Một thoáng nước Nga-Bài 1: Matxcơva-"trái tim" nước Nga

  • 09:53 | Chủ Nhật, 10/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Qua thi ca, thiên nhiên, tâm hồn, tính cách Nga khá thân thuộc với thế hệ chúng tôi. Nhưng một lần được đến nước Nga, dù chỉ thoáng qua cũng để lại ấn tượng khó phai mờ…
 
Thật may mắn, khi đến Matxcơva, chúng tôi gặp được Xec-gây, hướng dẫn viên du lịch người Nga khá thông thạo tiếng Việt. Xec-gây đã từng học khoa Tiếng Việt ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, rất nhiệt tình, thân thiện với các đoàn khách du lịch Việt Nam, anh nói: “Matxcơva là "trái tim" của nước Nga nhưng trước hết, tôi muốn đưa các bạn đến trái tim của Matxcơva”.
 
Từ khách sạn vào trung tâm thành phố xe chạy gần một tiếng, Xec-gây tranh thủ giới thiệu cho chúng tôi nghe sơ lược lịch sử thành phố. Matxcơva được hình thành vào năm 1147 từ một thị trấn nhỏ bé. Năm 1156, Công tước Iuri Dolgoruki cho dựng tường gỗ và đào hào xung quanh để ngăn chặn nạn cướp phá. Đến năm 1237, Matxcơva bị đế chế Nguyên Mông xâm lược, tiếp sau là người Tarta, liên quân Ba Lan-Lit va rồi đến Napoleon Bonaparte chiếm đóng. Gần 900 năm Matxcơva phải trải qua biết bao biến cố nhưng "trái tim" của nước Nga chưa bao giờ ngừng đập. 
 Tác giả với hướng dẫn viên Xec-gây
Tác giả với hướng dẫn viên Xec-gây 
Điện Kremlin và Quảng trường Đỏ là "trái tim" của Matxccơva tập trung nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu cho các giai đoạn lịch sử nước Nga. Xéc-gây giải thích,  “Kremlin” tiếng Nga là một danh từ chỉ thành quách, ngay ở Matxcơva cũng có nhiều Kremlin nhưng khi nói đến Điện Kremlin là nói đến Kremlin cổ nhất ở trung thành phố, là biểu tượng của Matxcơva và của cả nước Nga, được tổ chức UNESSCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1990.
 
Điện Kremlin là công trình đầu tiên xây dựng từ năm 1147 trên đồi Borovitski để bảo vệ cư dân trong thị trấn.  Các thế kỷ tiếp sau lãnh thổ Kremlin được mở rộng và các bức tường bằng đá trắng thay cho các bức tường gỗ sồi. Thế kỷ 15, Đại công tước toàn Nga Ivan III tổ chức tái thiết Kremlin, ông mời nhiều kiến trúc sư Ý thiết kế và cho xây dựng nhiều công trình lớn như nhà thờ Blagoveshchenki, Arkhageski, cung điện Granovitaya, tháp chuông Ivan Veliki và hệ thống tường thành, pháo đài, tháp canh xung quanh Kremlin. Năm 1812, Matxcơva bị Napoleon Bonaparte chiếm đóng. Khi rút lui Bonaparte ra lệnh đặt mìn phá hủy một số công trình sau đó phải mất 20 năm mới phục dựng lại. Trong thời Xô Viết, năm 1959 đến năm 1961, người ta xây dựng cung Đại hội Kremlin.
 
Đến Kremlin như đến với một bảo tàng khổng lồ ngoài trời mà ở đó, mỗi con đường, vườn hoa, nhà thờ, tháp chuông… đều ghi dấu lịch sử một thời bi hùng của Matxcơva nói riêng và nước Nga nói chung.
 
