"Xứ Cộn" bình yên!

  • 08:38 | Chủ Nhật, 10/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cho đến bây giờ, vẫn chưa có ai hiểu rõ về xuất xứ địa danh Cộn, vùng đất phía tây thành phố Đồng Hới. Trong ký ức của nhiều người dân Đồng Hới, Cộn là một địa danh gợi nhớ với dáng dấp bình yên và mang đặc trưng rất riêng. Qua bao năm tháng, những ký ức về vùng đất này vẫn đậm sâu, chân chất và bình yên, mặc cho cuộc sống có bao nhiêu đổi thay.
 
Những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi thành phố Đồng Hới hãy còn là một thị xã thưa thớt bóng người, xe và rất hiếm những ngôi nhà cao tầng, thì Cộn vẫn được xem là vùng đất trung tâm của thị xã. Con đường đất đỏ khiêm nhường (nay là đường Lê Lợi) mà nhiều người dân Đồng Hới lúc bấy giờ vẫn đi, chạy dọc giữa những cánh đồng lúa xanh mát, dẫn đến “xứ Cộn bình yên” là ký ức đẹp mà nhiều người thuở ấy không thể nào quên.
Con đường rợp bóng xà cừ.
Con đường rợp bóng xà cừ.
Cộn thuở ấy dù chỉ còn một số ít cơ quan hành chính, trường học, doanh trại quân đội đóng quân, nhất là sau thời điểm Quảng Bình trở về địa giới cũ vào năm 1989, thì cũng không vì thế mà vị thế của vùng đất này trở nên thay đổi trong lòng người dân Đồng Hới. Ngược lại, ký ức về vùng đất này dường như còn rõ nét hơn. Để trong những câu chuyện, người ta thường buột miệng nhắc đến những con người, những câu chuyện, những hương vị ẩm thực… đã góp phần tạo dựng nên địa danh Cộn với những nét đặc sắc không trộn lẫn với bất cứ vùng đất nào.
 
Theo lời kể của anh Phan Thanh Xuân, một người say mê tìm hiểu lịch sử Quảng Bình và xuất xứ địa danh này, thì Cộn không phải là tên do chính quyền hành chính hay người dân Đồng Hới sơ tán lên đây đặt. Vào thời kháng chiến chống Pháp, khu vực này không có dân ở, chỉ có một số ít người dân lân cận lên làm rẫy. Cho đến những năm 1966-1967, khi chiến tranh chống Mỹ trở nên ác liệt, nhiều cơ quan của tỉnh sơ tán lên đây, cái tên Cộn cũng xuất hiện từ đó nhưng nguyên do đâu thì vẫn chưa lý giải được.
 
Dẫu vậy thì tình yêu, niềm tự hào của người dân Đồng Hới đối với vùng đất này vẫn đằm sâu như thuở ban đầu. Cộn có những con người đặc biệt mà chỉ cần hỏi đến ai ai cũng biết. Đó là bác Tý mù, người từng mò mẫm học văn hóa, học đàn và trở thành tay ghi-ta cự phách. Là mệ Nhỏ, người có hơn nửa thế kỷ làm nghề uốn tóc để cho đến bây giờ, ở tuổi ngoài 80 vẫn còn nhiều cư dân tín nhiệm tay nghề của mệ. Đó là anh Sửu cụt cả hai tay nhưng pha cà phê ngon khó ai sánh kịp… Ôn chuyện cũ về Cộn, dường như không thể không nhắc đến những con người đó, bởi cuộc đời bình dị nhưng đặc sắc của họ đã góp phần tạo nên xứ Cộn rất riêng.
 
Cộn có những món ăn gần như trở thành truyền thuyết. Đó là cháo canh, cháo gà, bánh bèo, bánh ướt, bánh chưng… mà mỗi món ăn được gắn với một tên người cụ thể. Để cuộc sống dẫu bận rộn, thì không ít lần, người Đồng Hới sống ven sông Nhật Lệ rực rỡ ánh đèn phố xá, vẫn dành thời gian lên Cộn để ăn những món ăn xưa cũ trong những quán nhỏ mấy chục năm chưa từng đổi chủ. Dẫu bây giờ Cộn đã xuất hiện nhiều biệt thự, nhà vườn, dẫu con đường dẫn lên Cộn giờ thênh thang rộng mở, ruộng lúa hai bên đường dần thu hẹp, nhường chỗ cho những khu đô thị mới, thì Cộn vẫn giữ được nét khiêm nhường và bình yên pha chút kiêu hãnh trước những đổi thay.
 
Chợ quê với bóng dáng mệ già và bảo sản vật vườn nhà.
Chợ quê với bóng dáng mệ già và bảo sản vật vườn nhà.
Là vùng đất thuộc trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh, khi du lịch phát triển mạnh mẽ hay “bão giá” leo thang, cư dân Cộn vẫn bình thản với đĩa bánh bèo 10 nghìn, tô cháo canh 12 nghìn. Họ an yên bên trong những nếp nhà cũ kỹ có hàng rào đơn sơ bằng chè mạn hảo hay hàng râm bụt. Khi thời trang biến ảo như lốc xoáy, người Cộn vẫn bình thản mang áo quần cũ đến cổng chợ thuê anh thợ nhuộm làm mới bằng cách nhuộm màu thủ công mấy chục năm không đổi. Và chợ Cộn, nơi có những mệ già bán mua sản vật vườn nhà, những mẹ, những chị mang làn đi chợ, bên trong là tập lá chuối, lá vả để gói đồ ăn. Qua bao năm tháng, nơi này vẫn mang dáng dấp chợ quê với cùng những câu chuyện bất tận, những nụ cười hồn hậu của người dân xứ này…
 
Trong ký ức của tôi và nhiều bạn bè, Cộn là những ngày mệt nhoài nhưng đầy háo hức trên chiếc xe đạp cũ kỹ đi trên con đường xuyên qua cánh đồng lúa để học chuyên những năm học cấp hai; là những đêm bon chen cùng chúng bạn đi xem văn nghệ ở Trường trung cấp Kinh tế vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Bây giờ, đôi khi chạy xe lên Cộn chỉ để uống ly cà phê hay nước dừa bên quán nhỏ gần công viên Đồng Sơn; ngắm nghía những gốc hồng cổ trĩu trịt hoa khoe sắc nơi bờ rào; chụp dăm ba bức ảnh điệu đà bên những gốc xà cừ cổ thụ trầm tư soi bóng xuống mặt hồ, để thấy cuộc sống dường như trôi chậm hơn, bình yên hơn!
 
Bởi tất cả những điều bình dị đó, nên dẫu không phải là một cư dân nơi đây, thì tôi và có lẽ nhiều người khác nữa, đã và sẽ luôn yêu “xứ Cộn” bình yên!
 
Diệp Đồng