Dương Văn Liên và những ca khúc viết về Lệ Thủy

  • 07:52 | Thứ Sáu, 31/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là người say mê âm nhạc, từ nhỏ, ông Dương Văn Liên, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện Lệ Thủy đã biết chế tác, chơi nhiều loại nhạc cụ. Lớn lên, ông tiếp tục theo học nghệ thuật, gắn bó với ngành văn hóa, thể thao và sáng tác hàng chục ca khúc hay về quê hương Lệ Thủy.
 
Vùng chợ Đôộng, xã Mai Thủy (Lệ Thủy), nơi ông Dương Văn Liên sinh sống những ngày thơ bé trong kháng chiến chống Mỹ là nơi đóng quân, điểm dừng chân của nhiều đơn vị bộ đội, TNXP..., trong đó, có nhiều người biết đàn, hát và chơi các loại nhạc cụ. Theo các anh bộ đội rồi ông yêu và bén duyên với âm nhạc lúc nào không hay. Năm 7 tuổi, ông Liên biết thổi sáo và chơi một số nhạc cụ. Năm 9 tuổi, ông đã biết chép một số bài nhạc và chế tác nhạc cụ như: đàn bầu, sáo. Lớn lên đi học, ông Liên thuộc và hát được tất cả các làn điệu hò khoan Lệ Thủy. Từ đó, ông tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của nhà trường và địa phương.
  Ông Dương Văn Liên đã sáng tác hàng chục ca khúc hay về Lệ Thủy.
Ông Dương Văn Liên đã sáng tác hàng chục ca khúc hay về Lệ Thủy.
Năm 1986, sau khi tốt nghiệp ngành cao đẳng mỹ thuật, ông về công tác tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện Lệ Thủy. Từ đó, ông gắn bó với công tác tuyên truyền, tham gia các hoạt động nghiên cứu văn hóa-văn nghệ của địa phương. Ông bắt đầu ấp ủ sáng tác những bài hát về quê hương, con người, văn hóa Lệ Thủy. Ông Liên kể: “Từ những năm 90 của thế kỷ trước, tôi đã viết khá nhiều bài hát nhưng vẫn chưa công bố được vì nhiều lý do khác nhau. Mỗi bài hát sau khi sáng tác xong, tôi ghi ra giấy A4 rồi cất giữ cẩn thận, khi rảnh thì lấy ra xem lại rồi chỉnh sửa cho phù hợp”.
 
Đến năm 2017, “đứa con tinh thần” mà ông "thai nghén" bấy lâu đã được ra đời, công bố trên các sân khấu âm nhạc và các trang mạng xã hội. Đó là bài hát “Kiến Giang vang vọng câu hò”. Ông Liên kể: “Trước đây đã có khá nhiều nhạc sỹ đưa đò bơi, thuyền đua Lệ Thủy vào các bài hát nhưng vẫn chưa thể hiện hết tinh thần bơi, đua của những chàng trai, cô gái trên vùng sông nước, tinh thần cổ vũ của người xem hai bên bờ. Vậy nên, tôi muốn đưa những gì tốt đẹp, tinh túy nhất của bơi, đua vào ca khúc”. Bài hát ra đời đã được người dân và giới văn nghệ sỹ đánh giá cao.
 
Bởi ông đã đưa các làn điệu hò khoan vào ca khúc, thể hiện được khí thế, tinh thần của lễ hội bơi, đua, ca ngợi vẻ đẹp của dòng sông Kiến Giang, cảnh đẹp quê nhà. “Đẹp tươi đất nước quê hương, non sông rạng rỡ/Lệ Thủy quê tôi, vui mùa trẩy hội/Hô trai dậy sóng, bơi đua rộn ràng/Hò khoan ơi khoan ta hò/Hò hò khoan ơ hò hò khoan/Rộn ràng niềm vui/Đôi bờ Kiến Giang…/Lắng nghe thiết tha câu hò/Hò trai ta cầm chèo lên/Rộn ràng Kiến Giang/Hô trai hô trai…”.
 