Nằm ở phía đông Điện Kremlin, cách dãy tường thành là Quảng trường Đỏ, nơi từng tổ chức lễ đăng quang của các Nga Sa hoàng trước đó. Phía nam Quảng trường Đỏ trước đây là nhà thờ thánh Basil được xây dựng giữa thế kỷ 16 để kỷ niệm chiến thắng ở Kazan và Astrakhan. Phía bắc là Bảo tàng lịch sử quốc gia Nga do vua Alexander đệ nhị cho xây dựng vào cuối thế kỷ 19. Ở trung tâm là lăng V. Lê-nin, nơi đặt thi hài lãnh tụ Xô Viết. Hôm chúng tôi đến vẫn có hàng nghìn người xếp hàng thành kính đợi đến lượt vào viếng Người.
 Nhà ga trong tàu điện ngầm.
Nhà ga trong tàu điện ngầm. 
Trên từng viên đá lát của quảng trường đã hằn in bao dấu tích gắn với lịch sử oai hùng của dân tộc Nga. Mùa đông năm 1941, khi quân đội phát xít Đức tiến vào cửa ngõ Matxcơva thì sáng ngày 7-11-1941, nhân kỷ niệm 24 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, một cuộc duyệt binh huyền thoại đã diễn ra. Hàng trăm đơn vị hồng quân, hàng vạn dân quân Matxcơva duyệt qua lễ đài trước lăng Lê-nin rồi tiến thẳng ra mặt trận. Trong đoàn quân hôm đó có cả những chiến sỹ Việt Nam ở Trung đoàn Quốc tế. 
 
Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc diễn ra trong 1.418 ngày đêm và khi lá cờ chiến thắng được treo trên tòa nhà Quốc hội Đức, Quảng trường Đỏ lại chứng kiến cuộc duyệt binh của những đoàn quân thắng trận trở về. Ngày 24-6-1945, bốn vạn chiến sỹ Hồng quân với 1.850 phương tiện quân sự đại diện cho 11 phương diện quân tiến vào quảng trường. Dẫn đầu đoàn quân là lá cờ chiến thắng đã từng tung bay trên nóc nhà Quốc hội Đức và tiếp đó là 200 chiến sỹ Hồng quân mang theo 200 lá cờ của các đội quân phát xít Đức chúc mũi xuống con đường trên quảng trường rồi được ném xuống chất đống trước lăng Lê-nin.
 
Năm 2001, Tổng thống Putin ra sắc lệnh về Ngày chiến thắng 9-5 là ngày lễ thường niên, Quảng trường Đỏ như sống lại những ngày lịch sử hào hùng của nước Nga vĩ đại.
Nếu xem Điện Krelim-Quảng trường Đỏ là "trái tim" của Matxcơva thì hệ thống giao thông là những mạch máu lưu thông bảo đảm cho thủ đô nước Nga nhịp sống sôi động. 
 
Hệ thống giao thông Matxcơva rất đa dạng nhưng người ta nói đến nhiều nhất là phương tiên tàu điện ngầm (metro), niềm tự hào của thành phố. Metro của thành phố được đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào năm 1935 với 1 tuyến dài 11km có 13 nhà ga. Đến nay, hệ thống này có 12 tuyến, dài 333,5km với 200 nhà ga. Hàng ngày, phương tiện này chuyên chở 9 triệu lượt hành khách đi khắp thủ đô. 
 
Xéc-gây là người con của thành phố, anh thông thạo luồng tuyến metro đến từng ngõ ngách. Xuống ga ở quảng trường trung tâm, chỉ trong thời gian ngắn, Xec-gây cho đổi tàu liên tục để cho chúng tôi được tham quan nhiều ga, mỗi ga là một cung điện ngầm dưới lòng đất. 
 
Ga Mayakokaya (tên nhà thơ Maiacopxki) được ốp đá cẩm thạch, trên trần là những bức tranh khảm đá rực rỡ; ga Komsomonskaya (Đoàn Thanh niên Cộng sản) giống như phòng khiêu vũ trên mái vòm là những bức tranh mạ vàng và những đèn pha lê long lanh; ga Ploshchad Revolyuti (Quảng trường Cách mạng) như một bảo tàng mỹ thuật với 76 tác phẩm điêu khắc bằng đồng, trong số đó có những bức tượng được cho là may mắn nên người ta sờ vào đến nhẵn bóng…
 
Không thể đi hết Matxcơva trong một vài ngày ngắn ngủi nhưng từ những dòng người bất tận dưới lòng đất, tôi như nghe thấy nhịp đập trái tim của nước Nga vĩ đại.
 
 Phan Viết Dũng
 
Bài 2. Ký ức và nỗi buồn