Miệt mài theo nghiệp dân ca

  • 08:09 | Chủ Nhật, 24/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Không chỉ sở hữu chất giọng truyền cảm, ngọt ngào khi thể hiện các làn điệu hò khoan Lệ Thủy, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Điệp (xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy) còn có biệt tài về sử dụng nhạc cụ dân tộc. Ông nổi tiếng là “tay” đàn nguyệt điêu luyện, sử dụng thành thạo đàn mandolin. Ông còn biết chơi đàn tam thập lục, trống dân tộc, ghi ta… và một số loại nhạc cụ dân tộc khác.
 
“Con nhà nòi”
 
Nhắc đến nghệ nhân Nguyễn Hữu Điệp, nhiều người dân Lệ Thủy nói ông là “con nhà nòi” về hò khoan Lệ Thủy.
 
Bố ông, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sào (101 tuổi) từng là nghệ nhân hò khoan nổi tiếng của huyện Lệ Thủy. Gần trọn cả cuộc đời gắn bó với câu hò xứ sở, cụ Nguyễn Hữu Sào đã truyền cho các con tình yêu dân ca mãnh liệt. Ngay cả những lúc ốm nằm trên giường bệnh, chỉ cần nghe lại điệu hò khoan, cụ như được tiếp thêm sức mạnh để rồi say sưa thả hồn theo từng giai điệu. Từng câu hò như thể đưa cụ trở về với những ngày tháng cùng bạn bè, người thân quây quần bên nhau cất cao giọng hát trong các cuộc liên hoan, bầu bạn, những buổi sum họp gia đình.
 
Giống như cụ ông, cụ bà (mẹ nghệ nhân Nguyễn Hữu Điệp) cũng sở hữu giọng hò rất đặc biệt và dành trọn tình yêu đối với loại hình văn nghệ dân gian này.
 
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Điệp còn có người cô ruột và chị gái Nguyễn Thị Sương cũng là nghệ nhân hò khoan, là thành viên chủ chốt trong các đội văn nghệ làng, xã.
 
Ông còn có cô em gái là nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lý, một trong những gương mặt xuất sắc nhất trong việc trình diễn, bảo tồn, truyền dạy hò khoan Lệ Thủy. Bà đã gặt hái rất nhiều giải thưởng quan trọng tại các liên hoan nghệ thuật quần chúng, các hội diễn đàn, hát dân ca cấp tỉnh, khu vực.
 Với tài năng sẵn có, nghệ nhân Nguyễn Hữu Điệp là gương mặt quan trọng các các hội diễn đàn hát dân ca do huyện, tỉnh tổ chức.
Với tài năng sẵn có, nghệ nhân Nguyễn Hữu Điệp là gương mặt quan trọng các các hội diễn đàn hát dân ca do huyện, tỉnh tổ chức.
Tuổi thơ của nghệ nhân Nguyễn Hữu Điệp thấm đẫm câu hò khoan của ông bà, cha, mẹ. Khi còn là một cậu bé, ông thường theo cha, mẹ đi biểu diễn, tập luyện các chương trình văn nghệ và rồi từng câu hò, điệu hát, những thanh âm của đàn bầu, đàn nguyệt đã cuốn hút ông, nhen nhóm trong ông ngọn lửa tình yêu dành cho dân ca xứ Lệ.
 
Thừa hưởng tài năng âm nhạc từ chính người cha của mình, ngay từ nhỏ, Nguyễn Hữu Điệp đã luôn mong ước được tạo ra những âm thanh trầm bổng từ các cây đàn mà những bậc cha, chú thường sử dụng. Và rồi ông đã hiện thực hóa ước mơ, trở thành nghệ nhân nhạc cụ dân tộc, mang tiếng đàn, lời ca đi khắp nơi biểu diễn để phục vụ công chúng yêu dân ca.
 