Cũng trong thời gian đó, ông đã trình làng ca khúc “Lắng trong câu hò nhân nghĩa”. Với bài hát này, ông đã phát triển thành công mái ba hò khoan Lệ Thủy vào âm nhạc. Bài hát nhằm ca ngợi làn điệu hò khoan của vùng quê sông nước Lệ Thủy, nay đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ông Liên tâm sự: “Hò khoan Lệ Thủy không chỉ là niềm tự hào của người dân Lệ Thủy mà còn là niềm tự hào của người dân Quảng Bình. 
 Nhiều chương trình nghệ thuật của huyện Lệ Thủy do ông Dương Văn Liên đạo diễn.
Nhiều chương trình nghệ thuật của huyện Lệ Thủy do ông Dương Văn Liên đạo diễn.
Những làn điệu hò khoan mượt mà, sâu lắng, nghĩa tình khiến ai nghe một lần cũng sẽ nhớ mãi”, nói xong, ông cất vang tiếng hát: “Hò là hố hò khoan/Hò là hố hò khoan/Nặng tình Kiến Giang thương về Nhật Lệ/Nghe giọng hò khoan xao xuyến bồi hồi/Vương vấn tình quê câu hò Lệ Thủy/Nặng ân tình mỗi nhịp hò khoan/Ơi khoan, ơi hò khoan, ơi khoan/Quảng Bình thương về Lệ Thủy/Sắt son mà nghĩa tình/… Nặng lòng nhớ thương đôi bờ Nhật Lệ/Nghe nhịp chèo khua sông nước bồi hồi/Thương nhớ làng quê, câu hò bịn rịn/Nặng nghĩa tình mỗi nhịp hò khoan”.
 
Đến nay, ông Dương Văn Liên đã có trên 20 bài hát được phối khí. Trong đó, có nhiều bài được khán, thính giả đón nhận và đánh giá cao như bài: Lời ru miền Trung, Mẹ tôi, Kiến Giang chiều bến đợi, Quảng Bình lời ru, Ngàn thu vẫn đợi... Các ca khúc của ông đều chứa đựng tình yêu quê hương, đất nước, trân quý giá trị lịch sử, văn hóa của quê hương và những nơi ông đến.
 
Nhạc sỹ Dương Viết Chiến đánh giá: “Dương Văn Liên thực sự là người đa tài. Bởi anh có thể sử dụng tốt nhiều loại nhạc cụ truyền thống lẫn hiện đại, giọng hát cũng khá tốt. Mỗi bài hát do anh sáng tác đều thể hiện được sự tinh tế, vốn văn hóa đa dạng, có chiều sâu. Đặc biệt, nhiều bài hát của anh đã vận dụng rất thành công hò khoan Lệ Thủy cũng như các làn điệu dân ca Bình-Trị-Thiên, dân ca Nghệ Tĩnh và không bao giờ trùng lặp với ai”.
 
Ông Liên chia sẻ: “Để viết được nhạc, đòi hỏi người viết phải thực sự đam mê, có cảm xúc, chất liệu riêng của mình, có kiến thức về âm nhạc nói riêng và kiến thức tổng hợp nói chung. Khi có ý tưởng viết, cần vạch tứ, chọn dòng nhạc rồi mới triển khai. Có khi cảm xúc dâng trào, tôi liền lấy giấy bút ra viết ngay”. Với sự thành công trên con đường nghệ thuật, ông Liên đã nhiều lần giúp huyện Lệ Thủy và các địa phương, đơn vị dàn dựng, đạo diễn các chương trình văn nghệ, trong đó có 4 chương trình do ông đạo diễn đạt giải nhất các cuộc thi cấp tỉnh và hàng chục giải cấp huyện…
 
Xuân Vương