Cùng qua giông bão

  • 08:31 | Chủ Nhật, 05/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bạn bảo, những ngày này, khi ngắm những gương mặt bị che kín sau chiếc khẩu trang, chợt nhìn rõ hơn lòng tốt của những người sống quanh ta. Bao nhọc nhằn mưu sinh và cả ước mơ, hoài bão dường như đã được cất giữ ở nơi sâu kín, nhường chỗ cho sự âu lo, quan tâm và sẻ chia như tấm lòng của người mẹ. Tất cả cho sự bình an của mọi người, mọi nhà. Tình yêu bình dị và những hy sinh lặng thầm ấy đã khiến người với người gần nhau thêm…
 
Bạn cũng bảo, nắm tay nhau vượt qua giông bão, phải chăng là hình ảnh của những người lính áo xanh, áo trắng hôm nay, khi họ căng mình nơi tuyến đầu, đối mặt với những hiểm nguy lặng thầm để giữ bình yên cho cuộc sống? Phải rất lâu, rất lâu rồi, chúng ta sống trong sự bình yên thường nhật, bận rộn với những hạnh phúc, lo toan, mong ước và cả những mệt mỏi, buồn bã… nên vô tình, sợi dây kết nối giữa mọi người đôi khi quá mỏng manh và bị khuất lấp. Cho đến bây giờ, khi phải đối mặt với sự hiểm nguy, chứng kiến sự gian khổ, hy sinh của bao người, sự cảm kích, tình yêu thương chợt dâng đầy trong lòng chúng ta. 
Những người lính áo xanh, áo trắng trên tuyến đầu chống dịch.
Những người lính áo xanh, áo trắng trên tuyến đầu chống dịch.
Nên có lẽ, ở một khía cạnh khác, "Cô Vy", như tên gọi đùa rất lạc quan của mọi người về đại dịch Covid-19, cũng giúp chúng ta nhìn rõ hơn nhiều điều. Khi ngắm nhìn những gương mặt che kín sau khẩu trang, chúng ta nhìn rõ hơn đôi mắt lấp lánh cười. Chúng ta cũng thôi nắm tay nhau trong đời thực, nhưng trong lòng mỗi người đều chứa đựng những cái nắm tay ấm áp, động viên nhau vượt qua khó khăn. Và khoảng cách địa lý không có nghĩa gì, khi ở nơi tâm dịch Vũ Hán xa xôi và nhiều nơi trên thế giới, giữa sự đe doạ, rình rập của cái chết, những công dân, bất kể địa vị nào, đều được đất nước gọi tên và đón về quê hương trên những chuyến bay đặc biệt. Có biết bao giọt nước mắt cảm động và biết ơn đã rơi trên những chuyến bay đó, trong những cuộc hội ngộ nơi quê nhà…
 
Và có lẽ cũng lâu lắm rồi, chúng ta mới cùng nhau chăm chú dõi ánh nhìn về một hướng như bây giờ. Đó là phía bìa rừng, nơi mọi người cùng ngóng đợi một du khách nước ngoài bay trên chuyến bay có bệnh nhân Covid-19; là chương trình thời sự về những cuộc họp khẩn lúc gần nửa đêm; là những gương mặt chính khách giờ trở nên thân quen, đáng mến như người nhà; là nỗi mừng vui nghẹn ngào trái tim khi một người xa lạ nhận kết quả xét nghiệm âm tính… Gian khó, hoạn nạn mà ấm lòng biết bao!
 
 Tình yêu thương, sự cảm phục của mọi người dành cho các anh
Tình yêu thương, sự cảm phục của mọi người dành cho các anh
Và tôi cũng muốn kể cho bạn nghe những điều đẹp đẽ mà tôi may mắn được chứng kiến. Đó là cậu lính trẻ ở khu cách ly nhiều ngày không gặp gia đình. Những khi rảnh rỗi, cậu tranh thủ nhắn tin cho mẹ báo rằng con vẫn khỏe mạnh, lúc nào tình hình ổn định con sẽ về. Mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe và xin đừng lo lắng bệnh dịch vì chúng ta đã và đang làm rất tốt. Mỗi ngày của người lính trẻ và đồng đội của mình bắt đầu từ 4 giờ 30 phút sáng, khi chúng ta vẫn còn ngon giấc. Nhiệm vụ của họ giản dị là cơm dẻo, canh ngon, tận tình phục vụ để những người bị cách ly cảm thấy nơi đây ấm áp như ở nhà… 
 
Đó là câu chuyện về những y, bác sỹ với gương mặt bị những vết hằn sâu bởi nhiều ngày đeo khẩu trang, dù nhiệm vụ đầy nhọc nhằn, hiểm nguy nhưng đôi mắt vẫn luôn lấp lánh cười. Họ tất bật ngược xuôi trong những bộ đồ bảo hộ, tranh thủ chợp mắt vội vàng giữa hai ca trực để cho chúng ta niềm tin và hy vọng sau rất nhiều những lo sợ, hoang mang…
 
“Chống dịch như chống giặc”, “Không ai bị bỏ lại phía sau” không còn là những câu khẩu hiệu nữa bởi nó xuất phát từ quyết tâm và những tấm lòng. Và trong cuộc chiến ấy, chúng ta có những doanh nhân chân đất, chàng ca sỹ thần tượng, cô người mẫu nổi tiếng, chị công nhân, bác nông dân, em học sinh… người góp gạo, góp tiền, người chăm chỉ trồng lúa, ngô, khoai, sắn, sản xuất nhu yếu phẩm… để nhà nhà yên tâm chống dịch. Chúng ta có những tin nhắn yêu thương và trách nhiệm để chung tay giúp đất nước vượt qua những ngày gian khó!
 
Dĩ nhiên, đâu đó vẫn còn những câu chuyện buồn. Đó là thái độ bơ đi mà sống, sự bàng quan, chỉ biết lo cho bản thân mình trong cơn đại dịch của một số người; là sự thiếu trung thực trong cách hành xử và gây ra hậu họa; là hành vi “đục nước béo cò”, thu lợi bất chính từ chính đồng bào mình trong cơn hoạn nạn của những gian thương… 
 
Nhưng hơn hết là niềm tin, tình yêu thương và những tấm lòng sẻ chia đang mỗi ngày nhân lên trong cơn đại dịch. Có thể, con đường chúng ta đi vẫn còn dài, phía trước vẫn còn nhiều khó khăn. Những người lính áo trắng, áo xanh, tư lệnh ngành, chính khách… và mỗi một người dân bình thường sẽ tiếp tục những bữa cơm vội vã, những hồi hộp, âu lo và đợi chờ, chia xa! Nhưng chúng ta có thêm nhiều những câu chuyện cảm động từ “cuộc chia tay 14 ngày” đầy bịn rịn ở những khu cách ly…
 
Và những cái nắm tay vẫn luôn ấm áp, đồng hành cùng chúng ta đi qua bão giông!  
Diệp Đồng