Về Pháp Kệ nghe hát Kiều

  • 07:30 | Thứ Ba, 27/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Làng Pháp Kệ, xã Quảng Phương (huyện Quảng Trạch) không chỉ nổi tiếng là nơi lưu giữ 4 giếng cổ hình vuông do người Chăm để lại, mà còn bởi phong trào văn hóa-văn nghệ phát triển, trong đó có hát Kiều, một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo tồn tại gần 300 năm nay.
 
Trước đây, hát Kiều làng Pháp Kệ phát triển rất mạnh, là một phần không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt văn hóa, lao động, sản xuất của người dân địa phương. Người làng Pháp Kệ hát Kiều, diễn trò Kiều lúc đi làm đồng, khi ngồi khâu nón, dệt vải, đan rổ rá...
 
Mọi niềm vui, nỗi buồn, tâm tư, tình cảm đều có thể được biểu hiện thông qua những câu Kiều. Không chỉ các cụ ông, cụ bà mà nam thanh, nữ tú ở trong vùng lớn lên đều thuộc lòng mấy câu Kiều, ra đường họ còn vận dụng để thay cho cách nói chuyện, chào hỏi thông thường, thành ra cả làng đâu đâu cũng rộn rã hát Kiều.
Một buổi biểu diễn của các nghệ nhân CLB hát Kiều làng Pháp Kệ.
Một buổi biểu diễn của các nghệ nhân CLB hát Kiều làng Pháp Kệ.
Theo thời gian, hát Kiều làng Pháp Kệ ngày càng mai một, người biết hát Kiều ngày nay chỉ còn là các cụ ông, cụ bà. Trước tình hình đó, ông Trần Xuân Thủ, một người yêu hát Kiều đã tham mưu, vận động thành lập câu lạc bộ (CLB) và năm 2010, CLB hát Kiều làng Pháp Kệ ra đời. Ban đầu, CLB chỉ có trên dưới 10 người có năng khiếu văn nghệ, yêu hát Kiều, nhưng hoạt động khá đều đặn, mang lại niềm vui cho người dân trong làng.
 
Vào những ngày lễ, Tết, CLB lại rộn ràng tập luyện để phục vụ bà con. Những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” đã góp phần mang lại nguồn vui, niềm hạnh phúc cho nhiều người. Không chỉ biểu diễn trong làng, trong xã, CLB còn tích cực tham gia giao lưu, học hỏi với các câu lạc bộ ở nhiều địa phương khác.
 
Giới thiệu cho chúng tôi về hát Kiều, ông Trần Xuân Thủ cho hay, hát Kiều là một loại hình nghệ thuật được chuyển tác từ Truyện Kiều, bao gồm hát, diễn xuất và làm trò, trong hát trò lại có những làn điệu nam ai, nam bằng, nam khách, nam thương, hát xướng, hát ca trù, hát bội, xẩm xoan, tuồng, chèo, hài hước… Tuy hát Kiều được kết hợp từ nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau nhưng nội dung cốt lõi xoay quanh Truyện Kiều, với các vai diễn hóa thân như: Kim Trọng, Từ Hải, Hoạn Thư, Thúy Kiều, Thúy Vân, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hồ Tôn Hiến…
 
Hiện, kịch bản của CLB gần 100 trang viết tay, kết cấu gồm 5 phần, 76 cảnh và 31 làn điệu. Trong các điệu cổ như: nói lối, xá, xướng, ngâm, còn có điệu “la chớ” rất khó diễn xuất. CLB hiện có 20 thành viên, độ tuổi từ 40-82, cùng một số em học sinh từ 12-15 tuổi, đã luyện tập thành công 21 vai diễn và biểu diễn thuần thục hầu hết 76 cảnh của kịch bản, dựa theo tác phẩm Truyện Kiều nhằm phục vụ nhân dân địa phương và tham gia các liên hoan cấp huyện, cấp tỉnh.
 
Với việc thành lập CLB, hát Kiều làng Pháp Kệ như được hồi sinh, tạo nền tảng cho việc gìn giữ không gian văn hóa truyền thống làng. Tuy nhiên, các ông, các bà trong CLB hát Kiều vẫn luôn đau đáu một nỗi lo, bởi mai đây, khi các ông, các bà qua đời thì liệu hát Kiều làng Pháp Kệ còn giữ được hay không, bởi việc truyền dạy hát Kiều hiện rất khó khăn do lớp trẻ không say mê hát Kiều như thế hệ ông cha.
 
Bên cạnh đó, thiếu kinh phí cũng là một khó khăn lớn đối CLB. Vì vậy, CLB hát Kiều làng Pháp Kệ mong muốn có được sự quan tâm của các cấp, các ngành để hát Kiều làng Pháp Kệ không bị mai một với thời gian.
 
Phạm Hà