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Điệp tâm sự, nhạc cụ đầu tiên mà ông được học là đàn mandolin. Ông đã mang tiếng đàn của mình đến nhiều hội diễn văn nghệ quần chúng và trong một lần biểu diễn, ông được tặng một cây đàn nguyệt nên quyết tâm học cho bằng được bộ môn này. Ông tìm đến cụ Châu Đình Khóa, nghệ nhân nhạc cụ dân tộc nổi tiếng ở huyện Lệ Thủy để nghe cụ đàn rồi nhờ cụ chỉ cho ít “chiêu” và về nhà mày mò tự học.
 
Từ tài năng sẵn có cùng niềm đam mê, ông đã trở thành nghệ nhân đàn nguyệt nổi tiếng với ngón đàn điêu luyện, góp phần tạo nên sự thành công của nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng hay các liên hoan đàn, hát dân ca của huyện, tỉnh và các ngành tổ chức.
 
Không chỉ thành công với đàn nguyệt, đàn mandolin, Nguyễn Hữu Điệp còn thử sức với đàn tam thập lục, ghi ta, thổi sáo, đánh trống bản… và dường như loại nhạc cụ nào cũng có sức hấp dẫn ông đến lạ. Nguyễn Hữu Điệp còn có biệt tài thổi sáo, gồm cả sáo trúc (có dụng cụ là cây sáo làm bằng bằng trúc) và sáo miệng (không có dụng cụ). Nếu không nhìn ông biểu diễn, người nghe không biệt được âm thanh nào được phát ra từ sáo trúc hay sáo miệng. Hỏi ông về bí quyết để có thể học được các loại nhạc cụ dân tộc, ông cho rằng: “Có lẽ do tôi quá đam mê. Tôi học bằng tai và bằng cả trái tim”.
 
Trăn trở truyền nghề
 
Ở tuổi 67, nghệ nhân Nguyễn Hữu Điệp luôn canh cánh trong lòng vì muốn được truyền dạy nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ nhưng lớp người theo học lại rất thưa thớt. Ông trải lòng: Với mỗi nghệ nhân, việc biểu diễn và truyền dạy hò khoan hay nhạc cụ dân tộc không chỉ là tình yêu mà còn là trách nhiệm đối với việc gìn giữ, trao truyền vốn quý của văn hóa dân tộc. Ông vui khi hò khoan đã được đưa vào trường học, nhiều học sinh thể hiện rất tốt các làn điệu và chính các cháu sẽ là những người tiếp nối thế đi hệ trước gìn giữ, phát huy di sản của quê hương, dân tộc. Điều làm ông trăn trở là rất ít người trẻ mặn mà với nhạc cụ dân tộc. Không ít học trò của ông phải bỏ cuộc giữa chừng vì rất nhiều nguyên nhân như không đủ thời gian, vì cuộc sống mưu sinh…, nhưng theo ông nguyên nhân chính vẫn là do họ chưa đủ đam mê.
 
Ngoài công việc thường ngày là chăn nuôi, thú y mà ông cho rằng đó là nghề kiếm cơm để nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật, nghệ nhân Nguyễn Hữu Điệp luôn có mặt trong các hội diễn do huyện, tỉnh, khu vực… tổ chức. Ông cùng các nghệ nhân trong Câu lạc bộ nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy còn được sang Thái Lan để biểu diễn hò khoan Lệ Thủy cho cộng đồng người Việt và nhận được rất nhiều tình cảm yêu mến của bà con người Việt trên đất bạn.
 
Được tiếp thu những giá trị của văn hóa dân tộc ngay từ khi sinh ra, sống giữa tình làng nghĩa xóm với những thuần phong mỹ tục từ thế hệ cha ông để lại, nghệ nhân Nguyễn Hữu Điệp cùng những người nặng lòng với văn hóa truyền thống luôn muốn được trao truyền những tinh hoa văn hóa mà mình đang nắm giữ. Những điệu hò của quê hương, những thanh âm độc đáo của nhạc cụ dân tộc là một phần cuộc sống của bao thế hệ người dân Lệ Thủy. Họ đã nương níu vào điệu hò quê hương, gửi trọn vào đó niềm vui, nỗi buồn và vì thế, họ luôn nỗ lực gìn giữ, truyền dạy để những nét đẹp “có một không hai” của quê hương Lệ Thủy mãi được lan tỏa theo thời gian.
                                                                                      Nhật Văn