Nhớ các anh…

  • 07:59 | Thứ Tư, 29/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cũng như ở mọi làng quê khác, thanh niên luôn là lực lượng đi đầu trong hoạt động văn hóa, văn nghệ ở quê tôi trong những năm tháng hòa bình trên miền Bắc. Nhưng khi chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ diễn ra, phần lớn trong số họ đã thành người lính. Thời gian đã lùi xa, nhưng ký ức về thế hệ ấy còn mãi trong tôi.
 
Làng tôi thuộc loại lớn, ngày trước được chia thành ba giáp với tên gọi là giáp Nam, giáp Đông và giáp Tây. Giáp Tây có những người thổi sáo thật hay. Những đêm khuya thanh vắng, tiếng sáo từ xóm Tây cứ trầm bổng thiết tha, lan tỏa, gợi nhớ…
 
Tôi thuộc thế hệ sinh ra khi miền Bắc vừa im tiếng súng, tuổi thơ sống trọn trong hòa bình trước khi chiến tranh phá hoại của Mỹ diễn ra (1965). Thấm đẫm trong ký ức tuổi thơ là những ngày tháng hòa bình yên vui trên làng quê. Những đêm trăng sáng, đường làng rộn tiếng nói cười, đặc biệt là tại ngã tư đường nơi tiếp giáp ba giáp của làng, thanh niên tụ tập trò chuyện đến khuya mới giải tán. Những cuộc vui do thanh niên trong làng tổ chức thật sự náo nhiệt và cuốn hút. Những đêm văn nghệ với nhiều tiết mục tự biên, tự diễn, trong ánh đèn “bão”, đuốc thắp bằng dầu madút xin được ở tổ lái máy cày, sân khấu là những vật liệu mượn của dân từ cọc tre đến sạp ván…
 
Những khi đó, chúng tôi chỉ có mong trời chóng tối và bao giờ cũng là những khán giả đến rất sớm, ngồi ngay ngắn nơi gần sân khấu nhất. Rồi những trận đấu bóng đá giữa thanh niên các xóm cũng gay cấn, hồi hộp và cả đẹp mắt. Thú vị nhất là những buổi phát bánh chưng cho thiếu nhi trong làng do thanh niên tự làm nhân dịp 1-6…
 
Thanh niên trong làng, nói như ngôn ngữ bây giờ là thần tượng của chúng tôi. Những tiết mục, động tác mà họ đã thực hiện trong những đêm biểu diễn văn nghệ hay những pha bóng điệu nghệ thường được chúng tôi học theo trong các buổi vui chơi sau đó...
 
Nhưng rồi những cuộc vui như chững lại. Dù còn bé nhưng tôi vẫn cảm nhận được những điều lớn lao đang đến dù chưa thực sự rõ ràng, cụ thể-chiến tranh. Những chàng trai lần lượt ra đi. Những buổi chia tay liên tục diễn ra và cùng với đó vắng dần những cuộc vui ở làng quê. Rồi đến lúc hầu hết thanh niên làng tôi đã lên đường làm người lính. Sự hụt hẫng cứ lớn lên, dù bạn bè cùng trang lứa vẫn còn đó, những trò chơi của tuổi thơ vẫn tiếp diễn. Những đêm thanh vắng, tiếng sáo từ xóm nhỏ luôn làm tôi thổn thức. Tiếng sáo không chỉ là giai điệu êm đềm, thanh bình mà như gợi nhớ da diết những ngày vui, những năm tháng hòa bình trên miền quê yên ả… Tự trong tôi thốt lên, biết đến khi nào các anh trở lại để làng quê đông vui như trước? Đó là một câu hỏi không có lời đáp vào lúc đó.
 
Nhiều năm sau, khi lớn lên và cũng thành người lính, tôi mới cảm nhận đầy đủ về giai đoạn đầu của cuộc chiến trực diện với quân Mỹ. Đấy là khi quân Mỹ tràn vào miền Nam để thực hiện cuộc “chiến tranh cục bộ” đầu năm 1965. Và cũng hiểu hơn về một thế hệ thanh niên đã để lại những dấu ấn của làng quê thân thương trong ký ức tuổi thơ của chúng tôi và cả những điều lớn lao hơn!
 
Cuộc chiến với một kẻ thù quá mạnh, ta chưa hiểu gì nhiều, câu hỏi lớn lúc này là làm thế nào để đánh Mỹ và thắng Mỹ. Nhưng như một “định mệnh”, kẻ khổng lồ nào mà chẳng có "gót chân A-Sin"? Chiến thuật “nắm thắt lưng địch mà đánh” là một nhát cắt bén ngọt vào "gót chân A-Sin" của Mỹ và có ý nghĩa quyết định, là đột phá khẩu xoay chuyển cục diện cuộc chiến lúc bấy giờ.
 
“Nắm thắt lưng địch mà đánh” là đánh gần, đánh nhanh, di chuyển nhanh, đánh liên tục để hạn chế tối đa thương vong trước ưu thế hơn hẳn về hỏa lực của địch. Trọng trách đó đặt nặng lên vai những người lính trong giai đoạn này, trong đó có những thanh niên làng tôi nhập ngũ trước khi chiến tranh phá hoại xẩy ra trên miền Bắc.
 
Vâng, cũng như thanh niên bao làng quê khác, đấy là một thế hệ chịu đựng nhiều gian khổ, quen với đói nghèo, lăn lóc với ruộng đồng, với rừng núi cho họ sự dẻo dai, đặc biệt là sự tháo vát. Và họ đã góp phần quan trọng làm tròn sứ mệnh thiêng liêng, đánh Mỹ và thắng Mỹ trong giai đoạn đầu của cuộc chiến… Rồi cả một thập kỷ tiếp theo, họ cùng những thế hệ tiếp nối vượt qua muôn trùng gian khổ, hy sinh cho ngày toàn thắng 30-4-1975.
 
Sau ngày toàn thắng nhiều người trong số họ không về hoặc trở về trong thương tật. 45 năm đã đi qua, kể từ ngày đất nước thống nhất, làng quê thanh bình của những người lính giai đoạn ấy vẫn còn đó, cuộc sống vẫn tiếp diễn, nhưng nay đã có bao đổi khác. Với làng quê thân thương, các anh là một thế hệ “vàng” và mãi nhớ đến các anh!
 
                                                Đồng Hới, tháng tư 2020.
                                                                                         Văn Hoàng