Chỉ còn lại mùa quên

  • 08:54 | Chủ Nhật, 15/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nếu chuyến xe ấy không phanh đột ngột để vớt vát thêm vài vị khách cuối ngày thì có lẽ Thiện sẽ còn chợp mắt thêm được mươi mười lăm phút nữa. Anh gừm lên một tiếng bực bội khi bị va đập khá mạnh vào lưng ghế phía trước. Định bụng chửi thề nhưng Thiện thôi khi mọi người trên xe đã xôn xao.
 
“Lên nhanh đi với, đã muộn rồi còn lề mề”. “Hai bà này leo lên kia ngồi, còn cậu kia xuống dãy ghế phía sau ấy, hàng hóa chật chội chịu khó tý”. Chiếc xe bắt đầu rú lên một tràng âm thanh nghèn nghẹt, tắc ứ.  “Ô... còn ông lão kia...”. “Ối dào... lão điên... ngày nào mà chả lao ra đường vẫy xe! Mấy bận trước tưởng người bình thường dừng lại đón, hóa ra chập mạch!”, gã tài xế một tay cầm vô lăng, một tay mằn mò bao thuốc lá bên cạnh. Gã châm lửa rít một hơi dài và nghiêng đầu nhả ngụm khói ra ngoài ô cửa kính. Rồi như bỗng nhớ lại, gã cười phá lên:
 
“Hôm trước quá may, tao suýt nữa bị ăn hại khi lão tạt ngang qua đầu xe”. Tay phụ xế cười khằng khặc: "Nom cũng nghệ sỹ phết, áo vét, cặp số, mũ cao bồi, giày đinh... không biết ai cho hay lượm đâu mà cũng đầy đủ mốt, lão cứ như đài phát thanh cả ngày không mỏi miệng."
 
“Chúng tôi sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường tranh đấu, đi bất cứ đâu, làm bất cứ điều gì Tổ Quốc cần, còn đế quốc Mỹ thì không thể hạnh phúc. Pằng... pằng... pằng... nhằm thẳng quân thù mà bắn, mười cô gái thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc, các chị em đã phất  cao ngọn cờ 3 sẵn sàng, 5 thanh niên xung phong đem sức trẻ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước...”. Bất giác, Thiện ngoái đầu lại nhìn người đàn ông đang xa dần trong tầm mắt mình, một dáng người liêu xiêu nhòa đi trong vạt nắng chiều khiến Thiện thấy chạnh lòng. Trước mặt anh là một dãy lô cốt xám xịt, vài ba chú chiền chiện đang cố vươn cao cần cổ lên hót. “Ôi hoa khuy muội, mùa này hoa đã nở rồi ư?” Thiện gần như rớt nước mắt khi bắt gặp đám hoa màu vàng đang nép mình dưới chân lô cốt. “Cho tôi xuống”, anh gần như ra lệnh. Chiếc xe lần nữa phanh đột ngột và hành khách lại được dịp để nhao lên: “Từ nay tởn đi xe này”. 
Minh hoạ: Tiến Hành
Minh hoạ: Tiến Hành
Thiện ngắt vài đóa khuy muội đặt lên lòng bàn tay ngắm nghía, mùi hương dịu nhẹ luồn thẳng vào ngực anh và len lên não, bao ký ức ùa về, dịu dàng và êm đềm quá đỗi. Bỗng từ phía sau lưng anh, một tràng cười giòn giã cất lên: "Hahaha... hoa này... ở kia... nữa này.. .nhiều... nhiều vô kể... Mùa xuân năm 1975, sau khi bị mất toàn bộ quân khu 1 và 2, một nửa binh lực của quân ngụy đã bị tiêu diệt, ha... ha... haaaa... trong thế tan rã chiến lược hầu như không thể cứu vãn nỗi...”
 
