Âm vang làng hát Kẻ Đòi

  • 08:29 | Thứ Hai, 15/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dù trải qua dâu bể, thăng trầm của thời gian, có một “làng hát” đặc trưng nơi vùng quê nghèo vẫn ngân vang, trường tồn cùng năm tháng. Những lời ca, tiếng hát, điệu nhạc, lối diễn... chân chất, hồn hậu gắn liền với cuộc sống, lao động, sản xuất vẫn được người dân kế thừa, truyền lửa tiếp nối từ đời này sang đời khác, chưa hề có dấu hiệu phôi phai… 
 
“Những làn điệu dân ca hay lời tuồng bội như ăn sâu vào máu thịt của các thành viên trong gia đình tôi. Sinh ra trong gia đình có truyền thống hát tuồng, cha tôi là Phạm Hữu Xướng, một trong những cựu trào nòng cốt của đội tuồng bội xưa. Sau này, tôi làm dâu cũng trong một gia đình nhiều thế hệ hát tuồng bội. Từ nhỏ, tôi đã theo cha đến những đêm hội làng trên, xóm dưới. Những điệu tuồng và các làn điệu dân ca mà cha hát ru tôi từ ngày thơ bé, thấm sâu trong tiềm thức. Giờ đây chỉ thoáng nghe tiếng nhạc, tôi sẽ cất lời ngay được” - Nghệ nhân dân gian Phạm Thị Hồng Phương tâm sự.

Làng xưa có cái tên rất dân dã-làng Hát hay còn gọi Kẻ Đòi, bây giờ là các thôn Đông Duyệt I, Đông Duyệt II thuộc xã Phú Trạch cũ, nay hợp nhất với Hải Trạch thành xã Hải Phú (huyện Bố Trạch). Làng Hát nổi danh với nghệ thuật tuồng bội. 

Từ xa xưa, người làng dù trẻ nhỏ hay trưởng thành, nam thanh, nữ tú hay khi đã thành ông, thành bà, tiếng hát người làng luôn song hành ở mọi hoàn cảnh, trong cuộc sống, lao động, học tập… trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, là nguồn động lực vượt qua mọi gian truân, khó nhọc đời thường.
 
Thế hệ người làng dù đi xa khắp bốn phương trời vẫn nằm lòng câu ca: “Đêm nằm nghe trống Kẻ Đòi/nghe chuông Kẻ Hạc/nghe còi Kẻ Lau”.
 
Một thời chưa xa, do ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân, các nghệ nhân gắn bó với tuồng xưa mai một dần, người mất vì tuổi cao sức yếu, kẻ lưu lạc tìm kế sinh nhai, người ở lại đau đáu vì tài sản văn hóa tinh thần đặc trưng “hồn cốt” của làng bị lãng quên nhưng “lực bất tòng tâm”.
 
Nhưng thật may mắn, từ tình yêu, say mê ca hát của một số “hạt nhân” văn hóa, làng quyết định thành lập các tổ, đội văn nghệ nhỏ, chăm chỉ luyện tập, phục vụ những ngày lễ trọng trong làng, xã, huyện và cố gắng phục hồi, sưu tầm, đưa lời ca, tiếng hát Kẻ Đòi vươn xa hơn, vượt ra khỏi phạm vi hẹp của làng, lan tỏa khắp tỉnh và khu vực.
 
Năm 2017, CLB đàn và hát dân ca xã Hải Phú ra đời, ghi dấu một bước trưởng thành, phục hồi giá trị văn hóa làng Hát xưa.
 
Nghệ nhân Phạm Thị Hồng Phương, Chủ nhiệm CLB đàn và hát dân ca xã Hải Phú cho biết: “CLB sinh hoạt ngày càng nhiều hơn, có quy mô lớn hơn, thu hút nhiều thành viên tham gia luyện tập nối nghiệp. Mỗi tháng, CLB sinh hoạt một lần vào buổi tối. Dù kinh phí hoạt động còn hạn chế, phần lớn là do các thành viên tự huy động, nhưng khi có chương trình hội diễn hoặc có đơn vị, địa phương mời diễn, các thành viên CLB đều cố gắng sắp xếp mọi công việc, khắc phục khó khăn dành nhiều thời gian cho luyện tập. Mỗi thành viên có công việc khác nhau, nhưng điểm chung là yêu vốn văn hóa truyền thống làng quê, hát hay, đàn giỏi, thông thạo các điệu lý, điệu nhạc, đam mê, nhiệt huyết. Hàng năm, CLB có hàng chục cuộc biểu diễn, đưa lời ca, tiếng hát mang đậm nét đặc trưng của làng lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc”.
 
