng, sự thay đổi của cuộc sống đã biến những câu chuyện đã qua thành quá vãng. Nhưng tôi tin rằng, những câu ca dao như “Trâu ơi ta bảo trâu này, trâu ăn no cỏ trâu cày với ta…” cùng với vô vàn câu chuyện khác về đồng quê, về những con vật thân thương sẽ là những sợi dây vô hình mà bền chắc níu chặt với quá khứ, với những năm tháng gian nan của người nông dân trên đồng đất quê hương…
 
                                                                                 Văn Hoàng