Lão ấy bị hội chứng chiến tranh sao? Thiện bừng tỉnh hẳn như vừa trải qua một giấc mơ đau buồn. Anh tiến về phía lão quét một lượt từ trên đầu xuống tận gót chân, từ chiếc cặp số cũ kỹ thò ra một phần cây sáo trúc. Dù biết người ấy bị điên nhưng Thiện vẫn phác một cử chỉ rất lễ phép:
 
-Thưa ông, tôi có thể xem cây sáo trúc này được không?
 
- Hây, điên à, tàng à... không được lấy của tôi.
 
Đôi mắt lão phát ra những tia sợ hãi rồi ôm cái cặp chạy thốc vào một trong số những chiếc lô cốt có hình thù kỳ dị bởi bao vết thương nhăm nhở. Lão hé mắt thăm dò Thiện qua lỗ hỏng. Trời ơi, Thiện gần như thốt lên, cả một cụm lô cốt lớn bé-hiện thân của những năm tháng khốc liệt một thời giờ nằm lặng lẽ bên đường rong rêu phủ đầy. Chúng cũ kỹ dần theo năm tháng nhưng đó lại là những hình ảnh yên bình đến lạ thường. Thiện đi vòng xung quanh những chiếc lô cốt, hé mắt nhìn vào, khoảng tối rờn rợn và mùi ẩm thấp xộc vào khoang mũi, bất chợt, anh nhận thấy dưới chân mình như có một chất gì nhẫy nhượt đổ lên. Thiện há hốc miệng hết cỡ, mắt trợn mở tối đa, một con rắn cuộn tròn ngóc cái đầu nhọn hoắt lơ láo nhìn Thiện như thách thức: "Chỉ cần ngươi nhích một bước là ngay lập tức sẽ được tặng một phát chí tử”.
 
Thiện gần như nín thở nhưng trái tim chỉ muốn bật ra khỏi lồng ngực. Anh đứng yên bất động, mắt nhắm nghiền. Bỗng từ trong lô cốt, một điệu sáo ngân nga réo rắt phát ra: "Đường tôi đi núi chênh vênh, dệt tình yêu quê hương thống nhất. Đời tôi như cánh chim bay, cánh chim bay suốt dãy Trường Sơn. Ôi non xanh  nước biếc, luôn dìu chân tôi bước tiếp…”
 
Chỉ qua lỗ hổng thôi nhưng Thiện vẫn quan sát rất rõ hình ảnh của lão lúc này, đôi mắt khép hờ và mái đầu nghiêng nghiêng theo từng giai điệu. Có lúc Thiện lại thấy lão như một người đang tập khí công, hơi thở hít sâu và những đầu ngón tay rất linh hoạt.
 
Tiếng sáo dứt từ lâu nhưng Thiện vẫn chưa thoát khỏi làn âm thanh mê đắm ấy. Con rắn rời khỏi chân Thiện từ lúc nào chẳng hay, chỉ thấy một vệt dài xa xa trên thảm cỏ rưới đẫm hoàng hôn ngọt lịm.
 
                                                       ***                                                                   
 
- Thưa bác sỹ tình hình mẹ tôi thế nào rồi ạ?
 
- Hiện giờ, sức khỏe của mẹ cậu đã tạm ổn rồi, cậu đừng quá lo lắng nhé.
 
- Ôi, một tin tốt lành, tôi cảm ơn bác sỹ nhiều ạ.
 
Thiện chạy một mạch tới Khoa Hồi sức cấp cứu. Mẹ anh đang nằm trên giường bệnh, đầu ngoảnh về hướng cửa sổ, chẳng cần quay lại bà cũng đã đoán được đứa con nào đang đến.
 
- Con có hỏi thăm ai được điều gì không hở Thiện?
 
- Dạ, mẹ!
 
Thiện nắm chặt lấy tay bà cố ngăn không cho dòng nước mắt chảy tràn xuống má. Bà như linh cảm được điều gì đó bất thường khi thấy đứa con trai cứ xiết chặt lấy tay mình run rẩy.
 
- Có chuyện gì con nói đi Thiện.
 
- Mẹ… mẹ ơi… cha còn sống, cha không phải hy sinh đâu!
 