“Dù còn nhiều vất vả mưu sinh, nhưng cuộc sống của tôi giờ đây không thể thiếu đi lời ca, tiếng hát. Hễ cứ nghe âm vang tiếng trống, tiếng đàn, lời mời gọi của các đàn chị, đàn anh, tôi lại cố gắng bố trí công việc gia đình để theo bạn diễn. Hòa vào không khí những làn điệu dân ca, tôi như quên đi bao mệt nhọc cuộc sống” - chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1982), thành viên trẻ của CLB chia sẻ. 
CLB đàn và hát dân ca xã Hải Phú tham gia Liên hoan dân ca Bình Trị Thiên tại Huế 2014
CLB đàn và hát dân ca xã Hải Phú tham gia Liên hoan dân ca Bình Trị Thiên tại Huế 2014
Được chọn đại diện cho xã, huyện tham gia nhiều chương trình, lễ hội lớn ở tỉnh, khu vực và gặt hái không ít thành công, mang vinh dự về cho quê hương, CLB đàn và hát dân ca xã Hải Phú từ 15 thành viên đến nay phát triển được 30 thành viên; người già nhất nay 85 tuổi, trẻ nhất sinh năm 1985. Khi có hội diễn, tùy vào chương trình, CLB huy động thêm học sinh tiểu học, THCS trong làng, xã, cũng là cách thông qua đó để đào tạo những “hạt giống” tiềm năng kế thừa, phát huy vốn văn hóa đặc trưng trong tương lai.
 
May mắn khi chúng tôi về xã Hải Phú được chứng kiến cuộc hội ngộ của các nghệ nhân CLB đàn và hát dân ca xã trong buổi biểu diễn tại nhà văn hóa thôn Đông Duyệt I. Những diễn viên không chuyên, bình thường, chất phác, hồn hậu, thế nhưng khi “vào cuộc” họ không còn là họ. Tất cả nhập tâm vào từng làn điệu dân ca trữ tình, tha thiết: là điệu hò khoan thôi thúc mọi người nhanh chân vào hội “Khoan ơi khoan mời bạn khoan lại hò khoan (ơ… hơ!)”; khúc chầu văn Huế da diết: “À… ơ, gió Đại Phong thổi hồn Quang Phú/Gắng sức mình góp lửa với Trị Thiên/Quý từng hạt gạo mùa chiêm/Củ khoai lang của Quảng Bình thủy chung…”; rồi điệu cổ bản ngợi ca mẹ Suốt anh hùng: “Ơi con sông của mẹ/Hình dáng yêu kiều/Gợi nhớ bao điều/Quyện hồn về khơi/Nặng ơn tình lắm Nhật Lệ ơi”…
 
Một điều khá thú vị khi các thành viên trong CLB là những người rất đa tài, đàn hay, hát giỏi, sử dụng được tất các các loại nhạc cụ truyền thống. Điểm danh qua như Nguyễn Văn Công điêu luyện với đàn bầu, ghi-ta; Nguyễn Phương Ngôn với kèn, trống; Nguyễn Minh Châu với đàn bầu, đàn nguyệt; Nguyễn Văn Hùng với tiếng sáo đặc trưng... Những giọng ca Phạm Thị Hồng Phương, Nguyễn Thị Hòa, Phạm Thị Linh, Nguyễn Thị Lan... hát được nhiều thể loại, từ tuồng cổ đến các làn điệu dân ca Bình-Trị-Thiên, chầu văn, tương tư khúc, cổ bản, giao duyên, lưu thủy, hò khoan giã gạo...
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Hữu Hồng chia sẻ: “Chính vì hội tụ đầy đủ tài năng như: hát, múa, nhạc, nên CLB đàn và hát dân ca xã Hải Phú ngày càng phát triển, tự tin tham gia nhiều hội diễn lớn nhỏ: hội thi dân ca bắc miền Trung, liên hoan dân ca Bình Trị Thiên. Các diễn viên không chuyên còn đặt nhiều bài hát lời mới vào dịp “mừng Đảng, mừng Xuân” hay các sự kiện mang tính thời sự của quê hương, đất nước và có nhiều tác phẩm nghệ thuật tự biên tự diễn ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương... làm lay động lòng người”.

Giữa bộn bề cuộc sống, CLB đàn và hát dân ca xã Hải Phú vẫn thu hút không ít gia đình với nhiều thế hệ tham gia như: nghệ nhân Phạm Thị Hồng Phương cùng chồng và 2 con gái; chị Phạm Thị Linh cùng chồng và con gái; gia đình ông Nguyễn Duy Sung có bố, con trai, con dâu và cháu gái. Họ đều là những nhạc công, cây hát, múa giàu ý tưởng, nhiệt huyết và có tài năng thiên bẩm.

Theo nghệ nhân Phạm Thị Hồng Phương, một trong những ước muốn lớn nhất của CLB đàn và hát dân ca xã Hải Phú là các ngành, các cấp quan tâm, tạo điều kiện giúp CLB mở rộng địa bàn giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, làm phong phú thêm lối diễn xuất cũng như chất lượng nghệ thuật biễu diễn; đồng thời được tạo cơ hội truyền dạy, khôi phục lại những điệu tuồng xưa, lưu truyền cho thế hệ mai sau. Đó là cách giữ gìn nét đẹp văn hóa của cha ông từ ngàn xưa để lại.
 
Trong tiết trời xuân ấm áp, các nghệ nhân CLB đàn và hát dân ca xã Hải Phú say mê, tự hào khúc hoan ca: “...Yêu đất Việt của ta phải yêu mến dân ca/Một câu ví, một khúc quan họ-ngàn đời ông cha truyền lại/Như vàng ngọc quý giá nào hơn...”.
 
                                                                                               Hương Trà