Thực hiện các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới:

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc

  • 08:50 | Thứ Hai, 07/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), bức tranh nông thôn Quảng Bình đã có nhiều khởi sắc. Ngoài các nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế-xã hội, Quảng Bình đặc biệt chú trọng đến các tiêu chí văn hóa, qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
 
Lấy tiêu chí văn hóa làm trọng tâm
 
Theo Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT), sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đặc biệt là 2 tiêu chí về văn hóa (tiêu chí 6 và tiêu chí 16), đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ở các vùng nông thôn trong tỉnh đã được nâng lên rõ rệt, rút ngắn khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa nông thôn và thành thị.
 
Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã có 1.161 nhà văn hóa-khu thể thao/1.218 thôn, bản, tổ dân phố; có 197.017/236.255 hộ được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 83,4%; 918/1.218 thôn, bản, tổ dân phố được công nhận thôn, bản, tổ dân phố văn hoá, đạt 75,4%. Hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân.
 
Trong 19 tiêu chí về xây dựng NTM chỉ có hai tiêu chí về văn hóa nhưng các tiêu chí này gần như bao hàm hết các tiêu chí còn lại. Bởi xét đến cùng, các tiêu chí xây dựng NTM muốn đạt được kết quả bền vững đều bắt nguồn từ ý thức và sự tự giác của người dân, đó chính là nếp sống văn hóa. Nhận thức rõ điều này, trong những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đều đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng 2 tiêu chí về văn hóa, lấy 2 tiêu chí này làm trọng tâm trong việc thực hiện thành công và bền vững các tiêu chí quan trọng khác.
 
Sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Bố Trạch đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, Bố Trạch đã có 14/28 xã về đích NTM. Bố Trạch đặc biệt chú trọng đến 2 tiêu chí về văn hóa, lấy 2 tiêu chí này làm trọng tâm để phát huy vai trò chủ thể của người dân trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Hiện nay, Bố Trạch đã có 26/28 xã đạt tiêu chí số 6 và 16/28 xã đạt tiêu chí số 16.
 
Từ năm 2017 đến nay, UBND huyện Bố Trạch đã ban hành chính sách hỗ trợ các địa phương xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa thôn với mức hỗ trợ từ 15 đến 30 triệu đồng (tùy theo sửa chữa hay xây mới); tính đến tháng 9-2019, Bố Trạch đã hỗ trợ với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Đến nay, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bố Trạch đều có sân bóng đá, đặc biệt có nhiều xã, như: Vạn Trạch, Sơn Lộc, Đại Trạch, Tây Trạch…, đã dành đất để xây dựng mỗi thôn 1 sân bóng đá; 271/271 thôn, bản, tổ dân phố có sân bóng chuyền; 246 thôn có nhà văn hóa được trang bị đầy đủ hệ thống âm thanh, ánh sáng, bàn ghế, tủ sách báo…
 Thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư khang trang góp phần đẩy mạnh hoạt động văn hóa, thể thao trong các tầng lớp nhân dân.
Thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư khang trang góp phần đẩy mạnh hoạt động văn hóa, thể thao trong các tầng lớp nhân dân.
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch chia sẻ thêm: “Thành công trong thực hiện 2 tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM ở Bố Trạch đã tạo được những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Từ đó, việc huy động các nguồn lực xã hội hóa từ cộng đồng để xây dựng NTM ở Bố Trạch cũng trở nên dễ dàng hơn. Ở nhiều địa phương, người dân đã chung tay đóng góp cùng với Nhà nước để xây dựng được các cơ sở văn hóa, thể thao trị giá hàng tỷ đồng, hoạt động rất hiệu quả, như: Hải Trạch, Thanh Trạch, Nhân Trạch, Hoàn Lão…”
 
Bảo tồn các giá trị di sản văn hóa
 
Mục tiêu xuyên suốt của Chương trình MTQG xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Cùng với đó là phải giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trong quá trình xây dựng NTM. Thực hiện tốt 2 tiêu chí về văn hóa trong bộ tiêu chí xây dựng NTM đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.
 
Ngày 27-8-2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 2 di sản của Quảng Bình là lễ hội đập trống của người Ma Coong xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch và lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy.
 
Trước đó, lễ hội cầu ngư và hò khoan Lệ Thủy cũng đã nhận được vinh dự này. Như vậy, tính đến thời điểm này, Quảng Bình sở hữu 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại (bài chòi Trung bộ) và 1 di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (ca trù). Đây là một kết quả đáng khích lệ của chính quyền và nhân dân Quảng Bình trong suốt thời gian qua, trong đó việc thực hiện tốt 2 tiêu chí về văn hóa trong xây dựng NTM đã góp phần không nhỏ.
 Lễ hội cầu ngư được các địa phương vùng biển trong tỉnh bảo tồn và phát huy giá trị.
Lễ hội cầu ngư được các địa phương vùng biển trong tỉnh bảo tồn và phát huy giá trị.
Theo đánh giá của Sở VH-TT, trong quá trình thực hiện 2 tiêu chí về văn hóa trong xây dựng NTM, các địa phương trong tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Việc phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đã tạo điều kiện để người dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động văn hoá thể thao và sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy các loại hình văn nghệ dân gian truyền thống. 
 
Tiêu biểu như ở huyện Bố Trạch đã trích ngân sách để hỗ trợ khôi phục các câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật truyền thống đã bị mai một với mức hỗ trợ ban đầu 60 triệu đồng/CLB và kinh phí hoạt động thường xuyên 10 triệu/CLB/năm. Thời gian qua, huyện đã khôi phục được 4 CLB nghệ thuật truyền thống, từ đó, bảo tồn và phát triển các di sản văn hoá của quê hương đã bị mai một. Đặc biệt, với lễ hội đập trống của người Ma Coong xã Thượng Trạch, năm nào, huyện Bố Trạch cũng cấp kinh phí, cử lãnh đạo huyện tham gia với đồng bào, nhờ vậy, lễ hội này đã được bảo tồn gần như nguyên vẹn và ngày càng phát huy được giá trị trong phát triển du lịch.
 
Tương tự, huyện Lệ Thủy đã huy động nhiều nguồn lực, trong đó phần nhiều từ nguồn xã hội hóa, để hàng năm duy trì và phát triển lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang. Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng hỗ trợ hoạt động các CLB hò khoan Lệ Thủy. Đặc biệt, những năm qua, huyện Lệ Thủy đã rất thành công trong việc đưa hò khoan vào trường học. Đây được xem là cách thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản rất hiệu quả khi trao truyền cho thế hệ trẻ ngay trong môi trường giáo dục…
Phan Phương