- Thế… tại sao… tại sao giấy báo tử?
 
Bà Huê chưa kịp bật người ngồi dậy thì luội ngay xuống giường. Có lẽ bởi cái tin mà con trai bà mang đến ngoài sức tưởng tượng. Bà cứ nghĩ con trai sẽ mang về tin tức hài cốt cha nó đang nằm ở đâu hoặc là không có manh mối nào. Đằng này một tin như thế khiến bà choáng váng và không tin nổi vào tai mình.
 
Thiện ôm chặt lấy mẹ, giọng nghẹn ngào:
 
- Cha còn sống nhưng đã mất hết trí nhớ. Khi vô đó, lần theo thông tin từ người bạn của cha cung cấp, con được biết cha con đã lưu lạc khắp nơi, lọt vào vùng sâu, vùng xa của đất Campuchia ròng rã mấy chục năm trời, sau đó không biết bằng cách nào mà cha đã về được Việt Nam và cứ đi lang thang cho đến tận bây giờ. Người bạn của cha cũng bị bắt thời gian đó, ông cũng bị địch hành hạ chết đi sống lại nhiều lần nên đầu óc bây giờ cũng lúc nhớ lúc quên, hơn nữa, giờ hai mắt của ông ấy gần như mù hẳn, tay chân tê liệt nên có muốn thông tin cho gia đình bạn cũng vô vàn khó khăn.
 
- Thế rồi con gặp cha con ở đâu?
 
- Trong một cụm lô cốt cũ ở miền Trung, con không hiểu sao lúc ấy trời xui đất đẩy thế nào mà con nhảy xuống xe rồi đi đến đó. Khi con đang đứng ngắm những bông hoa khuy muội thì có một người đàn ông xuất hiện sau lưng, đột nhiên trong con xuất hiện một linh cảm rất khó tả, vừa xúc động vừa nghẹn ngào, đau xót… Và rồi không sai, người đó chính là cha con.
 
Thiện bùi ngùi. Hồi đó, tuy Thiện còn nhỏ nhưng anh vẫn nhớ như in cái nốt ruồi to bên đuôi mắt trái ấy. Thiện vẫn thường vân ve ngón tay mình lên đó sau khi cài những đóa khuy muội lên tai ông. Nước mắt Thiện chảy dài khi những kỷ niệm ùa về. Và có lẽ trong ký ức của mẹ, của anh sẽ không bao quên được cái chiều cuối thu năm 1979, gia đình nhận tin ông đã hy sinh tại Campuchia trong trường hợp chiến đấu mất tin. Thời gian sau giấy báo tử được gửi về…
 
- Ối ông Đằng ơi! Ông còn sống thật sao? Con có nhầm ai không hở Thiện? Hức…hức… 40 năm, tôi đã lập bàn thờ vọng cúng giỗ ông. Tôi đã đau đớn, xót xa biết nhường nào trong suốt mấy chục năm qua khi nghĩ đến ông không biết đang nằm ở con suối nào, cánh rừng nào…
 
- Mẹ, mẹ ơi… Bây giờ cha đã trở về với gia đình rồi, chúng ta phải vui mừng lên mẹ nhé, mẹ đừng khóc nữa, để con kêu xe đưa mẹ về nhà.
 
Trước khoảnh vườn nhỏ, cây vú sữa xòe tán che rợp cả một góc sân, bà con lối xóm đang xúm xít quanh ông, người sờ vai, người nắn tay, nắn chân… “Trời đất ơi là ông Đằng sống sót trở về thật rồi!”.
 
Bà Huê, một lần nữa gần như lịm đi trong tay Thiện, phải một lúc sau bà mới trấn tĩnh lại được. Ông Đằng… Ông về thật đó ư?
 
- H..u…ê… Huê… Tự dưng môi ông mấp máy, buông cây sáo rơi xuống đất. Phút tỉnh táo bất ngờ vụt lên sau 40 năm đằng đẳng chìm trong nhớ nhớ quên quên…
 
                           Trác Diễm